Bạn có thể bị tiểu đường do ăn quá nhiều đường không?

0
(0)

Ăn nhiều đường không thể trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nó có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến bệnh tiểu đường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng khoảng 37 triệu người ở Hoa Kỳ, tương đương khoảng 11.3% dân số trưởng thành, sống chung với bệnh tiểu đường. Thêm 96 triệu người mắc tiền tiểu đường, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.

Thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và ngăn ngừa tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường. Nhưng liệu ăn đường có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không?

Mối quan hệ giữa lượng đường tiêu thụ và bệnh tiểu đường tuýp 2 là chủ đề của nghiên cứu hiện nay. Chỉ ăn đường có thể không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường, mặc dù đường có thể đóng một vai trò nào đó. Đái tháo đường là một căn bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra.

Ở nội dung sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nghiên cứu về mối quan hệ giữa lượng đường tiêu thụ và quá trình phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến bệnh tiểu đường.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Đường Ảnh Hưởng Đến Bệnh Tiểu Đường Như Thế Nào?

Cả bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều làm giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn dịch trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin. Tổn thương các tế bào này làm suy yếu khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể.

Ở bệnh tiểu đường tuýp 2, insulin của cơ thể không có khả năng điều chỉnh lượng đường đi vào máu sau khi ăn hoặc uống.

Khi một người mắc bệnh tiểu đường, ăn quá nhiều đường có thể khiến tình trạng của họ trở nên trầm trọng hơn. Đường bổ sung là carbohydrate tinh chế và chúng được cơ thể hấp thụ nhanh chóng vào máu. Điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng vọt.

Do thiếu insulin hoặc sử dụng insulin không đúng cách, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển glucose từ máu đến các tế bào. Nồng độ glucose trong máu sẽ vẫn tăng cao.

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương khắp cơ thể và có thể phát sinh các biến chứng như bệnh thần kinh do tiểu đường.

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều calo có thể dẫn đến tăng cân và béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2.

bndfgbx 1024x701 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Nghiên Cứu Đã Nói Lên Điều Gì?

Đường dường như không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường, nhưng nó có thể đóng một vai trò nào đó.

Năm 2016, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và lối sống tiêu thụ nhiều đồ uống có đường. Mặc dù có bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều đường có thể gây tăng cân và chỉ số BMI cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tiểu đường trực tiếp gây ra bởi lượng đường cao.

Theo các tác giả của một đánh giá năm 2016, một loại đường gọi là fructose có thể trực tiếp góp phần gây ra bệnh tiểu đường, tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm để xác minh điều này.

Họ phát hiện ra rằng đường fructose được gan hấp thụ mà không được kiểm soát. Điều này có thể gây kháng insulin và tích tụ mỡ ở gan. Khi độ nhạy insulin thấp, cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ glucose ra khỏi máu. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể phát triển nếu lượng đường trong máu vẫn cao mãn tính.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong những yếu tố của hội chứng chuyển hóa, bao gồm béo phì, bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác có liên quan. Năm 2017, một số nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng tiêu thụ đường fructose có thể không chỉ góp phần gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 mà còn gây béo phì và nhiều yếu tố khác của hội chứng chuyển hóa. Họ cũng chỉ ra rằng một số yếu tố khác cũng đóng một vai trò nào đó, bao gồm cả di truyền.

Dường như có mối liên hệ giữa lượng thức ăn có thêm đường và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được rằng ăn nhiều đường sẽ trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Bản chất những gì hình thành mối liên hệ giữa đường và bệnh tiểu đường vẫn chưa được rõ ràng và có lẽ nó có liên quan đến một quá trình phức tạp hơn.

photo 12799 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Thực Phẩm và Đồ Uống Nào Chứa Đường?

Nhiều loại thực phẩm như trái cây và một số loại rau củ, chẳng hạn như cà rốt, có chứa đường tự nhiên. Những loại khác có chứa đường được thêm vào. Một số loại thực phẩm có chứa đường không rõ ràng.

Ví dụ, 100 gam (g) sốt cà chua có thể có 21.8 gam (g) đường, gồm có glucoza, fructoza và mantoza. Một lon nước ngọt 12 ounce có chứa 10 muỗng cà phê đường, tương đương với 160 calo. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường nhưng lại ít chất dinh dưỡng có lợi, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất.

Sau đây là những ví dụ về loại đường mà mọi người thêm vào thực phẩm:

  • Đường ăn (còn gọi là sucrose) mà mọi người thường thêm vào đồ uống
  • Đường caster để sử dụng trong bánh nướng
  • Xi-rô, chẳng hạn như mật đường hoặc xi-rô cây thùa
  • Mật ong
  • Mật mía
  • Đường mía
  • Xi-rô ngô
  • Xi-rô ngô có hàm lượng đường cao
  • Nước trái cây cô đặc

Thực phẩm có chứa đường tự nhiên là:

  • Trái cây và một số loại rau củ, có chứa fructose
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa, có chứa đường sữa (lactose)
  • Nước trái cây và sinh tố
  • Bột yến mạch

Thực phẩm có chứa đường bổ sung (và đôi khi ẩn) gồm có:

  • Đồ uống ngọt, bao gồm soda và nước tăng lực
  • Kẹo
  • Bánh ngọt, bánh quy và các loại bánh nướng khác
  • Nhiều thực phẩm chế biến, bao gồm nước sốt cà chua và thức ăn chế biến sẵn
  • Sữa có đường và sữa chua
  • Bánh ăn sáng và ngũ cốc
  • Kem
  • Salad

Kiểm tra nhãn thực phẩm tại cửa hàng bằng cách tìm kiếm không chỉ hàm lượng đường mà còn những thứ sau:

  • Sucrose
  • Đường (Glucose)
  • Fructozơ
  • Lactose
  • Mạch nha (Maltose)
  • Galactose

Đây là tất cả các loại đường. Những người mắc bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách tính các loại đường khác nhau trong lượng carb hàng ngày của họ.

12414 No BS Guide to Added Sugar body1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Lời Khuyên Khi Tiêu Thụ Đường

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị lượng đường bổ sung tối đa hàng ngày như sau:

Nam giới

9 muỗng cà phê hoặc 36 g hoặc 150 calo
Nữ giới

6 muỗng cà phê hoặc 25 g hoặc 100 calo

Mỗi gam đường có 4 calo. Một sản phẩm có 15 gam đường sẽ chứa 60 calo. Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị hạn chế lượng đường dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày.

Sau đây là một số lời khuyên bổ sung cho những người mắc bệnh tiểu đường:

  • Chọn carbohydrate có chỉ số đường huyết (GI) thấp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chọn trái cây nguyên quả thay vì đồ ăn nhẹ hoặc nước trái cây có đường, nhưng hãy nhớ tính đến hàm lượng đường.
  • Chọn thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như các loại đậu, để cung cấp năng lượng bền vững và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Lựa chọn thịt nạc và chất béo có lợi để cảm thấy no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn đồ ngọt.
  • Tránh thực phẩm nghèo dinh dưỡng, đã qua chế biến, có thể chứa nhiều muối và chất béo có hại, cũng như đường.
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Vì những bữa ăn lớn có thể khiến lượng đường huyết tăng vọt và cảm giác đói giữa các bữa ăn, điều này có thể hình thành thói quen ăn vặt không lành mạnh.

Những Nguy Cơ Sức Khỏe Khác Liên Quan Đến Đường

Mặc dù mối liên hệ giữa đường và bệnh tiểu đường tuýp 2 là chưa rõ ràng, nhưng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa đường và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến những nguy cơ sức khỏe sau đây:

  • Chỉ số khối cơ thể cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư và bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Sâu răng
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Bệnh tim mạch
  • Hội chứng chuyển hóa, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, béo phì và bệnh tim mạch

Theo Viện Y tế Quốc gia, xi-rô ngô hàm lượng đường cao (HFCS) có thể gây ra các vấn đề như bệnh tim, béo phì, tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. HFCS có mặt trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn.

Vì những lý do này, một số chuyên gia đã kêu gọi các biện pháp giúp giảm lượng đường mà trẻ em tiêu thụ, chẳng hạn như thay đổi chiến lược tiếp thị và đánh thuế cao hơn đối với những sản phẩm có chứa đường.

1e80d1109840237.5fdccd7f93f88 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Một Số Câu Hỏi Thường Gặp

Dưới đây là một số câu hỏi của mọi người về đường và bệnh tiểu đường.

Là người bệnh tiểu đường, tôi có thể sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo không?

Chất làm ngọt nhân tạo có thể an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng các chuyên gia chưa rõ chúng có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hoặc sức khỏe chuyển hóa tim về lâu dài hay không. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên mọi người nên chọn những loại không đường và không chất tạo ngọt nếu có thể, ví dụ như dùng nước khoáng có ga thay vì soda có đường.

Đường tự nhiên có ảnh hưởng tương tự không?

Tiêu thụ quá nhiều đường đều có thể khiến glucose tăng vọt. Nếu một người thay đổi chế độ ăn uống của mình, họ nên theo dõi lượng đường trong máu của mình và đảm bảo rằng chúng vẫn nằm trong phạm vi được chỉ định bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ.

Bệnh nhân tiểu đường có thể dùng bao nhiêu đường?

Bệnh nhân nên tuân thủ những tiêu chuẩn giống như những người khác, đó là tối đa 9 thìa cà phê đường đối với nam giới và 6 thìa cà phê đối với phụ nữ. Tuy nhiên, họ nên đảm bảo rằng lượng tiêu thụ đường tổng thể của họ phải phù hợp với kế hoạch ăn kiêng mà họ lập ra cùng với bác sĩ của mình.

Phòng Ngừa Bệnh Tiểu Đường

Mặc dù mối liên hệ giữa đường và bệnh tiểu đường vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc giảm lượng đường bổ sung và thực phẩm chế biến sẵn trong chế độ ăn uống có thể giúp một người ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 và các biến chứng của nó.

Các yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần dẫn đến sự khởi phát của bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu một người có yếu tố di truyền, họ có thể không tránh khỏi được căn bệnh này, nhưng họ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ.

Một số biện pháp sau đây có thể hỗ trợ quản lý hoặc phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2:

  • Duy trì cân nặng phù hợp
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng giàu thực vật và thực phẩm toàn phần

Bất cứ ai lo lắng rằng họ có thể có nguy cơ phát triển hoặc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Một người được chẩn đoán càng sớm thì họ càng có cơ hội kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng.

Có thể bạn quan tâm: Trái Cây Tươi Có Thể Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường và Các Biến Chứng Liên Quan

VWH Food to Lower Blood Sugar for Diabetes Danie Drankwalter Final e3144598c8664752a945e9233420ca34 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Đường góp phần gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 như thế nào vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 dường như tăng lên cùng với thói quen thường xuyên ăn ngọt, ít nhất là trên toàn bộ dân số. Tuy nhiên, lý do đằng sau hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng.

Đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và sâu răng, cùng nhiều bệnh lý khác. AHAWHO khuyến nghị cần hạn chế tiêu thụ tất cả các loại đường bổ sung.

Tập thể dục thường xuyên và áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng giàu chất xơ, protein và chất béo không bão hòa là hai cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Thống kê bài: (Lượt đọc "18" lần trên ngày, số lần 1 xem mỗi tiếng)
Thanks