- Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ có liên quan đến khả năng cải thiện sức khỏe.
- Khi chất xơ được chuyển hóa bởi vi khuẩn đường ruột, chúng sẽ duy trì một hệ vi sinh khỏe mạnh.
- Một nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ trong hai tuần, hệ vi sinh đường ruột đã được biến đổi mạnh mẽ nhờ lượng chất xơ tăng cường.
Tăng cường chất xơ có thể giúp biến đổi hệ vi sinh vật trong vòng ít nhất là hai tuần.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chỉ sau hai tuần tăng cường bổ sung chất xơ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột đã có sự biến đổi mạnh mẽ, bao gồm cả sự gia tăng các loài vi khuẩn chuyển hóa chất xơ.
Mặt khác, các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) không thấy sự gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, số lượng axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) không tăng. SCFAs là sản phẩm phụ của quá trình vi khuẩn chuyển hóa chất xơ, chúng có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể.
Ví dụ, SCFA đóng vai trò như một nguồn năng lượng cho các tế bào ruột già và tham gia vào quá trình giao tiếp tế bào. Một số SCFA cũng sở hữu đặc tính kháng viêm và có thể ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và khối lượng cơ thể.
Các phát hiện này được công bố trên tạp chí mSystems, nhằm thiết lập nền tảng cho những nghiên cứu trong tương lai để khám phá chi tiết hơn về mối liên hệ giữa lượng chất xơ, hệ vi sinh đường ruột và SCFAs.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Của Chất Xơ
Chất xơ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Ví dụ, một đánh giá gần đây về nhiều phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều chất xơ nhất có nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch thấp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, trong 20 người dân Hoa Kỳ thì chỉ có 1 người ăn đủ lượng chất xơ được khuyến nghị.
Đó là sự thật mà Tiến sĩ Katrine Whiteson – Phó giáo sư Sinh học Phân tử và Hóa sinh, đồng giám đốc Sáng kiến Vi sinh vật thuộc Đại học California, Irvine (UCI) và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu này, bà giải thích:
“Việc cung cấp không đủ chất xơ trong thời đại công nghiệp hóa đang bỏ đói các vi sinh vật đường ruột của chúng ta, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe có thể liên quan đến sự gia tăng ung thư đại trực tràng và các bệnh tự miễn dịch, thậm chí là sự suy giảm hiệu quả tiêm chủng và khả năng đáp ứng liệu pháp miễn dịch ung thư.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ruột non không có khả năng phân hủy chất xơ. Thay vào đó, chất xơ đi vào ruột già, nơi vi khuẩn có thể chuyển hóa chúng. Quá trình này dẫn đến sự hình thành các SCFA. Các chuyên gia tin rằng chúng có ý nghĩa nhất định đối với nhiều khía cạnh liên quan đến sức khỏe.
Các tác giả của nghiên cứu này mong muốn khám phá mối liên hệ giữa việc tăng cường ngắn hạn lượng chất xơ trong chế độ ăn, cấu tạo của hệ vi sinh đường ruột và sự tồn tại của SCFAs.
Có thể bạn quan tâm: Chế Độ Ăn Thiếu Rau Có Thể Gây Ung Thư Đại Tràng
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế Độ Ăn Kiêng Trong Hai Tuần
Để khám phá, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm liên quan đến 26 sinh viên đại học đã đăng ký khóa Sinh học tại UCI, bao gồm cả người hướng dẫn của họ.
Trong tuần đầu tiên của nghiên cứu, những người tham gia sẽ ăn theo chế độ thông thường và cung cấp ba mẫu phân để tiến hành phân tích.
Trong tuần thứ 2, nhóm sinh viên này bắt đầu áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ. Họ theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của mình bằng cách sử dụng một ứng dụng thể dục, nhắm tới 40 gam (g) chất xơ mỗi ngày. Để hỗ trợ, nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho họ 10 bữa ăn giàu chất xơ mỗi tuần từ nhiều nguồn thực vật khác nhau.
Trong tuần thứ ba, những người tham gia được khuyến khích tăng cường lượng chất xơ của mình lên 50g mỗi ngày. Cũng trong tuần này, nhóm nghiên cứu đã thu thập thêm ba mẫu phân khác.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Theo nghiên cứu sinh Andrew Oliver – Trợ giảng của khóa học: “Nhóm sinh viên đã tăng cường lượng tiêu thụ chất xơ trung bình 25g mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn có sự biến đổi đáng kể trong lượng chất xơ trước khi có sự can thiệp vào chế độ dinh dưỡng.”
“Một số sinh viên đã phải bổ sung lượng chất xơ hàng ngày của họ từ gần như 0g lên 50 g vào cuối giai đoạn thử nghiệm. Tất cả chúng tôi đều có chút ám ảnh bởi lượng chất xơ trong những bữa ăn mà chúng tôi tiêu thụ.”
Các mẫu sau đó được nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích bằng cách giải trình tự DNA để xác định cấu tạo thành phần vi khuẩn. Họ đo lượng SCFAs bằng phương pháp sắc ký khí.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cấu Tạo Của Hệ Vi Sinh Đường Ruột
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cấu tạo hệ vi sinh vật đường ruột của những người tham gia thử nghiệm đã thay đổi khoảng 8% sau khi can thiệp vào chế độ ăn uống.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của nhiều loài vi khuẩn chuyển hóa chất xơ, chẳng hạn như Bifidobacterium, Bacteroides và Prevotella.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về sự gia tăng SCFAs. Họ đưa ra giả thuyết rằng điều này có thể là do thực tế các mẫu phân không thể hiện chính xác lượng SCFAs trong ruột, vì phần lớn chúng được chứa trong thành tế bào của ruột.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chia sẻ rằng thử nghiệm này chỉ kéo dài trong 2 tuần, có thể chưa đủ lâu để phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào của SCFAs.
Theo Tiến sĩ Whiteson: “Chúng tôi dự định tiến hành các biện pháp can thiệp lâu hơn về chất xơ trong chế độ ăn và nghiên cứu xem chất xơ có thể duy trì hệ vi sinh đường ruột có liên quan đến khả năng cải thiện sức khỏe như thế nào.”
“Ngay lúc này, trong thời kỳ đại dịch, khi chúng ta cần sức khỏe miễn dịch của mình và các khả năng đáp ứng tiêm chủng hiệu quả, chúng tôi khuyến nghị mọi người nên đa dạng hóa thực vật trong chế độ ăn của mình, cũng như kết hợp các loại đậu, quả mọng và bơ càng nhiều càng tốt.”
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê