- Trong hai nghiên cứu riêng biệt mới đây, các chuyên gia đã điều tra tác động của đậu phộng, thảo mộc và gia vị gồm quế, gừng, thì là và nghệ đối với hệ vi sinh đường ruột.
- Họ phát hiện rằng đậu phộng, cũng như các loại thảo mộc và gia vị, đã giúp gia tăng số lượng của một số vi khuẩn đường ruột chỉ sau 4 đến 6 tuần bổ sung chúng vào chế độ ăn uống thông thường của người Mỹ.
- Họ cho biết cần có một nghiên cứu lớn hơn để nắm bắt đầy đủ tầm quan trọng của kết quả này và những lợi ích sức khỏe tiềm năng của việc tăng cường hệ vi sinh đường ruột.
Thêm nhiều loại gia vị và hạt vào chế độ ăn uống của một người có thể giúp họ cải thiện sức khỏe đường ruột.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nhiều loại vi khuẩn sống trong ruột. Những vi khuẩn này có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm kiểm soát đường huyết, điều rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu, đáp ứng miễn dịch và các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Theo nhiều nghiên cứu, chế độ ăn giàu chất xơ nuôi dưỡng vi sinh vật đường ruột. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng các loại thảo mộc và gia vị giàu polyphenol – hóa chất có đặc tính chống oxy hóa – có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột hoặc cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột.
Trong khi đó, một phân tích toàn diện về lượng hạt ăn vào cho thấy hạnh nhân, hạt óc chó, hạt phỉ và hồ trăn giúp tăng cường sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào khám phá tác động của đậu phộng đối với hệ vi sinh vật.
Nghiên cứu sâu hơn về tác động của các thành phần chế độ ăn uống như thảo mộc, gia vị và đậu phộng đối với vi khuẩn đường ruột có thể hỗ trợ phát triển các phương pháp và liệu pháp chăm sóc sức khỏe phòng ngừa.
Mới đây, các chuyên gia đã tiến hành hai nghiên cứu đánh giá tác động của đậu phộng, thảo mộc và gia vị đối với hệ vi khuẩn đường ruột. Họ phát hiện ra rằng cả ba loại này đều có khả năng hỗ trợ cải thiện sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột chỉ sau 4 – 6 tuần tiêu thụ.
Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Dinh dưỡng lâm sàng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Một Muỗng Cà Phê Thảo Mộc và Gia Vị
Để khám phá tác động của các loại thảo mộc và gia vị đối với hệ vi sinh vật, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 54 người có độ tuổi trung bình là 45. Tất cả họ đều bị béo phì hoặc thừa cân và có thêm ít nhất một yếu tố nguy cơ tim mạch, chẳng hạn như nồng độ glucose hoặc lipid cao.
Trong 4 tuần, các nhà nghiên cứu đã cho 48 người ăn cùng một loại thực phẩm cùng với một trong ba liều lượng gia vị và thảo mộc: 0.5 g mỗi ngày, 3.3 g mỗi ngày hoặc 6.6 gam mỗi ngày.
Những người tham gia đã dùng tất cả ba lượng thảo mộc và gia vị trong 4 tuần, với 2 tuần nghỉ giữa chừng. Các loại gia vị gồm có quế, gừng, thì là, nghệ, hương thảo, oregano, húng quế và cỏ xạ hương.
Để hỗ trợ nghiên cứu, họ đã cung cấp các mẫu phân khi bắt đầu nghiên cứu và kết thúc mỗi giai đoạn ăn kiêng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự gia tăng vi khuẩn Ruminococcaceae đã được ghi nhận ở những người dùng 3.3 hoặc 6.6 gam thảo mộc và gia vị hàng ngày. Những người sử dụng nhiều thảo mộc và gia vị nhất cũng được phát hiện là có lượng vi khuẩn Ruminococcaceae cao nhất.
Có thể bạn quan tâm: Làm Thế Nào Để Duy Trì Sức Khỏe Đường Ruột Khi Ăn Thuần Chay?
Có Bao Nhiêu Gram Đậu Phộng?
Đối với nghiên cứu về đậu phộng, các chuyên gia đã chọn ra 50 người trưởng thành có lượng đường huyết lúc đói cao và bị thừa cân hoặc béo phì. Là bữa ăn nhẹ vào buổi tối, họ yêu cầu những người tham gia ăn 28 gam đậu phộng hoặc bánh quy giòn và phô mai mỗi ngày.
Mỗi người tham gia đều tuân theo cả hai chế độ ăn kiêng trong 6 tuần, với khoảng thời gian nghỉ là 4 tuần giữa. Nhóm nghiên cứu cũng đã thu thập các mẫu phân từ những người tham gia khi bắt đầu nghiên cứu và khi kết thúc mỗi can thiệp chế độ ăn uống.
Kết quả cho thấy rằng những người ăn đậu phộng có số lượng vi khuẩn Ruminococcaceae trong phân cao hơn những người ăn bánh quy giòn và pho mát.
Ngoài ra, những người ăn đậu phộng còn có lượng vi khuẩn Roseburia cao hơn so với lúc bắt đầu thử nghiệm. Theo nhiều nghiên cứu, Roseburia có liên quan đến khả năng giảm cân và giảm dung nạp glucose.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Vì Sao Chế Độ Ăn Uống Có Thể Thay Đổi Hệ Vi Sinh Đường Ruột?
Để hiểu làm thế nào đậu phộng và thảo mộc có thể cải thiện sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột, MNT đã có buổi trò chuyện với Henrik Munch Roager – Phó giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng, Thể dục và Thể thao tại Đại học Copenhagen, người không tham gia nghiên cứu.
Ông giải thích: “Vì các loại thảo mộc và gia vị rất giàu hóa chất polyphenolic mà vi khuẩn đường ruột có thể sử dụng để phát triển, nên sự gia tăng nhẹ về tính đa dạng của hệ vi sinh đường ruột có thể là do các loại thảo mộc và gia vị đóng vai trò là chất nền bổ sung cho các vi sinh vật đường ruột. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển mạnh hơn trong đường tiêu hóa.”
“Ngoài ra, sự đa dạng gia tăng có thể phát sinh từ các loại gia vị có ảnh hưởng đến thói quen đi tiêu, vì thời gian vận chuyển trong ruột chậm hơn (thời gian để thức ăn đi qua đường tiêu hóa) cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng đa dạng vi khuẩn đường ruột. Đáng buồn thay, nghiên cứu đã không phân tích thói quen đại tiện của các đối tượng.”
— Henrik Munch Roager
Khi được hỏi về lợi ích sức khỏe của Ruminococcaceae, Tiến sĩ Lona Sandon – Phó giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trường Chuyên môn Y tế tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, người không tham gia nghiên cứu, đã nói với Medical News Today rằng các thử nghiệm đã không kiểm tra cụ thể lợi ích sức khỏe của các thành phần này.
Vị này cho biết: “Tuy nhiên, có vẻ như Ruminococcaceae đã kích thích vi khuẩn tạo ra butyrate, một axit béo chuỗi ngắn, khi được sản xuất với số lượng lớn hơn, có thể giúp kiểm soát cơn đói, cân bằng năng lượng và đường huyết.”
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ làm thế nào đậu phộng và thảo mộc có thể tăng cường sự đa dạng trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Theo Tiến sĩ Sandon: “Đậu phộng không những là nguồn protein và chất béo có lợi, mà nó còn là nguồn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ là thức ăn của vi khuẩn đường ruột. Chế độ ăn uống càng chứa nhiều chất xơ thì sẽ càng thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn.”
Cô bổ sung: “Hợp chất polyphenolic, có thể được tìm thấy trong các loại thảo mộc và gia vị cũng như thực phẩm như ca cao đen, rượu vang, nho, quả mọng và quả anh đào, được cho là có khả năng cung cấp thức ăn hoặc thúc đẩy sự hình thành quần thể vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn.”
“Polyphenol (trong đậu phộng, thảo mộc và gia vị) được biết là có tác dụng tăng cường sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như giảm nguy cơ ung thư hoặc giảm viêm. Có thể chúng cải thiện sức khỏe bằng cách tác động đến hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa.”
— Tiến sĩ Lona Sandon
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc thêm một ít đậu phộng, thảo mộc hoặc gia vị được thêm vào bữa ăn hàng ngày có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Điều Này Có Ý Nghĩa Gì Đối Với Sức Khỏe Tổng Thể?
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định mức độ gia tăng số lượng những vi khuẩn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung như thế nào.
Khi được hỏi về những thiếu sót của nghiên cứu, Tiến sĩ Sandon đã đề cập đến số lượng mẫu hạn chế và thời lượng nghiên cứu ngắn.
Cô nói: “Điều này gây khó khăn cho việc dự đoán kết quả lâu dài. Ngoài ra, mục tiêu chính của nghiên cứu là khám phá xem sự thay đổi trong chế độ ăn uống đã tác động đến hệ vi sinh vật như thế nào, chứ không phải tác động của chế độ ăn uống đối với sức khỏe. Chúng tôi không thể kết luận bất cứ điều gì về ảnh hưởng đối với sức khỏe dựa trên những kết quả này.”
Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes – Trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Fielding của UCLA, người không tham gia vào nghiên cứu, cũng đã được MNT phỏng vấn. Tiến sĩ Hunnes cũng là tác giả của cuốn Recipe for Survival: How to Live a Healthier and Greener Life.
Cô nhận thấy rằng nghiên cứu này còn có một nhược điểm khác đó là phạm vi hẹp của chúng, tức là chúng chỉ tập trung vào đậu phộng thay vì nhiều loại hạt cây hoặc cây họ đậu khác nhau.
Vị này chia sẻ: “Tôi rất muốn thấy một nghiên cứu trong tương lai xem xét chất lượng chế độ ăn uống tổng thể, thay vì tập trung vào một món hoặc chất dinh dưỡng duy nhất. Cách tiếp cận này được gọi là chủ nghĩa giảm thiểu dinh dưỡng hoặc chủ nghĩa dinh dưỡng.”
Cô cũng lưu ý rằng các nghiên cứu này được hỗ trợ bởi chính các doanh nghiệp như Viện Peanut – một tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích ăn đậu phộng như một phần của lối sống lành mạnh, cũng như công ty gia vị và thảo mộc McCormick.
Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes nhấn mạnh: “Điều này không có nghĩa là các nghiên cứu có sai sót, mà chỉ ra rằng nhóm nghiên cứu có quyền lợi nhất định đối với kết quả.”
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê