Trong thế giới dinh dưỡng, không có cuộc tranh luận nào gay gắt và khốc liệt như cuộc tranh luận giữa người ăn mặn và người ăn chay. Trong tiêu điểm hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem liệu con người có được “tạo ra” để ăn chay hay không?
Một số người chọn ăn chay vì lý do sức khỏe, trong khi những người khác làm vậy vì lý do đạo đức. Ở phía bên kia bán cầu, một số người ăn thịt không suy nghĩ nhiều về việc họ có nên ăn thịt hay không, trong khi những người khác sẽ đấu tranh cho quyền ăn thịt của họ cho đến hết thời gian.
Lựa chọn thực phẩm ăn uống có thể thôi thúc niềm đam mê mạnh liệt đến không ngờ. Thức ăn là vấn đề sống còn và sâu thẳm trong bản năng nguyên thủy này, nó mách bảo chúng ta phải bảo vệ nguồn cung cấp thức ăn của mình bằng mọi giá.
Ngày nay, ta hiếm khi quan tâm đến đạo đức của ngành công nghiệp thịt; không phải là nó không quan trọng, mà do chúng ta chú tâm hơn đến các khía cạnh sinh học của nó. Tương tự, chúng ta thường tránh tranh luận về hậu quả môi trường chăn nuôi thịt, mà sẽ nhường nó cho người khác.
Vấn đề này sẽ được trình bày trong hai phân đoạn. Đầu tiên, chúng ta tự hỏi rằng liệu con người có được “tạo ra” để ăn thịt và chúng ta đã tiến hóa để ăn thịt hay chưa. Sau đó, sẽ đưa ra giải pháp thay thế lành mạnh nhất có thể.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Vậy, Chúng Ta Có Phải Là Động Vật Ăn Thịt Hay Không?
Đây là câu hỏi đầu tiên cần trả lời và nó nghe có vẻ đơn giản. Chúng ta không giống động vật ăn thịt; do răng của chúng ta không thể xé thịt và ruột thì lại quá dài. Vậy là động vật ăn cỏ phải không? Cũng không, ruột của chúng ta không đủ dài và răng cũng vậy.
Có vẻ chúng ta là động vật ăn tạp, cơ thể con người có thể xử lý khá tốt cả thịt và thực vật. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn đơn giản. Chỉ nhìn vào răng và ruột của một con vật thì không có cách nào chắc chắn để phân biệt chế độ ăn uống của chúng. Lấy ví dụ điển hình đó là gấu trúc, loài vật với hàm răng nanh sát thủ mà thức ăn của chúng chỉ toàn là tre và trúc.
Nói như vậy, đúng là phần lớn các sinh vật đều có hệ tiêu hóa thích nghi với chế độ ăn uống mà chúng tiêu thụ. Ví dụ, sư tử có dạ dày khổng lồ với thành nhẵn, có khả năng chứa một lượng lớn con mồi. Trong khi đó, đường ruột của nhiều loài động vật ăn cỏ lại sở hữu hệ vi sinh có khả năng nghiền nát các mảnh cứng của thực vật, cho phép chúng được tiêu hóa dễ dàng hơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Con người thích tự cho mình là loài duy nhất, và theo nhiều khía cạnh, bạn vẫn có thể lập luận rằng chúng ta thực sự là như vậy. Nhưng khi nói đến các cơ quan nội tạng bên trong, chúng ta cũng chỉ ở mức trung bình mà thôi.
Đáng tiếc là, dạ dày của con người gần giống với dạ dày của những tổ tiên gần gũi nhất với chúng ta, đó là loài khỉ và vượn. Theo đó, nếu muốn chung sống hài hòa với cấu trúc này dạ dày, thì chế độ ăn uống ít nhất cũng phải giống với những người anh em họ hàng của chúng ta.
Chế độ ăn uống của đại đa số khỉ và vượn gồm có các loại hạt, trái cây, lá cây, côn trùng và thỉnh thoảng ăn chút thịt. Bạn có thể đã xem qua những thước phim khá sốc về cảnh quay những con tinh tinh trưởng thành giết và ăn thịt những con con, nhưng đó là một điều tương đối hiếm so với số lượng thức ăn không phải thịt mà chúng tiêu thụ.
Từ những quan sát này có thể kết luận rằng, về mặt tiến hóa mà nói chúng ta không nhất thiết phải tiến hóa để trở thành những người ăn chay, chỉ thỉnh thoảng ăn một lượng nhỏ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thịt và Sự Tiến Hóa Của Loài Người
Theo một số nhà sinh học tiến hóa, ăn thịt đã giúp con người có một khởi đầu quan trọng. Thịt rất giàu năng lượng và protein, nó có thể đã hỗ trợ sự phát triển và duy trì bộ não to lớn của chúng ta.
Giả thuyết mô đắt tiền cho thấy rằng để có một bộ não lớn hơn, năng lượng trao đổi chất phải được bảo tồn ở những nơi khác. Để làm được điều này, ruột của chúng ta đã được rút ngắn lại.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến một vấn đề khác, đó là có ruột ngắn hơn thì cơ thể cần phải đòi hỏi một chế độ ăn uống có chất lượng cao hơn để hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Lúc này, thời điểm của chế độ ăn thịt đã đến. Đáng chú ý, lý thuyết này không được ủng hộ rộng rãi.
Một số học giả tin rằng, quá trình săn bắn động vật có liên quan đến dáng đi hai chân của chúng ta, đồng thời việc tổ chức và thực hiện thành công một cuộc đi săn có thể đã góp phần vào sự phát triển của ngôn ngữ, giao tiếp và xã hội phức tạp.
Tuy nhiên, thực tế là một điều gì đó đã từng được thực hiện trong nhiều thiên niên kỷ không bắt buộc chúng ta phải tiếp tục đi theo con đường cũ.
Ở xã hội ngày nay, có nhiều loại thực phẩm để lựa chọn trong bữa ăn hơn so với trước kia. Chẳng hạn, tổ tiên của chúng ta không được tiếp cận với đậu phụ, một người sống ở vùng khí hậu lạnh hơn sẽ phải vật lộn để có được hạt điều trong quá trình kiếm ăn hằng ngày của mình.
Liệu sự tiến hóa của con người có thể giúp giải quyết cuộc tranh luận?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Khi Đã Thích Nghi, Chúng Ta Vẫn Có Thể Quay Lại
Sự tiến hóa là vô tận và sự thích nghi vẫn tiếp tục. Loài vật không uống sữa sau khi cai sữa. Nếu vẫn uống, nó sẽ bị bệnh. Lactase – một loại enzyme mà động vật có vú cần để phân hủy lactose trong sữa, nó sẽ không được tạo ra khi con vật trưởng thành. Nhưng hiện nay, toàn bộ quần thể người vẫn tiếp tục sản xuất lactase sau khi họ ngừng uống sữa mẹ (được gọi là sự tồn tại lactase).
Vào một thời điểm nào đó, một nhóm người đã khởi xướng sự thay đổi này và do nó giúp họ tiếp cận với nhiều calo hơn và các lợi ích dinh dưỡng khác, họ sống lâu hơn những người không thể uống sữa bò (hoặc dê) khác. Chúng ta đã phát triển để sử dụng nguồn năng lượng giàu protein, vitamin và khoáng chất. Do đó, uống sữa có còn tự nhiên hay không? Nếu không, vậy điều này ngụ ý là ta không nên uống nó nữa sao?
Cơ thể chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn tiến hóa, bắt đầu bằng việc chuyển sang ăn thịt từ hàng triệu năm trước, cho đến thay đổi hệ vi sinh vật khi làm quen với lúa mì, lúa mạch và các loại cây trồng khác. Chúng ta hiện đang là một mớ hỗn độn của những bù đắp và bổ sung đã giúp loài người tồn tại trong suốt những năm qua.
Nếu nói rằng ta muốn ăn như tổ tiên của mình, có phải điều này đang ám chỉ trực nhân Homo erectus, người Neanderthal (người có thể đã ăn nhiều thực vật hơn những gì ta tưởng), Australopithecus (sống cách đây khoảng 4 triệu năm trước trên trái đất), những loài linh trưởng sớm nhất (khoảng 50 – 55 triệu năm trước), hoặc một giống loài nào đó ở giữa?
Dựa trên những điều lan man vừa rồi, có vẻ như rõ ràng là ta chỉ nên ăn thịt nếu chúng có lợi cho sức khỏe ngay lúc này. Còn việc nó ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta như thế nào, đó mới là câu hỏi quan trọng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sức Khỏe và Bệnh Tật Khi Ăn Thịt
Ăn thịt có tự nhiên hay không cũng không có gì khác biệt. Thực tế không ai nghĩ rằng chúng ta nên thiết kế lại chế độ ăn uống của tổ tiên chúng ta, đơn giản là vì họ đã sống từ rất lâu rồi.
Về mặt y học, chúng ta chỉ nên ăn thịt nếu nó thực sự có lợi cho sức khỏe. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn chay và những rủi ro sức khỏe liên quan đến thói quen ăn quá nhiều bánh mì kẹp thịt.
Một phân tích tổng hợp quy mô lớn năm 2016 cho thấy: “Khả năng bảo vệ vượt trội của chế độ ăn chay đối với tỷ lệ mắc và / hoặc tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ (25%) và tỷ lệ mắc bệnh ung thư tổng thể (8%). Chế độ ăn thuần chay có liên quan đến việc giảm 15% tỷ lệ mắc bệnh ung thư.”
Chế độ ăn chay cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, ung thư (một lần nữa) và hạ huyết áp, nó thậm chí có thể giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì ở trẻ vị thành niên. Ít ra trong trường hợp này, sự thật là như vậy.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Của Việc Ăn Thịt?
Thịt rất giàu protein và vitamin B12, nó cũng là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, vì vậy thật dễ dàng khi thấy việc thêm thịt vào chế độ ăn uống đã giúp tổ tiên chúng ta tồn tại như thế nào.
Tuy nhiên, ngày nay protein dễ tiếp cận hơn nhiều, chẳng hạn như trong các loại hạt và đậu. Vitamin B12 có thể được tìm thấy đầy đủ trong pho mát, trứng, sữa và các mặt hàng thực phẩm được bổ sung nhân tạo; sắt có thể được lấy từ các loại đậu, hạt, rau và ngũ cốc nguyên cám.
Với suy nghĩ này, thay vì hỏi “Có nên ăn thịt không?” thì chúng ta có lẽ nên hỏi “Mức độ an toàn của thịt ra sao?” và “Loại nào là tệ nhất?” Tóm lại, chúng ta có thể chia thịt thành bốn loại, bao gồm thịt trắng, đỏ, đã qua chế biến và cá.
Cá và thịt trắng thường được xem là khá tốt, miễn là chúng không bị chiên ngập dầu hay được gói trong thịt xông khói. Tuy nhiên, với thịt đỏ và thịt đã qua chế biến thì ngược lại.
Có thể bạn quan tâm: Ăn Nhiều Thịt Đỏ Có Thể Làm Tăng 22% Nguy Cơ Tim Mạch
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có liên quan đến ung thư ruột già và bệnh tim mạch. Phần lớn các nhà nghiên cứu kết luận rằng ăn nhiều loại thịt này là một lựa chọn sai lầm. Nhưng bao nhiêu là quá nhiều và mức độ nào là an toàn thì họ vẫn chưa định lượng được.
Tổng biên tập của Harvard Men’s Health Watch, Tiến sĩ William Kormos viết rằng: “Về việc ăn bao nhiêu thịt là an toàn, nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tăng nhẹ ở mức 50 – 100 gram (1.8 – 3.5 oz) thịt đỏ được ăn hàng ngày.”
“Các loại thịt đã qua chế biến (ướp muối, hun khói, hoặc làm sẵn) cũng có nguy cơ cao hơn. Ngược lại, ăn thịt đỏ một hoặc hai lần một tuần dường như không gây ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại nào.”
— Tiến sĩ William Kormos
Vậy, chúng ta có nên ăn chay không? Chà, khi nào chiếc bánh mì kẹp thịt còn thu hút thực khách thì vẫn sẽ chưa có câu trả lời rõ ràng. Con người đã ăn thịt từ rất lâu rồi, nhưng một chế độ ăn uống với lượng thịt tối thiểu sẽ tốt cho sức khỏe hơn rất nhiều. Ngày nay, thịt cũng không còn quan trọng về mặt dinh dưỡng. Thật không may, tôi không thể đưa ra quyết định thay cho bạn.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê