Các nhà khoa học rất hào hứng với postbiotics nhờ những gì nghiên cứu đã gợi ý về lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của các hợp chất này.
Bạn có thể đã nghe nói về probiotics, các vi khuẩn tốt – được tìm thấy trong một số loại sữa chua và thực phẩm lên men – có liên quan đến sức khỏe tiêu hóa, chức năng miễn dịch, giấc ngủ, và tâm trạng.
Bạn cũng có thể đã nghe nói về prebiotics, các thành phần không tiêu hóa được – có trong thực phẩm như măng tây, tỏi, hành và chuối – kích thích sự phát triển hoặc hoạt động của các vi khuẩn có lợi trong ruột. Nói cách khác, prebiotics là thức ăn cho lợi khuẩn.
Giờ đây, tin đồn mới nhất đang xoay quanh postbiotics và nghiên cứu về các hợp chất này vô cùng hấp dẫn. Dưới đây là phần sơ lược về postbiotics là gì, chúng có liên quan gì với prebiotics và probiotics, chúng có thể mang lại lợi ích như thế nào cho sức khỏe và cách bạn nhận được chúng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Postbiotics là gì?
Về cơ bản, postbiotics là những sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất probiotics hay còn gọi là quá trình lên men vi khuẩn probiotics.
Nói cách khác, không giống như probiotics, postbiotics không phải là vi sinh vật sống. Chúng bao gồm các chất gọi là peptide, được biết là có tác dụng làm chậm sự phát triển của vi khuẩn có hại, cũng như các axit béo chuỗi ngắn, giúp vi khuẩn tốt phát triển.
Bằng cách này, postbiotics có một số lợi ích tương tự như probiotics, nhưng chúng cũng có cho mình những lợi ích riêng biệt.
Lợi ích của Postbiotics
Cơ chế chính xác của postbiotics vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng các nhà nghiên cứu của một nghiên cứu năm 2022 đăng trên tạp chí Trends in Food Science and Technology nghĩ rằng các hợp chất có thể thúc đẩy giao tiếp giữa hệ vi sinh vật đường ruột (tập hợp các vi sinh vật sống bên trong ruột) và hệ thống miễn dịch. Vì lý do này, postbiotics đang được coi là một chiến lược khả thi trong việc phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.
Ngoài khả năng hỗ trợ chức năng miễn dịch và chống nhiễm trùng, postbiotics được cho là giúp duy trì tính toàn vẹn của hàng rào ruột, giảm viêm, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp điều trị các tình trạng từ dị ứng, các bệnh tiêu hóa đến các bệnh mãn tính và béo phì.
Các nghiên cứu trên người về lợi ích của postbiotics đã cho thấy kết quả bao gồm việc loại bỏ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori (nguyên nhân của một số vết loét); giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) và khả năng chống lại các tác động tiêu cực của tình trạng stress.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, trong số 443 cá nhân mắc IBS, những người nhận được postbiotic đã có sự thay đổi đáng kể về các triệu chứng bao gồm giảm đau bụng, cũng như cải thiện tình trạng đầy hơi và thói quen đại tiện bất thường.
Một nghiên cứu của Ý cho thấy, trong số những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, việc sử dụng postbiotics đã làm giảm đáng kể số đợt nhiễm trùng cấp tính và việc sử dụng kháng sinh trong điều trị.
Một nghiên cứu nhỏ từ Nhật Bản giữa các sinh viên y khoa chưa tốt nghiệp đã phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian năm tuần, postbiotics chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ ở nam giới.
Nhiều nghiên cứu bổ sung liên quan đến postbiotic, sử dụng nhiều loại postbiotics ở các công thức khác nhau đang được tiến hành trên toàn cầu. Mặc dù nghiên cứu về postbiotics vô cùng hứa hẹn, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về cách sử dụng và kết quả của việc sử dụng các hợp chất này.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ưu và Nhược điểm của Postbiotics
Có một số lý do khiến các nhà khoa học nhiệt tình với postbiotics. Đầu tiên, các hợp chất này được coi là an toàn hơn probiotics đối với một số nhóm đối tượng nhất định.
Những nhóm này bao gồm những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn, chẳng hạn như những người mắc bệnh nghiêm trọng hoặc những người vừa trải qua phẫu thuật. Ở trạng thái suy giảm miễn dịch, vi khuẩn sinh học sống có khả năng gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, vì postbiotics không phải là sinh vật sống nên chúng ổn định hơn probiotics, nghĩa là chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn, có thể tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn, đồng thời có thể bảo quản và vận chuyển dễ dàng hơn.
Các tác giả của một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients năm 2020 khuyên rằng, “Mặc dù việc sử dụng postbiotics là một chiến lược hấp dẫn để thay đổi hệ vi sinh vật, nhưng cần phải nghiên cứu thêm về tính hiệu quả và an toàn của nó.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Các nguồn cung Postbiotics
Hiện tại, cách tốt nhất để sản xuất postbiotics trong cơ thể là ăn nhiều thực phẩm giàu prebiotics để nuôi các vi khuẩn trong ruột của bạn. Măng tây, tỏi, hành tây, và chuối là một số ví dụ.
Các loại thực phẩm giàu prebiotics khác bao gồm rễ rau diếp xoăn, rau bồ công anh, atisô Jerusalem, tỏi tây, đại mạch, yến mạch, ca cao, táo, đậu (đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh), quả hạch, hạt lanh và rong biển.
Vi sinh vật được sử dụng làm probiotics tồn tại tự nhiên trong cơ thể bạn. Bạn cũng có thể tiêu thụ một số loại probiotics ở dạng bổ sung và trong một số loại thực phẩm.
Probiotics có thể được tìm thấy trong thực phẩm lên men không tiệt trùng, như rau lên men, kefir, kombucha và miso. Tuy nhiên, ISAPP tuyên bố rằng “thuật ngữ ‘probiotics’ chỉ nên được sử dụng khi có lợi ích sức khỏe đã được chứng minh do các vi sinh vật sống được xác định rõ ràng và đặc trưng.”
Như vậy, thuật ngữ ‘thực phẩm lên men’ và ‘probiotics’ không nên được sử dụng thay thế cho nhau. Nghĩa là, một loại thực phẩm lên men chưa được tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn sống, nhưng không phải là loại hoặc số lượng đáp ứng các tiêu chí về lợi khuẩn riêng biệt.
Các chất bổ sung postbiotics vẫn còn mới mẻ hơn nhiều so với bản thân probiotics. Có những sản phẩm trên thị trường tuyên bố hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và chức năng miễn dịch, nhưng nghiên cứu về lợi ích của các chất bổ sung postbiotics đối với những người khỏe mạnh còn hạn chế.
Nếu bạn có một tình trạng sức khỏe cụ thể và đang cân nhắc việc bổ sung postbiotics, trước tiên hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tóm lại
Postbiotics là một mảnh đất màu mỡ cho các nghiên cứu về dinh dưỡng. Các nhà khoa học vẫn đang khám phá nhiều cách mà các hợp chất có hoạt tính sinh học này có thể được sử dụng để bảo vệ hoặc hỗ trợ sức khỏe – từ tối ưu hóa sức khỏe đến kiểm soát bệnh tật.
Tuy nhiên, hiện tại không có hướng dẫn nào về việc sử dụng các chất bổ sung postbiotics cho sức khỏe nói chung hoặc phòng ngừa bệnh tật. Hiện tại, cách tốt nhất là sản xuất postbiotics từ bên trong, bằng cách áp dụng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng có chứa thực phẩm prebiotics.
Đối với các tình trạng y tế cụ thể trong đó các chất bổ sung postbiotics đã được nghiên cứu, hãy tuân theo các hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của cá nhân bạn.
Bài viết được dịch từ www.health.com
Dịch giả Trinh Lê