Trẻ mới biết đi nổi tiếng là biếng ăn, tuy nhiên có một số loại thực phẩm giàu chất sắt mà ngay cả những bé khó ăn nhất vẫn sẽ ăn được.
Trẻ mới biết đi khá là biếng ăn vì nhiều lý do, chẳng hạn như thức ăn quá đỏ, quá nhão hoặc bé đã tiếp xúc với thứ gì đó có màu xanh lá cây. Điều này có thể khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng trẻ sẽ không nhận được đầy đủ những dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển của cơ thể.
Thiếu sắt là một tình trạng cực kì phổ biến ở trẻ, ước tính khoảng 8% trẻ mới biết đi bị thiếu sắt.
Ở nội dung sau, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về nhu cầu sắt của trẻ mới biết đi, danh sách 8 loại thực phẩm chay giàu chất sắt thích hợp, cũng như một số phương pháp lành mạnh để kết hợp những thực phẩm này vào chế độ ăn uống của trẻ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trẻ Mới Biết Đi Cần Bao Nhiêu Sắt?
Sau đây là hàm lượng sắt mỗi ngày tính bằng miligam (mg) dành cho trẻ em, được khuyến nghị bởi Viện Y tế Quốc gia:
- Trẻ sơ sinh 7 – 12 tháng: 11 mg
- Trẻ mới biết đi từ 1 – 3 tuổi: 7 mg
- Trẻ em từ 4 – 8 tuổi: 10 mg
Tuy nhiên, lượng sắt khuyến nghị hàng ngày thay đổi tùy theo chế độ ăn uống của trẻ mới biết đi.
Sắt có hai loại, đó là heme và non-heme. Nguồn cung cấp sắt heme duy nhất là thực phẩm động vật, đặc biệt là thịt và hải sản. Sắt non-heme đến từ các nguồn phi động vật và thực phẩm bổ sung.
Cả hai loại đều có thể giúp một người đáp ứng nhu cầu sắt hàng ngày của họ. Tuy nhiên, sắt heme dễ được cơ thể hấp thụ hơn. Do đó, những người chỉ bổ sung sắt từ các nguồn phi thịt; chẳng hạn như người ăn chay, thuần chay và trẻ mới biết đi cực kỳ biếng ăn; cần bổ sung lượng sắt nhiều hơn 1.8 lần so với mức khuyến nghị hàng ngày cho nhóm tuổi của họ.
Kết hợp sắt từ nguồn thực vật với thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như chanh hoặc cam, có thể tăng cường sự hấp thụ sắt của cơ thể.
8 Loại Thực Phẩm Chay Giàu Chất Sắt Cho Trẻ Mới Biết Đi
Nhiều bé sẽ quấy khóc và bỏ ăn nhiều lần trước khi chúng chịu ăn và thích ăn, vì vậy cha mẹ đừng vội nản lòng – hãy kiên nhẫn tiếp tục cho bé ăn nhiều món bổ dưỡng. Động viên bé nên ăn nhiều loại thực phẩm và hãy thay đổi luân phiên các nguồn sắt để bé có một chế độ ăn uống cân bằng.
Những món sau đây là nguồn cung cấp chất sắt tuyệt vời mà có thể nhiều trẻ mới biết đi sẽ thích:
Bột yến mạch là thực phẩm giàu chất sắt thích hợp cho trẻ mới biết đi.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ngũ Cốc Ăn Sáng Tăng Cường Chất Sắt
Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng, đặc biệt là những loại dành cho trẻ nhỏ, đã được tăng cường chất sắt. Chúng thường chứa 100% lượng sắt được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Bạn hãy kiểm tra nhãn để để xác định thông tin hàm lượng sắt cụ thể.
Lưu ý rằng nhiều loại ngũ cốc ăn sáng cũng có chứa nhiều đường và muối. Để bữa ăn luôn đảm bảo dinh dưỡng và lành mạnh, bạn hãy cân nhắc việc xem những loại ngũ cốc này như một món ăn phụ để “chữa cháy”, hoặc dùng với số lượng hạn chế.
Bột Yến Mạch
Bột yến mạch là món ăn vặt bổ dưỡng được nhiều bé yêu thích. Theo một nguồn tin, 3/4 cốc bột yến mạch giúp cung cấp 4.5 – 6.6 mg sắt. Bột yến mạch cũng rất giàu chất xơ, một sự lựa chọn tuyệt vời cho trẻ em có vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa, đặc biệt là táo bón.
Hãy thử rắc một ít quế và một chút đường nâu lên trên bột yến mạch để tạo cảm giác ngon miệng hơn, hoặc bạn cũng có thể thêm một ít nho khô để tăng cường thêm chất sắt cho trẻ.
Bánh Mì Bơ Đậu Phộng
Lượng sắt trong bơ đậu phộng khác nhau tùy theo nhãn hiệu, nhưng một muỗng canh thường chứa khoảng 0.56 mg sắt. Một chiếc bánh sandwich được làm từ bánh mì nguyên cám, có khoảng 1 mg sắt, là một cách tuyệt vời để bổ sung thêm sắt vào chế độ ăn uống của trẻ.
Bơ đậu phộng còn có hàm lượng protein khá cao, đây sẽ là một sự thay thế tuyệt vời cho những bé không chịu ăn thịt. Bánh mì bơ đậu phộng với mật ong, hoặc bơ đậu phộng với chuối sẽ là món ăn thay thế bổ dưỡng cho các loại bánh quy và món ngọt khác.
Socola Đen
Socola đen là một nguồn chất chống oxy hóa dồi dào, nó có thể giúp tăng cường chất sắt cho con bạn. Ngoài thịt, socola đen còn là một trong những thực phẩm giàu chất sắt nhất mà con bạn có thể thưởng thức, với mỗi phần 3 ounce (oz) có chứa 7 mg sắt.
Một số trẻ lại không thích vị đắng của socola đen. Bạn hãy đun chảy nó với bơ đậu phộng, sau đó phết lên bánh mì nướng để tạo thành một món ăn vặt giàu chất sắt và khuyến khích bé ăn thử.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Đậu
Đậu là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Đậu trắng là một trong những nguồn thực phẩm giàu chất sắt nhất, chứa đến 8 mg mỗi phần ăn. Hãy khích lệ trẻ ăn đậu bằng hai công thức gợi ý như sau:
- Nấu chín đậu trắng và khoai lang, sau đó nghiền nhuyễn và thêm một chút quế.
- Nắn đậu thành những miếng chả, sau đó xắt thành từng miếng nhỏ hoặc cho vào sandwich.
Hạt Cây
Giống như bao loại hạt khác, hạt điều và hạt dẻ cười đều là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, cũng như protein và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.
Tuy nhiên, tất cả các loại hạt đều có nguy cơ gây mắc nghẹn nên tuyệt đối không được cho trẻ mới biết đi ăn nguyên hạt, vì bọn trẻ đều đang trong độ tuổi tập nhai. Hãy nghiền nhỏ chúng ra trước, hoặc dùng bơ hạt để phết lên bánh quy hay bánh mì nguyên cám.
Rau
Trẻ nhỏ biếng ăn rau là một vấn đề phổ biến. Hãy thử xay rau thành sinh tố để tạo ra một thức uống nhẹ giàu dinh dưỡng và chất sắt, ngay cả những bé biếng ăn cũng sẽ thích thú. Bạn có thể thử một trong những công thức sau:
- Luộc và xay nhuyễn cải bó xôi, có chứa 81 mg sắt mỗi cốc. Xay cùng dưa hấu, việt quất đông lạnh, mâm xôi đông lạnh và một lát bơ để có một ly sinh tố ngon miệng và tốt cho sức khỏe.
- Kết hợp một thìa mật ong cùng với bông cải xanh và cải cầu vồng đã luộc và xay nhuyễn, dưa lưới, dưa lê và quả sung để tạo thành một thức uống thơm ngon.
Trái Cây
Sắt có nhiều trong một số loại trái cây. Hàm lượng sắt có thể được tìm thấy trong khoảng 1 chén, bao gồm các loại trái cây như sau:
- Nho khô: 4 mg
- Nửa quả mơ khô: 46 mg
- Quả anh đào chua: 71 mg
- Dưa hấu cắt hạt lựu: 36 mg
- Mận khô: 36 mg
Sinh tố trái cây kết hợp với sữa chua hoặc mật ong có vị rất ngon. Thử đông lạnh trái cây giàu chất sắt yêu thích của trẻ trong khuôn kem que sau khi xay nhuyễn. Để đông đông những que kem giàu chất sắt này trong từ 2 – 3 tiếng, sau đó thưởng thức.
Có thể bạn quan tâm: Trái Cây Sấy Khô Có Liên Quan Đến Chế Độ Ăn Uống Và Sức Khỏe Tổng Thể Tốt Hơn
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Các Dấu Hiệu Thiếu Sắt Ở Trẻ Mới Biết Đi Là Gì?
Những ai lo rằng trẻ nhỏ có thể bị thiếu sắt thì không nên đợi các triệu chứng phát sinh. Thay vào đó, hãy yêu cầu xét nghiệm sắt trong máu cho bé. Hãy hỏi bác sĩ về việc bổ sung sắt bằng thực phẩm chức năng vào chế độ ăn, bên cạnh việc tiếp tục cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cần được khám sàng lọc thiếu máu do thiếu sắt trong khoảng thời gian từ 9 đến 12 tháng, và một lần nữa khi đủ 15 tháng.
Những triệu chứng thiếu sắt gồm có:
- Làn da nhợt nhạt
- Tay hoặc chân lạnh
- Sưng lưỡi hoặc lưỡi trơn nhẵn
- Thiếu hụt năng lượng
- Nhịp tim nhanh
- Thèm những thứ không phải là thức ăn, mặc dù tất cả trẻ mới biết đi đều hay cho mọi thứ vào miệng
- Yếu cơ
Trẻ mắc phải một số bệnh lý nhất định có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ sắt, bất kể chế độ dinh dưỡng. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thường xuyên, rối loạn tim, rối loạn chuyển hóa hoặc ung thư.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở trẻ mới biết đi có thể là dấu hiệu của thiếu sắt.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Trẻ mới biết đi biếng ăn có thể khiến bậc cha mẹ cảm thấy choáng ngợp trước các yêu cầu về chế độ ăn uống của trẻ. Bí quyết chính là hãy kiên trì!
Viện Ellyn Satter, nơi nghiên cứu và xuất bản những phương pháp tốt nhất khi nuôi con, đã đưa ra những chiến lược như sau:
- Lựa chọn và chuẩn bị những bữa ăn dinh dưỡng theo lịch trình đều đặn
- Không nên chen thêm thức ăn giữa những bữa chính và bữa phụ
- Tránh sử dụng thức ăn như một dạng phần thưởng hoặc hình phạt
- Khích lệ trẻ ăn nhiều hay ít tùy ý bé
- Tránh nói câu “Ăn thêm một miếng nữa thôi!” hay thúc giục trẻ ăn thêm một món mà chúng ghét để đổi lấy món mà chúng thích
- Trở thành một tấm gương cho trẻ noi theo trong việc ăn uống lành mạnh
- Hãy ăn tối cùng nhau như một gia đình
Trẻ mới biết đi chưa quen với việc ăn uống lành mạnh. Giống như mọi kỹ năng khác, học cách ăn uống lành mạnh cũng cần có thời gian. Với sự cam kết và sẵn sàng kiên trì cố gắng, chúng ta có thể giúp bé thưởng thức được nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng và giàu chất sắt hơn.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê