8 giải pháp tự nhiên cho người bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

5
(1)

Có nhiều loại thảo dược và vi chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, cũng như điều trị một số căn bệnh nhiễm trùng không biến chứng khác. Tuy nhiên, nếu bạn xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể cần được chăm sóc y tế.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới. Người ta ước tính rằng có hơn 150 triệu người mắc UTI mỗi năm.

E.coli là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), mặc dù đôi khi các loại vi khuẩn truyền nhiễm khác cũng có thể có liên quan.

Bất kì ai cũng có thể bị UTI, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 30 lần so với nam giới. Khoảng 40% phụ nữ sẽ bị UTI ở một giai đoạn nào đó trong đời.

UTI có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào của hệ thống tiết niệu, bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận, nhưng nó thường bắt đầu ở đường tiết niệu dưới, bàng quang và niệu đạo. Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

  • cảm giác nóng rát khi bạn đi tiểu
  • thường xuyên đi tiểu và tiểu buốt
  • nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có máu
  • sốt hoặc mệt mỏi
  • đau vùng xương chậu, bụng dưới hoặc lưng

E.coli là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), mặc dù đôi khi các loại vi khuẩn truyền nhiễm khác cũng có thể có liên quan.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Nhiễm trùng tiểu có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng tình trạng tái phát nhiễm trùng là rất phổ biến.

Hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài, chẳng hạn như tiêu diệt lợi khuẩn tự nhiên trong đường tiết niệu và và có thể góp phần vào sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng đường tiểu, điều quan trọng cần nhớ là phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài tình trạng này, nhiễm trùng có thể nhanh chóng chuyển từ nhẹ sang nặng và có nguy cơ gây tử vong.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 42% UTI lành tính và không biến chứng có thể được điều trị mà không cần dùng kháng sinh.

Nếu bạn là một trong số nhiều người trên thế giới bị UTI tái phát, bạn có thể đang tìm kiếm những giải pháp tự nhiên và thay thế để tránh tiếp xúc quá nhiều với thuốc kháng sinh.

Sau đây là 8 loại thảo mộc và chất bổ sung tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị UTI thể nhẹ.

d mannose for bladder health 89443 v1 ebab78bdc69f4033845683ae237da146 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

8 Cách Chữa Trị Tự Nhiên Cho Người Bệnh Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu

D-mannose

D-mannose là một loại đường đơn thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiểu dạng nhẹ.

Nó có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như quả nam việt quất, táo và cam, nhưng thường được sử dụng ở dạng bột hoặc dạng viên như một phương pháp điều trị UTI.

Không có nhiều thông tin về cách thức hoạt động của D-mannose, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng d-mannose có thể ức chế khả năng vi khuẩn truyền nhiễm bám vào các tế bào của đường tiết niệu, giúp việc đào thải chúng ra ngoài dễ dàng hơn trước khi chúng có thể gây bệnh.

Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu d-mannose có thể điều trị hoặc ngăn ngừa UTI một cách hiệu quả hay không. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu nhỏ đã mang lại kết quả đầy tiềm năng.

43 phụ nữ đang bị nhiễm trùng tiểu và có tiền sử nhiễm trùng tiểu tái phát đã được đánh giá trong một nghiên cứu năm 2016 để xác định hiệu quả của d-mannose.

Những người tham gia nghiên cứu đã uống 1.5 gam d-mannose hai lần mỗi ngày trong 3 ngày đầu tiên, sau đó là một liều 1.5 gam duy nhất mỗi ngày trong 10 ngày tiếp theo. Sau 15 ngày, khoảng 90% ca nhiễm trùng của họ đã khỏi.

Mặc dù những kết quả này rất đáng hy vọng, nhưng thiết kế nghiên cứu có phần thiếu sót do quy mô nhỏ và thiếu nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu năm 2013 gồm có 308 phụ nữ đã so sánh hiệu quả của liều d-mannose 2 gam mỗi ngày với một loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để ngăn ngừa tái phát UTI.

Sau 6 tháng, kết quả cho thấy d-mannose có hiệu quả như thuốc kháng sinh trong việc ngăn ngừa tái phát UTI và ít tác dụng phụ hơn.

D-mannose không gây nguy hiểm sức khỏe đáng kể đối với hầu hết mọi người. Tác dụng phụ được báo cáo thường xuyên nhất là tiêu chảy nhẹ. Tuy nhiên, vì d-mannose là một loại đường nên nó có thể không phù hợp với những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Hiện tại không có đủ bằng chứng để xác định liều d-mannose tối ưu, nhưng phần lớn các nghiên cứu hiện có đã thử nghiệm nồng độ an toàn là 1.5 – 2 gam tối đa 3 lần mỗi ngày.

Tóm lại: D-mannose là một loại đường tự nhiên có thể điều trị UTI bằng cách ngăn vi khuẩn truyền nhiễm bám vào các tế bào trong đường tiết niệu của bạn. Mặc dù cần có thêm nhiều thử nghiệm, nhưng bằng chứng sơ bộ cho thấy nó có thể chữa khỏi và ngăn ngừa UTI.

Lá Dâu Gấu

Lá dâu gấu còn được gọi là Arctostaphylos uva ursi, đây là một phương pháp điều trị nhiễm trùng tiểu bằng thảo dược đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong y học cổ truyền và dân gian.

Nó có nguồn gốc từ một loài cây bụi có hoa, mọc hoang dã ở nhiều vùng khác nhau ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.

Quả mọng của cây là món ăn yêu thích của loài gấu – đó là lý do vì sao nó có tên “lá dâu gấu” – trong khi lá được dùng để làm thảo dược. Sau khi được thu hoạch, lá có thể được sấy khô và sử dụng để pha trà, hoặc chất chiết xuất từ ​​​​lá có thể được tiêu thụ ở dạng viên nang hoặc viên nén.

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu gần đây ủng hộ việc sử dụng lá dâu gấu để điều trị UTI; tuy nhiên, một số hợp chất có trong cây đã cho thấy hoạt tính kháng khuẩn mạnh trong ống nghiệm.

Arbutin là hợp chất chính được cho là có khả năng chữa lành UTI của lá dâu gấu, nhờ tác dụng kháng khuẩn của nó đối với E. coli, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra UTI.

Trong một nghiên cứu trước đây liên quan đến 57 phụ nữ, sự kết hợp của lá dâu gấu và rễ bồ công anh đã làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát UTI so với giả dược.

Ngược lại, một nghiên cứu gần đây hơn với hơn 300 phụ nữ không tìm thấy sự khác biệt giữa lá dâu gấu và giả dược khi được sử dụng để điều trị cho những ai đang bị nhiễm trùng tiểu.

Theo nghiên cứu hiện có, hàm lượng 200 – 840 mg dẫn xuất hydroquinone hàng ngày được tính là arbutin khan của lá dâu gấu có vẻ tương đối an toàn. Tuy nhiên, mức độ an toàn về lâu dài vẫn chưa được xác nhận và không nên dùng quá 1 – 2 tuần mỗi lần do nguy cơ tổn thương gan và thận.

Tóm lại: Lá dâu gấu là một phương pháp điều trị UTI bằng thảo dược được làm từ lá của loài cây bụi có tên là Arctostaphylos uva ursi. Các nghiên cứu trong ống nghiệm phát hiện ra rằng nó có tác dụng kháng khuẩn mạnh, nhưng các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy nhiều kết quả khác nhau.

Tỏi

Tỏi là một loại thảo mộc phổ biến đã được sử dụng rộng rãi trong cả nền ẩm thực và y học cổ truyền từ xa xưa. Nó thường được sử dụng trong y học để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến sức khỏe thể chất, bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn và nấm.

Sự hiện diện của allicin, một hợp chất chứa lưu huỳnh, thường được cho là có đặc tính chữa bệnh của tỏi. Allicin đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn mạnh đối với một số chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm cả E. coli, trong môi trường phòng thí nghiệm.

Bằng chứng bổ sung từ một số báo cáo về trường hợp cá nhân cho thấy rằng tỏi có thể là một liệu pháp thay thế để điều trị UTI ở người; tuy nhiên, cần có thêm nhiều bằng chứng thuyết phục hơn để xác nhận những kết quả này.

Cuối cùng, cần có nhiều nghiên cứu được thiết kế tốt hơn để hiểu rõ hơn về vai trò của tỏi trong việc điều trị và ngăn ngừa UTI tái phát trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về hiệu quả hoặc liều lượng thích hợp của nó.

Tỏi có thể được ăn sống, chưa qua chế biến, nhưng hàm lượng chất bổ sung thường được bán dưới dạng chiết xuất và uống dưới dạng viên nang. Các chất bổ sung tỏi có thể an toàn cho đại đa số mọi người, nhưng chúng có thể gây ra chứng ợ nóng, hôi miệng và nặng mùi cơ thể.

Một số người có thể bị dị ứng với các chất bổ sung tỏi và họ nên tránh dùng chúng nếu có tiền sử mẫn cảm với tỏi hoặc các loại thực vật có họ hàng gần khác, chẳng hạn như hành tây hoặc hành lá.

Những chất bổ sung này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết và có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống đông máu và một số loại thuốc HIV. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào như vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi tự ý sử dụng tỏi để điều trị UTI.

Tóm lại: Tỏi đã được sử dụng cho nhiều mục đích ẩm thực và y học. Các nghiên cứu về ống nghiệm và báo cáo về trường hợp cho thấy tác dụng kháng khuẩn của tỏi có thể giúp điều trị UTI, nhưng cần có nhiều nghiên cứu lâm sàng được thiết kế tốt hơn để xác nhận những kết quả này.

Nam Việt Quất

Các sản phẩm được làm từ quả nam việt quất, bao gồm nước ép và chất chiết xuất, là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để điều trị và thay thế tự nhiên cho UTI.

Quả nam việt quất chứa nhiều loại hợp chất hóa học, chẳng hạn như d-mannose, axit hippuric và anthocyanin, có thể ức chế khả năng vi khuẩn truyền nhiễm bám vào đường tiết niệu, từ đó cản trở khả năng phát triển và gây nhiễm trùng của chúng.

Nam việt quất đã được chứng minh là ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu trong nhiều nghiên cứu từ ống nghiệm và trên động vật, nhưng các nghiên cứu lâm sàng cho kết quả kém thuyết phục hơn nhiều.

Một phân tích năm 2012 từ nhiều nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của những sản phẩm nam việt quất trong việc điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu đã chỉ ra rằng không có đủ bằng chứng để kết luận rằng nam việt quất có những tác dụng này.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng rất khó đưa ra kết luận chắc chắn vì nhiều nghiên cứu được thiết kế không phù hợp, thiếu liều lượng tiêu chuẩn và sử dụng các sản phẩm nam việt quất khác nhau.

Theo một nghiên cứu năm 2019, mặc dù điều trị bằng nam việt quất có thể làm giảm tỷ lệ mắc và triệu chứng UTI trong một số trường hợp, nhưng nó không hiệu quả bằng d-mannose và kháng sinh fosfomycin.

Nước ép nam việt quất và các chất bổ sung nói chung là vô hại, nhưng chúng có thể gây đau dạ dày ở một số người. Ngoài ra, sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Hơn nữa, hấp thụ quá nhiều calo từ nước ép nam việt quất có thể dẫn đến tăng cân không đáng có và lạm dụng chất bổ sung nam việt quất quá mức có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc chống đông máu.

Tóm lại: Nước ép nam việt quất và các chất bổ sung thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa UTI, nhưng các nghiên cứu chưa chứng minh được hiệu quả của chúng. Cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng để xác nhận vai trò của các sản phẩm nam việt quất trong việc điều trị UTI.

Có thể bạn quan tâm: Nước Ép Nam Việt Quất Có Thực Sự Điều Trị Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Hiệu Quả?

Nam việt quất đã được chứng minh là ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu trong nhiều nghiên cứu từ ống nghiệm và trên động vật.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Trà Xanh

Trà xanh có nguồn gốc từ lá của một loại cây có tên là Camellia sinensis. Nó đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong nhiều thực hành y học cổ truyền do tiềm năng dược lý rộng lớn của nó.

Trà xanh rất giàu polyphenol, một hợp chất thực vật được biết đến với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ.

Trong các nghiên cứu trên ống nghiệm, thành phần epigallocatechin (EGC) trong trà xanh thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh chống lại các chủng E. coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số nghiên cứu trên động vật cũng đã chứng minh rằng chiết xuất trà xanh có chứa EGC có thể tăng cường hiệu quả của thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị UTI. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào đánh giá khả năng điều trị và ngăn ngừa UTI của trà xanh.

Một cốc (240 ml) trà xanh đã pha chứa khoảng 150 mg EGC. Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng chỉ cần 3 – 5 mg EGC là đủ để có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu, nhưng khả năng này vẫn chưa được chứng minh ở người.

Đa số mọi người có thể tiêu thụ trà xanh ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, nó có chứa caffein, có thể gây mất ngủ và kích động.

Hơn nữa, dùng caffein khi bạn đang bị nhiễm trùng tiểu có thể khiến các triệu chứng ngày càng nặng. Do đó, bạn có thể cân nhắc chuyển sang dùng các loại trà xanh đã khử caffein để thay thế.

Các chất bổ sung có chứa chiết xuất trà xanh liều cao có liên quan đến các vấn đề về gan, nhưng không rõ liệu chúng có gây ra những vấn đề này hay không. Hãy tham khảo ý kiến ​​từ các chuyên gia bác sĩ nếu bạn có tiền sử rối loạn chức năng gan và đang có ý định bổ sung trà xanh.

Tóm lại: Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã chứng minh rằng một số hợp chất trong trà xanh có hoạt tính kháng khuẩn mạnh đối với chủng E. coli. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được thực hiện để xác nhận những kết quả này.

Trà Mùi Tây

Rau mùi tây có tác dụng lợi tiểu nhẹ, được cho là giúp hỗ trợ đào thải vi khuẩn gây UTI ra khỏi đường tiết niệu.

Theo hai báo cáo trường hợp, sự kết hợp của trà rau mùi tây, tỏi và chiết xuất nam việt quất đã ngăn ngừa tái phát UTI mãn tính ở phụ nữ. Tuy nhiên, để xác định xem những kết quả này có thể được nhân rộng trong các nhóm lớn hơn hay không, cần phải nghiên cứu thêm.

Trà Hoa Cúc

Trà hoa cúc được sử dụng trong lĩnh vực y dược để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến sức khỏe thể chất, bao gồm cả UTI. Cũng như rau mùi tây, hoa cúc có tác dụng lợi tiểu nhẹ và chứa các hợp chất thực vật có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn.

Những tính năng này được cho là giúp giảm viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và làm sạch đường tiết niệu của vi khuẩn truyền nhiễm, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác minh.

Trà Bạc Hà

Các loại trà làm từ bạc hà và nhiều loại bạc hà mọc dại khác đôi khi cũng được sử dụng như một phương thuốc điều trị tự nhiên cho UTI.

Một số nghiên cứu trên ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá bạc hà có tác dụng kháng khuẩn, có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn gây UTI như E. coli. Một số hợp chất được tìm thấy trong lá bạc hà cũng có thể giúp giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, hiện tại không có nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng trà bạc hà để điều trị nhiễm trùng tiểu ở người.

Tóm lại: Một số loại trà thảo dược như rau mùi tây, hoa cúc hoặc bạc hà có thể được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa UTI. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho những giải pháp chữa trị này vẫn còn hạn chế.

632e27fc3a250c8343e42553 home remedies for urinary tract infections | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Luôn Chọn Thực Phẩm Bổ Sung Đạt Chất Lượng

Nhiều người thường cho rằng những thực phẩm bổ sung và giải pháp chữa trị bằng đông y là an toàn vì chúng có nguồn gốc tự nhiên, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Cũng giống như nhiều loại thuốc tây y hiện nay, các chất bổ sung từ thảo dược có những rủi ro và tác dụng phụ riêng. Ví dụ, thực phẩm bổ sung tỏi và nam việt quất có thể tương kỵ với một số loại thuốc được kê đơn, trong khi sử dụng lá dâu gấu lâu dài có thể gây tổn thương gan hoặc thận.

Hơn nữa, ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ, các chất bổ sung dinh dưỡng và thảo dược không được quy định giống như thuốc thông thường.

Các nhà sản xuất bổ sung không bắt buộc phải chứng minh độ tinh khiết của sản phẩm của họ. Do đó, bạn có thể sẽ tiêu thụ không đúng liều lượng hoặc thành phần và chất gây ô nhiễm không được liệt kê trên bao bì sản phẩm.

Luôn chọn các nhãn hiệu đã được tổ chức bên thứ ba kiểm tra độ tinh khiết, chẳng hạn như NSF International, để đảm bảo rằng các chất bổ sung bạn đã mua có chất lượng tốt nhất.

Tóm lại: Vì các thực phẩm bổ sung từ thảo dược và dinh dưỡng thường không được kiểm soát ở nhiều quốc gia, hãy luôn chọn các nhãn hiệu đã được bên thứ ba kiểm tra độc lập, chẳng hạn như NSF International.

Khi Nào Cần Đến Gặp Bác Sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng tiểu, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Ngay cả tình trạng nhiễm trùng nhẹ cũng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và lan sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Do đó, không nên cố gắng tự chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng tiểu mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Thay vào đó, hãy cởi mở và chia sẻ ngay cho bác sĩ biết nếu bạn muốn thử các giải pháp thay thế bằng đông y, thay vì kháng sinh. Họ có thể giúp bạn lên kế hoạch điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho tình trạng nhiễm trùng này.

Tóm lại: Ngay cả nhiễm trùng tiểu nhẹ cũng có thể nhanh chóng trở nặng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ và trao đổi về mong muốn của bạn về một kế hoạch điều trị tự nhiên hơn.

urinary tract infections treatments 89319 627dcf085a42415bb9adf1e4d6ebb239 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Nhiễm trùng tiểu là một trong những loại nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Nó thường được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh, nhưng tình trạng nhiễm trùng tái phát là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều kháng sinh có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe.

Để hạn chế tiếp xúc quá nhiều với thuốc kháng sinh, nhiều người chọn những biện pháp tự nhiên và thảo dược để điều trị UTI.

Mặc dù nghiên cứu về hiệu quả của chúng vẫn còn hạn chế; nhưng d-mannose, lá dâu gấu, quả nam việt quất, tỏi và trà xanh là những lựa chọn tự nhiên phổ biến để điều trị và phòng ngừa UTI. Một số loại trà thảo dược cũng có thể hữu ích.

Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải UTI, hãy tham khảo ý kiến ​​từ chuyên gia y tế đủ tiêu chuẩn trước khi tự ý bắt đầu sử dụng bất kỳ liệu pháp đông y nào.


Bài viết được dịch từ www.healthline.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 1

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.