Giấm táo là gì?
Giấm táo được tạo ra bằng cách lên men chất lỏng từ táo nghiền thông qua việc bổ sung vi khuẩn và nấm men. Chất lỏng tạo thành là một dung dịch nồng, có vị chua với hàm lượng axit axetic cao.
Giấm táo đã được sử dụng trên toàn thế giới trong hàng nghìn năm để tạo hương vị và bảo quản thực phẩm, trong điều trị vết thương và bệnh tật. Nó đã được sử dụng như một chất làm sạch hiệu quả nhờ tính chất axit.
Giấm táo được quảng bá rộng rãi như một loại thuốc tăng cường với nhiều lợi ích sức khỏe, từ cải thiện làn da đến chữa bệnh ung thư. Liệu các tuyên bố trên có đúng? Khoa học cho chúng ta biết gì về những lợi ích sức khỏe được cho là của giấm táo?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi ích sức khỏe của giấm táo
Giấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu sau ăn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấm táo, hoặc bất kỳ loại giấm nào, có thể làm giảm lượng đường và insulin trong máu của bạn sau bữa ăn. Axit axetic có trong giấm dường như ngăn chặn sự hấp thụ một số tinh bột từ các loại thực phẩm như bánh mì và mì ống trong bữa ăn của chúng ta.
Để đạt được hiệu quả này, bạn nên uống 1-2 muỗng canh giấm pha loãng ngay trước bữa ăn. Hãy chắc chắn rằng nó được pha loãng vì giấm nguyên chất không tốt cho niêm mạc thực quản và sẽ để lại mùi vị khó chịu trong miệng.
Xin lưu ý rằng nếu bạn bị tiểu đường, việc sử dụng giấm để giảm lượng đường trong máu sau ăn không dành cho bạn. Chế độ ăn uống và lối sống tổng thể của bạn là chìa khóa, cùng với lời khuyên từ chuyên gia y tế của bạn, có thể bao gồm cả thuốc điều trị.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giấm táo có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Một nghiên cứu nhỏ đã sử dụng liều lượng giấm táo như một phần của kế hoạch giảm cân trong 12 tuần. Tất cả những người tham gia đều giảm cân, trong đó nhóm giấm táo giảm nhiều hơn. Một phần của kế hoạch này, họ cũng hạn chế lượng calo tiêu thụ, vì vậy tác động riêng của giấm vẫn chưa rõ ràng.
Giấm táo cũng đã được khẳng định là có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn, dẫn đến giảm cân. Tuy nhiên, điều này có thể đơn giản là vì mùi vị không tốt dẫn đến cảm giác buồn nôn.
Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm giải pháp để giảm cân, vì vậy ý tưởng rằng thêm một chất lỏng đơn giản vào chế độ ăn uống để ‘tăng cường trao đổi chất’ và ‘đốt cháy chất béo’ là một ý tưởng phổ biến.
Thật không may, chưa có khoa học chất lượng nào chứng minh rằng thêm giấm vào chế độ ăn uống sẽ giúp giảm cân hoặc giảm mỡ cơ thể đáng kể đến.
Dùng một lượng nhỏ giấm trong chế độ ăn uống có thể có tác động nhỏ và tích cực đến cân nặng của bạn, nhưng đừng mong đợi quá nhiều.
Chế độ ăn uống và lối sống tổng thể vẫn là cách hiệu quả nhất để quản lý cân nặng lâu dài.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giấm táo tăng thêm hương vị thơm ngon cho bữa ăn
Tính axit của giấm táo cung cấp chất chua có thể được sử dụng để làm nổi bật hương vị của thực phẩm. Đó là một cách tuyệt vời để sử dụng cùng món salad, để làm sốt hoặc rưới lên lớp bơ nghiền trên bánh mì nướng cùng với một chút muối và tiêu.
Do đặc tính tăng cường hương vị, giấm táo có thể giúp bạn thưởng thức các món ăn bổ dưỡng với nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh như rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Đó là một lựa chọn đặc biệt tốt nếu bạn bị bệnh celiac.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sự thật đằng sau những lầm tưởng về giấm táo
Giấm táo sẽ không chữa được ung thư
Đã có những tuyên bố rằng uống giấm táo sẽ thúc đẩy quá trình chết của các tế bào ung thư. Mặc dù điều này đã được chứng kiến trong môi trường phòng thí nghiệm, với axit axetic tiêu diệt tế bào ung thư trong ống nghiệm, nhưng vẫn chưa được nghiên cứu ở người, nơi có nhiều cơ chế sinh học phức tạp hơn đang diễn ra.
Mặc dù kết quả của các thí nghiệm đầy hứa hẹn, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc bổ sung giấm vào chế độ ăn uống sẽ có bất kỳ tác động nào đối với bệnh ung thư.
Giấm táo sẽ không cải thiện tiêu hóa của bạn
Một số giấm táo có chứa tập hợp vi khuẩn và nấm men. Người ta đã khẳng định rằng sự hiện diện của vi khuẩn có tác dụng lợi khuẩn trong đường ruột, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm đầy hơi.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, không có lợi ích probiotic hoặc chống đầy hơi nào được chứng minh cho giấm táo. Cách tốt nhất để hỗ trợ tiêu hóa của bạn là ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ, cung cấp đủ nước, giảm căng thẳng và vận động cơ thể thường xuyên.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chỉ riêng giấm táo sẽ không cải thiện làn da của bạn
Một lần nữa, mặc dù đã tuyên bố, chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc dùng giấm táo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc vẻ ngoài của làn da.
Tiêu thụ nhiều thực phẩm từ thực vật hơn và uống đủ nước góp phần vào sức khỏe làn da, cùng với việc hạn chế rượu và giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.
Những thay đổi lối sống này là cách tốt nhất để bạn chăm sóc làn da của mình.
Giấm táo làm mòn men răng
Hãy nhớ rằng giấm táo là một loại axit, vì vậy việc tiêu thụ nó thường xuyên có thể gây hại cho men răng. Nếu bạn quyết định sử dụng giấm táo riêng lẻ trong bữa ăn, hãy đảm bảo pha loãng nó, uống bằng ống hút và súc miệng sau đó.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cách dùng giấm táo
Một trong những cách tốt nhất để thưởng thức giấm táo là để tăng hương vị cho bữa ăn, chẳng hạn như trong sốt trộn salad hoặc thêm vào nước chấm.
Nếu bạn muốn sử dụng nó như một chất bổ sung tăng cường, sẽ không có hại gì khi làm vậy. Nhưng lời khuyên là hãy uống 1-2 muỗng canh pha loãng vào nước hoặc chất lỏng khác để bảo vệ thực quản và men răng.
Giấm táo là một loại giấm ngon để tăng thêm hương vị cho món ăn và thúc đẩy việc tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh. Ngoài ra, có thể có một lợi ích nhỏ đối với lượng đường trong máu sau bữa ăn và khả năng kiểm soát cân nặng.
Nhưng như chúng ta đã thấy, vẫn còn rất ít bằng chứng chất lượng cao để chứng minh cho nhiều tuyên bố được quảng bá rộng rãi.
Cần có nhiều nghiên cứu mạnh mẽ hơn và quy mô lớn hơn để đưa ra bất kỳ kết luận nào tiếp theo về lợi ích của giấm táo.
Cố gắng đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng, uống đủ nước, duy trì thói quen sống tích cực, và bạn sẽ không cần phải uống thêm giấm hoặc uống viên nén giấm đắt tiền để đạt được sức khỏe tối ưu.
Bài viết được dịch từ www.veganfoodandliving.com
Dịch giả Trinh Lê