Nông nghiệp tái sinh ưu tiên các phương pháp canh tác chăm sóc sức khỏe của đất, và cũng có thể áp dụng phương pháp thuần chay.
Hầu hết chúng ta hiếm khi nghĩ đến đất, nhưng sự thật là nếu không có nó, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự sống. Đất là nguồn gốc cho hầu hết thực phẩm chúng ta tiêu thụ, và đây là một lý do quan trọng khiến việc bảo vệ đất trở nên thiết yếu. Tuy nhiên, lớp đất dưới chân chúng ta còn có thể đóng một vai trò khác đáng kể: giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Thực tế là, đất khỏe mạnh có thể hút carbon từ khí quyển. Tuy nhiên, hiện nay không phải toàn bộ đất đều ở trạng thái tốt. Trên toàn cầu, đất đang bị suy thoái và cạn kiệt do hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chăn nuôi. Tại Hoa Kỳ, chăn nuôi công nghiệp hóa chịu trách nhiệm khoảng 85% tình trạng xói mòn đất.
Một giải pháp nhằm giảm tác động của nông nghiệp lên đất là áp dụng kỹ thuật gọi là nông nghiệp tái sinh. Nhưng thực chất điều này có nghĩa là gì? Và liệu điều này có đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn chăn nuôi động vật?
Nguồn ảnh: Google
Nông Nghiệp Tái Sinh Là Gì?
Nông nghiệp tái sinh chủ yếu nhằm tạo ra một hệ thống canh tác giúp cải thiện đất đai thay vì làm suy kiệt nó.
Tổ chức phi lợi nhuận The Climate Reality Project, chuyên về giáo dục biến đổi khí hậu, cho biết: “Theo cách đơn giản, đây là một hệ thống các nguyên tắc và kỹ thuật canh tác nhằm phục hồi và tăng cường toàn bộ hệ sinh thái của trang trại, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của đất, đồng thời quản lý nước, sử dụng phân bón và các yếu tố khác”.
Phương pháp này hướng đến việc từ bỏ các hoạt động cày xới sâu, vốn gây xói mòn đất, đồng thời tăng cường đa dạng cây trồng, luân canh để bổ sung chất hữu cơ cho đất, và giảm thiểu tối đa sự can thiệp vào đất bằng cách hạn chế sử dụng hóa chất như phân bón.
Trong nông nghiệp tái sinh, không có chỗ cho phương pháp sản xuất chăn nuôi công nghiệp hóa hiện nay.
Nhà môi trường học George Monbiot giải thích trên The Guardian: “Mục đích thả gia súc trên đồng là một hệ thống phá hoại sinh thái tự động. Bạn chỉ cần thả chúng ra đất và chúng sẽ thực hiện phần còn lại: ăn hết các cây non, đơn giản hóa các hệ sinh thái phức tạp. Người chăn nuôi còn làm tăng thêm tác động này bằng cách tiêu diệt các loài săn mồi lớn”.
Nguồn ảnh: Google
Các Cộng Đồng Bản Địa Là Những Người Sáng Tạo Ra Nông Nghiệp Tái Sinh
Nhiều người coi canh tác tái tạo là con đường hướng đến sản xuất lương thực bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không được bỏ qua thực tế rằng đây cũng là lịch sử của nhiều cộng đồng bản địa. Phương pháp bảo vệ môi trường này không phải là mới.
Như Climate Reality Project đã chỉ ra, Tây Bán cầu không có bất kỳ loài động vật kéo cày nào được thuần hóa trước khi người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ. Trước đó, người dân bản địa đã chăm sóc đất đai thông qua các phương pháp tái tạo trước đó. Họ không cày xới và độc canh. Để đảm bảo đất có đủ chất dinh dưỡng cần thiết, họ sẽ trồng xen canh đậu, bí và ngô.
“Việc ghi nhận những đóng góp là rất quan trọng; các phương pháp mà ngày nay chúng ta coi trọng vì tác động tích cực của chúng đối với an ninh lương thực và môi trường không phải bắt nguồn từ phòng thí nghiệm cách đây vài thập kỷ”, Climate Reality Project cho biết.
“Tất cả bắt nguồn từ Đồng bằng, di chuyển qua Appalachia và kết thúc ở sa mạc, nơi họ biến những vùng sa mạc cằn cỗi thành ốc đảo từ rất lâu trước khi người châu Âu đến”, bài viết tiếp tục. “Người dân bản địa đã tạo ra chúng. Và chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó”.
Nguồn ảnh: Google
Nông Nghiệp Tái Sinh Có Thể Áp Dụng Cho Chăn Nuôi Động Vật Không?
Mặc dù các phương pháp nông nghiệp tái sinh thường được áp dụng cho cây trồng, một số nông dân cũng đã đưa chúng vào chăn nuôi động vật.
Chẳng hạn, tại bang Georgia, trang trại White Oak Pastures đã từ bỏ mô hình chăn nuôi công nghiệp và thay vào đó chú trọng cải thiện sức khỏe đất đai bằng cách luân chuyển gà hữu cơ, heo và bò. Nhờ đó, trang trại tuyên bố rằng thịt bò ăn cỏ của họ là trung hòa về carbon, vì đất khỏe mạnh của họ lưu giữ nhiều carbon hơn so với lượng phát thải của bò trong suốt vòng đời.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ “thịt bò ít carbon” nào vẫn có khả năng phát thải nhiều hơn sản phẩm từ thực vật. Ngành công nghiệp thịt bò nổi tiếng với phát thải khí methane mạnh mẽ, do đó việc chọn một chiếc hamburger thay vì một miếng đậu phụ khó có thể mang lại lợi ích cho hành tinh.
Năm 2022, Tổ chức Environmental Working Group gọi ý tưởng về thịt bò ít carbon là “vô lý” như ý tưởng “thuốc lá ít ung thư”. “Không có thực phẩm nào phát thải nhiều khí nhà kính hơn thịt bò”, tổ chức này giải thích. “Ngay cả thịt cừu cũng chỉ phát thải một nửa so với thịt bò, tính trên mỗi pound, theo các ước tính mới nhất”.
Nguồn ảnh: Google
Nông Nghiệp Tái Sinh Thuần Chay Có Phải Là Giải Pháp Cho Hệ Thống Thực Phẩm Lành Mạnh?
Nhiều chuyên gia tin rằng hệ thống thực phẩm không có thịt bò và dựa trên thực vật là câu trả lời cho một tương lai thực phẩm lành mạnh. Chẳng hạn, vào năm 2018, nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về sản xuất thực phẩm do Đại học Oxford thực hiện, đã kết luận rằng ăn chay là hành động lớn nhất mà một cá nhân có thể thực hiện để giảm thiểu tác động lên hành tinh.
Và nếu thực phẩm này được trồng theo phương pháp tái sinh, giúp nuôi dưỡng đất, điều này sẽ càng có lợi cho hành tinh hơn nữa.
Quan điểm này được ủng hộ bởi Monbiot, người đã nghiên cứu sâu rộng về ý tưởng chăn thả động vật “toàn diện” hoặc “tái sinh” và thậm chí phỏng vấn một số người ủng hộ lớn nhất của phương pháp này. Theo ông, tương lai lành mạnh duy nhất của nông nghiệp là không bao gồm động vật.
“Diện tích đồng cỏ rộng lớn từ đó chúng ta thu được rất ít sản lượng với cái giá môi trường rất đắt đỏ nên được sử dụng tốt hơn cho việc tái hoang dã: khôi phục tự nhiên trên quy mô lớn”, ông nhận xét.
“Không chỉ giúp đảo ngược sự suy giảm thảm khốc của môi trường sống và sự đa dạng và phong phú của động vật hoang dã, mà các khu rừng, đầm lầy và đồng cỏ tái sinh sẽ hấp thụ nhiều carbon hơn ngay cả so với các hình thức chăn thả tiên tiến nhất”.
Có thể bạn quan tâm: Lời Khuyên Của Chuyên Gia Cho Những Ai Thích Ăn Thịt Nhưng Đang Muốn Cắt Giảm
Bài đăng được dịch từ www.vegnews.com
Dịch giả Trinh Lê