Chuối có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hiện tại không có chế độ ăn kiêng đặc biệt cho bệnh Lyme và phần lớn bệnh nhân hồi phục tốt nhờ thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Hiện tại có rất ít nghiên cứu về tác động của chế độ ăn uống và dinh dưỡng đối với bệnh Lyme.
Tuy nhiên, chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh Lyme và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Thực phẩm có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, đặc biệt là chuối, có thể hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme.
Bài viết này khám phá bệnh Lyme và những lợi ích của chuối cũng như các loại thực phẩm khác có thể giúp một người khỏi bệnh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bệnh Lyme Là Gì?
Tại Hoa Kỳ, bệnh Lyme là bệnh thường gặp nhất do vật trung gian truyền bệnh (vector truyền). Vết cắn của bọ ve chân đen bị nhiễm vi khuẩn Borrelia burgdorferi có thể truyền bệnh này sang người. Tuy nhiên, ve phải được gắn kết với vật chủ trong ít nhất 36 – 48 tiếng để lây truyền vi khuẩn.
Bệnh Lyme kích thích tạo ra các cytokine gây viêm (protein thúc đẩy quá trình viêm). Phản ứng viêm quá mức này trong cơ thể gây ra tổn thương cho nhiều mô, dẫn đến stress oxy hóa và viêm.
Ngoài ra, nó cũng có thể gây rối loạn chức năng ty lạp thể, nơi ty thể không tạo ra nhiều năng lượng cho cơ thể.
Bệnh Lyme ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?
Khớp, tim, da và hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh Lyme. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng khác nhau tùy theo từng người.
Bệnh Lyme có thể khó chẩn đoán do các triệu chứng mơ hồ của nó khá giống với nhiều căn bệnh khác, chẳng hạn như cúm hoặc phát ban. Trong khi các triệu chứng khác như đau đầu và liệt Bell có thể mất vài tháng mới xuất hiện, chúng thường hết khi điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, vẫn có thể tồn đọng ở một số người.
Theo nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022, bệnh Lyme mãn tính hoặc hội chứng bệnh Lyme sau điều trị (PTLDS) có thể do những bất thường trong quá trình miễn dịch và viêm nhiễm gây ra.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Của Chuối Đối Với Bệnh Lyme
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về tác động của chế độ ăn kiêng chống viêm đối với bệnh Lyme và PTLDS, nhưng nhiều người tuân theo chế độ ăn kiêng như vậy do nó có lợi cho các rối loạn tự miễn dịch do viêm như bệnh đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp.
Chuối là một ví dụ thực phẩm chống viêm. Chúng là một loại trái cây giàu dinh dưỡng với nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, cũng như có những đặc tính như sau:
- Kháng khuẩn
- Chống oxy hóa
- Ngừa ung thư
- Trị đái tháo đường
Chuối cũng chứa pectin, một nguồn thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn kiêng với chất xơ. Điều này giúp nuôi dưỡng những vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu và làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn từ dạ dày đến ruột già.
Vì chuối cũng chứa nhiều carbohydrate và đường nên khi thêm vào chế độ ăn uống, bạn vẫn nên cân nhắc độ chín và khẩu phần. Mọi người nên tránh tiêu thụ quá nhiều đường vì nó có thể gây viêm nhiễm và khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn.
Có thể bạn quan tâm: Liệu Chế Độ Ăn Uống Có Thể Hỗ Trợ Điều Trị Bệnh Lyme?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Thực Phẩm Khác Có Thể Hỗ Trợ
Chế độ ăn uống chống viêm có thể có lợi cho những người mắc bệnh Lyme. Các chế độ ăn kiêng như Địa Trung Hải và DASH là những ví dụ về chế độ ăn kiêng chống viêm.
Thực phẩm chống viêm gồm có:
- Trái cây và rau củ
- Các loại ngũ cốc
- Trà xanh
- Nghệ
- Gừng
- Các loại thảo mộc và gia vị
Chất Chống Oxy Hóa
Chất chống oxy hóa cũng có thể giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và bảo vệ các mô khỏi bị tổn thương. Các nguồn chất chống oxy hóa tốt nhất là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là trái cây và rau củ.
Một số thực phẩm và vitamin có nhiều chất chống oxy hóa bao gồm:
- Vitamin A có trong quả kỷ tử và trứng
- Vitamin C được tìm thấy trong trái cây có múi như cam, hoặc bông cải xanh và bắp cải
- Vitamin E được tìm thấy trong cải bó xôi và các loại hạt
- Beta carotene có trong các loại trái cây và rau củ có màu sắc rực rỡ như cà rốt
- Lycopene được tìm thấy trong cà chua
- Lutein có trong các loại rau xanh
- Selen được tìm thấy trong mì pasta và bánh mì
- Kẽm có trong thịt nạc
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022 cũng phát hiện ra rằng coenzym Q10, một chất bổ sung chống oxy hóa nổi tiếng, có thể mang lại những lợi ích sau cho bệnh nhân mắc bệnh Lyme:
- Giảm mệt mỏi
- Chống lại tổn thương mô
- Xử lý chức năng tim bất thường
- Giảm stress oxy hóa
Dầu và Thảo Mộc
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy dầu từ tỏi và các loại thảo mộc thông thường khác có hoạt tính mạnh có khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh Lyme. Chúng bao gồm:
- Vỏ quế
- Xạ hương
- Thì là Ai Cập
- Nhựa thơm Myrrh
Men Vi Sinh và Prebiotic
Men vi sinh cũng có thể tăng cường sức khỏe đường ruột. Điều này có thể giúp giảm viêm, tăng cường khả năng miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển của hệ thực vật có lợi cho đường ruột. Những thực phẩm này rất giàu men vi sinh:
- Sữa chua
- Kefir
- Kim chi
- Dưa cải bắp Sauerkraut
- Tương nén Tempeh
Prebiotic đóng vai trò là thức ăn cho vi khuẩn “tốt” trong ruột – men vi sinh. Chuối cũng rất giàu prebiotic. Chúng tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tác động đến vi khuẩn trong ruột. Chúng cũng làm giảm viêm bằng cách tăng cường sản xuất các cytokine chống viêm và giảm sản xuất các cytokine gây viêm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Thực Phẩm Cần Tránh
Một người mắc bệnh Lyme có thể cần tránh xa những loại thực phẩm có chứa các tác nhân gây viêm phổ biến, chẳng hạn như:
- Thực phẩm chế biến
- Đường
- Carbohydrate tinh chế
- Chất béo bão hòa
- Chất béo chuyển hóa
- Các sản phẩm từ sữa không chứa men vi sinh như pho mát chưa ủ, kể cả pho mát tươi
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng một người có nhiều dấu hiệu viêm nhiễm hơn khi họ luôn có một số thói quen ăn uống nhất định, chẳng hạn như ăn nhiều hơn:
- Sản phẩm động vật
- Thực phẩm chế biến
- Rượu
- Đường
Tuy nhiên, để tránh gặp phải những hạn chế không cần thiết trong chế độ ăn uống, một người nên xác nhận tình trạng dị ứng thực phẩm của bản thân với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên khoa dị ứng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Khi Nào Cần Tham Khảo Ý Kiến Bác Sĩ
Một người đã đến khu vực bị nhiễm ve nên liên hệ với bác sĩ nếu:
- Biết hoặc nghi ngờ rằng họ bị ve cắn
- Bị phát ban đỏ, hình bầu dục
- Đã phát triển các triệu chứng giống như cúm trong vòng vài tuần sau khi bị ve cắn
Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm
Bên cạnh đó, họ cũng nên để ý các triệu chứng sớm của bệnh Lyme:
- Ngứa
- Suy nhược
- Cứng cổ
- Đau khớp
- Đau đầu
- Đau cơ
- Sốt
- Ớn lạnh
- Cảm giác khó ở hoặc không khỏe nói chung, thường kèm theo mệt mỏi hoặc đau lan tỏa
- Sưng hạch bạch huyết
- Chóng mặt
Một người có bất kỳ triệu chứng sớm nào của bệnh Lyme nên liên hệ ngay với bác sĩ. Dùng kháng sinh sớm khi bệnh có thể giúp thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Bệnh Lyme là một bệnh viêm nhiễm do vết cắn của bọ ve chân đen bị nhiễm bệnh. Bệnh Lyme đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, dinh dưỡng cũng có thể đóng một vai trò trong việc hồi phục của những người mắc bệnh Lyme.
Chuối là loại trái cây đa năng có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa có thể giúp chống viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Hướng đến một chế độ ăn chống viêm và tránh xa những loại thực phẩm gây viêm sẽ có lợi hơn cho mọi người.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê