Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng gần đây đã đưa ra một quan điểm nhằm nhấn mạnh những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn chay, khẳng định rằng nó có thể làm giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim, tiểu đường và một số loại ung thư so với chế độ ăn mặn.
Cập nhật quan điểm năm 2009 của mình về chế độ ăn chú trọng thực vật, Học viện khẳng định rằng chế độ ăn chay hoặc thuần chay “được lên kế hoạch tốt” là phù hợp với “tất cả giai đoạn vòng đời” và việc áp dụng chế độ ăn như vậy từ khi còn nhỏ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, nội dung bài báo còn chỉ ra rằng chế độ ăn chú trọng thực vật cũng bền vững và thân thiện hơn về mặt sinh thái so với chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, vì chúng có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 50%.
Phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, Vandana Sheth cho biết: “Ăn chay có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe cá nhân lẫn môi trường.”
Bài báo này hiện đã được xuất bản trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng.
Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết chế độ ăn chay giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế Độ Ăn Chay Sẽ Có Lợi Cho Sức Khỏe Nếu “Được Lên Kế Hoạch Tốt”
Theo một cuộc thăm dò năm 2016 của The Vegetarian Resource Group, hiện có khoảng 3.3% người lớn ở Hoa Kỳ ăn chay hoặc thuần chay. Chế độ ăn chay có nhiều biến thể khác nhau, mặc dù vẫn có quan niệm sai lầm phổ biến rằng người ăn chay chỉ đơn giản là không ăn thịt, cá và gia cầm.
Chúng bao gồm chế độ ăn chay có lacto (không ăn thịt, gia cầm và cá, nhưng được dùng các sản phẩm từ sữa) và chế độ ăn kiêng Pescatarian (không ăn thịt, gia cầm, sữa và trứng, nhưng cá thì được). Chế độ ăn thuần chay không ăn thịt, gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Kiểu ăn kiêng này cũng có thể nói không với cả mật ong.
Một số nghiên cứu đã đề cao những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn kiêng chú trọng thực vật, bao gồm giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường. Ngược lại, cũng có nghiên cứu cho rằng chế độ ăn chay có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Ví dụ, một nghiên cứu được công bố năm 2014 từng cho rằng chế độ ăn chay có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, ung thư và các rối loạn về tâm thần. Những vấn đề sức khỏe này được cho là do sự thiếu hụt những dưỡng chất thiết yếu đến từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Tuy nhiên, Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết: “Một chế độ ăn uống chú trọng thực vật “có kế hoạch tốt” – bao gồm nhiều loại rau củ, trái cây, quả hạch, ngũ cốc nguyên cám, cũng như các loại đậu và hạt – có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn Chay Giúp Giảm 62% Nguy Cơ Mắc Bệnh Tiểu Đường
Đối với bài báo được viết bởi chuyên gia dinh dưỡng Susan Levin và cộng sự thuộc Viện Hàn lâm dinh dưỡng và ăn kiêng Mỹ (AND), Học viện đã phân tích một số nghiên cứu về sức khỏe và tác động môi trường của chế độ ăn kiêng chú trọng thực vật.
Dựa trên dữ liệu có sẵn, các tác giả kết luận rằng áp dụng chế độ ăn thực vật có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt xuống 35%, trong khi các dạng ung thư nói chung có thể giảm 18% với chế độ ăn chay. Về sức khỏe tim mạch, Học viện cho biết chế độ ăn uống chú trọng thực vật có thể giảm 32% nguy cơ đau tim và từ 10% đến 29% nguy cơ mắc bệnh tim.
Hơn nữa, các tác giả còn khẳng định rằng một chế độ ăn uống chú trọng thực vật có thể làm giảm 62% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Sheth lưu ý: “Những người tuân thủ chế độ ăn thực vật có chỉ số thể hình (BMI) thấp, kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu tốt hơn, ít bị viêm và lượng cholesterol xấu trong máu thấp. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ăn kiêng để có thể lựa chọn chế độ ăn chay thích hợp.”
Mặt khác, nhóm tác giả còn cho rằng ăn chay có lợi ích đáng kể cho trẻ em và thanh thiếu niên ở tuổi trẻ và thời gian lâu dài về sau, với lập luận rằng trẻ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít bị béo phì và thừa cân so với trẻ ăn nhiều thịt.
Họ khuyến nghị: “Trẻ em và thiếu niên có BMI ở mức trung bình cũng ít có nguy cơ bệnh tật giống như người lớn có BMI trung bình.
“Ngoài ra, trẻ ăn nhiều rau củ quả và hạt cũng hiếm khi ăn kẹo và các loại snack có vị mặn, điều này giúp các em có lượng chất béo tổng thể và chất béo bão hòa thấp hơn. Duy trì một chế độ ăn chay lành mạnh giúp trẻ sớm xây dựng được thói quen ăn uống khoa học.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn Chay Giúp Giảm 29% Đến 50% Lượng Khí Thải Nhà Kính
Các tác giả cũng nhấn mạnh những lợi ích về mặt môi trường của chế độ ăn chú trọng thực vật, rằng chế độ ăn chay và thuần chay có thể cắt giảm lần lượt là 29% và 50% lượng khí thải nhà kính.
Họ lý giải rằng chế độ ăn thực vật sử dụng ít nước, nguồn nhiên liệu hóa thạch, thuốc diệt côn trùng và phân bón hơn chế độ ăn nhiều thịt.
Ví dụ, họ cho biết: “Việc sản xuất 1 kg protein từ đậu thận đòi hỏi ít hơn 18 lần nhu cầu về đất, ít hơn 10 lần nhu cầu về nước, ít hơn 9 lần về nhiên liệu, ít hơn 12 lần phân bón, ít hơn 10 lần thuốc diệt côn trùng so với việc sản xuất 1 kg thịt bò.”
Có thể bạn quan tâm: Liệu Ăn Chay Có Phải Là Một Giải Pháp Tự Nhiên?
Học viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ kết luận trong nghiên cứu của họ rằng chế độ ăn chay tốt hơn cho sức khỏe con người và môi trường hơn so với chế độ ăn tạp.
“Nếu bạn có thể đóng chai một phương thuốc thuần thực vật, ngay lập tức nó sẽ trở thành một sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường. Lối ăn uống này tạo ra một nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả không chỉ cho trái đất mà còn cho cơ thể chúng ta.
Trong nhiều trường hợp, ăn chay có thể là một chế độ dinh dưỡng tốt hơn cả việc dùng thuốc, bởi không có loại thuốc nào vừa có thể tăng cường sự chuyển hóa trong cơ thể, hạ huyết áp, ổn định đường huyết, lại vừa có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim và đái tháo đường.”
— Chuyên gia dinh dưỡng Susan Levin
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê