Khi nói đến bệnh viêm ruột (IBD), không phải tất cả những loại chất xơ đều giống nhau. Một số loại có thể gây ra các triệu chứng, trong khi một số khác có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và thậm chí là giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Chất xơ là một thành phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng những người mắc bệnh viêm ruột (IBD) thường kiêng những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ vì lo ngại rằng chúng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng đường tiêu hóa (GI) của họ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghiên cứu đã chứng minh rằng chất xơ thực sự có thể giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và thậm chí còn có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng của bệnh IBD.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại chất xơ khác nhau và một số trong số chúng rất tốt cho những người mắc bệnh IBD trong khi những loại khác có thể gây khó chịu. Bởi vì những người mắc IBD đều khác nhau nên có một số điều cần suy nghĩ trước khi bạn bắt đầu ăn nhiều chất xơ hơn.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các loại chất xơ lành mạnh nhất nên có trong chế độ ăn uống hằng ngày nếu bạn mắc bệnh IBD và những loại có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng GI.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chất Xơ Là Gì và Tại Sao Người Bệnh IBD Thường Kiêng Nó?
Chất xơ là một loại carbohydrate mà cơ thể không thể tiêu hóa, được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và rau củ, các loại đậu, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt. Nó di chuyển qua đường tiêu hóa của chúng ta gần như nguyên vẹn và đóng một số vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng số tháng 4 năm 2021, những người mắc bệnh IBD có lượng chất xơ hấp thụ thấp hơn những người không mắc bệnh.
Trên thực tế, ước tính chưa đến 1/4 số người mắc IBD tiêu thụ đủ lượng chất xơ để đáp ứng các khuyến nghị của quốc gia theo nghiên cứu đã nói ở trên và điều này cũng dễ hiểu.
Trước đây, những người mắc IBD được khuyên nên ăn chế độ ăn ít chất xơ nhằm giảm kích ứng cơ học đối với niêm mạc ruột, theo một bài báo được đăng trên tạp chí Lancet Gastroenterology and Hepatology vào tháng 5 năm 2019.
Nhưng theo bài báo, những khuyến nghị này không dựa trên bằng chứng khoa học thực tế. Thay vào đó, chúng dựa trên các báo cáo mang tính giai thoại về những bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn sau khi loại bỏ thực phẩm chứa nhiều chất xơ ra khỏi chế độ ăn của họ.
Yến mạch và bơ hạt mịn là những loại thực phẩm giàu chất xơ thân thiện với người bệnh IBD.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tại Sao Chất Xơ Lại Quan Trọng Đối Với Những Người Mắc Bệnh Viêm Ruột?
Mặc dù ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau củ tươi khi đường tiêu hóa của bạn đang bị viêm là một điều nghe có vẻ trái ngược, nhưng vẫn có một số loại chất xơ trong thực phẩm từ thực vật lại rất thân thiện với đường ruột và không có khả năng gây kích ứng nghiêm trọng.
Trên thực tế, lượng chất xơ hấp thụ nhiều hơn có liên quan đến mức độ viêm nhiễm thấp hơn và khả năng thuyên giảm bệnh IBD cao hơn, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biomedicines vào tháng 6 năm 2022.
Ngoài ra, những người mắc IBD cũng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn so với dân số nói chung và một chế độ ăn giàu chất xơ được cho là có thể bảo vệ chống lại căn bệnh này, theo nghiên cứu của Biomedicines.
Hơn nữa, những người mắc IBD thường có một đặc điểm chung là bị suy giảm sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột và số lượng vi khuẩn nguy hiểm tiềm ẩn ngày càng tăng.
Chế độ ăn giàu chất xơ giúp thúc đẩy thành phần vi sinh vật đường ruột đa dạng và thuận lợi hơn, điều này có liên quan đến kết quả sức khỏe được cải thiện và mức độ viêm thấp hơn, như đã nêu trong nghiên cứu Biomedicines.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử tắc ruột hoặc bệnh Crohn nghiêm trọng, hoặc nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật IBD, bạn nên nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của mình trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào đối với lượng chất xơ của mình.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Chất Xơ Có Lợi Cho Người Bệnh IBD
Chất Xơ Hòa Tan
Chất xơ hòa tan là một loại chất xơ nhẹ giúp thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên. Chất xơ hòa tan – thứ mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nói về “chất xơ” – thực sự có thể giúp trị tiêu chảy.
Theo Crohn’s & Colitis Foundation, nó thực hiện điều này bằng cách hấp thụ nước trong đường tiêu hóa, tạo thành một loại gel. Đặc tính tạo gel này làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, giúp ruột có nhiều thời gian hơn để hấp thụ nước.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients vào tháng 11 năm 2022, một số loại chất xơ hòa tan như inulin hoặc tinh bột kháng, có thể được lên men bởi vi khuẩn đường ruột của chúng ta, giúp cung cấp nguồn thức ăn cho những vi sinh vật này.
Khi vi khuẩn đường ruột của chúng ta được nuôi dưỡng khỏe mạnh, chúng sẽ tiết ra các axit béo chuỗi ngắn, có đặc tính chống viêm.
Theo nghiên cứu của Nutrients, các hợp chất này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể, duy trì niêm mạc ruột khỏe mạnh và bảo vệ chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Bạn có thể tìm thấy chất xơ hòa tan trong phần thịt của trái cây và rau củ, đậu, quả hạch, hạt và một số loại ngũ cốc. Sau đây là một số ví dụ về thực phẩm thân thiện với IBD giàu chất xơ hòa tan:
- yến mạch
- cơm
- lúa mạch
- bột ngô
- khoai tây không vỏ
- các loại bí mùa đông và mùa hè, đã được gọt vỏ và nấu chín
- bơ hạt mịn
- sốt hummus
- chuối
Có thể bạn quan tâm: Protein Đậu Nành Có Thể Cải Thiện Các Triệu Chứng Của Bệnh Viêm Ruột
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Chất Xơ Có Thể Gây Ảnh Hưởng Xấu Đến Các Triệu Chứng IBD
Chất Xơ Không Hòa Tan
Chất xơ không hòa tan, đôi khi được gọi là “thức ăn thô”, không hấp thụ chất lỏng và không trương nở. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, nó tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, có thể có tác dụng nhuận tràng.
Mặc dù là một chất bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống, nhưng chất xơ không hòa tan chủ yếu được sử dụng để tăng trọng lượng cho phân hơn là cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn đường ruột tốt vì chất xơ này ít bị vi khuẩn đường ruột của chúng ta lên men hơn so với chất xơ hòa tan.
Chất xơ không hòa tan có trong những loại thực phẩm như cám, các loại hạt và quả hạch, rau xanh cũng như vỏ của trái cây và rau củ, theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan.
Nếu hiện đang gặp phải các triệu chứng IBD, người bệnh có thể giảm nhẹ bằng cách tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, đồng thời giảm bớt những loại có chứa chất xơ không hòa tan. Ví dụ, hãy chọn chuối thay vì quả mọng, hoặc dùng yến mạch thay vì cám.
Chế Độ Ăn Kiêng FODMAP Thấp
Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể xác định loại thực phẩm nào đã gây ra các triệu chứng của họ bằng cách áp dụng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp.
FODMAP là từ viết tắt của “Fermentable Oligosaccharid, Disaccharid, Monosaccharid And Polyol”, đây là một cách gọi khoa học về những dạng chất xơ có khả năng lên men cao bởi vi khuẩn đường ruột của chúng ta.
Là sản phẩm phụ của quá trình lên men, vi khuẩn đường ruột tạo ra khí và hút nước vào ruột, gây ra các triệu chứng GI cho một số người. Thực phẩm có FODMAP cao gồm có các loại đậu, lúa mì, sữa có chứa lactose, một số loại trái cây và rau củ như hành, tỏi, atisô, nấm, súp lơ, táo và đào.
Vì khả năng dung nạp FODMAP ở mỗi người là khác nhau, nên tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xác định FODMAP nào có thể gây ra các triệu chứng cho bạn.
Tuy nhiên, Crohn’s & Colitis Foundation báo cáo rằng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp vẫn chưa được chứng minh khả năng giảm viêm IBD, mặc dù thực tế là nó có thể làm giảm các triệu chứng giống như IBS chức năng đối với một số người.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Microorganisms vào tháng 11 năm 2020, việc kiêng những loại thực phẩm có FODMAP cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột, do đó không nên tự ý thử chế độ ăn kiêng này mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Làm Thế Nào Để Tăng Cường Lượng Chất Xơ Của Bạn?
Khi tăng lượng chất xơ của bạn, tốt nhất là bắt đầu “chậm và ít”, với số lượng khẩu phần và loại thực phẩm giàu chất xơ được ăn tăng dần theo thời gian. Hệ thống tiêu hóa và vi sinh vật đường ruột của bạn sẽ có thời gian để thích nghi.
Tiêu thụ quá nhiều chất xơ cùng một lúc có thể dẫn đến đầy hơi, chuột rút, đầy hơi và nhu động ruột không đều. Crohn’s & Colitis Foundation cho biết trong thời gian bùng phát IBD, chất xơ hòa tan được ưu tiên hơn chất xơ không hòa tan vì nó được hệ tiêu hóa dung nạp tốt hơn.
Để tăng tỷ lệ chất xơ hòa tan và không hòa tan trong chế độ ăn uống của bạn, hãy thử gọt vỏ trái cây và rau củ trước khi ăn hoặc nấu chúng, đồng thời chọn những loại thực phẩm có kết cấu mềm.
Xay nhuyễn hoặc nghiền thức ăn có thể làm thay đổi kết cấu của chúng, giúp tiêu hóa chất xơ dễ dàng hơn. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy duy trì lượng nước uống đầy đủ để tạo điều kiện cho chất xơ vận chuyển qua hệ thống tiêu hóa của bạn một cách suôn sẻ.
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê