Chế độ ăn toàn trái cây chủ yếu bao gồm trái cây tươi. Một người ăn trái cây là một người tuân theo chế độ ăn kiêng này. Trong bài đăng này, chúng ta sẽ cùng khám phá xem mọi người hiểu về chế độ ăn kiêng này ra sao, các hình thức của chúng, cũng như những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn.
Chế Độ Ăn Toàn Trái Cây Hay Chế Độ Ăn Kiêng Với Trái Cây Là Gì?
Chế độ ăn toàn trái cây là một chế độ ăn thuần chay chủ yếu bao gồm trái cây tươi. Chế độ ăn này không cho phép người thực hiện nó ăn tất cả các sản phẩm có nguồn động vật, bao gồm cả sữa. Rau củ, trái cây khô, quả hạch và hạt cũng có thể được kết hợp ở lượng vừa phải.
Không có một hình thức cụ thể nào để thực hiện chế độ ăn toàn trái cây này, tuy nhiên những ai tuân theo chế độ này phải đảm bảo bổ sung ít nhất 70 – 80% lượng calo hàng ngày từ trái cây tươi. Kiểu ăn kiêng này có thể kết hợp nhiều dạng trái cây khác như:
- Bơ
- Cà chua
- Dưa leo
- Ớt
- Ô liu
- Bí đao
Không có bất kỳ giờ ăn cụ thể nào cho chế độ ăn toàn trái cây. Kế hoạch thực sự khuyến khích người thực hiện nên ăn theo trực giác, hoặc chỉ ăn khi đói và dừng lại khi no. Không có bất kỳ quy tắc cứng nhắc nào về việc ăn bao nhiêu hoặc khi nào trong chế độ ăn kiêng này.
Chế độ ăn trái cây có thể không tối ưu cho sức khỏe, vì chúng loại trừ rất nhiều nhóm thực phẩm bổ dưỡng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rủi Ro Tiềm Ẩn
Mặc dù chế độ ăn trái cây có thể mang lại một số lợi ích dinh dưỡng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Chúng thiếu rất nhiều dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần để có sức khỏe tối ưu. Chế độ ăn này cũng chứa khá nhiều đường, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe.
Thiếu Hụt Dinh Dưỡng
Cơ thể không thể hấp thụ tất cả các nhu cầu dinh dưỡng chỉ từ trái cây. Những người chỉ ăn trái cây có thể bị thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như:
- Sắt
- Canxi
- Vitamin D
- Kẽm
- Axit béo omega-3
- Vitamin B, bao gồm cả B12
Cơ thể không thể hoạt động bình thường nếu không có các vitamin và khoáng chất này. Sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như sau:
- Da khô và tóc dễ rụng
- Suy nhược
- Tâm trạng kém
- Lo âu
- Loãng xương
- Giảm khả năng miễn dịch
- Yếu cơ
- Rối loạn khả năng nhận thức
- Các biến chứng đe dọa đến tính mạng
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thiếu Hụt Protein
Thiếu hụt protein là một trong những nguy cơ chính của chế độ ăn toàn trái cây. Mặc dù những người tuân theo chế độ này có thể ăn một số loại hạt và quả hạch, nhưng chúng có thể không cung cấp đủ protein để duy trì sức khỏe.
Sau đây là các khuyến nghị về protein cho người trưởng thành, theo một công bố năm 2016 trên tạp chí Thực phẩm & Chức năng:
- Người hoạt động thể chất ở mức nhẹ: 0.8 – 1.0 g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể
- Người hoạt động thể chất ở mức vừa: 1.3 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể
- Người hoạt động thể chất ở mức cao: 1.6 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể
Mối nguy này có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm:
- Sưng phù
- Thiếu máu
- Suy giảm hệ thống miễn dịch
- Suy nhược cơ thể
- Gặp rối loạn về mạch máu, có thể dẫn đến bệnh tim mạch
- Chậm phát triển
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Fructose và Chỉ Số Đường Huyết
Trái cây tự nhiên chứa đường fructose, một số loại có nhiều hơn những loại khác.
Trên chỉ số đường huyết (GI), một thang đánh giá tốc độ mà một số thực phẩm cụ thể khiến lượng đường trong máu tăng lên, một loại trái cây có hàm lượng đường lớn hơn sẽ có tỷ lệ cao hơn. Các loại hoa quả có chỉ số GI cao bao gồm:
- Chuối
- Nho
- Trái cây nhiệt đới
Trái cây có chỉ số GI thấp hơn có ít tác động hơn đến lượng đường trong máu, có thể kể đến như:
- Táo
- Cam
- Lê
- Các loại quả mọng
Bất kể chỉ số GI là bao nhiêu thì tất cả các loại hoa quả đều có khả năng làm tăng lượng đường huyết, vì chúng có chứa carbohydrate.
Tập trung vào số lượng khẩu phần ăn và duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng là hai cách tiếp cận cần thiết để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Điều này có thể là một thách thức đối lớn với những người đang ăn kiêng toàn trái cây.
Kiểm soát lượng đường huyết là điều cần thiết cho sức khỏe nói chung và đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường nói riêng. Vì thế nên chế độ ăn kiêng này có thể không phải là lựa chọn phù hợp cho những người có lượng đường trong máu không ổn định.
Để tránh lượng đường huyết tăng đột biến, họ cũng nên tránh uống nhiều nước ép hoa quả.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sâu Răng
Trái cây có chứa axit, bao gồm axit fructic và xitric. Nếu một người không có thói quen vệ sinh răng miệng tốt, một số loại trái cây và các sản phẩm từ trái cây có thể làm tan men răng, dẫn đến sâu răng theo thời gian.
Một số loại trái cây đặc biệt có tính axit như cam, chanh và bưởi. Những loại nước trái cây này và các loại nước ép trái cây có liên quan cũng có tính axit khá cao. Theo một số nghiên cứu, uống 100% nước ép hoa quả có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
Súc miệng bằng nước sau khi ăn trái cây có tính axit giúp ngăn ngừa mòn răng. Tuy nhiên, nói chung, một chế độ ăn kiêng với trái cây có khả năng khiến răng tiếp xúc với nhiều axit hơn so với một chế độ ăn uống đa dạng. Mọi người có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng bằng cách:
- Đánh răng hai lần một ngày
- Xỉa răng
- Không đánh răng ngay sau khi ăn để giúp ngăn ngừa mòn men răng
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Tiềm Năng
Một cá nhân nào đó có thể thực hiện theo chế độ ăn toàn trái cây vì nhiều lý do. Trên các nền tảng mạng xã hội và blog, chúng ta dường như bị thôi thúc bởi những mục tiêu sau:
- Giảm calo
- Giảm cân
- Cai nghiện thói quen xấu
- Một chế độ ăn uống thân thiện với môi trường
- Không cần phải vào bếp
- Tăng cường vitamin và chất chống oxy hóa
- Tránh giết hại sinh linh, kể cả cây cỏ
- Một lối sống thuần tự nhiên và hoang dã
Trái cây rất giàu chất chống oxy hóa và vitamin; nhiều dưỡng chất trong số này thường bị thiếu hụt trong chế độ ăn phổ thông của người Mỹ. Nhiều loại hoa quả còn là nguồn cung cấp vượt trội của:
- Vitamin C: Giúp chữa lành mô và giúp duy trì sức khỏe răng nướu
- Kali: Rất quan trọng trong việc duy trì huyết áp khỏe mạnh
- Folate: Giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trái cây tự nhiên chứa ít calo. Nếu một người chuyển từ chế độ ăn kiêng thông thường sang chế độ ăn kiêng trái cây, họ có thể tiêu thụ ít calo hơn và giảm cân. Trái cây cũng là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Theo Bộ Nông nghiệp, nhiều người ở Hoa Kỳ không ăn đủ chất xơ. Chúng là một thành phần quan trọng trong tất cả chế độ ăn uống và có thể hỗ trợ:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
- Giảm lượng cholesterol trong máu
- Cải thiện chức năng đường ruột và giảm táo bón
- Tăng cảm giác no lâu, có thể khiến một người ăn ít calo hơn
Tuy nhiên, nước ép trái cây chứa rất ít hoặc không chứa chất xơ. Điều cần lưu ý là, mặc dù có hàm lượng chất xơ và vitamin, nhưng kiểu ăn kiêng toàn trái cây này không cung cấp toàn bộ lượng dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động ổn định.
Thông thường, một người có thể nhận được những lợi ích của chế độ ăn toàn trái cây bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống ít kiêng cử hơn nhưng vẫn giàu thực phẩm, bao gồm cả trái cây.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Một Số Hình Thức Ăn Kiêng Với Trái Cây
Chế độ ăn kiêng với trái cây có nhiều hình thức khác nhau, một số dạng có thể bị hạn chế hơn những dạng khác.
Vài người họ chỉ ăn trái cây rụng khỏi cây hoặc thực vật nhằm tránh hái nhổ hay thu hoạch. Mục đích là để không phải gây ra bất kỳ tổn thương nào cho cây. Những người khác lại kiêng cử nhiều loại ngũ cốc, quả hạch và hạt do định kiến rằng con người chỉ nên ăn những gì thuộc về tự nhiên.
Một số cá nhân chỉ ăn hoa quả tươi trước một thời điểm cụ thể nào đó, chẳng hạn như buổi trưa hoặc buổi tối, sau đó họ sẽ ăn những thực phẩm khác. Số còn lại thì có cách tiếp cận linh hoạt hơn nhiều và họ có thể ăn kèm thêm một lượng nhỏ các món sau đây trong ngày:
- Quả hạch
- Hạt
- Đậu
- Ngũ cốc
- Rau củ
Nhìn chung, chế độ ăn toàn trái cây này khá hạn chế và thiếu nhiều dưỡng chất thiết yếu. Mặt khác, một số người còn nảy sinh nhiều quan điểm không tốt với thực phẩm khi họ tuân theo chế độ ăn kiêng quá khắt khe này.
Một chiến lược ăn kiêng không quá cứng nhắc nhưng vẫn kết hợp đa dạng rau củ quả, cũng như ít hoặc không chứa những thực phẩm chế biến sẵn có thể thường xuyên mang lại lợi ích cho sức khỏe chúng ta.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Chế độ ăn trái cây chủ yếu bao gồm trái cây tươi. Một số người cũng có thể ăn một lượng nhỏ các loại hạt, quả hạch, trái cây và ngũ cốc.
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất chống oxy hóa và chất xơ vượt trội. Tuy nhiên, một chế độ ăn kiêng toàn hoa quả có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Chẳng hạn, một chế độ ăn toàn trái cây chứa rất ít protein có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột ngột. Vì lý do này, chế độ ăn kiêng trái cây không thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường.
Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu chế độ ăn kiêng trái cây. Hầu hết các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ không ủng hộ chế độ ăn chỉ có trái cây trong thời gian dài, do chúng không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Có thể bạn quan tâm: Những Lợi Ích Và Hạn Chế Của Việc Thanh Lọc Bằng Nước Trái Cây
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê