Trà là thức uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới sau nước lọc. Tất cả các loại trà đều có nguồn gốc từ cây Camellia Sinensis, nhưng các phương pháp thu hoạch và chế biến khác nhau đã tạo ra nhiều loại trà riêng biệt.
Sau khi thu hoạch, lá trà đen sẽ trải qua công đoạn làm héo sơ bộ, vò lá, sấy khô và oxy hóa. Khi lá trà tiếp xúc với không khí trong một thời gian dài, quá trình oxy hóa sẽ xảy ra. Các enzym phân hủy các hợp chất có trong lá, tạo ra màu nâu sẫm và hương thơm đặc trưng của chúng.
Quy trình sản xuất trà xanh cũng tương tự, nhưng nó không liên quan đến quá trình oxy hóa. Quá trình oxy hóa có thể mang đến một số lợi ích dinh dưỡng cho trà đen mà trà xanh không có.
Ví dụ, những dưỡng chất trong trà đen có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bảo vệ tim khỏi chứng xơ vữa động mạch và hỗ trợ duy trì huyết áp khỏe mạnh.
Trong nội dung tiếp theo, mời bạn đọc tìm hiểu thêm về những lợi ích của việc uống trà đen, cũng như các chất dinh dưỡng mà nó cung cấp và những rủi ro đối với sức khỏe có thể xảy ra.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Công Dụng Của Trà Đen
Theo Hiệp hội Trà Hoa Kỳ, chè đen chiếm khoảng 84% lượng chè tiêu thụ ở Mỹ vào năm 2018. Trà xanh và trà đen có thể mang lại những lợi ích sức khỏe tương tự. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tập trung vào trà đen và những tác động của quá trình oxy hóa đối với sức khỏe.
Đặc biệt, đặc tính chống oxy hóa của trà đen rất được quan tâm.
Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do. Gốc tự do là những phân tử không ổn định được tạo ra bởi cả quá trình tự nhiên bên trong cơ thể và áp lực từ bên ngoài. Cơ thể có thể đào thải gốc tự do, nhưng nếu tích tụ quá nhiều, chúng có thể làm biến đổi hoặc gây tổn thương tế bào.
Những biến đổi này có thể dẫn đến nguy cơ mắc phải một số căn bệnh và rối loạn sức khỏe, chẳng hạn như xơ vữa động mạch và một số bệnh ung thư.
Chất chống oxy hóa có thể giúp trung hòa gốc tự do và trà là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa vượt trội. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 30% trọng lượng khô của trà xanh và đen được tạo thành từ các hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa.
Do trải qua quá trình oxy hóa, các chất chống oxy hóa trong trà đen khác với trà xanh. Trà xanh chủ yếu chứa catechin. Trong quá trình oxy hóa, chúng chuyển đổi thành thearubigin, theaflavins và flavonols. Do đó, trà đen có thể có những ưu điểm khác biệt so với trà xanh.
Trà có chứa chất chống oxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bảo Vệ Ngăn Ngừa Chứng Xơ Vữa Động Mạch
Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của các mảng bám trên thành động mạch. Điều này có thể dẫn đến bệnh động mạch vành, đột quỵ và bệnh thận mãn tính. Các gốc tự do có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Một nghiên cứu năm 2004 trên hamster cho thấy rằng, xơ vữa động mạch có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng trà đen hoặc trà xanh ở mức độ tương đương với con người. Để xác minh điều này, phải cần đến nhiều nghiên cứu sâu hơn trên đối tượng con người.
Một phân tích cho thấy rằng uống 3 tách trà trở lên mỗi ngày có thể giúp bảo vệ ngăn ngừa bệnh tim mạch vành. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trà đen có chứa caffeine và uống nhiều hơn 3 cốc mỗi ngày sẽ làm tăng đáng kể lượng tiêu thụ caffeine hàng ngày của một người.
Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy những người uống 4 tách trà đen trở lên mỗi ngày có thể giảm nguy cơ đột quỵ.
Giảm Nguy Cơ Ung Thư
Nghiên cứu do Viện Ung thư Quốc gia (NCI) trích dẫn cho thấy rằng polyphenol trong trà có thể làm giảm nguy cơ phát triển khối u. Cụ thể, trà đen có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư da, ung thư vú, phổi và tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ liệu việc uống trà như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh có thể giảm thiểu rủi ro hay không.
Giảm Huyết Áp
Dựa trên kết quả của một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015, trà đen có thể giúp giảm huyết áp tâm trương và cả huyết áp tâm thu. Nguy cơ tăng huyết áp sau khi ăn nhiều chất béo dường như cũng được giảm thiểu bằng cách uống trà đen.
Ưu điểm này vẫn tồn tại dù cho trà có nồng độ caffeine cao. Tuy nhiên, do đây là một nghiên cứu quy mô nhỏ với chỉ 19 người tham gia, vì vậy cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác thực những phát hiện này.
Bảo Vệ Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường
Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống trà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Trong một thử nghiệm, những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã được uống tinh chất trà đen với nhiều liều lượng khác nhau trong khoảng thời gian 4 tuần. Các tác giả kết luận rằng uống trà đen thường xuyên có thể có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm cho những người mắc bệnh này.
Một Số Lợi Ích Bổ Sung
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng trà đen có thể giúp cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp và bảo vệ ngăn ngừa bệnh Parkinson. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
NCI nhấn mạnh rằng trong trà có chứa:
- Alkaloid, bao gồm caffeine, theophylline và theobromine
- Axit amin
- Cacbohydrat
- Protein
- Chất diệp lục
- Florua
- Nhôm
- Khoáng chất và nguyên tố vi lượng
- Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi giúp tăng thêm hương thơm và mùi vị của trà
Nhờ vào hàm lượng polyphenol, trà đen có khả năng chống oxy hóa vượt trội. Polyphenol là hợp chất hóa học bảo vệ thực vật khỏi bức xạ tia cực tím và các vi sinh vật gây bệnh.
Flavonoid là một phân lớp của polyphenol. Chúng được tìm thấy trong nho, rượu vang đỏ và một số loại thực phẩm khác. Tác dụng chống oxy hóa của polyphenol có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi những biến đổi gây bệnh.
Alkaloids, axit amin và carbohydrate đều có trong trà đen.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cân Nhắc Khi Sử Dụng Trà Đen
Độc Tố Gây Hại
Tất cả các loại trà đã pha đều có chứa khoáng chất, chúng có thể gây hại nếu lạm dụng quá nhiều.
Trà cũng chứa chì và nhôm. Những kim loại nặng này có thể gây hại cho con người ở nồng độ cao. Một số loại trà cũng có thể chứa một lượng nhỏ asen và cadmium, nhưng không gây hại với số lượng lớn.
Trà đen cũng chứa một lượng mangan đáng kể. Đây là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng nếu dư thừa nó có thể gây độc. Trà được ủ càng lâu thì nồng độ các độc tố này càng lớn. Trà được ủ trong tối đa trong 3 phút sẽ giảm thiểu những rủi ro.
Tùy thuộc vào nơi và cách trồng chè, lá có thể chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một trong những lý do tại sao mọi người cần hạn chế uống trà hàng ngày.
Tác Dụng Phụ Của Caffeine
Trà đen chứa khoảng 2 đến 4% caffeine. Những người mẫn cảm với caffeine có thể bị mất ngủ, bồn chồn, khó chịu hoặc đau bụng khi uống trà với số lượng lớn. Tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng có thể dẫn đến:
- Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều
- Tiêu chảy và hội chứng ruột kích thích
- Nhãn áp và bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra
- Tăng hoặc giảm lượng đường huyết
- Tăng huyết áp
- Mất canxi qua nước tiểu, dẫn đến xương yếu đi và có thể bị loãng xương
Những người uống trà thường xuyên nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên có thể cân nhắc hạn chế uống trà. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, họ nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: Loại Trà Nào Chứa Nhiều Caffeine Nhất?
Thiếu Máu
Trà đen có chứa tannin. Thực phẩm giàu tannin, chẳng hạn như trà, có thể là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, nhưng chúng có thể ức chế khả năng hấp thụ sắt của cơ thể, theo một nghiên cứu năm 2017.
Vì lý do này, những người có tiền sử thiếu sắt cần tránh uống trà khi bổ sung chất sắt hoặc ăn một bữa ăn giàu chất sắt. Họ cũng nên đợi khoảng một tiếng sau ăn, nếu muốn thưởng thức trà đen.
Tương Tác Thuốc và Thực Phẩm Chức Năng
Trà đen và hàm lượng caffein của nó có thể tương tác với một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Nếu một người lo ngại rằng caffeine có thể gây phản ứng bất lợi với đơn thuốc họ đang dùng, họ nên thảo luận về rủi ro có thể xảy ra với bác sĩ.
Danh sách một phần các loại thuốc này có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Adenosine: Thuốc này được sử dụng trong những bài kiểm tra tim gắng sức
- Thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến cách cơ thể phân hủy caffeine
- Carbamazepine (Tegretol): Caffeine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc này trong điều trị bệnh động kinh và đau liên quan đến thần kinh
- Ephedrine: Đây là một dược phẩm và chất kích thích. Do đó, sử dụng chúng cùng lúc có thể dẫn đến những tác động tiêu cực.
Caffeine trong đồ uống như trà và cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy mọi người nên thảo luận điều này trước với bác sĩ. Nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thành Phần Bổ Sung
Hàm lượng của trà đá và trà pha sẵn khác với trà đen truyền thống và có thể khiến chúng kém lành mạnh hơn. Đường và các chất phụ gia khác đôi khi được sử dụng để làm cho trà ăn liền và có hương vị thơm ngon hơn. Thêm đường, sữa, kem và xi-rô vào trà cũng có thể làm giảm lợi ích sức khỏe và tăng hàm lượng calo.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Trà đen là một loại đồ uống phổ biến trên toàn cầu có thể mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nó cũng chứa ít calo.
Những người uống nhiều trà – đặc biệt là với sữa, đường hoặc siro, họ nên nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra, chẳng hạn như lượng đường và caffeine cao quá mức.
Họ cũng nên gặp chuyên gia y tế để tìm hiểu xem liệu uống nhiều trà đen có gây ảnh hưởng gì xấu đến loại thuốc mà họ đang sử dụng, hoặc ảnh hưởng đến các yếu tố khác của sức khỏe hay không.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê