Chế độ dinh dưỡng và hệ miễn dịch của cơ thể

5
(1)

Cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta ăn, tuy nhiên điều này thường hay bị lãng quên. Nhưng làm thế nào và tại sao chế độ dinh dưỡng của chúng ta lại ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp hoạt động liên tục để bảo vệ cơ thể khỏi những kháng nguyên có liên quan đến mầm bệnh, bao gồm vi khuẩn, độc tố, ký sinh trùng và vi rút.

Hệ thống miễn dịch của con người gồm có hai tuyến phòng thủ: Miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng.

Khả năng miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên và bao gồm các hàng rào vật lý, chẳng hạn như da và niêm mạc, hàng rào hóa học và tế bào. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh không có tính chọn lọc, vì nó tạo ra phản ứng giống nhau đối với tất cả các mối đe dọa tiềm ẩn

Khi tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể, hệ thống miễn dịch bẩm sinh, không thể ngăn chặn “kẻ xâm lược”, hệ thống miễn dịch thích ứng sẽ vào cuộc.

Hệ thống miễn dịch thích nghi được tạo thành từ nhiều loại tế bào và protein đặc hiệu nhắm thẳng vào tác nhân gây nhiễm trùng. Cơ thể phát triển khả năng miễn dịch đối với một số mầm bệnh sau khi tiếp xúc với chúng một lần nhờ vào “bộ nhớ” của hệ thống miễn dịch thích ứng.

Để duy trì sức khỏe tốt, hệ thống miễn dịch của một cá nhân phải hoạt động hiệu quả. Thuốc men, bệnh tật và những thói quen xấu như hút thuốcuống rượu quá nhiều đều có thể tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch.

Theo nghiên cứu, chế độ ăn uống của một người cũng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của họ.

Làm thế nào và tại sao chế độ dinh dưỡng của chúng ta lại ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể?

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Chế Độ Dinh Dưỡng Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Hệ Thống Miễn Dịch?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống của một người không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của họ.

Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm hệ vi sinh vật, chức năng hàng rào bảo vệ ruột, quá trình viêm và hoạt động của các tế bào bạch cầu.

Một số chế độ ăn kiêng và thực phẩm cụ thể có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng khả năng dị ứng và phản ứng miễn dịch suy yếu.

Chế độ ăn uống kiểu phương Tây có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm siêu chế biến, thêm đường và muối cũng như lượng calo tổng thể. Chế độ ăn này thường bị thiếu rau củ, trái cây và cá béo, điều này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Nghiên cứu cho thấy những người có chế độ ăn kiểu phương Tây có nhiều khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm và thay đổi chức năng miễn dịch.

Nguy cơ bệnh tật và chức năng miễn dịch đều được cải thiện bằng chế độ ăn nhiều thực phẩm tự nhiên như rau củ, trái cây, quả hạch, các loại đậu và hải sản đồng thời hạn chế hoặc loại bỏ thực phẩm siêu chế biến.

Vitamin D, kẽm và vitamin C đều rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch và sự thiếu hụt hoặc không đủ vitamin D, kẽm và vitamin C cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch.

Những người có chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thiếu thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng có thể có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cao hơn.

Rõ ràng là thực phẩm mà chúng ta ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả chức năng miễn dịch; tuy nhiên, mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe miễn dịch vẫn còn rất phức tạp.

Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu làm thế nào các loại thực phẩm mà mọi người ăn có thể tăng cường hoặc ức chế khả năng miễn dịch.

1707 18 A 16x9Thumb Textless logo 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tác Hại Của Chế Độ Ăn Uống Không Lành Mạnh

Chế độ ăn kiêng của người phương Tây thường chứa nhiều carbohydrate tinh chế, đường bổ sung, chất béo bão hòa và calo. Kiểu ăn uống này có một số tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch.

Phần lớn các loại thực phẩm trong chế độ ăn uống kiểu phương Tây là siêu chế biến và có nhiều đường bổ sung, cả hai đều có thể kích hoạt phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch.

Ví dụ, thực phẩm và đồ uống có tác động đáng kể đến lượng đường trong máu, chẳng hạn như soda, kẹo, ngũ cốc có đường và bánh ngọt, chúng làm tăng mức độ của các protein gây viêm bao gồm cả yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha), protein phản ứng C (CRP) và interleukin-6 (IL-6).

Ngòa ra, chúng còn làm suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch bảo vệ, bao gồm bạch cầu trung tính và thực bào.

Lượng đường trong máu cao hơn có liên quan đến việc giảm phản ứng miễn dịch bẩm sinh trong một nghiên cứu trên 562 người khỏe mạnh từ 85 tuổi trở lên được công bố vào năm 2012. Protein phản ứng C (CRP), một dấu hiệu viêm nhiễm, cũng tăng cao trong nhóm này.

Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao cũng có xu hướng bị tổn thương hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường bổ sung và carbs tinh chế có thể gây ảnh hưởng xấu đến vi khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn vi khuẩn và gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi.

Vì vi khuẩn đường ruột rất quan trọng đối với sự hình thành và hoạt động của hệ thống miễn dịch, nên việc duy trì hệ vi sinh vật cân bằng là rất quan trọng để có khả năng miễn dịch tốt.

Chế độ ăn uống của phương Tây, chứa nhiều chất béo bão hòa và thêm muối, được các chuyên gia cho là có liên quan đến hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Theo các nghiên cứu, chế độ ăn chất béo bão hòa có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, thay đổi vi khuẩn đường ruột và suy giảm chức năng của bạch cầu.

Chế độ ăn nhiều muối có liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức, suy giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Chế độ ăn kiểu phương Tây có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, tim mạch và tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là do tình trạng viêm cấp độ thấp mãn tính và phản ứng miễn dịch bị thay đổi bởi chế độ ăn kiểu phương Tây, lối sống ít vận động và độc tố môi trường gây ra.

Chế độ dinh dưỡng và chức năng miễn dịch vẫn đang là chủ đề của nhiều nghiên cứu, mặc dù mối liên hệ giữa hai vấn đề này còn mơ hồ đối với các chuyên gia.

14 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Chế Độ Dinh Dưỡng Giúp Tăng Cường Hệ Miễn Dịch

Chế độ ăn uống chứa nhiều thực phẩm tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng có lợi cho chức năng miễn dịch, trong khi chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và quá nhiều calo có thể góp phần gây rối loạn chức năng miễn dịch.

Chế độ ăn Địa Trung Hải giàu rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu, đậu và hạt, cùng nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể bảo vệ phòng ngừa bệnh tật, giảm các chỉ số viêm nhiễmảnh hưởng tích cực đến vi khuẩn đường ruột.

Các loại axit béo chuỗi ngắn (SCFA) như axetat, propionate và butyrate có nhiều khả năng được cơ thể sản xuất hơn khi chế độ ăn nhiều chất xơ, như trong chế độ ăn Địa Trung Hải. SCFA là sản phẩm phụ có lợi của quá trình lên men vi khuẩn đường ruột.

SCFA hoạt động cục bộ và có hệ thống để điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Chúng duy trì sức khỏe và cải thiện chức năng phòng thủ miễn dịch của biểu mô ruột.

Đây là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch đóng vai trò là rào cản chống lại vi sinh vật gây hại. Ngoài ra, nó cũng ức chế khả năng tạo ra các protein gây viêm của các tế bào miễn dịch.

Thực phẩm giàu vitamin A, C, kẽm, vitamin D, B6, B12, đồng, folate, sắt và selen có thể được tìm thấy trong chế độ ăn kiêng chú trọng thực phẩm tươi, dầu ô liu, đậu, hạt và cá béo. Những chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Các chuyên gia biết rằng chế độ ăn chay có thể làm giảm các chỉ số viêm mãn tính, chẳng hạn như CRP, fibrinogen và IL-6. Điều này có thể một phần là do sự đa dạng của các chất dinh dưỡng và phản dinh dưỡng có trong trái cây và rau củ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, chất xơ, vitamin, protein, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi giúp giảm viêm toàn thân, thúc đẩy cân bằng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, giảm stress oxy hóa và bảo vệ tế bào, đồng thời cải thiện lượng đường trong máu và độ nhạy insulin. Tất cả những hoạt động này đều cần thiết cho chức năng miễn dịch khỏe mạnh.

Vitamin D, kẽm và vitamin C cùng một số các khoáng chất khác đã được chứng minh là có thể cải thiện hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng khi dùng dưới dạng thực phẩm chức năng.

Để tăng cường khả năng miễn dịch, tốt nhất bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng chứa nhiều thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là từ thực vật, chẳng hạn như rau củ, trái cây, đậu và hạt. Đồng thời, hãy tránh xa hoặc hạn chế thực phẩm siêu chế biến có hàm lượng ngũ cốc tinh chế và đường bổ sung cao.

6250 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Nếu bạn muốn có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, bạn cần ăn uống lành mạnh. Theo các nghiên cứu, trong khi một số chế độ ăn kiêng có thể góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch, thì những chế độ khác lại thúc đẩy chức năng miễn dịch tối ưu.

Một chế độ ăn uống hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như rau củ, trái cây, cá và đậu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Phương pháp tốt nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh là áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống điều độ, kiểm soát căng thẳng hiệu quả, ngủ đủ giấc và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.

Có thể bạn quan tâm: Cách Để Duy Trì Sức Khỏe Khi Hệ Thống Miễn Dịch Bị Suy Giảm


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 1

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.