Duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng râu ngô có thể là một lựa chọn tự nhiên giúp giảm lượng đường trong máu.
Râu ngô là những sợi tơ mọc trên đỉnh của lõi ngô. Trong y học truyền thống của người Trung Hoa và người Mỹ bản địa, râu ngô đã được sử dụng như một phương thuốc thảo dược trong nhiều thế kỷ.
Những người tin dùng cho rằng nó có thể có một số ứng dụng trong y học, chẳng hạn như giảm viêm, hạ huyết áp và ổn định lượng đường trong máu.
Ở nội dung sau, chúng ta sẽ xem rằng liệu râu ngô có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tình trạng của họ hay không.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Định Nghĩa
Bệnh tiểu đường đề cập đến một nhóm các tình trạng ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý lượng đường trong máu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 11.3% dân số Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường và 38.0% dân số trưởng thành của Hoa Kỳ mắc bệnh tiền tiểu đường. Nếu một người không thể kiểm soát lượng đường trong máu, họ có nhiều khả năng bị biến chứng.
Bệnh tiểu đường thường được điều trị bằng một phác đồ thuốc, chẳng hạn như insulin và metformin, để giúp kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi khỏe mạnh.
Tuy nhiên, một số cá nhân có thể chọn sử dụng nhiều loại thuốc bổ sung và thay thế để kiểm soát lượng đường trong máu của họ. Theo nghiên cứu, có một tỷ lệ lớn bệnh nhân tiểu đường lựa chọn cách thay thế, chẳng hạn như phương pháp điều trị bằng thảo dược.
Có thể bạn quan tâm: Bạn Có Thể Bị Tiểu Đường Do Ăn Quá Nhiều Đường Không?
Râu ngô còn được gọi là Stigma Maydis, dùng để chỉ một phương thuốc thảo dược của Trung Hoa.
Râu ngô là những sợi giống như tơ phát triển bên dưới vỏ của bắp ngô tươi. Những sợi mỏng này chứa nhiều hợp chất thực vật có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có một số bằng chứng cho thấy rằng râu ngô có thể sở hữu đặc tính trị đái tháo đường.
Tuy nhiên, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NICCH) cảnh báo rằng người bệnh không được tự ý sử dụng những phương pháp điều trị thay thế chưa được kiểm chứng để đối phó với bệnh tiểu đường.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Râu Ngô Có Thể Hỗ Trợ Điều Trị Bệnh Tiểu Đường Ra Sao?
Những người tin dùng râu ngô cho rằng các hợp chất tự nhiên của nó có thể có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, một thử nghiệm trên chuột năm 2015 và một đánh giá năm 2017 cho thấy râu ngô và flavonoid của nó có thể có đặc tính trị đái tháo đường.
Về vấn đề này, một nghiên cứu trên chuột được thực hiện vào năm 2017 cho thấy công dụng trị bệnh tiểu đường của râu ngô có thể khiến nó trở thành một loại thực phẩm chức năng hoặc liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Dựa trên nghiên cứu vào năm 2016, râu ngô có thể hỗ trợ bằng cách làm giảm tốc độ cơ thể hấp thụ glucose từ thực phẩm chứa nhiều tinh bột ở đường ruột. Qua đó, lượng đường trong máu tăng ổn định hơn sau bữa ăn, ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng vọt.
Mặt khác, râu ngô được phát hiện có đặc tính chống oxy hóa và chống lão hóa trong một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2016.
Những Lợi Ích Tiềm Năng Khác Của Râu Ngô
Ngoài khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường, những người ủng hộ cho rằng râu ngô cũng có thể mang lại những lợi ích sức khỏe bổ sung. Trong y học cổ truyền, râu ngô được sử dụng để điều trị phù nề và các vấn đề về đường tiết niệu.
Một đánh giá được thực hiện vào năm 2020 cho thấy những lợi ích tiềm năng có thể bao gồm:
- Chống oxy hóa và kháng viêm: Những hợp chất có trong râu ngô rất giàu đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm. Điều này có thể mang lại một lớp hàng rào giúp bảo vệ ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2019 thậm chí còn cho thấy nó có thể ngăn ngừa ung thư da.
- Ngừa mỡ máu cao: Dựa theo thử nghiệm trên chuột năm 2016, râu ngô có hoạt tính phòng ngừa mỡ máu tăng cao. Một nghiên cứu khác trên chuột năm 2016 cũng cho thấy râu ngô có thể giúp giảm lượng cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Giảm huyết áp: Theo nghiên cứu trên chuột năm 2019, râu ngô có thể giúp hạ huyết áp. Tương tự, một đánh giá toàn diện và phân tích tổng hợp năm 2019 cho thấy trà râu ngô có thể giúp cải thiện tác dụng của thuốc hạ huyết áp và mang đến một phương pháp điều trị thay thế tự nhiên.
- Điều trị sỏi thận: Một nghiên cứu trên chuột năm 2021 chỉ ra rằng lượng đường trong râu ngô có thể giúp giảm tổn thương thận và tăng bài tiết axit uric. Như vậy, râu ngô có thể được sử dụng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.
- Thải độc thận: Một nghiên cứu trên chuột năm 2018 cho thấy rằng râu ngô có thể giúp giảm tổn thương thận có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị ung thư. Tương tự, một nghiên cứu trên chuột năm 2020 cho thấy chất chiết xuất từ râu ngô có thể hỗ trợ bảo vệ thận.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rủi Ro Khi Sử Dụng Râu Ngô Để Điều Trị Bệnh Tiểu Đường
Theo đánh giá năm 2020, râu ngô là một sản phẩm tự nhiên an toàn và không độc hại. Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu kiểm tra những lợi ích tiềm năng của nó chỉ được tiến hành trên động vật. Do đó, cần nghiên cứu thêm để đánh giá tính an toàn và nguy cơ tác dụng phụ tiềm ẩn ở người.
Theo NICCH, những chất bổ sung trong chế độ ăn uống như râu ngô, cần nghiên cứu thêm để xác định các tác dụng phụ tiềm ẩn. Ngoài ra, râu ngô có khả năng tương tác với các loại thuốc khác.
Do đó, những người dùng các loại thuốc sau đây nên tham khảo ý kiến với bác sĩ chăm sóc bệnh tiểu đường của họ trước khi sử dụng râu ngô:
- thuốc tiểu đường
- thuốc cao huyết áp
- thuốc trị viêm nhiễm
- thuốc chống đông máu
Ngoài ra, thực phẩm chức năng từ thảo dược không được kiểm định tại Hoa Kỳ và thông tin về liều lượng vẫn còn rất khan hiếm.
Nếu muốn sử dụng sản phẩm râu ngô, bạn có thể cần thảo luận vấn đề này với chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tìm đến sản phẩm đã được xác minh từ những tổ chức có uy tín, chẳng hạn như Dược điển Hoa Kỳ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cách Dùng Râu Ngô Trị Bệnh Tiểu Đường Và Bổ Sung Vào Chế Độ Ăn Uống
Trong nền y học cổ truyền, râu ngô có thể được sử dụng để làm trà. Ngoài ra, một số người cũng có thể thêm râu ngô vào bữa ăn của họ, vì những người tin dùng cho rằng nó có thể cải thiện thành phần dinh dưỡng mà không làm ảnh hưởng đến hương vị.
Râu ngô cũng được phổ biến rộng rãi dưới dạng thực phẩm bổ sung bằng đường uống như viên nang, bột và chiết xuất chất lỏng.
Một Số Lựa Chọn Thay Thế Râu Ngô Trong Điều Trị Bệnh Tiểu Đường
Quản lý bệnh tiểu đường thường là cách tiếp cận từ nhiều mặt. Nói chung, nó đòi hỏi phải thay đổi lối sống của một người để giúp kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi khỏe mạnh. Điều này có thể bao gồm:
- áp dụng một chế độ ăn uống đa dạng
- tập thể dục thường xuyên
- kiểm tra lượng đường trong máu
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại tiểu đường mà bệnh nhân mắc phải, họ có thể sẽ được kê đơn thuốc hạ đường huyết. Ví dụ, đối với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ kê đơn insulin.
Tuy nhiên, có một số người muốn thử các phương pháp điều trị thay thế để kiểm soát bệnh tiểu đường. Theo NCCIH, những chất sau đây là chất bổ sung trong chế độ ăn uống mà mọi người có thể cân nhắc sử dụng cho bệnh tiểu đường:
- axit alpha-lipoic (ALA)
- crom
- thảo dược bổ sung, chẳng hạn như cỏ cà ri Fenugreek, nhân sâm và cây kế sữa Milk Thistle
- magie
- omega-3
- selen
Mặc dù một số tùy chọn này có thể cho thấy những lợi ích tiềm năng, nhưng người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tự ý sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính cần được điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài điều trị bệnh bằng thuốc và thay đổi lối sống, ngày càng có nhiều người quan tâm đến các phương pháp điều trị thay thế như râu ngô.
Một số nghiên cứu cho thấy nó có những đặc tính tích cực, nhưng bằng chứng có được cho đến nay chủ yếu đến từ những thử nghiệm trên động vật. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn ở người để xác định tính an toàn và hiệu quả của nó trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Những ai đang cân nhắc sử dụng những sản phẩm điều trị tiểu đường thay thế như râu ngô, nên thảo luận về quyết định của họ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe do khả năng tương tác thuốc của loại thảo dược này.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê