Đậu và khoai tây có an toàn cho bệnh nhân tiểu đường hay không?

4
(1)
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một căn bệnh mãn tính bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và nhiều yếu tố lối sống khác.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường có thể hợp tác với các chuyên gia dinh dưỡng và các chuyên gia y tế khác để thiết lập nên kế hoạch bữa ăn đa dạng và lành mạnh.
  • Thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây là một loại thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế hoặc tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
  • Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chế độ ăn chú trọng đậu và khoai tây có thể hữu ích trong việc giảm kháng insulin và hỗ trợ giảm cân.

Chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng của sức khỏe, đặc biệt đối với những bệnh nhân tiểu đường hoặc có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Để hiểu rõ hơn về tác động của chế độ ăn uống đối với nhóm người này, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đào sâu hơn.

Một nghiên cứu mới đây được công bố trên Journal of Medicinal Food xem xét những lợi ích tiềm năng của chế độ ăn khoai tây và đậu đối với những người kháng insulin.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có chế độ ăn nhiều đậu và khoai tây đã giảm cân và giảm tình trạng kháng insulin. Điều quan trọng cần lưu ý là Liên minh Nghiên cứu và Giáo dục Khoai tây đã tài trợ cho nghiên cứu này.

Một số dạng ăn kiêng có thể ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin và kết quả giảm cân đối với những bệnh nhân tiểu đường.

Một số chế độ ăn kiêng có thể ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin và kết quả giảm cân đối với những bệnh nhân tiểu đường.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ăn Khoai Tây Khi Bị Tiểu Đường

Bệnh tiểu đường tuýp 2 (TĐT2) là một bệnh mãn tính trong đó cơ thể phản ứng bất thường với insulin. Insulin là một thành phần thiết yếu cho phép các tế bào sử dụng glucose để tạo năng lượng.

Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe thể chất của họ bằng cách áp dụng chế độ ăn kiêng. Mỗi người sẽ có nhiều nhu cầu khác nhau, tuy nhiên các cơ quan như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vẫn đưa ra một số khuyến nghị chung.

Chẳng hạn, một số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên hạn chế carbohydrate và tăng lượng rau củ không tinh bột. Mặc dù những loại rau củ giàu tinh bột như đậu và khoai tây có chứa carbs, nhưng những bệnh nhân tiểu đường hoặc kháng insulin không nhất thiết phải kiêng cử chúng hoàn toàn.

Chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn Yelena Wheeler, người không tham gia vào nghiên cứu, đã giải thích với MNT rằng:

“Khoai tây và đậu vốn dĩ không phải là ‘thực phẩm có hại’ trong việc kiểm soát glucose. Tuy nhiên, việc chúng có lợi hay có hại tùy thuộc vào cách chúng được chế biến.”

“Ngoài ra, không phải tất cả các loại khoai đều có giá trị dinh dưỡng như nhau. Trên thực tế, khoai lang và khoai mỡ nướng nguyên vỏ có thể là những thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống cân bằng nhờ chúng có hàm lượng chất xơ cao.”

Wheeler giải thích: “Chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và giữ lượng đường trong máu ổn định. Đổi lại, điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 vào insulin và do đó, có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng và thậm chí là giảm cân.”

Có thể bạn quan tâm: Người bệnh tiểu đường có được ăn trái cây không? Loại nào nên và không nên?

Are Potatoes Healthy GettyImages 1127822298 141d114092304598bc67fe5d1e6d3c8f | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

So Sánh Chế Độ Ăn Chú Trọng Khoai Tây và Chú Trọng Đậu

Nghiên cứu này là một thí nghiệm ngẫu nhiên cho ăn tương đương. Nó bao gồm 36 người lớn tham gia bị kháng insulin.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hai chế độ ăn – một giàu khoai tây và một giàu đậu – về tác dụng của chúng đối với việc kiểm soát đường huyết. Những người tham gia được áp dụng một trong hai chế độ ăn kiêng có kiểm soát trong 8 tuần, với những lần theo dõi định kỳ.

Kristian Morey – Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng đã đăng ký với chương trình Giáo dục Dinh dưỡng và Bệnh tiểu đường tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore, người cũng không tham gia vào nghiên cứu, đã nhận xét với MNT rằng:

“Một chi tiết thú vị mà họ đề cập trong nghiên cứu là họ đã nấu chín và để nguội khoai tây trước khi phục vụ chúng cho những người tham gia. Quá trình này có thể làm cho một số tinh bột có trong khoai tây được tiêu hóa chậm hơn trước và điều này có thể cải thiện độ nhạy insulin và khả năng dung nạp glucose khi tiêu thụ những thực phẩm này.”

Cô ấy nói thêm: “Điều quan trọng cần lưu ý là họ cũng ăn những thứ khác, chẳng hạn như thực phẩm chứa protein như khoai tây, điều này cũng có thể cải thiện phản ứng đường huyết.”

Nhìn chung, cả hai chế độ ăn kiêng đều không làm giảm đáng kể lượng đường trong máu giữa các đối tượng. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều giảm cân và giảm kháng insulin.

Amy Kimberlain – Chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký kiêm phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Truyền thông Ăn kiêng, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với MNT rằng:

“Nghiên cứu này đã giúp chứng minh rằng việc kết hợp những loại thực phẩm làm giảm mật độ calo của chế độ ăn kiêng sẽ không chỉ cho phép cải thiện phản ứng insulin máu mà còn giúp hỗ trợ quá trình giảm cân.”

“Ngoài ra, nghiên cứu này góp phần vào cuộc thảo luận đang diễn ra rằng chúng ta có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ ở người bằng cách thay đổi chế độ ăn uống (thói quen ăn uống) mà vẫn tiêu thụ được những món chúng ta yêu thích.”

— Chuyên gia dinh dưỡng Amy Kimberlain

Depositphotos 409563098 l 2015 Fotor 1 1536x938 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Mặt Hạn Chế Của Nghiên Cứu

Nghiên cứu đã có một số hạn chế. Đầu tiên, kích thước mẫu còn khiêm tốn, vì vậy nghiên cứu trong tương lai có thể tập trung vào việc chiêu mộ nhiều cá nhân hơn. Phần lớn những người tham gia là nữ, cho thấy có thể cần phải theo dõi đa dạng hơn.

Ngoài ra, thời gian thử nghiệm chỉ kéo dài 8 tuần, do đó cần có thêm các nghiên cứu dài hạn để kiểm tra các kết quả lâu dài.

Các chuyên gia lưu ý rằng sự khác biệt giữa chỉ số cơ bản của chỉ số khối cơ thể (BMI) và mức insulin lúc đói của những người tham gia đã ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Cũng có một số khó khăn trong việc hoàn thành nghiên cứu do đại dịch COVID-19.

Kimberlain nhận xét rằng các nhà nghiên cứu đã kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng việc áp dụng điều này vào thực tế có thể là một thách thức.

Cô nói: “Những bữa ăn này được chuẩn bị trong một nhà bếp trao đổi chất nên có thể xác minh chính xác lượng calo, thành phần, v.v. mà mỗi người đã ăn. Điều quan trọng là bệnh nhân có thể tự mình làm điều này (sau khi được hướng dẫn cách chuẩn bị các ví dụ về bữa ăn họ nhận được), ngay cả khi nó được sử dụng trong thử nghiệm để có thể xác nhận lượng tiêu thụ, xác minh và/hoặc xác định hiệu quả lâu dài của phương pháp điều trị này.”

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy việc chuẩn bị và lựa chọn thực phẩm là những yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Để hiểu rõ làm thế nào mà những loại rau củ giàu tinh bột như đậu và khoai tây có thể đóng góp vào chế độ ăn uống lành mạnh cho những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, cần phải nghiên cứu thêm.


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 4 / 5. Số phiếu bầu: 1

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.