Vải thiều là một loại trái cây nhiệt đới có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Nó rất giàu vitamin C và chất chống oxy hóa. Loại quả này cũng có thể có đặc tính chống viêm và bảo vệ tim mạch.
Mời bạn đọc theo dõi nội dung tiếp theo để khám phá thêm về giá trị dinh dưỡng, cũng như lợi ích sức khỏe của quả vải.
Tổng Quan Về Vải Thiều
Quả vải thiều là một loại trái cây nhiệt đới, cùng họ với chôm chôm và nhãn. Cây vải thiều được trồng chủ yếu ở các vùng cận nhiệt đới trên khắp thế giới và đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc cũng như Đông Nam Á.
Nhìn chung, quả vải có lớp vỏ màu đỏ hồng nhưng không ăn được. Sau lớp vỏ này là phần thịt màu trắng, bao xung quanh một hạt sẫm màu nằm ở trung tâm của quả.
Quả vải có nhiều hình dạng khác nhau, bao gồm hình tròn, hình trái tim hoặc hình bầu dục. Khi còn non, loại quả này có lớp vỏ ngoài màu xanh hơi cứng và sẽ chuyển sang màu đỏ hồng khi chín.
Mọi người thường biết đến loại trái cây này dưới nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như:
- Vải
- Vải thiều
- Lệ chi
- Anh đào Trung Quốc
Vải thiều được biết đến với hương vị ngọt ngào, có thể ăn trực tiếp hoặc sử dụng để chế biến thành rượu vang, nước trái cây và thạch. Nhờ hương vị hấp dẫn và mùi thơm dễ chịu, nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều công thức đồ uống, chẳng hạn như trà đá, nước ép hoặc cocktail.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Bảng dưới đây trình bày chi tiết giá trị dinh dưỡng của 100 gam vải thiều tươi. Một quả có trọng lượng khoảng 10 gram.
DINH DƯỠNG |
100 GAM VẢI THIỀU |
Calo |
66 |
Chất đạm |
0.83 g |
Chất béo |
0.44 g |
Carbohydrate |
165 g |
Chất xơ |
1.3 g |
Vitamin C |
71.5 mg |
100 gam vải thiều cung cấp 95% nhu cầu vitamin C hàng ngày cho phụ nữ trưởng thành và 79% cho nam giới trưởng thành. Vải thiều cũng chứa một lượng nhỏ vitamin B và khoáng chất, chẳng hạn như magiê và kali.
Dietary Guidelines for Americans khuyên bạn nên ăn hai phần trái cây mỗi ngày và vải thiều tươi là một lựa chọn lành mạnh để đáp ứng khuyến nghị này. Một phần vải thiều tương ứng với khoảng 190 g quả.
Tuy nhiên, sử dụng vải thiều thành phẩm dưới dạng xi-rô, nước ép hoặc kẹo đều có thể vượt quá giới hạn khuyến nghị 10% lượng calo hàng ngày từ đường bổ sung.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Công Dụng Của Quả Vải
Nghiên cứu vào năm 2015 cho biết, phần cùi của quả vải là một trong những nguồn thực phẩm giàu proanthocyanidins. Theo nghiên cứu, nhóm hợp chất thực vật này có thể mang đến những lợi ích sức khỏe như:
- Chất chống oxy hóa
- Phòng ngừa tiểu đường
- Ức chế sự hình thành mạch máu trong điều trị ung thư
- Phòng ngừa ung thư, có khả năng ức chế hoặc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển
- Chống viêm
- Bảo vệ tim mạch
Proanthocyanidins cũng có trong các loại trái cây khác như táo, việt quất và nho.
Theo phân tích từ nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và cả nghiên cứu trên người năm 2016, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của cây vải thiều có thể mang đến nhiều lợi ích tiềm năng. Kết quả cho thấy nó có khả năng ức chế tế bào ung thư và vi-rút, bảo vệ gan và tăng cường chức năng vận động.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một người có thể không nhận được những lợi ích từ việc ăn trái cây như các nhà khoa học đã làm từ hoạt chất được chiết xuất từ phòng thí nghiệm.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng cùi vải, đặc biệt là loại sấy khô, có tác dụng chống khối u. Các tác giả kết luận rằng tiêu thụ trái cây như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh có thể mang lại những lợi ích sức khỏe to lớn.
Có thể bạn quan tâm: Chất Chuyển Hóa Từ Lựu Có Thể Phòng Ngừa Ung Thư Đại Trực Tràng
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Ai Nên Thận Trọng Khi Ăn Vải?
Vải thiều có thể làm giảm lượng đường trong máu. Vào năm 2014, các nhà khoa học đã điều tra những đợt bùng phát bệnh không rõ nguyên nhân ở trẻ em Ấn Độ và phát hiện ra rằng, vải chính là nguyên nhân.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng đã ăn những quả vải chưa chín từ một vườn cây ăn quả. Sự kết hợp của hypoglycin A, một chất hóa học có trong quả, với lượng đường trong máu thấp đã gây ra tổn thương thần kinh nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.
Thông thường, nếu có người ăn một lượng vải chín thì sẽ không sao, nhưng những ai đang điều trị bệnh tiểu đường thì nên thận trọng. Những người đang sử dụng các loại thuốc sau đây cũng cần chú ý, vì vải thiều có thể tương tác với chúng:
- Thuốc chống đông máu, như Warfarin hoặc Heparin
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu, như Clopidogrel
- Thuốc chống viêm không steroid, như Ibuprofen hoặc Naproxen
- Thuốc điều trị ung thư
- Thuốc ngừa vi-rút
- Thuốc điều trị tim mạch
- Thuốc hạ cholesterol hoặc lipid
- Thuốc điều hòa miễn dịch
- Thuốc giảm đau
- Thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược, như Ginkgo Biloba
Một nghiên cứu trước đó cho biết cũng có một số trường hợp hiếm hoi về những người bị dị ứng với vải thiều.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Vải là một trong những loại trái cây có thể được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trái cây được khuyến nghị hàng ngày là hai cốc. Nó là một nguồn thực phẩm giàu vitamin C, chất xơ, cũng như nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.
Những hợp chất thực vật trong loại quả này có đặc tính chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Không nên tiêu thụ quá nhiều các món ăn hoặc đồ uống được chế biến từ vải thiều, vì chúng có chứa hàm lượng đường rất cao. Những người đang dùng thuốc cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi tự ý tiêu thụ vải thiều với số lượng vừa hoặc lớn.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê