Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng gần đây cho thấy việc cắt giảm sản phẩm động vật có thể giúp giảm cân và giảm tích tụ chất béo bên trong tế bào ở những người thừa cân và béo phì.
Bạn có thể bắt đầu quá trình giảm cân bằng cách áp dụng chế độ ăn kiêng không bổ sung chất béo hoặc sản phẩm động vật.
Một nghiên cứu kéo dài 16 tuần được công bố trên JAMA Network Open vào tháng 11 năm 2020 cho thấy những người theo chế độ ăn kiêng này giảm trung bình 5.9 kg (khoảng 13 pound).
Nghiên cứu chỉ định ngẫu nhiên 244 người thừa cân và béo phì bắt đầu chế độ ăn thuần chay ít chất béo, hoặc tham gia nhóm đối chứng giữ nguyên chế độ ăn uống bình thường.
Những người ăn chay được hướng dẫn nấu ăn và dinh dưỡng hàng tuần, đồng thời họ được khuyến khích áp dụng chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc và đậu, cũng như loại bỏ hoàn toàn sản phẩm động vật.
Mặc dù những người ở cả hai nhóm đều giảm lượng calo tiêu thụ trong suốt nghiên cứu kéo dài 16 tuần, nhưng những người theo chế độ ăn thuần chay đã giảm lượng calo tiêu thụ trung bình 355 calo mỗi ngày.
Tiến sĩ Bác sĩ Hana Kahleova, giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại Ủy ban Trách nhiệm Y khoa Hoa Kỳ, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng:
“Mọi người có thể giảm cân nhiều hơn vì họ đã hạn chế ăn những món chứa nhiều calo và chất béo, cũng như chuyển sang tiêu thụ nhiều thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật hơn thay vì sản phẩm động vật.”
Tiến sĩ Kahleova khuyên: “Bạn nên loại bỏ chế độ ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol, đồng thời thay thế chúng bằng chế độ ăn dựa trên thực vật giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Cả hai đều có vai trò hỗ trợ sức khỏe chuyển hóa tim mạch tốt hơn.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cái gọi là các biến số nguy cơ chuyển hóa tim mạch, chẳng hạn như lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp, có thể được sử dụng để dự đoán khả năng mắc bệnh tim mạch hoặc nguy cơ tai biến mạch máu não.
Những người theo chế độ ăn thuần chay trong nghiên cứu đã giảm được ba yếu tố nguy cơ chính:
Họ tăng quá trình trao đổi chất sau bữa ăn và giảm tích tụ chất béo nội bào, cũng như tăng độ nhạy insulin hoặc khả năng chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng dễ dàng.
Kahleova cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng này có hiệu quả ngăn ngừa bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch vì nó nhắm vào nguyên nhân gốc rễ của chúng.”
Tuy nhiên, nghiên cứu có một hạn chế đó là những người tham gia tự chuẩn bị bữa ăn và sử dụng nhật ký thực phẩm để ghi lại những gì họ tiêu thụ; những phương pháp này có thể không không phản ánh chính xác mức độ mọi người tuân theo chế độ ăn thuần chay ít chất béo.
Nghiên cứu vẫn chưa rõ chế độ ăn kiêng này có ảnh hưởng như thế nào đến việc giảm cân lâu dài.
Để giảm cân, hãy chuyển sang những lựa chọn có nguồn gốc thực vật ít chất béo tự nhiên như rau củ quả, thay vì những món ăn chứa nhiều chất béo như khoai tây chiên.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Các Nghiên Cứu Trước Đây Cho Thấy Lợi Ích Sức Khỏe Của Chế Độ Ăn Thuần Chay
Chế độ ăn chay, thuần chay và một số chế độ ăn dựa trên thực vật khác đã được khuyến nghị như một cách để giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim và một số bệnh ung thư trong hướng dẫn tháng 12 năm 2016 do Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ (AAND) ban hành.
Theo khuyến nghị của AAND, áp dụng chế độ ăn thuần chay (không bao gồm thịt, cá, trứng, sữa hoặc mật ong) có thể làm giảm 29% nguy cơ mắc bệnh tim, 62% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và 18% nguy cơ ung thư.
Theo chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký Vandana Sheth, chủ một phòng khám tư nhân ở Los Angeles và là tác giả của cuốn My Indian Table: Quick & Tasty Vegetarian Recipes:
“Chế độ ăn thuần chay ít chất béo có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật bất kể bạn thừa cân, béo phì hay béo phì nghiêm trọng.”
Sheth, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại, cho rằng: “Nó có thể hữu ích trong việc giảm cân ngay cả đối với những người chỉ cần giảm vài cân hoặc chỉ thừa cân nhẹ.”
Ngoài ra, một nghiên cứu trước đây của Diabetes Care đã chỉ ra rằng chế độ ăn thuần chay có thể vượt trội hơn các chế độ ăn kiêng khác khi nói đến việc giảm cân.
Nghiên cứu này đã tiến hành kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và thói quen ăn uống của hơn 22.000 nam giới và hơn 38.000 phụ nữ. Chỉ số khối cơ thể trung bình (BMI) của người ăn chay là 23.6, nằm trong phạm vi khỏe mạnh từ 18 đến 24.9.
Những người ăn chay tiêu thụ sữa và trứng có BMI trung bình là 25.7, những người ăn chay ăn cá có BMI trung bình là 26.3 và những người không ăn chay có BMI trung bình là 28.8. Tất cả các nhóm này đều nằm trong phạm vi thừa cân từ 25 đến 29.9.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cách Chuyển Sang Chế Độ Ăn Thuần Chay
Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên bắt đầu với những thay đổi nhỏ hơn nếu bạn nhận thấy khả năng đột ngột loại bỏ tất cả thịt, cá, pho mát và trứng khỏi chế độ ăn uống của mình là quá lớn.
Theo Tiến sĩ J. David Spence, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Đột quỵ và Xơ vữa động mạch tại Viện Nghiên cứu Robarts ở London, Ontario, Canada: “Tôi cho rằng rất ít bệnh nhân sẵn sàng chuyển từ chế độ ăn mặn sang chế độ ăn thuần chay.”
Tiến sĩ Spence, người không tham gia vào nghiên cứu, gợi ý rằng:
“Thay vào đó, có thể đơn giản hơn nếu tập trung vào chế độ ăn Địa Trung Hải, nó có nhiều đặc điểm của chế độ ăn dựa trên thực vật như chú trọng rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt. Chế độ ăn này còn ưu tiên cá và các nguồn protein lành mạnh, thay vì thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.”
Samantha Heller, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York ở Thành phố New York, cho biết: “Ăn theo cách này có thể giúp hình thành thói quen lành mạnh hơn theo thời gian, ngay cả khi mọi người không ăn chay hoàn toàn.”
Heller, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng:
“Theo kinh nghiệm của tôi, khi bệnh nhân bắt đầu hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, cảm giác thèm ăn của họ có xu hướng giảm dần theo thời gian, từ đó họ sẽ ít tiêu thụ đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh và đồ ngọt hơn.”
Để áp dụng lối sống thuần chay hoặc hạn chế ăn thịt, Heller khuyên bạn nên bắt đầu dần dần để đạt được thành công lâu dài và bền vững.
Ví dụ, bạn có thể thay thế món burger thịt xông khói với trứng và phô mai truyền thống bằng món burrito cuộn đậu phụ vài lần một tuần.
Theo Kahleova, thay vì tập trung về việc liệu chế độ ăn uống của bạn có hoàn toàn thuần chay hay không, bạn nên ưu tiên tiêu thụ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
Kahleova gợi ý nên bổ sung nhiều loại thực phẩm tươi và toàn phần, có đủ màu sắc cầu vồng.
Có thể bạn quan tâm: Lợi Ích và Cách Thực Hiện Chế Độ Dinh Dưỡng Cầu Vồng
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê