Cà rốt là một nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tuyệt vời. Là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, chúng có thể tăng cường chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ác tính, tăng khả năng chữa lành vết thương và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của loại củ này, cũng như những mẹo giúp bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống và một số điểm cần lưu ý khi sử dụng qua nội dung sau đây.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Sức Khỏe Của Cà Rốt
Cà rốt chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Ngoài ra, chúng là một nguồn giàu chất chống oxy hóa.
Chất chống oxy hóa là một dạng dưỡng chất được tìm thấy trong chế độ ăn uống có nguồn gốc từ thực vật. Chúng giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do – những phân tử không ổn định có thể gây tổn thương tế bào nếu tích tụ quá nhiều trong cơ thể.
Gốc tự do là sản phẩm của các quá trình tự nhiên và áp lực từ môi trường. Cơ thể chúng ta có thể đào thải gốc tự do một cách tự nhiên, nhưng chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống cũng có khả năng trung hòa phân tử này, đặc biệt là với số lượng lớn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hỗ Trợ Thị Lực
Cà rốt có chứa vitamin A, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này có thể gây ra bệnh viêm mắt, một tình trạng thoái hóa ở mắt. Xerophthalmia có thể dẫn đến quáng gà hoặc khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Theo Office of Dietary Supplements, thiếu hụt vitamin A là một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể tránh được gây mù lòa ở trẻ em.
Cà rốt cũng chứa chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin, sự kết hợp của hai chất này có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do lão hóa, một dạng suy giảm thị lực. Tuy nhiên, cà rốt không có khả năng tăng cường thị lực của đa số mọi người trừ khi họ bị thiếu vitamin A.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Phòng Chống Ung Thư
Quá nhiều gốc tự do tích tụ trong cơ thể có thể gia tăng nguy cơ mắc phải một số dạng ung thư.
Carotenoid là các sắc tố hữu cơ màu vàng, cam và đỏ được tìm thấy trong cà rốt và các loại rau khác, đặc tính chống oxy hóa của chúng có thể làm giảm nguy cơ này. Zeaxanthin và lutein là hai ví dụ về các sắc tố carotenoid này. Ngoài ra, vitamin A và beta carotene cũng có thể có lợi.
Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu carotenoid có liên quan đến khả năng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Carotenoid cũng có thể làm giảm tỷ lệ ung thư đại trực tràng và nhiều loại bệnh lý khác, theo một số phân tích.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sức Khỏe Hệ Tiêu Hóa
Một củ cà rốt cỡ vừa chứa 1.7 gam (g) chất xơ, hoặc khoảng từ 5% đến 7.6% nhu cầu chất xơ hàng ngày của một người, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của họ. Tương tự, một chén cà rốt thái hạt lựu giúp cung cấp 3.58 gam chất xơ.
Bổ sung đủ chất xơ có thể hỗ trợ tối ưu chức năng của hệ tiêu hóa nói chung. Những người ăn chế độ giàu chất xơ có thể giảm tỷ lệ ung thư đại trực tràng hơn so với những người ăn thiếu chất xơ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Kiểm Soát Bệnh Tiểu Đường
Khoảng 10% trọng lượng của một củ cà rốt có chứa carbohydrate, trong đó khoảng 1/2 là đường và 1/3 là chất xơ.
Loại củ này dù cho đã luộc hay còn tươi cũng đều có chỉ số đường huyết thấp. Điều này có nghĩa là chúng không có khả năng làm tăng lượng đường huyết. Chỉ số GI có thể hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường xác định loại thực phẩm nào có khả năng làm tăng lượng đường trong máu của họ.
Một chế độ ăn giàu chất xơ cũng có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Huyết Áp và Sức Khỏe Tim Mạch
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo mọi người cần hạn chế ăn nhiều muối và nên tăng cường thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như cà rốt. Kali giúp thư giãn các mạch máu, giảm nguy cơ cao huyết áp và nhiều vấn đề tim mạch khác.
Một củ cà rốt cỡ vừa cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hàng ngày của một người. Ăn các loại rau củ giàu chất xơ, đặc biệt là cà rốt cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp, còn được gọi là cholesterol “xấu”.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hệ Thống Miễn Dịch
Vitamin C là một chất chống oxy hóa khác được tìm thấy trong cà rốt. Điều này rất quan trọng đối với chức năng hoạt động ổn định của hệ thống miễn dịch.
Tuân theo một chế độ dinh dưỡng cân bằng giàu vitamin C hỗ trợ cơ thể cải thiện khả năng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng, cũng như duy trì được sức khỏe tổng thể. Theo nghiên cứu sơ bộ, vitamin A cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các chức năng miễn dịch.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sức Khỏe Xương và Khả Năng Phục Hồi
Cà rốt chứa vitamin K cùng một lượng nhỏ canxi và phốt pho. Tất cả những yếu tố này góp phần hỗ trợ sức khỏe xương và có thể hỗ trợ trong việc ngăn ngừa loãng xương.
Vitamin C trong cà rốt cũng hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen. Collagen là một thành phần quan trọng của mô liên kết và cần thiết cho việc chữa lành vết thương và duy trì sức khỏe của cơ thể.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Bảng dưới đây thống kê chi tiết hàm lượng dinh dưỡng trong một củ cà rốt tươi cỡ vừa nặng khoảng 61 gam. Theo Hướng dẫn Ăn uống dành cho người Mỹ năm 2015 – 2020, chúng cũng chỉ ra lượng chất dinh dưỡng mà một người trưởng thành nên bổ sung hàng ngày. Tuy nhiên, nhu cầu sẽ khác nhau tùy theo giới tính và độ tuổi.
CHẤT DINH DƯỠNG | HÀM LƯỢNG TRONG 1 CỦ TƯƠI CỠ VỪA |
KHUYẾN NGHỊ MỖI NGÀY Ở NAM GIỚI |
KHUYẾN NGHỊ MỖI NGÀY Ở NỮ GIỚI |
Năng lượng (calo) |
25 | 1.800 – 2.400 | 1.600 – 2.000 |
Carbohydrate (g) | 5.8 gồm 2.9 g đường | 130 |
130 |
Chất xơ (g) |
1.7 | 28 – 34 | 22 – 28 |
Canxi (mg) | 20.1 | 1.000 – 1.300 |
1.000 – 1.300 |
Phốt pho (mg) |
21.4 | 700 – 1.250 | 700 – 1.250 |
Kali (mg) | 195 | 3.000 – 3.400 |
2.300 – 2.600 |
Vitamin C (mg) |
3.6 | 75 – 90 | 65 – 75 |
Folate (mcg DFE) | 11.6 | 400 |
400 |
Vitamin A (mcg RAE) |
509 | 900 | 700 |
Vitamin E (mg) | 0.4 | 15 |
15 |
Vitamin K (mcg) |
8.1 | 75 – 120 | 75 – 90 |
Beta Caroten (mcg) | 5.050 | Không có dữ liệu |
Không có dữ liệu |
Alpha Caroten (mcg) |
2.120 | Không có dữ liệu | Không có dữ liệu |
Lutein & Zeaxanthin (mcg) |
156 | Không có dữ liệu |
Không có dữ liệu |
Cà rốt cũng chứa nhiều vitamin B và một lượng chất sắt và các khoáng chất khác.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mẹo Kết Hợp Cà Rốt Vào Chế Độ Ăn Uống
Loại củ này được thu hoạch vào hai mùa – mùa xuân và mùa thu – nhưng chúng cũng thường được bày bán quanh năm tại các cửa hàng và siêu thị. Bạn có thể mua chúng ở dạng tươi, đông lạnh, đóng hộp, ngâm chua hoặc nước ép.
Tốt nhất nên bảo quản cà rốt trong túi nhựa buộc kín và trữ trong tủ lạnh. Trước khi bảo quản, bạn nên cắt bỏ phần lá xanh trên thân để ngăn không cho chúng hút ẩm và chất dinh dưỡng từ rễ.
Cách Chế Biến
Cà rốt là một loại củ đa dụng. Chúng có thể được ăn tươi, hấp, luộc, xào hoặc sử dụng như một loại nguyên liệu trong món súp và món hầm. Quá trình luộc có thể làm giảm hoặc thất thoát một số hàm lượng vitamin và khoáng chất. Cà rốt bổ dưỡng nhất khi được ăn tươi hoặc hấp chín.
Cà Rốt Hữu Cơ và Vô Cơ
Rau hữu cơ là sản phẩm của quá trình canh tác không sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu hoặc hóa chất phụ gia.
Cà rốt hữu cơ có chứa hàm lượng vitamin C, vitamin E, beta-carotene, phốt pho và canxi vượt trội, theo một nghiên cứu năm 2019. Hơn nữa, ăn thực phẩm hữu cơ cũng giúp hạn chế khả năng tiếp cận của con người với dư lượng thuốc trừ sâu độc hại có trong thực phẩm vô cơ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lưu Ý Khi Sử Dụng
Một người thường xuyên ăn quá nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống hoặc đột ngột ăn quá nhiều có thể bị đầy hơi, táo bón hoặc gặp phải nhiều rối loạn về đường tiêu hóa khác.
Một số cá nhân có thể bị dị ứng với các hợp chất có trong cà rốt. Bất kỳ ai bị nổi mề đay, sưng phù và khó thở sau khi ăn loại củ này đều cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Cà rốt rất giàu vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật, tất cả chúng đều là thành phần thiết yếu của một chế độ ăn uống cân bằng.
Một chế độ ăn đa dạng, giàu rau, bao gồm cà rốt, đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch tự nhiên, chức năng tiêu hóa và sức khỏe tim mạch.
Có thể bạn quan tâm: Những Lợi Ích Của Chất Chống Oxy Hóa Đối Với Sức Khỏe
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê