- Nghiên cứu mới cho thấy nghệ có thể đạt hiệu quả tương đương với omeprazole trong điều trị chứng trào ngược axit dạ dày liên quan đến khó tiêu.
- Nghệ là một loại gia vị được người dân Đông Nam Á đánh giá cao nhờ có đặc tính kháng axit.
- Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh trực tiếp thành phần hoạt chất curcumin của nghệ với omeprazole – một loại thuốc dùng để điều trị chứng trào ngược axit.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Để giảm chứng khó tiêu hoặc đau dạ dày cho bệnh nhân, các bác sĩ ở Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác thường kê đơn omeprazole – một loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI), hoạt động bằng cách làm giảm tiết axit trong dạ dày.
Một thử nghiệm mù đôi, có đối chứng giả dược mới đây đã so sánh hiệu quả của omeprazole với hiệu quả của nghệ – loại gia vị tự nhiên có tác dụng kháng axit đã được sử dụng như một bài thuốc dân gian ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên so sánh trực tiếp hai phương pháp điều trị bằng thuốc kháng axit. Kết quả cho thấy chất curcumin – thành phần hoạt chất của nghệ, có hiệu quả tương đương với thuốc omeprazole trong điều trị chứng khó tiêu.
Nghiên cứu được thực hiện ở Thái Lan với sự tham gia của 206 người. Độ tuổi trung bình của họ là 49.7 (với độ lệch chuẩn là 11.9) với 72.6% là nữ. Họ được chia thành ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất có 69 bệnh nhân được điều trị bằng 2 viên nang 250 mg curcumin 4 lần/ngày, cùng với 1 viên giả dược nhỏ.
- Nhóm thứ hai có 68 bệnh nhân được điều trị bằng 1 viên omeprazole 20 mg và 2 viên giả dược lớn 4 lần/ngày.
- Nhóm thứ ba có 69 bệnh nhân được điều trị kết hợp 2 viên nang curcumin 250 mg 4 lần/ngày, cùng với 1 viên omeprazole 20 mg.
Thử nghiệm kéo dài 28 ngày. Đã có 20 người trong nhóm một, 19 người trong nhóm hai và 16 người trong nhóm ba đã rời đi trước khi nghiên cứu kết thúc.
Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng hoạt chất curcumin rất an toàn và được những người tham gia dung nạp tốt.
Sự kết hợp giữa curcumin và omeprazole không mang lại bất kỳ lợi ích bổ sung nào ngoài lợi ích của từng thành phần được sử dụng riêng biệt trong điều trị chứng khó tiêu.
Nghiên cứu được công bố trên trang BMJ Evidence-Based Medicine.
Nghệ có tác dụng hỗ trợ giảm đau dạ dày tương tự như một số loại thuốc trị khó tiêu được kê đơn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chứng Khó Tiêu Là Gì?
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, Tiến sĩ Rudolph Bedford, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng: “Mục đích của dạ dày là nghiền thức ăn thành những miếng nhỏ. Chỉ riêng điều này đã giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn rất nhiều khi chúng di chuyển đến ruột non.
“Rối loạn chức năng đường ruột hay chứng khó tiêu xảy ra khi thức ăn không được dạ dày tiêu hóa đúng cách. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy khó chịu và buồn nôn khi ăn quá nhiều. Một số người thậm chí còn có hiện tượng trào ngược axit hoặc ợ chua.”
— Tiến sĩ Rudolph Bedford
Theo bác sĩ Bedford, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng nguyên nhân có thể là do axit, đó là lý do tại sao omeprazole lại có tác dụng hiệu quả đối với một số bệnh nhân. Chỉ có triệu chứng khó tiêu này mới được điều trị bằng omeprazole.”
Nghệ: Bài Thuốc Dân Gian Chữa Đau Dạ Dày
Bác sĩ Krit Pongpirul, phó giáo sư tại Khoa Y của Đại học Chulalongkorn, đồng thời là tác giả tương ứng của nghiên cứu, giải thích:
“Nghệ đã được các bác sĩ y học cổ truyền Thái Lan (TTM) sử dụng để làm giảm các triệu chứng giống như khó tiêu. Mặc dù vẫn cần có bằng chứng khoa học nhưng nó đã được đưa vào Danh sách thảo dược quốc gia của Thái Lan.”
Lịch sử cho thấy con người đã sử dụng nghệ như một bài thuốc kháng axit trong gần 4000 năm qua. Bác sĩ Pongpirul cho biết: “Các bác sĩ TTM thường đánh giá thể trạng đất, nước, gió và lửa của bệnh nhân để xác định loại thảo dược nào sẽ có lợi nhất.”
Ông tiếp tục: “Những người được chẩn đoán mắc chứng khó tiêu chức năng, đặc biệt là những người bị đầy hơi, được cho là có “thể trạng thiếu khí”. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng một số loại thảo dược có tính ấm, đặc biệt là nghệ.”
Ông cũng đề cập rằng các nghiên cứu về tác dụng của curcumin thường xoay quanh khả năng kháng viêm của nó.
Tôi cũng như Bác sĩ Bedford, đã cân nhắc về việc sử dụng nghệ như một biện pháp can thiệp trị liệu tiềm năng cho một số căn bệnh liên quan đến viêm, chẳng hạn như viêm xương khớp.
Tuy nhiên, Bác sĩ Pongpirul cho rằng chất curcumin có thể gây ảnh hưởng đến thành phần và chức năng của hệ vi sinh đường ruột.
Có thể bạn quan tâm: 10 Lợi Ích Sức Khỏe Của Trà Nghệ
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tại Sao Quá Ít Hoặc Quá Nhiều Axit Dạ Dày Đều Không Tốt?
Bản thân axit dạ dày không phải lúc nào cũng gây hại cho bạn.
Bác sĩ Bedford chỉ ra rằng: “Bạn thực sự cần axit để hấp thụ canxi, vi chất dinh dưỡng, sắt và nhiều thứ khác. Do đó, khi axit bị loại bỏ, bạn có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ canxi và các vi chất dinh dưỡng có lợi cho xương.”
Bác sĩ Pongpirul đồng tình và nhấn mạnh rằng omeprazole vẫn có tác dụng phụ: “Môi trường axit không chỉ có lợi cho việc hấp thụ vitamin và khoáng chất mà còn có tác dụng bảo vệ bạn khỏi một số căn bệnh nhiễm trùng.
Sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong thời gian ngắn có thể gây ức chế axit dịch vị, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi. Trong khi sử dụng PPI lâu dài sẽ có thể kích hoạt chức năng của tế bào hủy xương, dẫn đến thoái hóa mô xương.”
Bác sĩ kết luận: “Do đó, việc sử dụng PPI có thể được ví như bạn đang mở cửa cho vô số vi trùng và vi-rút xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Dùng Nghệ Với Liều Lượng Nào Là Hiệu Quả Nhất?
Bác sĩ Bedford cảnh báo rằng sử dụng quá nhiều nghệ có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, do đó ông sẽ không kê đơn hàng ngày cho bệnh nhân của mình.
Ông nói: “Nhiều bệnh nhân của tôi thường lạm dụng nghệ với hy vọng nó sẽ giúp giảm viêm. Thậm chí họ còn sử dụng nó như một bài thuốc bổ não và nhiều thứ tương tự khác.”
“Nghệ có đặc tính kháng viêm, nhưng nếu dùng quá nhiều có thể gây khó tiêu và dẫn đến một số phản ứng viêm khác không chỉ nằm ở đường tiêu hóa mà còn trong chính cơ thể người sử dụng.”
— Bác sĩ Rudolph Bedford
Bác sĩ cho biết: “Tôi đã gặp những bệnh nhân bị đau dạ dày và trong một số trường hợp nghiêm trọng, họ thậm chí còn – dù bạn tin hay không – bị loét dạ dày do dùng quá nhiều nghệ. Vì vậy, chúng tôi thực sự không có liều lượng tiêu chuẩn dành cho nó.”
Thật vậy, ông đã đắn đo khi kê đơn nghệ cho bệnh nhân cũng vì chính điều này.
Bedford nói rằng những nghiên cứu mà ông đọc về nghệ có liều lượng khuyến nghị không giống nhau, cũng như không có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về nghệ từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc những tạp chí y khoa có thẩm quyền khác.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê