Caffein có liên quan đến giảm khối lượng chất béo và nguy cơ mắc tiểu đường loại 2

0
(0)
  • Nghiên cứu mới cho thấy những người có lượng caffein trong máu cao hơn có nhiều khả năng có khối lượng chất béo thấp hơn.
  • Họ cũng có nhiều khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
  • Các nhà dinh dưỡng chỉ ra rằng đây là một mối tương quan, không phải là nguyên nhân.

Nghiên cứu mới cho thấy những người có lượng caffein trong máu cao hơn có nhiều khả năng có khối lượng chất béo thấp hơn. Họ cũng có nhiều khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ngày càng có nhiều nghiên cứu về lợi ích của cà phê và giờ đây, một nghiên cứu mới cho thấy nó cũng có thể ảnh hưởng đến khối lượng mỡ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của bạn.

Nghiên cứu đăng trên BMJ Medicine phân tích dữ liệu từ khoảng 10.000 người tham gia trong sáu nghiên cứu dài hạn. Các nhà nghiên cứu đã xem xét hai đột biến gen có liên quan đến quá trình chuyển hóa caffein chậm hơn và phát hiện ra rằng những người có các biến thể đó có xu hướng có lượng caffein trong máu cao hơn sau khi uống đồ uống chứa caffein (bao gồm cả cà phê) so với những người phân hủy caffein nhanh hơn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ caffein so với lượng mỡ trong cơ thể, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng nghiêm trọng về tim như đột quỵ và suy tim. Họ phát hiện ra rằng hai biến thể gen dự đoán nồng độ caffein trong cơ thể cao hơn, tương đương với khối lượng chất béo thấp hơn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 100 miligam caffein làm tăng lượng năng lượng hoặc calo mà một người đốt cháy (còn gọi là sinh nhiệt) khoảng 100 calo mỗi ngày.

Caffeine share | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Trong khi nghiên cứu đặc biệt xem xét tác động của mức độ caffein trong cơ thể ở những người có đột biến gen cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có thể áp dụng cho bất kỳ ai. “Nồng độ caffein trong huyết tương cao hơn có thể làm giảm mỡ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”, họ viết trong phần kết luận, đồng thời lưu ý rằng “cần có thêm nghiên cứu lâm sàng” để tìm hiểu thêm.

Nếu bạn là người thường xuyên uống cà phê, bạn có thể đang cho mình tinh thần phấn chấn ngay bây giờ. Nhưng các chuyên gia nói rằng mối liên hệ nêu trên khá phức tạp. Và dưới đây là những gì bạn cần biết.

Tại sao caffein có liên quan đến khối lượng chất béo thấp hơn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2?

Điều quan trọng phải chỉ ra trước rằng: nghiên cứu chỉ đơn giản là tìm thấy mối liên hệ giữa lượng caffein cao hơn với việc giảm nguy cơ tích mỡ và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Có nghĩa là, họ không chứng minh được rằng uống cà phê hay bất kỳ loại thức uống chứa caffein nào khác sẽ đốt cháy chất béo trong cơ thể và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 — họ chỉ đơn thuần tìm thấy mối liên hệ giữa chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng kết quả của liên kết này không hoàn toàn đáng ngạc nhiên. Chuyên gia dinh dưỡng Beth Warren, người sáng lập Beth Warren Nutrition cho biết: “Những phát hiện này phù hợp với một số phát hiện có ích khác liên quan đến caffein”. Christy Brissette, Chuyên gia dinh dưỡng, chủ sở hữu của 80 Twenty Nutrition, đồng ý. Cô ấy nói: “Caffeine có thể ngăn chặn sự thèm ăn, thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo và tăng tốc độ trao đổi chất của bạn”.

caffeine in coffee | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống cà phê và giảm cân. Một nghiên cứu của Harvard xuất bản vào năm 2020 cho thấy rằng uống tới 4 tách cà phê có thể giảm khoảng 4% lượng mỡ trong cơ thể. Nghiên cứu đã theo dõi 126 người thừa cân và cho họ uống 4 cốc cà phê thông thường hoặc 4 cốc giả dược giống cà phê hàng ngày trong 24 tuần. Những người trong nhóm cà phê cuối cùng đã giảm cân nhiều hơn.

Một phân tích tổng hợp trong số bốn thử nghiệm được công bố vào năm ngoái cũng cho thấy uống cà phê có thể giúp kích thích quá trình trao đổi chất ở người.

Chuyên gia dinh dưỡng Jessica Cording cho biết: “Caffeine là một chất kích thích. Có vẻ như lượng calo bị đốt cháy cao hơn một chút khi mọi người dùng caffein.”

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 có khả năng liên quan đến việc đốt cháy calo này, vì béo phì và thừa cân là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, Chuyên gia dinh dưỡng Deborah Cohen, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Dinh dưỡng Phòng ngừa và Lâm sàng tại Đại học Rutgers cho biết.

iStock coffee beans and black coffee.jpg.optimal | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Vậy nên, bạn nên bắt đầu uống nhiều cà phê hơn?

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng tác dụng giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 không đơn giản chỉ bằng việc uống nhiều cà phê. “Có rất nhiều yếu tố tiềm năng mà chúng tôi không nghiên cứu và có thể khó định lượng hơn,” Cording nói. “Tại sao những người này lại uống nhiều cà phê như vậy? Chế độ ăn hiện tại của họ là gì? Nó có lẽ không chỉ là caffein.

Warren đồng ý. Cô ấy nói: “Việc tiêu thụ cà phê có liên quan đến các yếu tố khác. Nếu bạn có thói quen uống một hoặc hai cốc cà phê mỗi ngày, nghiên cứu sẽ giúp cho thấy rằng nó có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên, bạn không cần phải bắt đầu uống cà phê chỉ để có lợi cho sức khỏe của mình.”

Cohen khuyên bạn nên cảnh giác với loại đồ uống có chứa caffein mà bạn uống — lưu ý rằng có sự khác biệt lớn giữa một tách cà phê đen và một tách cà phê chứa đầy chất tạo ngọt nhân tạo và các chất hòa trộn khác. Cô nói: “Đồ uống có chứa caffein thường chứa nhiều đường và chất béo, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường với tình trạng thừa cân và béo phì. Tiêu thụ quá nhiều caffein – tức là nhiều hơn giới hạn khuyến nghị là 400 miligam mỗi ngày – có thể gây ra tăng nhịp tim, chóng mặt và mất ngủ.

coffee caffeine GettyImages 1190583474 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Nhìn chung, Brissette khuyên bạn nên theo đuổi các biện pháp khác, chẳng hạn như thói quen tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống hợp lý nếu bạn lo lắng về cân nặng và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cô ấy nói: “Dựa trên những gì chúng tôi biết, uống nhiều cà phê hoặc trà hơn sẽ không làm bạn gầy hơn, thon gọn hơn hay ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Mà những điều đó chính là những bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ cho kết quả của việc ăn nhiều rau, chất xơ và tập thể dục thường xuyên.”

Cording nói: “Có rất nhiều thứ khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2 mà việc chỉ giới thiệu caffein vào chế độ ăn uống có thể không đủ để cải thiện một cách hiệu quả”.


Bài viết được dịch từ www.prevention.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.