- Một phân tích tổng hợp gần đây từ 17 nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng ăn nhiều nấm hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
- Kết quả cho thấy những người tham gia ăn 18 gam (g) nấm trở lên mỗi ngày đã giảm tương đối 45% nguy cơ ung thư so với những người không ăn.
- Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ đặc tính bảo vệ của nấm và ý nghĩa tiềm năng của chúng trong việc phòng ngừa ung thư bằng chế độ ăn uống.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai tại Hoa Kỳ, với ước tính có khoảng 608.570 ca tử vong liên quan đến ung thư vào năm 2021.
Nhiều căn bệnh ung thư có liên quan đến những yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được, chẳng hạn như hút thuốc, béo phì, chế độ ăn uống thiếu chất và phơi nắng quá lâu.
Các gốc tự do, được tạo ra bởi một số hoạt động sinh học trong cơ thể, là những phân tử có tính phản ứng cao, với số lượng vượt mức có thể gây tổn thương tế bào. Tổn thương DNA do các gốc tự do gây ra có thể là một yếu tố gây ung thư.
Khoảng 4% của tất cả những trường hợp ung thư đều đến từ thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh. Chế độ ăn giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt gia cầm, ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn.
Chất chống oxy hóa đều có trong những loại thực phẩm như rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Chúng giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó tổn thương có thể được ngăn ngừa. Mặc dù chất chống oxy hóa được tạo ra bởi cơ thể, nhưng chúng chủ yếu đến từ những gì chúng ta ăn.
Liệu có mối liên hệ giữa lượng nấm ăn vào và nguy cơ ung thư?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nấm Là Nguồn Thực Phẩm Giàu Chất Chống Oxy Hóa
Nấm rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Chúng là nguồn cung cấp hai chất chống oxy hóa ergothioneine và glutathione vượt trội trong chế độ ăn uống.
Đặc biệt, ergothioneine có thể sở hữu khả năng bảo vệ chống ung thư. Hàm lượng ergothioneine khác nhau tùy theo loại nấm; với nấm sò, nấm hương, nấm khiêu vũ và nấm đùi gà có hàm lượng cao hơn nấm mỡ nâu, nấm portobello và nấm mỡ trắng.
Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trước đó đã cho thấy nấm có đặc tính chống ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát trước đây đã đưa ra kết quả trái ngược nhau, với một số cho biết nguy cơ ung thư thấp hơn khi ăn nhiều nấm hơn, trong khi số khác lại tìm thấy mối liên hệ mờ nhạt.
Lượng nấm ăn vào và nguy cơ ung thư từng là chủ đề của một phân tích tổng hợp trước đó, tuy nhiên nó vẫn còn hạn chế, vì chỉ có 7 nghiên cứu và chỉ tập trung vào ung thư vú. Vì lý do này, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Bang Penn và Đại học Bang Pennsylvania đã quyết định thực hiện một đánh giá hệ thống toàn diện hơn và phân tích tổng hợp dữ liệu quan sát.
Phát hiện của họ hiện đã được công bố trên tạp chí Nutrition.
Có tổng cộng 17 nghiên cứu quan sát được đưa vào phân tích tổng hợp mới này, với 11 nghiên cứu bệnh chứng và 6 nghiên cứu thuần tập được công bố từ ngày 1/1/1966 đến 31/10/2020. Cả rủi ro ung thư tổng thể và rủi ro ung thư theo vị trí cụ thể đều được nằm trong kết quả phân tích.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Có Liên Quan Đến Việc Giảm Nguy Cơ Ung Thư
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nguy cơ ung thư tương đối gộp chung đã giảm 34% ở nhóm ăn nấm nhiều nhất và thấp nhất. Những người tiêu thụ 18 g nấm mỗi ngày có nguy cơ ung thư tương đối thấp hơn 45% so với những người không ăn.
Khi kiểm tra các mối liên hệ với bệnh ung thư ở từng vị trí cụ thể, phân tích tổng hợp chỉ cho thấy mức giảm rủi ro tương đối gộp chung đáng kể là 35% đối với bệnh ung thư vú. Các tác giả cho rằng kết quả này là do số lượng nghiên cứu hạn chế kiểm tra nguy cơ mắc các dạng ung thư khác nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, phân tích tổng hợp của họ được củng cố bằng cách đưa vào các nghiên cứu điều tra nguy cơ của nhiều dạng ung thư, với phần lớn sử dụng các phương pháp đánh giá chế độ ăn uống đã được kiểm chứng.
Để củng cố thêm kết luận, phân tích tổng hợp này đã tiến hành phân tích độ nhạy và kiểm tra độ lệch xuất bản (thực tiễn không tiết lộ kết quả nghiên cứu bất lợi).
Tuy nhiên, vẫn có một hạn chế là phần lớn các nghiên cứu được phân tích đều là nghiên cứu bệnh chứng, điều này có thể dẫn đến sai lệch dưới dạng hồi ức hoặc lựa chọn, điều này sẽ khiến các thành viên nhóm kiểm soát không đại diện cho dân số nói chung.
Khi nghiên cứu từ nhiều quần thể khác nhau được gộp lại với nhau để phân tích tổng hợp, điều đó chắc chắn dẫn đến sự khác biệt về đặc điểm cơ bản của những người tham gia. Các kết quả có thể không áp dụng được cho dân số nói chung vì 14 trong số 17 nghiên cứu chỉ được thực hiện ở ba quốc gia châu Á.
Tóm lại, trong khi một phân tích tổng hợp của nghiên cứu quan sát có thể thiết lập mối liên hệ giữa mức độ can thiệp và kết quả, thì nó lại không thể chỉ ra mối liên hệ nhân quả.
Phát hiện của nghiên cứu này có thể mở đường cho nhiều nghiên cứu trong tương lai hơn về đặc tính bảo vệ của nấm và vai trò tiềm năng của chúng trong phòng ngừa ung thư. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định liệu nấm có khả năng này hay không và ở mức độ nào.
Có thể bạn quan tâm: Liệu Thực Phẩm Hữu Cơ Có Thể Làm Giảm Nguy Cơ Ung Thư?
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê