- Đúng như nhiều người dự đoán, nghiên cứu trước đây đã không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng chế độ ăn nhiều rau có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Theo nghiên cứu mới, điều này có thể là do khoai tây được tính như một loại rau củ trong nghiên cứu. Nó chỉ ra rằng một chế độ ăn ít rau củ chứa tinh bột có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Nghiên cứu cho biết khoai tây được nấu nguyên chất, vị tự nhiên sẽ ít ảnh hưởng đến nguy cơ tiểu đường. Tuy nhiên, khoai tây chiên và khoai tây nghiền lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khoai tây có ý nghĩa gì đối với nguy cơ tiểu đường và tại sao phương pháp chế biến lại quan trọng?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mặc dù có vẻ hợp lý khi cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh giàu rau củ sẽ giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, tuy nhiên nghiên cứu này lại cho ra kết quả khá mơ hồ.
Theo nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Diabetes Care, các chuyên gia đến từ Đại học Edith Cowan (ECU) tại Úc có thể đã xác định được nguyên nhân, chính là khoai tây.
Nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau củ nói chung có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngoại trừ khoai tây, nó thường được phân loại là rau củ trong các nghiên cứu khoa học.
Trong nghiên cứu, những người ăn nhiều rau củ nhất, ngoại trừ khoai tây, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 21% so với những người ăn ít rau.
Không có thêm lợi ích nào cho những người ăn nhiều hơn 150 đến 250 gam rau mỗi ngày.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Phương Pháp Chế Biến Vô Cùng Quan Trọng
Nghiên cứu cho biết, ảnh hưởng của khoai tây đối với nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường phụ thuộc vào cách chúng được chế biến.
Theo kết quả, khoai tây luộc – và có lẽ là khoai tây nướng tự nhiên, dù không được đánh giá – sẽ không làm giảm hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các loại như khoai tây chiên, khoai tây nghiền được chế biến với bơ và nhiều nguyên liệu phụ gia khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Loại rau có liên quan chặt chẽ nhất đến khả năng giảm nguy cơ tiểu đường là rau xanh và rau cải.
Các tác giả của nghiên cứu đã đưa ra kết luận của họ từ một phân tích cắt ngang với 54.793 người tham gia nghiên cứu về Chế độ ăn uống, Ung thư và Sức khỏe của Đan Mạch, thu thập thông tin sức khỏe từ năm 1993 đến 1997.
Tất cả đều là cư dân của vùng Copenhagen và Aarhus tại Đan Mạch, và độ tuổi của họ khi bắt đầu nghiên cứu dao động từ 50 đến 64. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại chỉ số cân nặng, vòng eo và chiều cao của những người tham gia sau khi họ hoàn thành bảng câu hỏi chi tiết về bữa ăn.
Đã có tổng cộng 7695 người trong số này đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vào thời điểm theo dõi, trung bình là 16.3 năm sau chẩn đoán ban đầu.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tại Sao Lại Liên Quan Đến Phương Pháp Chế Biến?
Tiến sĩ Nicola P. Bondonno, một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Trường Khoa học Sức khỏe Y tế của ECU, đã mô tả cho Medical News Today rằng cô và các đồng nghiệp của mình đã bối rối như thế nào khi thiếu bằng chứng thuyết phục về việc rau có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cô ấy nói với chúng tôi: “Chúng tôi đã đi sâu hơn vào các phương pháp được sử dụng trong từng nghiên cứu riêng lẻ và phát hiện ra rằng nhiều nghiên cứu đã đưa khoai tây vào ước tính lượng rau củ ăn vào mà không tính đến phương pháp chế biến khoai tây.”
Ngoài ra, các nghiên cứu khác không phải lúc nào cũng cân nhắc đến chế độ ăn uống thông thường của những người ăn nhiều khoai tây, thường chứa một lượng lớn thịt đỏ, đây là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tiến sĩ Jason Ng – Phó giáo sư y khoa lâm sàng tại Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu này, giải thích rằng: “Khoai tây chiên và khoai tây chiên kiểu Pháp là những món ăn chứa nhiều tinh bột, cũng như carbohydrate.”
Ông nói: “Những loại thực phẩm này khiến cơ thể bạn sản xuất nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu và nếu ăn với số lượng lớn, nó có thể khiến bạn tăng mỡ bụng, điều này có thể gây ra tình trạng kháng insulin và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Tác dụng của rau và khoai tây được đánh giá riêng lẻ trong nghiên cứu mới này. Họ phát hiện ra rằng ảnh hưởng trung lập hoặc thậm chí là tiêu cực của khoai tây đối với bệnh tiểu đường đã che đi những lợi ích sức khỏe thực sự của việc ăn rau.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Vì Sao Rau Củ Có Thể Làm Giảm Nguy Cơ Tiểu Đường?
Các tác giả của nghiên cứu thừa nhận rằng vẫn chưa rõ làm thế nào mà rau củ lại có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Bondonno cho biết: “Rau củ rất giàu dinh dưỡng và hợp chất có hoạt tính sinh học, chẳng hạn như chất xơ, polyphenol, vitamin K và nitrat. Những dưỡng chất như vậy có thể tăng cường sức khỏe trao đổi chất. Tuy nhiên, chúng lại có hàm lượng calo khá thấp.”
Có thể chỉ riêng chế độ ăn nhiều rau củ đã dẫn đến chỉ số BMI thấp hơn và hỗ trợ giảm cân. Cả hai đều là biện pháp giúp bảo vệ và ngăn ngừa bệnh tiểu đường phát triển.
Cẩn Trọng Với Khoai Tây
Tiến sĩ Bondonno đưa ra giả thuyết rằng: “Mặc dù khoai tây chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ, tuy nhiên nó lại không phải là nguồn thực phẩm cung cấp dồi dào như các loại rau khác và cũng có hàm lượng calo tương đối cao.”
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đã tăng 9% khi tất cả những chế phẩm từ khoai tây được tính đến trong nghiên cứu (ngoại trừ khoai tây chiên). Điều này không có nghĩa là khoai tây không có vai trò gì trong chế độ ăn uống cân bằng, Tiến sĩ Ng nhấn mạnh:
“Chắc chắn, một lượng khoai tây vừa phải trong chế độ ăn uống cân bằng protein và rau củ có thể cung cấp cho bạn tất cả những dưỡng chất thiết yếu và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn, điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Điều độ và cân bằng giữa các loại thực phẩm là bí quyết của một chế độ ăn uống lành mạnh.”
Có thể bạn quan tâm: Đậu và Khoai Tây Có An Toàn Cho Bệnh Nhân Tiểu Đường Hay Không?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Vai Trò Của Chế Độ Ăn Uống
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến khích duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và cung cấp công cụ tính chỉ số BMI.
Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh khuyến nghị chỉ số BMI nên dao động trong khoảng từ 18.5 – 24.9, mặc dù mỗi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định chỉ số BMI phù hợp với bản thân.
Một chế độ ăn uống dinh dưỡng, cùng với tập thể dục thường xuyên, rõ ràng là điều cần thiết để duy trì cân nặng khỏe mạnh. ADA cũng cung cấp Diabetes Plate Method, một công cụ có thể giúp lên kế hoạch cho các bữa ăn phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê