7 lợi ích sức khỏe của việc không ăn thịt và 6 loại protein thay thế từ thực vật

4.4
(14)

Từ thực đơn cho đến chợ, thực phẩm thuần chay đã trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng ẩm thực. Các sản phẩm thay thế thịt, trứng và sữa có nguồn gốc từ thực vật đang đẩy các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật ra khỏi kệ hàng của các cửa hàng tạp hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Phần lớn sự tăng trưởng gần đây có liên quan đến đại dịch COVID-19 khi những người bị mắc kẹt ở nhà tìm cách ăn uống lành mạnh hơn. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, cứ 10 người mua sắm thì có khoảng 3 người cho biết mức tiêu thụ protein từ thực vật tăng lên do COVID và 89% nói rằng những mức tăng đó sẽ là vĩnh viễn,” báo cáo của Supermarket Perimeter.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ Nutrition Prevention & Health năm 2021 đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nguồn gốc thực vật có thể làm giảm 73% mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Tất nhiên việc ăn ít thịt còn có nhiều lợi ích khác.

VegNews.PlantBased.Canva | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Bạn cần bao nhiêu protein mỗi ngày?

Protein rất cần thiết để hỗ trợ sức khỏe và thể chất, và lượng protein bạn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ hoạt động và khối lượng cơ bắp.

Lượng đạm được khuyến nghị trong chế độ ăn uống là 0,8 gam trên mỗi kilôgam (2,2 pound) trọng lượng cơ thể. Bạn có thể tính toán nhu cầu protein của mình bằng cách chia cân nặng tính bằng pound cho 20 rồi nhân số đó với 7. 

Tuy nhiên, theo Trường Y Harvard, hầu hết người trưởng thành hấp thụ quá nhiều protein, khoảng 16% lượng calo hàng ngày của họ, mặc dù một người trưởng thành tương đối năng động chỉ cần 10%.

Các nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng protein thực vật tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với protein động vật, cho tỷ lệ tử vong thấp hơn.

PLNAT BASED PROTEIN | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Lợi ích sức khỏe của việc không ăn thịt

Thịt đỏ và thịt chế biến không chỉ được coi là không tốt cho sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tử vong sớm. Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây tại Đại học Oxford cho thấy: việc tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến, gà và gà tây có liên quan đến nguy cơ mắc 9 bệnh không ung thư khác nhau, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và viêm phổi.

Mặc dù các khuyến nghị ăn ít thịt thường được thúc đẩy bởi vai trò của nông nghiệp chăn nuôi đối với biến đổi khí hậu, nhưng rõ ràng việc ăn uống nguồn gốc thực vật cũng mang lại những lợi ích tốt nhất cho cơ thể bạn.

Việc tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến, gà và gà tây có liên quan đến nguy cơ mắc 9 bệnh không ung thư khác nhau, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và viêm phổi

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Lợi ích sức khỏe của chế độ ăn nguồn gốc thực vật

Các nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn uống không chỉ tốt hơn cho động vật và hành tinh mà còn cho sức khỏe của chính bạn. Việc chuyển từ ăn thịt sang chế độ ăn chủ yếu hoặc hoàn toàn có nguồn gốc thực vật có thể giúp ích cho cơ thể theo nhiều cách.

Một trái tim khỏe mạnh

Theo Ủy ban trách nhiệm y khoa Hoa Kỳ, chế độ ăn nguồn gốc thực vật tốt cho trái tim của bạn. Chế độ ăn chay – loại trừ thịt và chế độ ăn thuần chay – loại trừ tất cả các sản phẩm động vật, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Có thể giúp phòng chống một số bệnh ung thư

Tiêu thụ thịt và thực phẩm từ sữa có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư. Mặt khác, thực vật tạo ra nhiều chất phytochemical (hóa chất thực vật) được xem là có khả năng bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Do đó, ăn chế độ ăn nguồn gốc thực vật có thể bảo vệ đáng kể khỏi bệnh ung thư. 

Một nghiên cứu khác gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho thấy, những người ăn chay có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 14% so với những người ăn thịt. Và nếu bạn đang nghĩ rằng những người ăn thuần chay có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp nhất trong tất cả chế độ ăn kiêng, bạn đã đúng!

Giảm huyết áp

Một đánh giá gần đây về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và tăng huyết áp cho thấy, so với những người ăn thịt, chế độ ăn chay làm giảm huyết áp tâm thu trung bình 2,66 mmHg và huyết áp tâm trương 1,69 mmHg. 

Những người ăn theo chế độ thuần chay thậm chí còn giảm nhiều hơn 3,12 mmHg huyết áp tâm thu và 1,92 mmHg huyết áp tâm trương. (Điều thú vị là các đối tượng ăn chế độ ăn Lacto-ovo, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và trứng, không cho thấy sự thay đổi nào trong việc giảm huyết áp tâm trương.)

istock 1131121727 0 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Giảm nguy cơ đột quỵ

Theo Harvard Health, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật tốt cho sức khỏe – chẳng hạn như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu – và lượng tiêu thụ thấp hơn các loại thực phẩm như ngũ cốc tinh chế, khoai tây và đường bổ sung có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ tổng thể lên tới 10%.

Cải thiện sức khỏe đường ruột

Các vi sinh vật trong đường tiêu hóa đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Theo dữ liệu gần đây, hàm lượng chất xơ cao có trong chế độ ăn tập trung vào thực phẩm toàn phần nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột của chúng ta (và hãy nhớ rằng, các sản phẩm từ động vật không chứa chất xơ), làm tăng sự phát triển của vi khuẩn có lợi giúp giảm viêm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Chất xơ cũng làm tăng axit béo chuỗi ngắn liên quan đến cải thiện khả năng miễn dịch và chức năng đường ruột tốt hơn. Tất cả những điều này cho thấy rằng những gì bạn ăn góp phần tạo nên sự đa dạng của hệ vi sinh vật khỏe mạnh, và chế độ ăn uống nguồn gốc thực vật một lợi thế nhất định trong việc đảm bảo sức khỏe đường ruột tối ưu.

Cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu và khả năng đáp ứng insulin

Nghiên cứu cho thấy rằng cắt bỏ thịt và áp dụng chế độ ăn lành mạnh nguồn gốc thực vật tốt hơn là dùng thuốc để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2, dạng bệnh phổ biến nhất.

Có thể giúp phòng chống chứng mất trí nhớ

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số chất chống oxy hóa trong thực vật có thể quét sạch các gốc tự do một cách hiệu quả, bảo vệ tế bào, trì hoãn quá trình lão hóa và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lão hóa – bao gồm cả chứng mất trí nhớ. 

Đặc biệt, bệnh Alzheimer, dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi bệnh lý của các tế bào thần kinh phát triển và tồn tại khi chúng ta già đi. Chất chống oxy hóa, chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm thực vật, có thể bảo vệ các thành phần khác nhau của hệ thần kinh và có thể có tác động tích cực đến các biện pháp can thiệp để ngăn ngừa và giảm bớt bệnh Alzheimer.

Intergenerational hands in a comforting embrace | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Nguồn protein thay thế từ thực vật

Mặc dù có một lầm tưởng phổ biến rằng protein từ thực vật rất khó tìm, nhưng trên thực tế có rất nhiều nguồn thuần chay tuyệt vời. Dưới đây chỉ là một số ít thực phẩm có chứa lượng protein cao trong mỗi khẩu phần.

Mì căn

Được làm từ gluten lúa mì, mì căn sẵn sàng hấp thụ bất kỳ hương vị nào được thêm vào nó, đó là một lý do khiến nó được sử dụng làm thịt giả. Một khẩu phần 3 ounce thường chứa 15–21 gam protein.

Đậu phụ

Đậu phụ rất linh hoạt, được sử dụng trong mọi món từ món xào đến sinh tố. Nửa cốc đậu phụ sống, đậu phụ thường chứa khoảng 10 gam protein.

Đậu lăng

Đậu lăng là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe lâu đời nhất trên thế giới. Thêm nửa cốc đậu lăng nấu chín vào súp, cà ri hoặc salad sẽ bổ sung khoảng 12 gam protein cho bữa ăn của bạn.

Các loại đậu

Chỉ nửa cốc bất kỳ loại đậu nào cũng cung cấp 6 đến 9 gam protein, cùng với đó là 6 đến 8 gam chất xơ giúp bạn no lâu.

Đậu gà

Đậu gà là một loại thực phẩm đa năng khác có hàm lượng protein cao, chứa khoảng 7,5 gam mỗi nửa cốc.

Diêm mạch

Một cốc loại ngũ cốc cổ xưa này chứa khoảng 8 gam protein và tất cả các axit amin thiết yếu, được xếp vào loại protein hoàn chỉnh.


Bài viết được dịch từ vegnews.com 

Dịch giả Trinh Lê 

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 4.4 / 5. Số phiếu bầu: 14

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.