Một nghiên cứu mới cho biết chất xơ có trong chế độ ăn thuần thực vật có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung, trong khi thịt đỏ lại khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Theo một nghiên cứu đánh giá khoa học mới được công bố trên tạp chí y khoa Frontiers in Nutrition, chế độ ăn nguồn gốc thực vật, cùng với các biện pháp can thiệp dinh dưỡng khác bao gồm tránh ăn thịt và tăng cường tiêu thụ rong biển, có thể giúp ngăn ngừa và điều trị lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến khoảng 190 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu, được đặc trưng bởi sự hiện diện của các mô nội mạc tử cung bên ngoài niêm mạc tử cung, điển hình là ở bề mặt bên ngoài tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, thành bụng hoặc ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau vùng chậu nghiêm trọng, đau bụng kinh, đau bộ phận sinh dục trong hoặc sau khi quan hệ, biến chứng sinh sản, mệt mỏi, đau thắt lưng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy.
Trong khi các phương pháp điều trị hiện tại bao gồm thuốc chống viêm không steroid không kê đơn và phương pháp điều trị nội tiết tố, một nghiên cứu ước tính rằng 60% bệnh nhân bị đau mãn tính bất kể các phương pháp điều trị y tế, cùng với những ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của họ.
Đánh giá mới này, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Ủy ban Y khoa Hoa Kỳ (PCRM), nhằm mục đích hiểu rõ hơn về vai trò của dinh dưỡng trong việc phòng ngừa và điều trị lạc nội mạc tử cung.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn thịt khiến bệnh lạc nội mạc tử cung nặng hơn
Đánh giá lưu ý rằng nồng độ estrogen lưu thông trong cơ thể cao hơn có thể làm trầm trọng thêm cơn đau và tình trạng viêm liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Theo một số nghiên cứu, tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nồng độ estrogen, đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung.
Nghiên cứu Sức khỏe Y tá II cho thấy, phụ nữ tiêu thụ nhiều hơn hai khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cao hơn 56% so với những người tiêu thụ ít hơn một khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần.
Việc tăng cường tiêu thụ thịt gà cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cao hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy ăn nhiều thịt bò, các loại thịt đỏ khác và giăm bông có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thực phẩm thực vật giúp giảm nồng độ estrogen
Ngược lại, tổng quan cho thấy việc giảm chất béo trong chế độ ăn và tăng cường lượng chất xơ, chỉ được tìm thấy trong thực phẩm thực vật, đã được chứng minh là làm giảm nồng độ estrogen tới 25%. Chế độ ăn nguồn gốc thực vật thường ít chất béo và giàu chất xơ hơn so với chế độ ăn bao gồm các sản phẩm động vật.
Trong một thử nghiệm lâm sàng ở những phụ nữ bị đau bụng kinh, chế độ ăn thuần chay ít chất béo có liên quan đến việc tăng nồng độ globulin gắn kết hormone sinh dục trong huyết tương, do đó được cho là sẽ làm giảm hoạt động của estrogen.
“Ăn thịt và thức ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến dư thừa estrogen trong cơ thể, có thể khiến cơn đau do lạc nội mạc tử cung bùng phát, trong khi chất xơ – chỉ có trong trái cây, rau, ngũ cốc và đậu – có thể giúp giảm đau bằng cách thải estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể. Tiến sĩ Hana Kahleova, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại PCRM, cho biết trong một tuyên bố.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C, được tìm thấy trong cam quýt cũng như các loại trái cây và rau quả khác, và vitamin E, được tìm thấy trong các loại hạt và một số loại trái cây và rau quả, cũng có thể làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung.
Rong biển cũng có thể có lợi. Một nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh khỏe mạnh cho thấy tiêu thụ rong biển làm giảm nồng độ estrogen. Một nghiên cứu trường hợp ở phụ nữ tiền mãn kinh cho thấy ăn tảo bẹ nâu, một loại tảo nâu ăn được, làm giảm nồng độ estrogen.
Trong khi những nghiên cứu này cho thấy những lợi ích tiềm năng của việc tiêu thụ rong biển đối với nồng độ estrogen, thì những tác động của nó đối với bệnh lạc nội mạc tử cung đang chờ đợi kết quả ở những nghiên cứu sâu hơn.
Các tác giả cho biết vẫn chưa biết mức độ phổ biến của lợi ích của chế độ ăn thuần thực vật lành mạnh đối với phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và các nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế độ ăn thuần chay giúp giảm đau bụng kinh
Nghiên cứu trước đây đã ghi nhận lợi ích của chế độ ăn thuần thực vật đối với chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Một phân tích các nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS) năm ngoái cho thấy chế độ ăn uống có thể là yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng đau bụng kinh.
Nghiên cứu này cho thấy rằng trong khi chế độ ăn nhiều thực phẩm gây viêm như thịt, dầu, đường, muối và cà phê có thể làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn thì việc ăn uống theo chế độ thuần chay đã được chứng minh là có thể chế ngự cơn đau bằng cách giảm tình trạng viêm, nguyên nhân góp phần gây ra cơn đau.
Nghiên cứu trước đây cũng đã tìm thấy những lợi ích như khả năng giảm các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mãn kinh của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ phát hiện ra rằng chế độ ăn nguồn gốc thực vật giàu đậu nành nguyên hạt giúp giảm 84% các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Và đáng chú ý là vào cuối cuộc nghiên cứu, gần 60% người tham gia theo chế độ ăn thuần thực vật cho biết họ hoàn toàn không còn bị các cơn bốc hỏa ở mức độ vừa và nặng, trong khi nhóm không thay đổi chế độ ăn uống thì không báo cáo sự thay đổi nào về điều này. Nhiều người tham gia nghiên cứu cũng báo cáo sự cải thiện về các triệu chứng tình dục, tâm trạng và năng lượng tổng thể.
Tiến sĩ Neal Barnard, Chủ tịch PCRM và nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, cho biết: “Đây là yếu tố tiên quyết có ảnh hưởng lớn đến phụ nữ từ 45 tuổi trở lên, hầu hết những người mà chúng tôi biết hiện nay đều có thể giảm bớt nhanh chóng các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng và rắc rối nhất mà không cần dùng thuốc”.
Bài viết được dịch từ vegnews.com
Dịch giả Trinh Lê