Trong những năm gần đây, nước ép trái cây đã trở nên phổ biến và hiện là một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la. Cà rốt là một thành phần nổi bật trong nước ép, vì hương vị của chúng kết hợp tốt với nhiều loại trái cây và rau củ.
Ngoài hương vị thơm ngon ra, nước ép cà rốt có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Những lợi ích tiềm năng này có thể giảm nguy cơ mắc phải một số vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Nước ép trái cây và rau củ tươi được bày bán sẵn tại hầu hết các cửa hàng tạp hóa, chợ nông sản, các siêu thị và quán bar có phục vụ nước trái cây đặc biệt. Bạn cũng có thể tự làm nước ép cà rốt tại nhà bằng cách sử dụng máy ép trái cây.
Mời bạn đọc tìm hiểu tìm hiểu thêm về những lợi ích sức khỏe tiềm năng và những rủi ro có thể xảy ra khi uống nước ép cà rốt, cũng như giá trị dinh dưỡng của loại nước ép này thông qua nội dung sau đây.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Lợi Ích Về Mặt Sức Khỏe
Ung Thư Dạ Dày
Cà rốt có chứa chất chống oxy hóa, có thể giải thích cho khả năng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư của chúng. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc tiêu thụ cà rốt đối với nguy cơ ung thư dạ dày trong một phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu.
Họ phát hiện ra rằng cà rốt đã làm giảm 26% tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, họ không nói rõ một người phải ăn bao nhiêu cà rốt để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này. Các nhà khoa học có thể xác nhận khả năng này bằng cách tiến hành các thử nghiệm có hệ thống hơn.
Các chất chống oxy hóa trong nước ép cà rốt có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bệnh Bạch Cầu
Dù nước ép cà rốt có thể đóng vai trò trong việc điều trị bệnh bạch cầu trong tương lai, tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để xác minh điều này.
Các nhà khoa học đã kiểm tra tác động của chiết xuất nước ép cà rốt đối với các tế bào bệnh bạch cầu trong một nghiên cứu. Các hoạt chất trong loại nước ép này đã kích thích các tế bào bệnh bạch cầu tự hủy và ngừng phân chia.
Mặc dù chúng không có khả năng trở thành một liệu trình điều trị độc lập cho bệnh bạch cầu, nhưng cà rốt có thể là một lựa chọn dinh dưỡng tuyệt vời cho những người mắc bệnh này.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ung Thư Vú
Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2012, người ta đã phân tích ảnh hưởng của nước ép cà rốt đối với hàm lượng carotenoid, các chỉ số stress oxy hóa và những dấu hiệu viêm nhiễm trong máu ở những người đã chiến thắng được căn bệnh ung thư vú.
Stress oxy hóa xảy ra khi gốc tự do gây bệnh lớn hơn chất chống oxy hóa trong cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ác tính và nhiều bệnh khác. Theo phát hiện của nhóm nghiên cứu, lượng carotenoid trong máu cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.
Trong thời gian thử nghiệm kéo dài ba tuần, các đối tượng đã uống 8 oz nước ép cà rốt mỗi ngày. Khi kết thúc thử nghiệm, họ có lượng carotenoid trong máu cao hơn và nồng độ của một chỉ số gây stress oxy hóa thấp hơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính
Vitamin C rất phổ biến trong nước ép cà rốt. Năm 2016, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên kết giữa việc tiêu thụ vitamin C và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ở người Hàn Quốc từ 40 tuổi trở lên.
Họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc COPD có lượng hấp thụ các dưỡng nhất trong nước ép cà rốt thấp hơn đáng kể so với những người khỏe mạnh Những vitamin và khoáng chất này bao gồm beta-carotene, kali, vitamin A và vitamin C.
Tuy nhiên, những người bị COPD ăn ít thực phẩm hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh. Trong số những đối tượng nghiện thuốc lá nặng trong nghiên cứu, những người uống nhiều vitamin C hơn có nguy cơ mắc COPD thấp hơn những người ăn kém.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Food Data Central, một ly nước ép cà rốt đóng hộp có chứa:
- 94 kilocalories
- 24 gam (g) protein
- 35 g chất béo
- 9 g carbohydrate
- 89 g chất xơ
Ở cùng một định lượng, nước ép cà rốt còn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất khác như:
- 689 miligam (mg) kali
- 1 mg vitamin C
- 217 mg vitamin B1 (thiamin)
- 512 mg vitamin B6
- 290 microgam (mcg) vitamin A
- 6 mcg vitamin K
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lưu Ý Khi Sử Dụng
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể cần phải tránh một số loại thực phẩm nếu chúng có nguy cơ chứa mầm bệnh có thể lây truyền qua thực phẩm, chẳng hạn như:
- Những bệnh nhân đang điều trị ung thư
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ nhỏ
- Người cao tuổi
Nước ép trái cây và rau quả mới ép có thể chưa qua quá trình thanh trùng. Do đó, chúng có thể có nguy cơ mang mầm bệnh cao hơn. Những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc bị ức chế có thể gặp phản ứng nghiêm trọng hơn với ảnh hưởng của những tác nhân lây nhiễm.
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng những bệnh nhân đang thực hiện chế độ ăn ít vi sinh vật nên hạn chế các loại nước ép hoa quả chưa được khử trùng, trừ khi chúng được làm thủ công.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), phụ nữ mang thai nên chọn nước trái cây tiệt trùng hoặc những loại có thời hạn sử dụng lâu dài. Trong thời kỳ mang thai, họ cũng nên hạn chế uống nước trái cây mới ép.
Cà rốt rất giàu beta-carotene, một sắc tố có thể được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Hấp thụ một lượng carotenoid đáng kể từ thực phẩm sẽ không gây phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu có người hấp thụ quá nhiều beta-carotene trong một thời gian dài, nước da của họ có thể trở nên vàng hoặc cam. Tình trạng này được gọi là carotenoderma.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mẹo Và Công Thức Pha Chế Nước Ép Cà Rốt
Stanford Health Care đã chỉ ra rằng một ly nước ép cà rốt có chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất gần tương đương với năm ly cà rốt thái hạt lựu.
Mặc dù nước ép hoa quả rất giàu chất dinh dưỡng, nhưng chúng lại chứa ít chất xơ hơn trái cây và rau củ. Ngoài ra, chúng chứa nhiều đường hơn trong mỗi ly so với trái cây và rau củ.
Một ly nước ép cà rốt bao gồm 2 gam chất xơ và 9 gam đường, trong khi một ly cà rốt sống thái hạt lựu chứa 3.5 gam chất xơ và 6 gam đường.
Bạn có thể kết hợp cà rốt với các loại trái cây và rau quả khác để tạo nên một ly nước ép thơm ngon bổ dưỡng, hoặc có thể thử các công thức pha chế tại nhà như sau:
- Nước ép cà rốt với táo
- Nước ép cà rốt và nước cam
- Nước ép cà rốt với cải xoăn
- Nước ép cà rốt, quế và gừng
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nước ép cà rốt có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nước ép cà rốt có ít chất xơ và nhiều đường hơn cà rốt tươi. Chất xơ có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng và giảm cholesterol.
Tùy thuộc vào cách pha chế, nước ép cà rốt có thể không phù hợp với tất cả mọi người, kể cả phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh lý đặc biệt.
Tuy nhiên, đa số mọi người có thể uống nước ép cà rốt ở mức độ vừa phải như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nước trái cây không thể thay thế cho việc thưởng thức trực tiếp trái cây và rau quả.
Có thể bạn quan tâm: Những Điều Bạn Nên Biết Về Beta Carotene
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Góc Hỏi Đáp
Câu hỏi: Có đúng là cà rốt có thể tăng cường sức khỏe của mắt không?
Giải đáp (*): Cà rốt là một trong những nguồn cung cấp beta-carotene tốt nhất, cùng với bí đỏ và khoai lang. Beta-carotene là tiền chất của vitamin A, một chất dinh dưỡng quan trọng cho mắt.
Cà rốt chứa lutein, một nguyên tố thiết yếu giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và tăng cường sức khỏe của mắt. Do đó, mọi người có thể chọn ăn cà rốt để duy trì thị lực khỏe mạnh.
(*) Câu trả lời phản ánh quan điểm của các chuyên gia dinh dưỡng. Tất cả nội dung chỉ mang tính chất cung cấp thông tin và không nên được hiểu thành lời khuyên y tế.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê