Thói quen ăn chay đã không còn xa lạ trong những năm trở lại đây. Tiêu thụ và ưu tiên thực phẩm chay trong bữa ăn hàng ngày đang dần trở thành xu thế mới trong lối sống hiện đại – “lối sống xanh”. Một lối sống chú trọng hơn vào sức khỏe và các vấn đề về môi trường.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Theo thống kê của trang The VOV năm 2021, số lượng người ăn chay trên thế giới chiếm tỷ lệ gần 14% dân số thế giới, tức xấp xỉ 79 triệu người, so với năm 2020 là 75.3 triệu người. Riêng tại Ấn Độ, 500 triệu người trong số 1.2 tỉ dân có thói quen ăn chay (theo số liệu năm 2020).
Theo một thống kê không chính thức, con số này tại Việt Nam là 10%, tương ứng có khoảng 9 triệu người thường xuyên ăn chay và tỷ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, đối tượng giới trẻ có độ tuổi từ 18-25 tuổi chiếm 58.5% số người ăn chay tại nước ta.
Thống kê trên cho thấy số lượng người có thói quen ăn chay đang không ngừng tăng lên như một xu thế của thời đại. Không phải hiển nhiên mà thói quen ăn chay trở thành một trong những xu hướng nổi bật nhất của phong trào “sống xanh”. Ăn chay là một giải pháp đáp ứng được cả hai tiêu chí: cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ hủy hoại môi trường.
Nghiên cứu về chế độ ăn chay, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra nhận định rằng: việc giảm lượng chất béo và thịt đỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xơ vữa mạch máu, giảm lượng cholesterol, giữ lượng đường trong máu và huyết áp ở mức ổn định.
Thêm vào đó, ăn chay còn được cho là có các tác động tốt khác đến sức khỏe thể chất như giảm nguy cơ ung thư, béo phì, tăng sức khỏe xương, làm đẹp da nhờ cung cấp nhiều chất chống oxy hóa và sức khỏe tinh thần như cải thiện tâm trạng do giảm lượng axit arachidonic gây nên cảm giác ức chế, buồn bực trong nguồn thực phẩm động vật (theo nghiên cứu của trường Đại học Benedictine), ít bị căng thẳng, hạnh phúc và sống thọ hơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn chay làm giảm các nguy cơ hủy hoại môi trường tự nhiên. Việc chăn nuôi động vật thải ra một lượng khí thải khủng khiếp. Thống kê của tổ chức United Nations cho biết, việc chăn nuôi bò để lấy sản phẩm thịt, sữa và một số mục đích khác chiếm đến 41% lượng khí metan (CH4) trên trái đất. Trong khi đó, khí metan có khả năng hấp thụ nhiệt lượng lớn, có khả năng tồn đọng trong khí quyển lên đến một thập kỷ. TTO – Một nghiên cứu do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện cho thấy khí metan gây hại cho môi trường nhiều gấp 33 lần so với CO2 trong hơn 100 năm qua và là tác nhân hàng đầu khiến toàn cầu ấm lên.
Hơn thế nữa, số lượng lớn đất nông nghiệp đã bị chiếm dụng và tàn phá để phục vụ cho các hoạt động chăn nuôi, gây nên nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt. Hơn 80% các vụ cháy ở vùng rừng Amazone là do các hoạt động chăn nuôi gây ra.
Chăn nuôi làm hao phí lượng nước sinh hoạt của con người. PETA – tổ chức quốc tế về động vật cho biết, cần đến 9000 lít nước chỉ để sản xuất nửa kí thịt. Cụ thể hơn, chúng ta phí đến hơn 15.000 lít cho một tấn thịt bò, hơn 4000 lít cho một tấn thịt gà, gần 6000 lít cho một tấn thịt heo và gần 9000 lít cho một tấn thịt cừu và dê. Trong khi đó để sản xuất mỗi tấn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chỉ mất tổng cộng 20.000 lít nước.
Vậy nên, ăn chay, cắt giảm lượng thịt là góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo cách tích cực nhất.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lối sống xanh đã và đang mang đến những lợi ích to lớn cho chính bản thân và môi trường sống xung quanh của mỗi người trong chúng ta. Việc duy trì chế độ ăn chay sẽ là một thói quen tốt nên được tạo lập và thường xuyên thực hiện. Dù vì bất kì mục đích gì đi chăng nữa, thói quen ăn chay đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Để ăn chay thật sự mang lại những lợi ích vốn có đến với cơ thể, cần thực hiện ăn chay đúng cách, khoa học và đầy đủ dinh dưỡng. Tăng cường cung cấp các loại trái cây, ngũ cốc, chất béo lành mạnh và protein. Chú ý bổ sung thêm canxi, sắt, i-ốt và vitamin B12, vốn là những chất người theo chế độ ăn chay dễ bị thiếu hụt. Ăn chay khoa học, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp hoàn thiện chế độ ăn bằng những thực phẩm lành mạnh đồng thời giảm thiểu những hạn chế của chế độ ăn chay.