Nitrit trong phụ gia thực phẩm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, đặc biệt là khi mọi người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Nếu bạn cần có thêm động lực để cắt giảm thịt đỏ và thịt chế biến, thì đây sẽ là nội dung phù hợp với bạn.
Nitrit là một chất phụ gia được sử dụng phổ biến trong thực phẩm và một nghiên cứu gần đây cho thấy chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích thói quen ăn uống của hơn 104.000 người, với độ tuổi trung bình là 43 và không có tiền sử mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Dựa trên thói quen ăn uống được báo cáo của mọi người, nhóm nghiên cứu đã xác định mức độ phơi nhiễm tích lũy của họ với nitrat và nitrit, những hóa chất xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm toàn phần như rau xanh, đồng thời là chất phụ gia được sử dụng để tăng hương vị và hạn sử dụng của thịt chế biến, cũng như nhiều loại thực phẩm được sản xuất hàng loạt khác.
Sau gần 7 năm theo dõi, khoảng 1.000 người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Hiện nghiên cứu này đã được công bố trên PLoS Medicine vào ngày 17 tháng 1.
Kết quả cho thấy những người có chế độ ăn với hàm lượng nitrit từ phụ gia thực phẩm cao nhất có tỷ lệ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 53% so với những người có chế độ ăn ít thịt và thực phẩm chế biến sẵn.
Nitrit tự nhiên trong thực phẩm toàn phần, chẳng hạn như rau xanh, cũng có liên quan đến nguy cơ tiểu đường tuýp 2 cao hơn, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Nitrit được thêm vào thịt chế biến để tăng cường hương vị và kéo dài hạn sử dụng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thịt Chế Biến Sẵn Có Hàm Lượng Nitrit Bổ Sung Cao Nhất
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng giăm bông và xúc xích là những loại thực phẩm chế biến có hàm lượng nitrit nhiều nhất trong chế độ ăn của từng cá nhân, tiếp theo là thực phẩm ăn liền có chứa thịt chế biến sẵn. Chúng chiếm 76% tổng số nitrat được tìm thấy trong thực phẩm chế biến.
Tiến sĩ Priscila Machado, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoạt động Thể chất và Dinh dưỡng tại Đại học Deakin ở Úc, người không tham gia vào nghiên cứu, gợi ý rằng:
“Mọi người có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách áp dụng một chế độ ăn giàu thực phẩm toàn phần, tức là những loại chưa qua chế biến hoặc ít chế biến, chẳng hạn như trái cây, rau củ, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt; đồng thời tránh xa những loại như thịt chế biến, nước ngọt và thực phẩm siêu chế biến nói chung.”
Bệnh tiểu đường tuýp 2 phát triển khi tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sử dụng hormone insulin một cách hiệu quả để chuyển hóa đường trong thức ăn của chúng ta thành năng lượng.
Tiến sĩ Mathilde Touvier, trưởng nhóm nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp và Đại học Sorbonne Paris Nord ở Pháp, nói rằng:
“Mặc dù nghiên cứu này không được thiết kế để chứng minh liệu nitrit có thể trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 hay không, nhưng các nhà khoa học biết rằng lượng nitrit được tiêu thụ từ thực phẩm có thể làm hỏng các tế bào trong tuyến tụy chịu trách nhiệm sản xuất insulin.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rau Xanh Vẫn Là Một Phần Của Chế Độ Ăn Uống Lành Mạnh
Nghiên cứu phát hiện ra rằng nitrit trong thực phẩm lành mạnh như rau xanh ít gây nguy hiểm hơn có thể là do những người ăn theo cách này thường sở hữu chế độ ăn uống tốt hơn so với những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
Tiến sĩ Machado cho biết trong rau củ cũng có rất nhiều dinh dưỡng, chẳng hạn như chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Gunter Kuhnle, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Reading ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại, cho biết: “Thịt siêu chế biến với nhiều chất phụ gia và nitrit cũng có thể liên quan đến bệnh tiểu đường, vì chúng là một phần của chế độ ăn uống có hại cho sức khỏe nói chung.”
Tiến sĩ Kuhnle lưu ý rằng: “Những người tham gia trong nghiên cứu này cũng ăn nhiều đồ ngọt, một yếu tố khác có thể liên quan đến bệnh tiểu đường.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chế Độ Ăn Chú Trọng Thực Vật Có Thể Làm Giảm Nguy Cơ Mắc Các Bệnh Mãn Tính Như Tiểu Đường
Phân tích có một hạn chế là các nhà khoa học cần những người tham gia ghi nhớ và báo cáo chính xác về mọi thứ họ đã tiêu thụ. Mức độ phơi nhiễm nitrat và nitrit trong thực phẩm cũng không được các nhà nghiên cứu kiểm tra một cách khách quan. Thay vào đó, họ suy đoán về mức độ này dựa trên số lượng thường thấy trong một số bữa ăn nhất định của mọi người.
Tuy nhiên, những phát hiện này đã hỗ trợ ngày càng nhiều bằng chứng, được tóm tắt trong một bài báo đăng trên tạp chí Diabetes Care vào tháng 1 năm 2020, liên quan đến thịt đỏ và thịt chế biến sẵn với nguy cơ tiểu đường tuýp 2, trong khi chế độ ăn nhiều thực vật hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tập thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, không hút thuốc và hạn chế uống rượu cũng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này.
Có thể bạn quan tâm: Thịt chế biến và tinh bột có liên quan đến 70% ca tiểu đường trên toàn cầu
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê