Kết quả từ một đánh giá mới đây đã xác nhận cho nghiên cứu trước đó rằng những loại thực phẩm thuộc họ ngũ cốc rất thân thiện với bệnh nhân tiểu đường, vì chúng có chỉ số đường huyết thấp.
Một quan niệm sai lầm phổ biến về bệnh tiểu đường tuýp 2 là kiêng carbohydrate có thể giúp phòng ngừa hoặc kiểm soát bệnh tốt hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng một số loại carbohydrate nhất định có thể thực sự có lợi cho chế độ ăn uống của bạn để đạt được những mục tiêu sức khỏe này.
Cụ thể, một nghiên cứu được công bố vào tháng 07/2021 trên Frontiers in Nutrition cho thấy rằng nhóm ngũ cốc được gọi là hạt kê, bao gồm cao lương và các loại cỏ có hạt khác được trồng làm cây ngũ cốc, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 và giảm A1C, hoặc lượng đường huyết trung bình trong khoảng 3 tháng, ở những người kiểm soát bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng điều này là do chỉ số đường huyết của những loại ngũ cốc nguyên hạt như diêm mạch và hạt kê thấp hơn so với những loại đã qua chế biến như gạo trắng và lúa mì tinh chế.
Sau khi tiêu thụ, hạt kê khiến lượng đường trong máu tăng ít hơn và chậm hơn so với ngũ cốc tinh chế.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 65 nghiên cứu nhỏ với tổng số khoảng 1.000 người tham gia. Phân tích cho thấy hạt kê được sử dụng có chỉ số đường huyết trung bình (GI) là 52.7, thấp hơn nhiều so với gạo trắng (GI: 71.7) hoặc lúa mì tinh chế (GI: 74.2).
Điểm chỉ số đường huyết nằm trong khoảng từ 1 đến 100, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao hơn sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn và nhanh hơn sau khi ăn.
Nghiên cứu đã đã phân tích tác động của hạt kê đối với đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn, cũng như A1C. Hạt kê làm giảm 12% lượng đường trong máu lúc đói và 15% lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ăn chúng thường xuyên.
Những thay đổi này đủ lớn để các nhà nghiên cứu không còn phân loại những người này vào nhóm bệnh tiểu đường nữa, mà thay vào đó là tiền tiểu đường.
Hạt kê cũng được xác nhận là làm giảm mức A1C trung bình xuống 17% ở những người bệnh nhân tiền tiểu đường, tức lượng đường trong máu tăng nhẹ và không đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường toàn diện; điều này cũng đủ để đưa lượng đường trong máu của họ trở lại mức an toàn.
Tiến sĩ Seetha Anitha, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Cây trồng Quốc tế về Vùng nhiệt đới Bán khô hạn ở Patancheru, Ấn Độ, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Thực phẩm có GI càng thấp thì khả năng làm tăng lượng đường trong máu của chúng càng thấp.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hạt Kê Là Lựa Chọn Tốt Cho Bệnh Nhân Tiểu Đường Vì Chúng Có Chỉ Số GI Thấp
Theo Tiến sĩ Anitha, hàm lượng chất xơ cao trong hạt kê đã giúp chúng trở thành thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn.
Cô nói: “Hạt kê cũng chứa nhiều protein, giúp cải thiện độ nhạy insulin hoặc khả năng sử dụng insulin của cơ thể để chuyển hóa carbs từ bữa ăn thành năng lượng. Nhờ tất cả những yếu tố này, hạt kê là một lựa chọn lành mạnh để duy trì lượng đường trong máu ổn định.”
Tuy nhiên, thỉnh thoảng chỉ ăn một ít hạt kê sẽ không có tác dụng gì nhiều. Anitha gợi ý nên đưa hạt kê vào chế độ ăn hàng ngày để có tác dụng lâu dài đối với bệnh tiểu đường.
Hầu hết các thử nghiệm trong nghiên cứu phân tích về hạt kê và bệnh tiểu đường này đều tương đối nhỏ (một số chỉ có ba người), đây là một nhược điểm lớn của nó.
Ngoài ra, cũng có quá ít nghiên cứu tập trung vào những người mắc bệnh tiền tiểu đường để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về việc hạt kê có thể giúp đưa lượng đường trong máu của họ trở lại mức bình thường hay không.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghiên Cứu Trước Đây Cho Thấy Ăn Hạt Kê Có Liên Quan Đến Việc Giảm Lượng Đường Trong Máu
Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng kết quả của nghiên cứu này vẫn có nhiều nét tương đồng so với nhiều nghiên cứu trước đây về hạt kê và lượng đường huyết.
Ví dụ, một đánh giá được công bố vào tháng 8 năm 2019 trên Journal of Food and Nutritional Disorders đã kiểm chứng tác động của hạt kê đối với lượng đường trong máu ở 130 người trưởng thành khỏe mạnh và 482 người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hạt kê có thể làm giảm cả lượng đường trong máu lúc đói và sau bữa ăn ở những người khỏe mạnh, cũng như những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 10 năm 2020 trên Tạp chí Hóa sinh Thực phẩm, đã kiểm chứng cách bánh mì dẹt làm từ hạt kê ảnh hưởng ra sao đến lượng đường trong máu của 100 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
50% số người tham gia thử nghiệm được chỉ định ăn bánh mì dẹt làm từ hạt kê trong 3 tháng; vào cuối quá trình thử nghiệm, nhóm này có lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng không ăn loại hạt này.
Một nghiên cứu trước đây về những người bị tiền tiểu đường cũng tìm thấy mối liên hệ giữa hạt kê và lượng đường trong máu thấp hơn.
Nghiên cứu này, được công bố vào tháng 2 năm 2020 trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, cho thấy những người mắc bệnh tiền tiểu đường đã có lượng đường trong máu lúc đói và mức A1C thấp hơn sau khi ăn những món được chế biến từ hạt kê.
Tiến sĩ Rattan Yadav, một nhà nghiên cứu di truyền thực vật tại Đại học Aberystwyth ở Vương quốc Anh, cho biết: “Kết quả của nghiên cứu hiện tại bổ sung vào dữ liệu trước đó cho thấy hạt kê có thể có vai trò ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nhiều Loại Ngũ Cốc Khác Cũng Có Thể Giúp Giảm Lượng Đường Trong Máu
Tiến sĩ Yadav, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại, cho biết: “Hạt kê tự nhiên có lượng chất xơ và tinh bột hấp thụ chậm trong hạt của chúng cao hơn so với nhiều loại ngũ cốc phổ biến khác như gạo, lúa mì và ngô.”
Yadav cho biết những người ăn theo chế độ ăn tiêu chuẩn của phương Tây đang ăn quá nhiều ngũ cốc tinh chế có hại cho sức khỏe và tương đối ít hạt kê.
Ông khuyên: “Để giúp phòng ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2, họ nên đưa hạt kê vào chế độ ăn uống hằng ngày và giảm tiêu thụ những loại ngũ cốc có chỉ số đường huyết cao.”
Mặc dù hạt kê là một trong những loại ngũ cốc được Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng nhiều loại ngũ cốc khác cũng có thể có tác dụng tương tự.
ADA gợi ý mọi người nên chọn bánh mì, ngũ cốc và các mặt hàng khác có ngũ cốc nguyên hạt xuất hiện đầu tiên trên danh mục thành phần. Đây là một số loại ngũ cốc được ADA phê chuẩn:
- bột mì nguyên hạt
- yến mạch/yến mạch nguyên hạt
- ngô/bột ngô nguyên hạt
- gạo lứt
- lúa mạch đen nguyên hạt
- lúa mạch nguyên hạt
- gạo hoang
- kiều mạch/bột kiều mạch
- tiểu hắc mạch
- bulgur (tấm lúa mì)
- hạt kê
- diêm mạch
- cao lương
Theo ADA, những sản phẩm được chế biến từ các loại ngũ cốc nguyên hạt này nên chứa ít nhất 3 gam chất xơ và không quá 6 gam đường trong mỗi khẩu phần.
Yadav nói: “Để phòng ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, mọi người cần ăn nhiều loại thực phẩm có lợi như hạt kê, đồng thời tránh xa những loại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.”
Có thể bạn quan tâm: Ăn nhiều hơn một chút ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ có thể giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê