Có phải cà rốt là chìa khóa cho một trái tim khỏe mạnh? Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng những người có hàm lượng carotene cao trong máu có khả năng bị xơ vữa động mạch ở mức độ thấp hơn, do đó có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu y sinh August Pi i Sunyer (IDIBAPS) và Đại học Oberta de Catalunya (UOC), nghiên cứu tập trung vào carotene, các hợp chất hoạt tính sinh học có nhiều trong trái cây và rau quả màu vàng, cam và xanh lục như cà rốt, rau bina, cà chua và khoai lang.
Mặc dù các tác động tích cực của chế độ ăn uống đối với sức khỏe tim mạch đã được chứng minh rõ ràng, nhưng các nghiên cứu trước đây về tác dụng của caroten đối với chứng xơ vữa động mạch (tình trạng động mạch bị hẹp và xơ cứng) đã mang lại kết quả không thuyết phục. Đáng ngạc nhiên, các nghiên cứu về chất bổ sung carotene thậm chí còn gợi ý tác hại tiềm ẩn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Được dẫn dắt bởi Gemma Chiva Blanch, một nhân vật nổi bật trong nghiên cứu tịnh tiến IDIBAPS về bệnh tiểu đường, lipid và nhóm béo phì, nhóm nghiên cứu đã làm sáng tỏ mối tương quan tích cực giữa carotene và sức khỏe tim mạch.
Xơ vữa động mạch, được đặc trưng bởi sự tích tụ của LDL hoặc cholesterol “xấu” trên thành trong của mạch máu, có thể dẫn đến sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch, làm thu hẹp đường kính của mạch và cản trở lưu lượng máu chảy đi khắp cơ thể.
Trong một số trường hợp, những mảng này có thể vỡ ra và hình thành cục máu đông, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ khi lượng máu lưu thông đến tim hoặc não bị tắc nghẽn.
Để điều tra thêm về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 200 người tham gia trong độ tuổi từ 50 đến 70 từ nhóm thuần tập về Xơ vữa động mạch cảnh ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 mới được chẩn đoán (DIABIMCAP). Mẫu máu của những người tham gia được phân tích để đo nồng độ carotene, trong khi hình ảnh siêu âm được sử dụng để đánh giá sự hiện diện của các mảng xơ vữa trong động mạch cảnh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tiêu thụ trái cây và rau quả làm giảm cholesterol
Nghiên cứu cho thấy những người bị xơ vữa động mạch có mức các hạt HDL lớn (còn được gọi là cholesterol “tốt”) thấp hơn so với những người không bị xơ vữa động mạch.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng có những mối liên hệ tích cực giữa α-carotene (một loại chất chống oxy hóa có trong một số loại trái cây và rau quả) và cả các hạt HDL lớn và trung bình. Mặt khác, họ nhận thấy rằng β-carotene (một loại chất chống oxy hóa khác) và tổng lượng carotene có liên quan nghịch với LDL và các hạt trung bình/nhỏ của nó.
Hơn nữa, nghiên cứu tiết lộ rằng những người bị xơ vữa động mạch có tổng lượng carotene trong máu thấp hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh này. Khi số lượng mảng xơ vữa động mạch (tích tụ trong động mạch) tăng lên, nồng độ carotene trong máu giảm xuống.
Tuy nhiên, khi tính đến nhiều yếu tố khác, mối quan hệ nghịch đảo giữa β-carotene và tổng lượng carotene với gánh nặng xơ vữa động mạch vẫn chỉ đáng kể ở phụ nữ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chiva Blanch, cũng là phó giáo sư và nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học Sức khỏe của UOC, nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện của họ. “Nghiên cứu kết luận rằng nồng độ carotene trong máu càng cao thì gánh nặng xơ vữa động mạch càng ít, đặc biệt là ở phụ nữ”, Chiva Blanch cho biết trong một tuyên bố.
Chiva Blanch nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi có thể khẳng định rằng chế độ ăn có nhiều trái cây và rau quả, giàu carotene sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch”.
Những phát hiện của nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y khoa Dinh dưỡng lâm sàng, nêu bật những lợi ích tiềm năng của việc kết hợp thực phẩm giàu carotene vào chế độ ăn uống của một người để giảm thiểu nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch, nhấn mạnh tầm quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Những nghiên cứu sâu hơn là điều cần thiết để tìm hiểu cụ thể hơn về các cơ chế làm cơ sở cho tác dụng bảo vệ của caroten và khám phá các chiến lược tiềm năng để kết hợp chúng vào các biện pháp can thiệp trong phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế độ ăn uống nguồn gốc thực vật và bệnh tim mạch
Nghiên cứu này như một lời nhắc nhở rằng những thay đổi nhỏ trong thói quen ăn kiêng có thể có tác động đáng kể đến kết quả sức khỏe lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc tiêu thụ trái cây và rau quả khi nói đến sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu được công bố đầu năm nay trên tạp chí JAMA Internal Medicine phát hiện ra rằng, chế độ ăn uống nguồn gốc thực vật là một trong số các mô hình ăn uống lành mạnh có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư hoặc các bệnh về hô hấp.
Những người tham gia nghiên cứu được tính điểm dựa trên bốn chỉ số mô hình chế độ ăn uống: Chỉ số ăn uống lành mạnh 2015, Chế độ ăn uống thay thế Địa Trung Hải, Chỉ số chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh và Chỉ số ăn uống lành mạnh thay thế.
Theo kết quả nghiên cứu, việc tuân thủ chặt chẽ ít nhất một trong các chế độ ăn kiêng này có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và do bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp.
Các nhà nghiên cứu tin rằng lý do cho sự giống nhau trong mối liên hệ giữa chất lượng chế độ ăn uống và nguy cơ tử vong là do cả bốn chế độ ăn kiêng đều có chung thành phần chính là bao gồm nhiều thực phẩm thực vật, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch và cây họ đậu.
Bài viết được dịch từ vegnews.com
Dịch giả Trinh Lê