Cây xô thơm là một loại thảo mộc có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Chúng thuộc cùng họ với lá oregano, hoa oải hương, hương thảo, cỏ xạ hương và húng quế.
Các loại thảo mộc và gia vị có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cực cao và cũng có thể làm tăng hương vị cho món ăn. Điều này có thể giúp chúng ta giảm thiểu lượng natri nạp vào cơ thể, do cần ít muối hơn để tạo hương vị khi sử dụng các loại thảo mộc.
Lá của cây xô thơm có màu xanh xám và có thể ăn được, và hoa của nó có màu từ xanh lam và tím đến trắng và hồng. Có khoảng hơn 900 giống cây xô thơm khác nhau trên khắp thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử, loại thảo mộc này đã được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh, từ các vấn đề sức khỏe tâm thần đến rối loạn tiêu hóa. Nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng có thể được sử dụng để điều trị y tế trong một số trường hợp cụ thể.
Ở nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lợi ích sức khỏe, giá trị dinh dưỡng, cũng như cách kết hợp vào chế độ ăn uống và lưu ý khi sử dụng loài cây này. Tinh dầu xô thơm sẽ không được đề cập trong bài viết này, vì chúng không được khuyến nghị để sử dụng.
Cây xô thơm có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thông Tin Nhanh Về Cây Xô Thơm
- Xô thơm là một thành viên thuộc họ bạc hà, cùng với oregano, oải hương, hương thảo, cỏ xạ hương và húng quế.
- Trong những năm gần đây, những nghiên cứu chứng minh lợi ích sức khỏe của cây xô thơm đã tăng lên về số lượng.
- Cây xô thơm dường như có chứa hàm lượng hợp chất kháng viêm và chống oxy hóa vượt trội.
- Có khoảng hơn 900 giống cây xô thơm khác nhau.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Về Mặt Sức Khỏe
Cây xô thơm có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe đã được chứng minh. Khả năng chống oxy hóa mạnh của chúng giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do. Các phân tử này gây hủy diệt tế bào và có thể dẫn đến suy yếu khả năng miễn dịch và bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, loài cây này còn có những lợi ích tiềm năng khác như:
Điều Trị Bệnh Alzheimer
Theo một phân tích toàn diện của các nghiên cứu khoa học, các loài cây xô thơm có thể cải thiện khả năng nhận thức và bảo vệ chống lại các rối loạn thần kinh.
Tác giả nghiên cứu khẳng định rằng: “Các nghiên cứu sơ bộ trong ống nghiệm, động vật và con người đã xác nhận những phát hiện rằng cây xô thơm có thể cải thiện khả năng nhận thức và bảo vệ chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh.”
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng loài cây này cũng có thể cải thiện trí não ở những người trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm, do hầu hết các nghiên cứu chỉ được thực hiện trên hai giống cây xô thơm là Salvia officinalis (S. officinalis) và S. lavandulaefolia.
Có thể bạn quan tâm: Cholesterol Tốt Có Thể Làm Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Alzheimer
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Lượng Đường Huyết và Cholesterol
Trong một nghiên cứu, 40 người bị tiểu đường và cholesterol cao đã được sử dụng chiết xuất lá xô thơm trong ba tháng.
Khi kết thúc thử nghiệm, các đối tượng đã giảm lượng đường lúc đói, giảm lượng đường trung bình trong thời gian 3 tháng và giảm luôn cả cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và cholesterol xấu. Bên cạnh đó, họ cũng đã có dấu hiệu cải thiện được lượng cholesterol HDL tốt.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng: “Lá xô thơm có thể an toàn và có tác dụng chống tăng đường huyết và cải thiện lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tăng lipid máu”
Một thử nghiệm lâm sàng kín kép khác được thực hiện trên 80 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 được kiểm soát kém. Thử nghiệm cũng cho thấy cây xô thơm tạo nên ảnh hưởng tích cực đến lượng đường trong máu. Sau hai giờ nhịn ăn, lượng đường trong máu của những người được dùng cây xô thơm đã giảm đáng kể so với nhóm đối chứng.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng cây xô thơm có thể làm giảm mức đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường hai giờ sau khi nhịn ăn.
Cây xô thơm có thể làm giảm lượng glucose trong máu.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Kiểm Soát Viêm Nhiễm
Mặc dù cần có thêm bằng chứng để xác nhận lợi ích này, nhưng có vẻ như một số hợp chất nhất định trong loài cây này có khả năng kháng viêm. Một nghiên cứu đã khám phá tác động của những loại hợp chất này lên phản ứng viêm của nguyên bào sợi nướu. Đây là một loại tế bào thường xuyên được tìm thấy trong mô liên kết của nướu.
Một số hợp chất trong cây xô thơm đã giúp làm giảm loại viêm này. Nghiên cứu gần đây cũng xác nhận đã sử dụng cây xô thơm trong nha khoa nhờ chất kháng viêm của nó. Nhiều loại thảo mộc và gia vị khác tương tự như cây xô thơm cũng có đặc tính kháng viêm, kháng nấm và kháng khuẩn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Cây xô thơm là một nguồn giàu khoáng chất và vitamin. Tuy nhiên, chúng chỉ chứa một lượng nhỏ calo, carbohydrate, protein hoặc chất xơ do thường được sử dụng với số lượng ít. Một thìa cà phê xô thơm vẫn có thể chứa một số dưỡng chất vượt trội, bao gồm:
- 2 calo
- 3 miligam (mg) magiê
- 1 mg phốt pho
- 7 mg kali
- 2 microgam (mcg) folate
- 24 mcg beta-caroten
- 41 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A
- 12 mcg vitamin K
Loài cây này cũng chứa nhiều hợp chất kháng viêm và chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe như:
- 8-cineole
- Camphor
- Borneol
- Bornyl acetate
- Camphene
Trong khi cần phải nghiên cứu sâu hơn để xác nhận các vai trò của những hợp chất này, một số trong số chúng đã được chứng minh là có tác động cực đối với cơ thể và hệ thống của chúng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mẹo Sử Dụng Cây Xô Thơm
Loại cây này có thể được ăn nguyên lá hoặc xay nhuyễn. Chúng là một giải pháp tuyệt vời giúp cải thiện hương vị món ăn mà không cần thêm calo hoặc muối. Nhờ có hương thơm dễ chịu, loài cây này thường được dùng làm hương thơm trong xà phòng và mỹ phẩm.
Cây xô thơm có thể được sử dụng như một loại gia vị hoặc được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lưu Ý Khi Sử Dụng
Xô thơm tự nhiên an toàn cho hầu hết mọi người và ít gây ra tác dụng phụ. Hiệu quả và tác dụng phụ từ những loại thực phẩm chức năng được chiết xuất từ xô thơm sẽ khác nhau tùy theo thương hiệu và quy trình sản xuất.
Để ngăn ngừa bệnh tật và đạt được sức khỏe tuyệt vời, điều cần lưu ý là nên cân nhắc áp dụng một chế độ ăn uống tổng thể, thay vì chỉ tập trung vào một vài loại thực phẩm nhất định.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê