Axit béo omega-3 từ thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch

0
(0)
  • Gần một nửa dân số Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch.
  • Có một số yếu tố nguy cơ tim mạch nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng chế độ ăn uống lại có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của bạn, bao gồm cả sức khỏe tim mạch.
  • Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 có nguồn gốc từ thực vật, được tìm thấy trong thực phẩm như hạt óc chó và hạt lanh, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tim mạch vành gây tử vong.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khoảng 50% người Mỹ mắc bệnh tim. Bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Mặc dù có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như tiền sử gia đình là không thể tránh khỏi, nhưng vẫn có một số yếu tố khác mà bạn có thể thay đổi được, chẳng hạn như chế độ ăn uống và lối sống của bạn.

Hiểu được những yếu tố nào có thể thay đổi được có thể giúp bạn hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách thực hiện một số thay đổi trong lối sống, bao gồm cả thay đổi chế độ ăn uống.

Một nghiên cứu gần đây được hỗ trợ bởi California Walnut Commission (CWC) và được công bố trên Advances in Nutrition chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật có thể là một phương pháp để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim.

Axit béo omega-3 thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tim mạch vành gây tử vong.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Axit Béo Omega-3 Có Nguồn Gốc Thực Vật Là Gì?

Axit béo omega-3 đang nhận được rất nhiều sự chú ý trong giới dinh dưỡng và có lý do chính đáng cho điều này.

Nhóm được gọi là “chất béo lành mạnh” này thường được chú ý vì chúng mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bao gồm cả làm giảm mức độ viêm nhiễm.

Axit béo omega-3 có ba dạng chính. Mỗi loại có thành phần hóa học khác nhau.

Axit béo omega-3 axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) phần lớn được tìm thấy trong các nguồn hải sản như cá, động vật có vỏ và một số loại tảo.

DHA đã được chứng minh là đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, não bộ, thị giác và thai kỳ.

Axit alpha-linolenic (ALA) có nguồn gốc từ thực phẩm thực vật như hạt óc chó và hạt lanh. Ngược lại với EPA và DHA, bản chất tầm quan trọng của ALA đối với sức khỏe con người khó nắm bắt hơn một chút.

Chủ sở hữu của Bazilian’s Health ở San Diego, Wendy Bazilian nói với Verywell rằng:

“Số lượng/tỷ lệ phần trăm ALA chuyển hóa thành EPA và DHA vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi giữa các chuyên gia, hoặc có thể chúng tôi không có cách tiếp cận hiệu quả nhất để đánh giá hay phân tích ALA.”

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 EPA và DHA có nguồn gốc từ biển có lợi cho sức khỏe tim mạch, nhưng nghiên cứu mới cho thấy ALA cũng có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe tim mạch.

flax seed | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Axit Béo Omega-3 Có Nguồn Gốc Thực Vật và Sức Khỏe Tim Mạch

Theo Bazilian, tầm quan trọng của omega-3 ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các bác sĩ trong những thập kỷ gần đây. Cô nói: “Đặc biệt, omega-3 từ nguồn biển đã nhận được rất nhiều sự chú ý.”

Nhóm thực hiện nghiên cứu mới nhất đã xem xét nghiên cứu trước đây về ALA từ thực vật và tác dụng của nó đối với sức khỏe con người.

Nhóm Nghiên Cứu Đã Dựa Trên Điều Gì?

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các nghiên cứu dịch tễ học, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và phân tích tổng hợp về ALA trong chế độ ăn uống và bệnh tim được thực hiện trong 8 năm qua để xác định xem liệu omega-3 ALA có nguồn gốc thực vật có thể được coi là dưỡng chất hỗ trợ sức khỏe tim mạch hay không.

Đặc biệt, họ quan tâm đến việc liệu ALA có ảnh hưởng đến hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường tuýp 2 hay khả năng nhận thức hay không.

Họ Đã Tìm Thấy Gì?

Tiêu thụ thực phẩm giàu ALA đã được chứng minh là cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch trong cả thử nghiệm dịch tễ học và ngẫu nhiên có đối chứng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch đã giảm 10% và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành gây tử vong đã giảm 20% ở những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có chứa omega-3 ALA.

Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy chế độ ăn uống chứa nhiều ALA góp phần làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, chất béo trung tính và cả huyết áp. Ngoài ra, một số dữ liệu cũng chứng minh rằng ALA có tác dụng giảm viêm.

Theo nhóm nghiên cứu, bằng chứng về lợi ích của ALA đối với hội chứng chuyển hóa và béo phì là không thuyết phục.

Mặc dù không tìm thấy bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về lợi ích của ALA đối với chức năng nhận thức, nhưng họ vẫn cho rằng kết quả sơ bộ cũng rất tiềm năng.

Khuyến nghị về lượng tiêu thụ ALA trong chế độ ăn uống hiện tại là 1.1 gam mỗi ngày đối với phụ nữ và 1.6 gam mỗi ngày đối với nam giới, được các nhà nghiên cứu xác định là có dựa trên dữ liệu.

Trưởng nhóm nghiên cứu Aleix Sala-Vila, nhà nghiên cứu tại Hospital del Mar Medical Research Institute ở Barcelona và nhà khoa học cộng tác tại Fatty Acid Research Institute, nói với Verywell rằng:

“Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, axit béo omega-3 có nguồn gốc từ thực vật và nguồn động vật đều không có sự cạnh tranh lẫn nhau. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy hai dạng omega-3 này có thể phối hợp lẫn nhau, tăng cường tác dụng của nhau.”

Theo Sala-Vila, ngay cả khi có người đã ăn cá hai lần một tuần thì việc tiêu thụ thực phẩm giàu ALA vẫn có thể có lợi cho họ.

VegNews.VeganOmega3s.LarisaBrita | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Cách Bổ Sung Omega-3 ALA Trong Chế Độ Ăn Uống Hằng Ngày

Tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu omega-3 ALA là một cách giúp bạn tăng cường lượng chất béo quan trọng này.

Hạt óc chó là loại hạt duy nhất cung cấp nguồn ALA tuyệt vời (2.5 g/1 oz). Một nắm hạt óc chó là cách nhanh chóng và ngon miệng để bạn có thể đáp ứng nhu cầu ALA hàng ngày.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ), lượng ALA trong một nắm hạt óc chó có thể đủ để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hạt chia, hạt lanh và dầu hạt cải cũng là nguồn cung cấp ALA dồi dào.

Cách giúp bạn bổ sung nhiều ALA hơn trong một ngày:

  • Rắc hạt chia vào sinh tố
  • Thêm bột hạt lanh vào bát yến mạch của bạn
  • Cắt lát quả bơ và thêm nó vào món salad của bạn
  • Ăn nhẹ với một ít hạt óc chó hoặc thêm chúng vào món sữa chua parfait

Bazilian nhấn mạnh: “Nhiều bằng chứng ngày càng mở rộng cho thấy việc tăng cường hấp thụ chất béo omega-3 có nguồn gốc thực vật đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

Trong đó có đặc tính chống viêm, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và dường như có tác dụng tích cực – nhưng vẫn chưa được xác định được – trong việc hỗ trợ sức khỏe nhận thức và não bộ”

Bazilian khẳng định rằng sự ủng hộ ngày càng tăng đối với tác dụng có lợi của loại chất béo quan trọng này là bằng chứng cho thấy giới y tế hiện đã công nhận tầm quan trọng của nó.

Có thể bạn quan tâm: Top 7 Loại Thực Phẩm Giàu Omega-3 Thuần Chay


Bài viết được dịch từ www.verywellhealth.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.