Dâu tây có lẽ là loại quả mọng nổi tiếng nhất thế giới, đây là loại quả được yêu thích vào mùa xuân và mùa hè. Người ta ước tính rằng dâu tây là loại trái cây được tiêu thụ nhiều thứ 5 ở Hoa Kỳ.
Dâu tây được đánh giá cao nhờ hương vị ngọt ngào và kết cấu mọng nước, nhưng chúng cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và nên được bổ sung vào một chế độ ăn uống lành mạnh.
Những lợi ích của loại trái cây có màu đỏ đậm và thơm ngon này thậm chí còn được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc da trong những năm gần đây.
Ở nội dung sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về loại trái cây quý giá này và tất cả những cách mà nó có thể cải thiện sức khỏe của bạn.
Dâu tây là nguồn cung cấp vitamin C và chất xơ vượt trội, hai yếu tố rất quan trọng để có sức khỏe dồi dào.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thông Tin Về Quả Dâu Tây
Dâu tây có tên khoa học là Fragaria x ananassa. Về thực vật học, nó là một thành viên lai của họ Rosaceae (hoa hồng). Quả táo, quả mơ và quả đào cũng thuộc họ này.
Mặc dù phổ biến ở Hoa Kỳ, nhưng dâu tây được cho là có nguồn gốc từ Châu Âu, nơi người La Mã cổ đại coi quả mọng như một vật trang trí hơn là một loại trái cây ăn được. Dâu tây ban đầu được trồng cho mục đích ẩm thực ở Pháp vào khoảng những năm 1300.
Người Pháp sau đó đã phát hiện ra một giống quả mọng ở Chile (Fragaria chiloensis) và mang nó trở lại vào những năm 1700, nhưng họ nhận thấy rằng nó khó phát triển ở những vùng có khí hậu khô và nóng.
Giống dâu tây Hovey được trồng ở Hoa Kỳ vào những năm 1800. Đây là giống dâu tây phổ biến nhất tại Mỹ hiện nay. Nó là kết quả của phương pháp nghiên cứu lai tạo được thực hiện tại Anh.
Trong khi đó, một giống bản địa ở Bắc Mỹ (Fragaria virginiana) cũng được tìm thấy và mang về châu Âu. Dâu tây hiện đại được cho là có nguồn gốc từ sự kết hợp của nhiều loại quả mọng khác có nguồn gốc từ cả Châu Mỹ và Châu Âu.
Ngày nay, hơn 50% số dâu tây của Hoa Kỳ được trồng ở California. Trên thực tế, California trồng hơn 1 tỷ pound quả mọng hàng năm. Tuy nhiên, chúng có thể được trồng thành công trong vườn nhà và trang trại ở tất cả 50 tiểu bang.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Giống như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác, dâu tây là một lựa chọn giàu dinh dưỡng, ít calo. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100 gam (g) (khoảng ½ cốc) dâu tây tươi có chứa những dưỡng chất sau đây:
- Calo: 35
- Chất béo: 22 g
- Protein: 64g
- Carbohydrate: 63 g
- Chất xơ: 8 g
- Đường: 34 g
- Canxi: 12 miligam (mg)
- Sắt: 28 mg
- Magiê: 8 mg
- Kali: 89 mg
- Vitamin A: 1 microgam (mcg)
- Vitamin C: 56 mg
- Vitamin K:1 mcg
Như bạn có thể thấy, dâu tây chứa nhiều vitamin C. Bạn có thể nhận được lượng khuyến nghị hàng ngày (75 mg đối với phụ nữ và 90 mg đối với nam giới) và tận hưởng những lợi ích của loại vitamin này bằng cách bổ sung chúng vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Ngoài ra, loại quả này cũng không chứa cholesterol.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Về Mặt Sức Khỏe
Dâu tây được phân loại là thực phẩm toàn phần, nghĩa là chúng không bị biến đổi hoặc chế biến. Chúng có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu dinh dưỡng, vì vậy có thể nói là bạn nhận được nhiều giá trị dinh dưỡng nhất cho lượng calo của mình.
Vì chứa chủ yếu là nước nên nó giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Dâu tây cũng được coi là một loại thực phẩm chức năng, nghĩa là chúng được cho là mang lại nhiều lợi ích hơn cả giá trị dinh dưỡng.
Màu đỏ đậm của nó không chỉ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ mà còn liên quan đến một số lợi ích sức khỏe nhất định của loại quả này.
Anthocyanin là sắc tố tạo nên màu sắc của dâu tây. Những hợp chất giàu chất chống oxy hóa này giúp trung hòa các phân tử được gọi là gốc tự do, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể. Về lâu dài, các gốc tự do có thể gây tổn thương cho nhiều hệ thống trong cơ thể và dẫn đến bệnh tật.
Ngoài ra, một số lợi ích sức khỏe của loại quả này cũng đã được nêu trong khuyến nghị MyPlate của USDA.
Một phân tích nghiên cứu lâm sàng được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm cho thấy rằng với khả năng bảo vệ chống viêm tế bào của dâu tây, nó có thể hỗ trợ bạn giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- bệnh tiểu đường tuýp 2
- béo phì
- hội chứng chuyển hóa
- bệnh tim mạch
- vấn đề về thần kinh
- một số bệnh ung thư
Có thể bạn quan tâm: 13 Loại Thực Phẩm Giàu Chất Chống Oxy Hóa Nhất
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Dâu Tây Có Phải Là Thực Phẩm Hỗ Trợ Giảm Cân?
Như thể tất cả những lợi ích sức khỏe đó là chưa đủ, một số nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng dâu tây cũng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến béo phì.
Chỉ ăn dâu tây sẽ không giúp bạn giảm cân, nhưng loại quả mọng này rất hữu ích cho kế hoạch giảm cân, vì chúng chứa ít calo nhưng lại giàu chất xơ giúp bạn no lâu.
Ăn nhiều thực phẩm ít calo có thể tạo ra lượng calo thiếu hụt cần thiết để giảm cân – đó là 3.500 calo cho mỗi pound chất béo trong cơ thể. Dùng dâu tây để thay thế kẹo và các đồ ngọt khác có thể giúp bạn giảm cân về lâu dài.
Dâu Tây Có Lợi Cho Làn Da Của Bạn
Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao, dâu tây đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu da liễu.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy liệu pháp bôi ngoài da được chiết xuất từ những hợp chất trong dâu tây có thể giúp bảo vệ da khỏi các gốc tự do, vốn là một trong những nguyên nhân hình thành nên nếp nhăn và thúc đẩy quá trình lão hóa.
Bạn có thể tìm thấy mặt nạ, sữa rửa mặt và các sản phẩm chăm sóc da khác có chứa chiết xuất từ dâu tây tại các cửa hàng mỹ phẩm; thậm chí một số nghiên cứu còn cho thấy chúng bảo vệ da khỏi các tia bức xạ từ mặt trời.
Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trong phòng thí nghiệm sử dụng các mẫu tế bào da người chứ không phải trong điều kiện thực tế; do đó, SPF vẫn nên được ưu tiên. Để hiểu đầy đủ những lợi ích tiềm năng của chiết xuất dâu tây đối với da, cần phải nghiên cứu thêm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tác Dụng Phụ Tiềm Ẩn Khi Ăn Quá Nhiều Dâu Tây
Mặc dù nói chung là an toàn khi bạn ăn dâu với số lượng vừa phải, nhưng nó vẫn có những rủi ro tiềm ẩn nhất định về mặt sức khỏe.
Dâu có hàm lượng chất xơ khá cao, nghĩa là nếu bạn ăn quá nhiều và quá nhanh, bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa (chẳng hạn như đầy hơi, chướng hoặc đau bụng và chuột rút). Bạn nên tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn uống và hãy nhớ uống nhiều nước.
Một rủi ro khác nghiêm trọng hơn là phản ứng dị ứng. Mặc dù dị ứng dâu tây rất hiếm gặp, nhưng chúng có thể phát sinh ở những người bị dị ứng với các loại cây khác trong họ Rosaceae.
Một số báo cáo cho thấy phản ứng này cũng xảy ra ở những người mẫn cảm với quả anh đào và nho. Khi nói đến dị ứng trái cây thì đào, táo và kiwi là những loại phổ biến nhất. Chúng cũng thuộc họ Rosaceae.
Dị ứng thực phẩm có thể gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm:
- phát ban
- mề đay
- ngứa ngáy
- da ửng đỏ, xanh xao hoặc nhợt nhạt
- sưng phù, đặc biệt là xung quanh miệng và lưỡi
- khó nói và nuốt
- ho hen
- thở khò khè
Các triệu chứng dị ứng dâu tây có thể xuất hiện trong vòng 5 đến 15 phút sau khi ăn. Ngay cả khi loại dị ứng này không phổ biến như dị ứng trứng hoặc hạt, thì nó vẫn có một số mối nguy hiểm nghiêm trọng.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy tránh xa các loại quả mọng và hỏi ý kiến bác sĩ về việc xét nghiệm dị ứng quả mọng. Sốc phản vệ là một phản ứng đe dọa tính mạng có thể xảy ra ở những người bị dị ứng thực phẩm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Dâu tây là một loại thực phẩm bổ dưỡng mà bạn nên cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn uống của mình. Chứa nhiều vitamin C và chất xơ nhưng ít calo, loại quả này giúp mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng và có thể phù hợp với chế độ ăn kiêng giảm cân.
Bạn có thể thưởng thức dâu tây tươi nguyên quả hoặc dùng nó để làm salad, sinh tố hoặc tráng miệng bổ dưỡng. Dâu tây đông lạnh có thể là một lựa chọn tiện lợi (và không kém phần bổ dưỡng), nếu bạn không thể tìm mua loại tươi hoặc đang trái mùa dâu tây.
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê