Có ý kiến cho rằng việc kiêng một số loại thực phẩm có thể giúp cho những người mắc bệnh chàm hoặc viêm da dị ứng tìm ra loại nào đã gây ra triệu chứng cho họ. Đồng thời, thực phẩm chứa nhiều men vi sinh và flavonoid cũng có thể hỗ trợ rất tốt cho những người này.
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh chàm. Tuy nhiên, có những loại kem và thuốc không kê đơn có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Đôi khi, các bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tránh xa những loại thực phẩm cụ thể được cho là tác nhân khiến bệnh ngày càng nặng.
Các nghiên cứu được công bố từ năm 2014 đã phát hiện ra rằng từ 33% đến 63% trẻ nhỏ bị bệnh chàm cũng bị dị ứng thực phẩm. Mặc dù hai chứng rối loạn này có mối liên hệ với nhau nhưng bản chất của mối liên hệ giữa chúng vẫn chưa rõ ràng.
Một số người bị bệnh chàm cũng có thể thử thay đổi chế độ ăn uống của họ theo những cách khoa học hơn. Ở nội dung sau, chúng ta sẽ cùng xem xét về một số lựa chọn thay đổi có thể hỗ trợ cho người bệnh chàm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Thực Phẩm Nên Ăn
Vì bệnh chàm là một tình trạng viêm nhiễm nên một số người tin rằng thực hiện chế độ ăn uống ngừa viêm nhiễm có thể giúp kiểm soát căn bệnh này. Phương pháp này liệu có hữu ích hay không vẫn chưa thể xác định được vào thời điểm này do thiếu dữ liệu.
Tuy nhiên, nó có thể có lợi cho sức khỏe tổng thể của một người khi được kết hợp với một chế độ ăn giàu thực phẩm toàn phần. Sau đây là một số ví dụ về thực phẩm kháng viêm:
Thực Phẩm Giàu Lợi Khuẩn
Một số loại thực phẩm có chứa men vi sinh một cách tự nhiên, đây là những lợi khuẩn có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Nghiên cứu cho thấy tác dụng này cũng có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
Thực phẩm probiotic bao gồm:
- sữa chua
- dưa cải bắp
- kim chi
- tương miso
- tempeh
- kombucha
Thực Phẩm Chứa Nhiều Flavonoid
Flavonoid là một hợp chất có hoạt tính kháng viêm mạnh, chúng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Vỏ của những loại trái cây và rau củ có màu sắc rực rỡ là nơi chứa nhiều flavonoid nhất.
Ví dụ về thực phẩm có chứa flavonoid bao gồm:
- cà chua
- ớt đỏ
- trà
- đậu nành
- quả mọng
- trái cây có múi
Có thể bạn quan tâm: Làm Thế Nào Mà Flavonoid Có Thể Ngăn Ngừa Ung Thư Đại Trực Tràng?
Một Số Lưu Ý Cần Thận Trọng
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi tự ý thực hiện những thay đổi hoặc bổ sung đột ngột trong chế độ ăn uống. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, những người bị dị ứng thực phẩm hoặc đang có vấn đề về sức khỏe.
Lực lượng Đặc nhiệm châu Âu về bệnh viêm da dị ứng cho biết thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh chàm không phải là một giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người.
Thay vào đó, người bệnh nên hợp tác với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng của họ để phát triển một chế độ ăn kiêng phù hợp với tình trạng bệnh của từng cá nhân.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Thực Phẩm Cần Tránh
Hệ thống miễn dịch của một số người có thể bị kích ứng bởi một số loại thực phẩm nhất định và gây viêm nhiễm trong cơ thể, tình trạng này được gọi là mẫn cảm hoặc dị ứng với thực phẩm. Tuy nhiên, những ai đang mắc bệnh chàm sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi yếu tố này.
Ngay cả khi một người không bị dị ứng thức ăn, thì họ vẫn có thể bị dị ứng ngoài da khi tiếp xúc trực tiếp với loại thực phẩm đó.
Ngứa là một triệu chứng dị ứng phổ biến nhất có thể phát sinh nhanh chóng và khiến cho bệnh chàm trở nặng. Ngoài ra, phản ứng dị ứng của bệnh chàm đối với thực phẩm cũng có thể xảy ra muộn trong khoảng từ 6 – 24 giờ sau ăn, và nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể.
Chế độ ăn kiêng là một phương pháp có thể giúp xác định loại thực phẩm nào có thể gây dị ứng. Bạn sẽ hạn chế ăn một hoặc nhiều nhóm thực phẩm cụ thể trong suốt quá trình ăn kiêng.
Người bệnh chàm nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra loại thực phẩm nào có thể gây ảnh hưởng nặng đến căn bệnh của họ, hoặc cũng có thể lập một “danh sách thực phẩm gây dị ứng” trước khi bắt đầu chế độ ăn kiêng này.
Sau khi áp dụng, người bệnh theo dõi tiếp các triệu chứng để xác định xem nó có thuyên giảm hay không. Sau đó, họ sẽ bổ sung dần những loại thực phẩm gây dị ứng trong danh sách để xem các triệu chứng có tái phát hay không. Điều này rất hữu ích để tìm ra loại nào đã khiến họ bị dị ứng.
Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp một người theo dõi quá trình ăn kiêng của họ:
Liệu bệnh chàm có được cải thiện nếu tôi ngừng ăn một loại thực phẩm nào đó hay không? Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm khi bạn ngừng ăn, thì bạn có thể tiếp tục duy trì chế độ này mà không cần phải kiêng nó nữa.
Liệu bệnh chàm có tái phát khi tôi trở lại chế độ ăn uống bình thường hay không? Nếu các triệu chứng trở nên tệ hơn sau khi bạn ăn lại một món nào đó, thì bạn có thể cân nhắc kiêng hẳn nó.
Dưới đây là một số mẹo có thể hỗ trợ cho người bệnh chàm đang ăn kiêng:
- Ghi lại các triệu chứng và thói quen ăn uống của bạn một cách chi tiết. Hãy đối chiếu chúng với nhau, điều này sẽ giúp bạn sàng lọc được những loại thực phẩm có khả năng cao gây dị ứng.
- Sau quá trình cắt giảm, bạn hãy bổ sung trở lại từng món một vào chế độ ăn kiêng. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết được loại thực phẩm nào đã gây ra phản ứng dị ứng.
- Một số dạng dị ứng thực phẩm có thể mất một ngày hoặc lâu hơn mới xuất hiện. Do đó, bạn chớ nên bổ sung liên tục, mà hãy thêm từng món cách một vài ngày để theo dõi triệu chứng. Sau đó, bạn có thể tiếp tục bổ sung từng loại thực phẩm dị ứng khác vào chế độ ăn kiêng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm dị ứng để giúp tìm ra cách điều trị tốt nhất cho căn bệnh này.
Nhưng kết quả xét nghiệm vẫn cần được giải thích bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu kết quả xét nghiệm dị ứng cho kết quả dương tính với một loại thực phẩm nào đó, thì việc cắt giảm nó khỏi chế độ ăn uống của bạn có thể không phải là cách điều trị phù hợp hay hiệu quả nhất.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích và Rủi Ro Tiềm Ẩn
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc kiêng những loại thực phẩm gây dị ứng đã giúp làm giảm nhẹ một số triệu chứng bệnh chàm như ngứa ngáy vào ban ngày và mất ngủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bằng chứng cho kết quả này vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, còn có một số rủi ro liên quan đến chế độ ăn kiêng. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc cắt giảm một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống thực sự có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và thậm chí là dị ứng thực phẩm.
Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi thực hiện chế độ ăn kiêng cho bệnh chàm, vì nó có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Dị Ứng Niken
Tiếp xúc trực tiếp với một số vật kim loại có thể gây dị ứng niken ở những người mẫn cảm. Đồ trang sức, đồ điện tử, ốc vít và khóa kéo đều là những ví dụ.
Dị ứng niken có thể gây kích ứng da và viêm da ở những người mẫn cảm. Triệu chứng bệnh chàm hoặc tổ đỉa, thường biểu hiện ở bàn tay và bàn chân, có thể do dị ứng niken gây ra.
Niken cũng có trong một số loại thực phẩm thông dụng. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), những người cực kỳ mẫn cảm với niken nên cân nhắc tránh xa những loại thực phẩm này.
Thực phẩm chứa nhiều niken bao gồm:
- hạt điều
- socola
- bột ca cao
- cam thảo
- động vật có vỏ
- đậu nành
- nước tương
- đậu hũ
Bạn nên thảo luận vấn đề này với bác sĩ trước khi tự ý ăn kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào.
Dị Ứng Phấn Hoa Bạch Dương
Một số người nhạy cảm với phấn hoa bạch dương có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm. Phản ứng này được gọi là hội chứng dị ứng miệng và nó có thể gây ảnh hưởng nặng đến một số người mắc bệnh chàm.
Đối với bệnh chàm, trẻ em có thể dễ mắc phải dạng dị ứng này hơn người lớn. Những người bị dị ứng với phấn hoa bạch dương có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm như:
- táo
- cà rốt
- cần tây
- hạt phỉ
- quả lê
Những người bị bệnh chàm nên nói chuyện với bác sĩ nếu họ bị dị ứng phấn hoa hoặc bị dị ứng nhẹ với bất kỳ loại thực phẩm nào kể trên.
Thiếu Hụt Dinh Dưỡng
Nói không với thực phẩm gây dị ứng có thể giúp giảm nhẹ một số triệu chứng bệnh chàm. Tuy nhiên, cách này có thể đồng nghĩa với việc mất đi nhiều nguồn dinh dưỡng quan trọng.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi tự ý thay đổi chế độ ăn uống. Điều này giúp họ luôn nhận đủ nguồn dinh dưỡng thiết yếu thông qua thực phẩm, cũng như phòng tránh được tình trạng thiếu hụt. Hãy tìm đến chuyên gia y tế trước khi bắt đầu ăn kiêng hoặc tự ý cắt giảm thực phẩm.
Chế độ ăn kiêng này có thể không phù hợp với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị rối loạn ăn uống.
Trứng, sữa bò và đậu phộng là ba nguồn gây dị ứng thực phẩm thường liên quan đến bệnh chàm, đặc biệt là ở trẻ em.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thực Phẩm Chức Năng Cho Người Bệnh Chàm
Nhiều loại thực phẩm chức năng đã được các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng hỗ trợ giảm nhẹ bệnh chàm. Một số ví dụ có thể kể đến như:
- dầu cá
- vitamin D
- vitamin E
- men vi sinh
Theo AAD, vitamin D và E có thể cho thấy một số kết quả đầy tiềm năng, mặc dù không có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh điều này. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói rằng không có đủ nghiên cứu về dầu cá để kết luận liệu nó có hiệu quả hay không.
Trước tiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cân nhắc bổ sung thực phẩm chức năng vào liệu trình điều trị bệnh chàm. Điều này đặc biệt quan trọng nếu đối tượng sử dụng là trẻ em hoặc những người mắc một số vấn đề về sức khỏe.
Men Vi Sinh
Mặc dù thực phẩm bổ sung men vi sinh là một phương pháp điều trị thường được sử dụng tại nhà cho bệnh chàm, nhưng bằng chứng khoa học vẫn chưa thống nhất về hiệu quả của chúng.
Một phân tích tổng hợp từ 39 nghiên cứu lâm sàng được công bố vào năm 2018 không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào về việc bổ sung men vi sinh có hiệu quả trong điều trị bệnh chàm.
Không có thử nghiệm nào trong phân tích trên cho thấy men vi sinh làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh chàm thường được đánh giá là có dấu hiệu cải thiện sau khi điều trị bằng men vi sinh. Ngoài ra, cũng có rất ít báo cáo về tác dụng phụ.
Vì có rất nhiều loại thực phẩm bổ sung men vi sinh và nhu cầu của mỗi người cũng có thể khác nhau nên rất khó để kết luận rằng liệu một người có nhận được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào khi dùng men vi sinh hay không.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung men vi sinh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Mặc dù chế độ ăn uống không phải lúc nào cũng là nguyên nhân gây ra bệnh chàm, nhưng một số người có thể thấy rằng các triệu chứng của họ đã giảm nhẹ sau khi thay đổi chế độ ăn uống.
Áp dụng điều trên cùng với quá trình theo dõi kết quả có thể giúp người bệnh nhận biết rằng liệu thay đổi chế độ ăn uống có thực sự hiệu quả trong việc kiểm soát căn bệnh này hay không.
Cách tốt nhất để đảm bảo bạn không bị thiếu hụt những dưỡng chất thiết yếu như vitamin và khoáng chất là đến gặp bác sĩ trước khi tự ý thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê