Tự hỏi bạn có thể làm gì để có thể chung tay chống lại biến đổi khí hậu? Hãy cân nhắc áp dụng chế độ ăn uống phù hợp với khí hậu, một mô hình ăn uống bền vững. Có lẽ đây là một chế độ ăn uống mới lạ đối với người dân Châu Á, nhưng có thể nó sẽ là giải pháp thích hợp nhất dành cho bạn.
Chế độ ăn kiêng theo khí hậu, được phổ biến bởi tổ chức phi lợi nhuận Climates Network, chú trọng đến những loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật với tác động môi trường ở mức tối thiểu.
Mặc dù chỉ có 4% người Mỹ được xác định là người ăn chay, thuần chay, linh hoạt hoặc bất kỳ chế độ ăn kiêng nào khác trong đó thực vật được ưu tiên hơn thịt, một cuộc khảo sát năm 2020 của Đại học Yale và Mạng lưới Ngày Trái đất cho thấy hơn 50% số người được hỏi sẽ sẵn sàng ăn nhiều thực vật hơn nếu họ hiểu nhiều hơn về tác động môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm của họ.
Vậy chế độ ăn kiêng theo khí hậu bao gồm những loại thực phẩm nào, một số ưu điểm và nhược điểm trước khi áp dụng sẽ được đề cập ngay sau đây.
Hãy cân nhắc áp dụng chế độ ăn kiêng khí hậu chú trọng thực vật, nếu bạn muốn thay đổi thói quen ăn uống của mình trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mục Đích Của Chế Độ Ăn Kiêng Khí Hậu
Có một số yếu tố khiến rất nhiều người chọn theo đuổi chế độ ăn kiêng khí hậu. Hãy xem liệu một hoặc cả hai khái niệm này có phù hợp với bạn không.
Thân Thiện Với Môi Trường
Năm 2019, lượng phát thải khí nhà kính (khí hấp thụ nhiệt trong khí quyển) đạt mức cao kỷ lục tương đương 59.1 gigaton carbon dioxide (CO2), theo báo cáo từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2020. Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), con số này tương đương với lượng khí thải do hơn 12 tỷ phương tiện chở khách chạy bằng xăng tạo ra.
Theo một báo cáo đặc biệt từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2019, hệ thống lương thực toàn cầu hiện chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải này. Riêng chăn nuôi đã chiếm khoảng 14.5%, theo nghiên cứu được công bố bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc năm 2013.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climate năm 2022, chỉ cần loại thịt khỏi chế độ ăn uống của bạn có thể tiết kiệm lượng khí thải tương đương với việc thực hiện một chuyến bay đường dài hoặc lái xe 100 dặm mỗi tuần trong một năm. Bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn bằng cách thực hiện một số thay đổi khác trong chế độ ăn uống của mình.
Có thể bạn quan tâm: 10 Xu Hướng Thực Phẩm Lành Mạnh Nhất Được Dự Đoán Vào Năm 2023
Có Lợi Cho Sức Khỏe
Thông thường, mọi người áp dụng chế độ ăn kiêng khí hậu để giảm tác động của họ đối với khí hậu. Tiến sĩ Colleen Tewskbury, trợ lý giáo sư về khoa học dinh dưỡng tại Trường Điều dưỡng Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cho biết:
“Việc tuân theo chế độ ăn kiêng phù hợp với khí hậu có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, tùy thuộc vào sở thích ăn uống của từng người và cách họ so sánh với chế độ ăn kiêng trước đây của họ.”
Theo tạp chí Thực phẩm & Dinh dưỡng – một ấn phẩm của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, chế độ ăn uống khí hậu nhấn mạnh việc giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, đặc biệt là thịt đỏ, đồng thời ưu tiên chế độ ăn kiêng chú trọng thực vật hơn.
Theo Ủy ban Trách nhiệm Y khoa Hoa Kỳ, có nhiều lợi ích khi chuyển sang chế độ ăn uống chú trọng thực vật, bao gồm hạ huyết áp, cải thiện cholesterol, cũng như giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Một Số Chế Độ Ăn Kiêng Thân Thiện Với Khí Hậu
Về lý thuyết, có thể có vô số chế độ ăn kiêng theo khí hậu. Theo Tiến sĩ Michael Clark, nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Oxford ở Anh, người nghiên cứu tác động của chế độ ăn uống bền vững với môi trường và sức khỏe con người, nói rằng:
“Chế độ ăn uống chủ yếu dựa trên thực vật, chế biến tối thiểu và chứa một lượng thịt, sữa và trứng vừa phải nói chung là thân thiện với khí hậu.”
Tuy nhiên, có một số chế độ ăn kiêng nổi tiếng có thể được coi là phù hợp với khí hậu.
Chế Độ Ăn Thuần Chay
Những người theo chế độ ăn thuần chay thường chỉ ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, bao gồm trái cây, rau củ, đậu nành, các loại đậu và hạt, ngũ cốc nguyên hạt và một số sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc từ thực vật, theo Food Insight.
Chế độ ăn thuần chay nói không với tất cả những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như trứng, sữa, thịt, thịt gia cầm, hải sản và một số sản phẩm phụ từ động vật như mật ong.
Chế Độ Ăn Chay
Theo Food Insight, chế độ ăn chay chú trọng vào những loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như trái cây, rau củ, ngũ cốc, các loại đậu và hạt. Tuy nhiên, chế độ ăn uống này cho phép tiêu thụ trứng và thực phẩm từ sữa.
Chế Độ Ăn Kiêng Pescatian
Chế độ ăn kiêng pescatarian tương tự như chế độ ăn chay, tuy nhiên nó có kết hợp hải sản. Theo Food Insight, những người theo chế độ ăn này có thể tiêu thụ cá, cũng như một ít trứng và sản phẩm từ sữa.
Chế Độ Ăn Chay Linh Hoạt
Theo Phòng khám Cleveland, flexitarian là chế độ ăn chay linh hoạt, bạn sẽ tăng cường thực vật nhưng không loại bỏ hoàn toàn thịt. Nó chú trọng trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, với lượng thịt hạn chế.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Danh Sách Hoàn Chỉnh Về Thực Phẩm Trong Chế Độ Ăn Kiêng Khí Hậu
Vào tháng 1 năm 2019, Ủy ban EAT-Lancet đã công bố một báo cáo nêu rõ những yếu tố chính trong chế độ ăn uống lành mạnh, thân thiện với khí hậu. Phát hiện của họ đã được công bố trên The Lancet.
Theo báo cáo và thông tin đầu vào từ đồng tác giả Tiến sĩ Abhishek Chaudhary, đây là những thực phẩm nên ăn và hạn chế, hoặc tránh trong chế độ ăn kiêng khí hậu:
Nên Ăn
- trái cây và rau củ
- các loại đậu
- các loại hạt
- cá và hải sản
- ngũ cốc nguyên hạt
Nên Giảm
- thịt lợn
- thịt gia cầm
- trứng
- sản phẩm từ sữa
Hạn Chế hoặc Tránh Xa
- thức ăn tại nhà hàng
- thịt đỏ và thịt chế biến
- thực phẩm đóng gói
- đường
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ưu Điểm Của Chế Độ Ăn Kiêng Khí Hậu
Có rất nhiều lợi ích khi áp dụng chế độ ăn uống thân thiện với khí hậu. Hãy xem xét những ưu điểm này khi quyết định có nên thay đổi thói quen ăn uống của bạn hay không.
Thân Thiện Với Môi Trường
Theo báo cáo của The Lancet, sản xuất lương thực là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi môi trường toàn cầu và chịu trách nhiệm đến 30% lượng khí thải nhà kính. Theo Tiến sĩ Clark, chế độ ăn uống thân thiện với khí hậu sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải độc hại này.
Chẳng hạn, nếu mọi người chuyển sang chế độ ăn thuần chay, chúng ta có thể cắt giảm đến 70% lượng khí thải liên quan đến thực phẩm vào năm 2050, theo dự báo được công bố vào tháng 3 năm 2016 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho rằng ô nhiễm nitơ và phốt pho, mất đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng một hệ thống thực phẩm bền vững hơn.
Bài báo từ The Lancet cho biết hiện nay, nông nghiệp sử dụng tới 40% diện tích đất trên thế giới, trong khi sản xuất lương thực chiếm 70% lượng nước ngọt được sử dụng.
Theo một bài báo được xuất bản vào tháng 5 năm 2019 trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường, chế độ ăn uống của bạn được xem là thân thiện với khí hậu nếu lượng khí thải carbon hàng ngày của nó ít hơn 2.000 g khí thải CO2.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2021 trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy rằng khi so sánh với các khuyến nghị về chế độ ăn uống ở Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Oman, Thái Lan và Uruguay, chế độ ăn uống của Hoa Kỳ có lượng khí thải carbon lớn nhất (3.83 kg hoặc 3.830 g CO2 mỗi ngày).
Chuyển sang chế độ ăn toàn cầu lành mạnh, bền vững sẽ cần những thay đổi lớn, chẳng hạn như giảm 50% lượng tiêu thụ thịt và thịt đỏ trên toàn cầu, đồng thời tăng hơn 100% lượng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như trái cây, rau củ và đậu, theo phân tích của The Lancet.
Tuy nhiên, ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Clark nói: “Bạn không cần phải chuyển sang chế độ ăn chú trọng thực vật hoàn toàn, nhưng đi theo hướng này sẽ có lợi.”
Trên thực tế, chỉ cần chuyển 10% lượng calo hàng ngày của bạn từ gia súc và thịt chế biến sang trái cây, rau củ, các loại đậu và hạt cũng có thể làm giảm 33% lượng khí thải carbon từ thực phẩm của bạn, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2021 trên tạp chí Nature Food.
Có Lợi Cho Sức Khỏe
Một chế độ ăn uống thân thiện với khí hậu có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tiến sĩ Chaudhary, trợ lý giáo sư tại khoa kỹ thuật dân dụng thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur, Ấn Độ, cho biết: “Người dân ở Bắc Mỹ chỉ ăn khoảng 60% lượng rau củ quả được khuyến nghị.”
Theo báo cáo của The Lancet, chuyển sang chế độ ăn kiêng ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật đồng thời giảm tiêu thụ thịt đỏ và đường có thể ngăn ngừa 11.1 triệu ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030, tương đương 19% ca tử vong sớm.
Clark nói: “Ở Mỹ, phần lớn những lợi ích sẽ đến từ việc giảm béo phì, bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư.” Ví dụ, tiêu thụ thịt chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo một đánh giá được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Y tế Dự phòng Quốc tế.
Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2019 cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm thực vật và hạn chế thực phẩm động vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Chaudhary nói: “Bạn không cần phải giảm mức tiêu thụ thịt của mình xuống bằng 0, nhưng nếu bạn có thể cắt giảm từ 10 đến 20% thì điều đó sẽ có lợi cho cả bạn và hành tinh này.”
Có Thể Tiết Kiệm Chi Phí (Tùy Trường Hợp)
Tùy thuộc vào nơi bạn sống, chế độ ăn uống thân thiện với khí hậu có thể ít tốn kém hơn.
Trong một nghiên cứu so sánh chi phí được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health vào tháng 10 năm 2021, chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững (ví dụ như ăn chay, thuần chay và linh hoạt) rẻ hơn tới 34% so với chế độ ăn uống hiện tại ở những quốc gia có thu nhập cao như Hoa Kỳ.
Để xem xét những khoản tiết kiệm đó, các nhà nghiên cứu ước tính rằng chế độ ăn kiêng điển hình của phương Tây tiêu tốn khoảng 50$/người/tuần, ăn linh hoạt là 42$, ăn chay 34$ và thuần chay 33$. Ngoại lệ là chế độ ăn pescatian, do có chứa nhiều cá và hải sản nên nó có thể đắt hơn 2% so với chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, chính nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng chế độ ăn uống thân thiện với khí hậu đắt hơn tới 45% ở một số quốc gia có thu nhập thấp. Vì vậy, khoản tiết kiệm có thể phụ thuộc vào nơi bạn sinh sống.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nhược Điểm Của Chế Độ Ăn Kiêng Khí Hậu
Chế độ ăn kiêng khí hậu vẫn có nhược điểm của nó, giống như bất kỳ chế độ ăn kiêng nào khác. Bạn có thể sử dụng thông tin này để xác định xem nó có phù hợp với mình hay không hoặc tìm cách điều chỉnh sao cho nó phù hợp hơn với nhu cầu của bạn.
Thiếu Hụt Dưỡng Chất Thiết Yếu
Theo Chaudhary, chế độ ăn uống phù hợp với khí hậu có thể có lợi cho môi trường, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ tốt cho sức khỏe.
Ví dụ, trong khi nhiều chế độ ăn uống ở Ấn Độ có hàm lượng carbon thấp, có lẽ do lượng thịt của người dân tương đối thấp nên họ bị thiếu 11 trong số 25 dưỡng chất thiết yếu, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm 2021 trên tờ One Earth. Kết quả là 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và 61% trường hợp tử vong ở Ấn Độ có thể là do bệnh mãn tính, nghiên cứu cho thấy.
Cũng có nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng khi lựa chọn thực phẩm thân thiện với khí hậu.
Ví dụ, chế độ ăn kiêng khí hậu khuyến khích giảm tiêu thụ thịt đỏ và tăng lượng trái cây, rau củ và đậu. Bổ sung nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống sẽ giúp bạn đáp ứng các nhu cầu về vi chất dinh dưỡng khác, nhưng cắt giảm thịt có thể gây thiếu hụt vitamin B12 và vitamin D. Vì vậy, bạn cần phải hết sức thận trọng, Chaudhary nói.
Bạn Có Thể Cần Phải Thay Đổi Mạnh Mẽ Thói Quen Ăn Uống Của Mình
Nhiều người phải vật lộn để thích nghi với những loại thực phẩm mới lạ khi ăn kiêng và việc áp dụng chế độ ăn kiêng theo khí hậu này cũng không ngoại lệ.
Clark nói: “Từ những kinh nghiệm và cuộc trò chuyện mà tôi đã có, một trong những rào cản lớn nhất đối với chế độ ăn kiêng theo khí hậu là vượt qua sở thích về thức ăn và mùi vị.”
Ví dụ, nếu bạn thường ăn thịt bò, thì việc chuyển sang thịt gà, cá hoặc protein từ thực vật có thể là một sự thay đổi lớn. Quá trình thực hiện và duy trì những thay đổi quan trọng trong chế độ ăn uống có thể là một thử thách.
Không Yêu Cầu Tập Thể Dục
Chế độ ăn kiêng khí hậu không yêu cầu kết hợp thể dục vào thói quen của bạn.
Tuy nhiên, hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ mắc bệnh, tăng cường cơ bắp và xương, đồng thời nâng cao khả năng thực hiện những hoạt động hàng ngày của bạn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Tập thể dục cũng rất quan trọng nếu bạn muốn giảm hoặc duy trì trọng lượng cơ thể, theo một bài báo xuất bản năm 2014 trên tạp chí Progress in Cardiovascular Diseases.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Chuyển sang chế độ ăn kiêng khí hậu không những có thể làm giảm lượng khí thải carbon của bạn mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Tăng cường thực phẩm thực vật, đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến và thịt đỏ có thể làm giảm huyết áp, cải thiện cholesterol, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê