Nghiên cứu được công bố tuần này trên tạp chí Thorax đã tìm ra mối liên hệ giữa chế độ ăn giàu rau quả với sức khỏe lá phổi. Họ phát hiện ra rằng chế độ ăn này có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở những người đã và đang hút thuốc.
Ăn nhiều rau quả có thể giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận rằng, một chế độ ăn uống với đa dạng các loại rau quả có thể giúp mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe. Chẳng hạn, chúng có thể hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ tim mạch, duy trì huyết áp khỏe mạnh và ngăn ngừa ung thư.
Gần đây cũng đã có một số nghiên cứu chứng minh rằng, việc ăn nhiều rau quả cũng có thể bảo vệ sức khỏe lá phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một nhóm các rối loạn đặc trưng bởi sự co thắt đường thở, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản. Hơn 64 triệu người trên toàn thế giới hiện đang bị ảnh hưởng bởi COPD.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của COPD là thuốc lá và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán rằng chúng sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2030.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
COPD Và Các Yếu Tố Liên Quan Trong Chế Độ Ăn Uống
Các yếu tố về chế độ ăn uống có thể liên quan đến COPD trong một số nghiên cứu trước đó. Để tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi sức khỏe đường hô hấp của hơn 44.000 nam giới Thụy Điển. Những người tham gia nghiên cứu này có độ tuổi từ 45 – 79 sau khi được theo dõi trung bình 13.2 năm, tính đến năm 2012.
Mỗi tình nguyện viên đã hoàn thành một bảng câu hỏi, trong đó ghi lại tần suất họ tiêu thụ 96 loại thực phẩm khác nhau vào năm 1997, năm đầu tiên. Các yếu tố khác như chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn, hoạt động thể chất và tần suất uống rượu cũng được thu thập.
Họ cũng được hỏi rằng trung bình đã hút bao nhiêu điếu thuốc ở các độ tuổi từ 15 – 21, 21 – 30, 31 – 40, 41 – 50 và 51 – 60. Tổng cộng có 63% người đã từng hút thuốc tại một thời điểm nào đó trong đời, 24% hiện đang hút thuốc và 38.5% chưa bao giờ hút thuốc.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Đã có 1.918 trường hợp COPD được báo cáo trong thời gian nghiên cứu. Nguy cơ mắc COPD ở những người ăn ít hơn 2 phần rau quả mỗi ngày là 1.166 trên 100.000 người đang hút thuốc và 506 trên 100.000 người từng hút thuốc.
Tuy nhiên, các giá trị có thể so sánh được đối với những người ăn 5 phần ăn mỗi ngày, lần lượt là 546 và 255. Điều này chỉ ra rằng họ có nguy cơ mắc COPD thấp hơn 35% so với những người ăn chỉ 2 phần hoặc ít hơn. Khi chỉ số giảm nguy cơ được chia cho những người đã và đang hút thuốc thì tỷ lệ phần trăm tương ứng sẽ là 34% và 40%.
Mỗi phần rau quả tăng cường có liên quan đến khả năng giảm được 4% nguy cơ mắc COPD ở những người từng hút thuốc và giảm đến 8% nguy cơ ở những người đang hút thuốc.
Có thể bạn quan tâm: Có Thể Giảm Bớt Hoặc Ngăn Ngừa Bệnh Hen Suyễn Bằng Chế Độ Ăn Thực Vật Không?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những người đã và đang hút thuốc khi ăn ít hơn 2 phần rau quả mỗi ngày sẽ có nguy cơ cao mắc COPD lần lượt là 6 lần và 13.5 lần, so với những người chưa từng hút thuốc và có chế độ ăn tăng cường từ 5 phần rau quả trở lên.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Các phát hiện này cho thấy hút thuốc lá gây ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của COPD và chế độ ăn giàu rau quả cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa căn bệnh này.
Mặc dù vậy, không hút thuốc và cai thuốc lá vẫn là thông điệp sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất để ngăn ngừa COPD.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Rau Quả Nào Có Thể Giúp Giảm Nguy Cơ COPD?
Là một phần của thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đánh giá xem loại rau quả nào là có lợi nhất trong việc giảm nguy cơ mắc COPD. Kết quả là các loại rau xanh, ớt, táo và lê được xác nhận rằng có khả năng mang lại tác động hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, hiệu quả có được từ các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt, chuối và rau củ họ cải, cũng như cà chua, tỏi, hành tây và đậu Hà Lan là khá thấp.
Có thể hàm lượng chất chống oxy hóa trong trái cây và rau quả đã ngăn ngừa được tình trạng viêm nhiễm và stress oxy hóa do thuốc lá gây ra.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mặc dù nghiên cứu đã được thực hiện trên diện rộng, nhưng chúng vẫn cần được nhân rộng. Trong một bài xã luận được xuất bản trên cùng một tạp chí, Tiến sĩ. Raphaelle Varraso và Seif Shaheen cho rằng bởi vì nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát và do đó không thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguyên nhân và kết quả.
Tuy nhiên, họ cũng chia sẻ rằng: “Theo quan điểm cá nhân, có lẽ bạn nên thực hiện ngay lúc này vì không có lý do gì để phải chờ đợi. Chúng tôi cũng tin rằng các chuyên gia nên cân nhắc những lợi ích có thể đạt được từ một chế độ ăn uống lành mạnh trong việc hỗ trợ sức khỏe lá phổi, đồng thời hãy khuyến khích những người khó cai thuốc nên thiết lập một chế độ ăn giàu trái cây và rau quả.”
Ngay cả khi cần phải nghiên cứu thêm trước khi có kết luận rõ ràng, bỏ thuốc lá và tăng cường chế độ ăn nhiều rau quả vẫn là hành động tốt nhất dành cho sức khỏe của bạn và mọi người.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê