Protein đậu nành có thể giảm cholesterol hiệu quả như statin

0
(0)
  • Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng đậu nành để xác định lý do tại sao chúng lại có khả năng làm giảm cholesterol.
  • Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ khác nhau của hai protein đậu nành, đó là glycinin và beta-conglycinin.
  • Họ phát hiện ra rằng đậu nành có hàm lượng beta-conglycinin cao hơn có khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa cholesterol và ức chế quá trình oxy hóa axit béo tốt hơn so với đậu nành có glycinin.
  • Ăn đậu nành có hàm lượng beta-conglycinin cao hơn có thể giúp duy trì chức năng gan và tim mạch khỏe mạnh.

Vì bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ nên các nhà khoa học đang cố gắng giảm con số này. Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, vì vậy điều quan trọng là tìm ra các phương pháp để giảm thiểu nó.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ăn đậu nành có thể làm giảm mức cholesterol LDL, còn được gọi là cholesterol “xấu” tới 4%.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois tại Urbana-Champaign gần đây đã kiểm tra nhiều giống đậu nành khác nhau để xác định lý do tại sao chúng có thể làm giảm cholesterol LDL.

Họ đã xác định được một loại protein cụ thể mang lại lợi ích và công bố phát hiện của họ trên tạp chí Antioxidants.

Một số loại protein đậu nành có thể có tác dụng giảm cholesterol.

Một số loại protein trong đậu nành có thể có tác dụng giảm cholesterol.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Cholesterol và Bệnh Tim

Theo MedlinePlus, cholesterol là một chất béo, giống như sáp được tìm thấy trong tất cả các tế bào trong cơ thể bạn.

Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) là một dạng cholesterol mà các bác sĩ cho là không tốt cho sức khỏe. Một loại cholesterol khác là cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), là cholesterol “tốt”.

Nếu lượng cholesterol LDL tăng cao quá mức, quá trình tích tụ có thể gây ra các mảng bám hình thành trên thành động mạch. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Medical News Today, Beata Rydyger, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Los Angeles và cố vấn dinh dưỡng lâm sàng cho Zen Nutrients, đã tuyên bố rằng: “Sự mất cân bằng cholesterol có thể dẫn đến bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa thần kinh và thậm chí là ung thư.”

Cholesterol HDL và Cholesterol LDL

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng cholesterol HDL hấp thụ cholesterol trong máu và vận chuyển nó trở lại gan. Gan sau đó đào thải nó ra khỏi cơ thể. Có mức cholesterol HDL cao hơn là một điều tốt và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

CDC khuyến nghị các mức cholesterol sau:

  • Cholesterol toàn phần: xấp xỉ 150 mg/dL
  • Cholesterol LDL: xấp xỉ 100 mg/dL
  • HDL cholesterol: 40 mg/dL trở lên ở nam giới và 50 mg/dL trở lên ở nữ giới

CDC lưu ý rằng cholesterol cao thường không có dấu hiệu và triệu chứng, vì vậy tốt nhất bạn nên kiểm tra vấn đề này mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Nếu ai đó bị cholesterol cao, họ có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống (ăn kiêng và tập thể dục) hoặc dùng thuốc (statin hoặc chất ức chế hấp thụ cholesterol).

Hai Protein Đậu Nành Làm Giảm LDL

Nghiên cứu trước đây đã cho thấy ăn nhiều đậu nành có tác động tích cực đến lượng cholesterol của mọi người. Nghiên cứu mới này đã tìm cách hiểu được cơ chế đằng sau những phát hiện này.

Họ suy đoán tác dụng tích cực này có thể là do hai loại protein—glycinin và B-conglycinin.

Các nhà khoa học đã chọn ra 19 loại đậu nành, mỗi loại chứa hàm lượng glycinin và B-conglycinin khác nhau. Đậu nành nghiền thành bột đã được khử chất béo và được nghiên cứu trong các thí nghiệm mô phỏng quá trình tiêu hóa qua đường tiêu hóa.

Trong các thí nghiệm mô phỏng quá trình tiêu hóa thức ăn, bột đậu nành đã khử chất béo được trộn với chất lỏng và enzyme từ quá trình tiêu hóa ở miệng, dạ dày, ruột non và ruột già. Nhóm nghiên cứu đã chạy mô phỏng bằng cách sử dụng các tế bào mỡ.

Sau khi đưa từng loại bột đậu nành vào quá trình này, họ đã đo được mức độ hấp thụ cholesterol LDL của từng loại.

Tiến sĩ Elvira de Meji, giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign và là tác giả của nghiên cứu, giải thích rằng: “Chúng tôi đã đo một số thông số liên quan đến chuyển hóa cholesterol và lipid cũng như nhiều dấu hiệu khác – protein và enzyme – điều này có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình chuyển hóa lipid.”

Heart health C Getty Images pkstock | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Protein Đậu Nành Làm Giảm Một Nửa Lượng Lipid

Những phát hiện của nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết của nhóm nghiên cứu rằng glycinin và B-conglycinin, hai loại protein có trong đậu nành đã góp phần vào khả năng làm giảm cholesterol của đậu nành.

Theo các tác giả, sự đa dạng của đậu nành ảnh hưởng đến thành phần protein và giải phóng peptide trong điều kiện tiêu hóa mô phỏng.

Protein B-conglycinin có khả năng giảm cholesterol cực kì tốt. Họ đã phát hiện ra rằng peptide được giải phóng của protein này làm giảm biểu hiện HMGCR, nồng độ cholesterol và chất béo trung tính được ester hóa, giải phóng ANGPTL3 và sản xuất MDA trong quá trình oxy hóa LDL.

Ngoài ra, còn có một số giống đậu nành có thể ức quá quá trình tổng hợp axit béo cũng như kích thích quá trình hấp thụ LDL vào gan. Về lý thuyết, điều này có thể góp phần làm giảm bệnh gan nhiễm mỡ.

Các tác giả kết luận rằng: “Việc tiêu thụ một số loại đậu nành nhất định có thể điều chỉnh cân bằng nội môi cholesterol và LDL, từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.”

Đậu Nành và Statin

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh những ưu điểm của bột đậu nành với Simvastatin, một loại thuốc dùng để điều trị cholesterol cao. Họ phát hiện ra rằng các peptide được chiết xuất từ ​​bột đậu nành có đặc tính hạ lipid giống như Simvastatin.

Tiến sĩ de Mejia nói: “Các peptide của đậu nành được tiêu hóa có thể làm giảm sự tích tụ lipid từ 50% – 70%, và điều này rất quan trọng. Nó có thể so sánh ngang với statin, giúp giảm 60%.”

Có thể bạn quan tâm: Liệu Điều Chỉnh Chế Độ Ăn Uống Có Thể Làm Giảm Cholesterol?

soybean | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Đậu Nành Có Tốt Cho Mọi Người Không?

Tiến sĩ Jayne Morgan, bác sĩ tim mạch và giám đốc lâm sàng của Lực lượng đặc nhiệm Covid tại Piedmont Healthcare Corporation ở Atlanta, đã thảo luận về nghiên cứu với MNT. Cô nói:

“Đậu nành được biết đến với khả năng làm giảm chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và cholesterol LDL, có thể góp phần xây dựng nên một trái tim khỏe mạnh hơn và trở thành một phần của lối sống lành mạnh cho tim. Nghiên cứu này đã củng cố thêm cho điều đó.”

Tiến sĩ Morgan nói rằng cô ấy muốn xem nghiên cứu về tác dụng của đậu nành đối với phụ nữ.

Tiến sĩ Morgan nói: “Tác dụng của đậu nành đối với estrogen, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh, vì chúng liên quan đến sức khỏe của phụ nữ, đã không được thảo luận. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ tập trung vào giống đậu nành và quá trình tiêu hóa. Tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về đậu nành và ung thư vú. Một lần nữa, những nghiên cứu trong tương lại nên ưu tiên phái nữ nhiều hơn.”

Trong khi các nhà nghiên cứu kiểm chứng về 19 loại đậu nành, thì Rydyger nhấn mạnh rằng có hơn 2.500 loại đậu nành khác nhau. Điều này gây khó khăn cho mọi người trong việc xác định loại thực phẩm nào nên được tiêu thụ để đạt được sức khỏe tối ưu.

Rydyger cho biết: “Chúng có thể có đủ màu sắc và kích cỡ khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải xác định xem những loại này có lợi cho sức khỏe tim mạch hơn những loại khác hay không.”

Trong khi đó, Isabel Vazquez, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Memorial Hermann ở Houston, cảnh báo rằng ăn đậu nành không phải là một phương thuốc thần kỳ đối với sức khỏe tim mạch.

Bà Vazquez nói với MNT rằng: “Tôi tin vào lợi ích của việc kết hợp chế độ ăn uống chú trọng thực vật đối với sức khỏe tim mạch; điều đó cũng bao gồm việc ăn nhiều nguồn thực vật khác nhau như yến mạch, các loại hạt và đậu.”


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.