Theo các chuyên gia từ Đại học Đông Phần Lan, một chế độ ăn với lượng protein thực vật cao hơn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong khi protein thực vật có thể đóng vai trò bảo vệ, thì protein từ thịt đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Một chế độ ăn uống chú trọng protein từ thực vật hơn là thịt có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hơn 29 triệu người ở Hoa Kỳ, trong đó bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm từ 90 – 95% tổng số ca mắc bệnh. Tham gia tập thể dục thường xuyên, sử dụng thuốc để giảm lượng đường trong máu và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Theo định nghĩa của Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận, chế độ ăn uống lành mạnh là một chế độ ăn nhiều loại thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm, với 1/2 đĩa chứa rau củ không tinh bột, 1/4 chứa ngũ cốc hoặc tinh bột khác, và 1/4 cuối cùng là thịt hoặc protein khác.
Nên tránh thịt mỡ hoặc thịt đã qua chế biến để ưu tiên những loại thịt nhiều nạc hơn, chẳng hạn như thịt gà không da.
Theo một nghiên cứu trước đây, tổng lượng protein và protein động vật tiêu thụ cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Đặc biệt, ăn nhiều thịt đỏ đã qua chế biến có liên quan đến căn bệnh này.
Nghiên cứu mới – được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh – đã bổ sung thêm dữ liệu ngày càng tăng cho thấy nguồn protein trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu điều tra mối liên hệ giữa những nguồn protein khác nhau trong chế độ ăn uống và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Họ đã sử dụng thông tin từ Nghiên cứu Yếu tố Nguy cơ Bệnh Tim do Thiếu máu cục bộ Kuopio (KIHD) được thực hiện tại Đại học Đông Phần Lan.
Chế độ ăn kiêng của 2.332 nam giới từ 42 đến 60 tuổi được đánh giá khi nghiên cứu KIHD được bắt đầu từ năm 1984 đến 1989. Khi bắt đầu thử nghiệm, không có người tham gia nào mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn Nhiều Protein Thực Vật Làm Giảm 35% Nguy Cơ Mắc Bệnh Tiểu Đường Tuýp 2
Jyrki Virtanen, một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng được chứng nhận và là giáo sư trợ giảng về dịch tễ học dinh dưỡng tại Đại học Đông Phần Lan, cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều thịt có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Mối liên hệ này đã được quan sát đối với tất cả các loại thịt, bao gồm thịt đỏ, thịt trắng và các loại thịt đã qua chế biến và chưa qua chế biến.
Mặc dù chỉ riêng protein động vật không liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng mối quan hệ này có thể là do các hóa chất bổ sung có trong thịt.
Nam giới ăn nhiều protein từ thực vật cũng có xu hướng sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn không chỉ do cách sống của họ.
Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 đã giảm 35% ở những người tham gia nghiên cứu là nam giới tiêu thụ nhiều protein thực vật nhất. Ngoài ra, sử dụng một mô hình máy tính, Virtanen và nhóm ước tính rằng việc thay thế khoảng 5 gam protein động vật bằng protein thực vật mỗi ngày sẽ làm giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Có thể bạn quan tâm: 15 Nguồn Cung Cấp Protein Thực Vật Hàng Đầu
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ảnh hưởng của protein thực vật trong chế độ ăn uống đối với lượng đường trong máu có thể giải thích mối liên quan giữa protein thực vật và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Khi bắt đầu thử nghiệm, những người ăn nhiều protein thực vật có lượng đường trong máu thấp hơn.
Những sản phẩm ngũ cốc, khoai tây và nhiều loại rau củ tương tự khác là nguồn protein thực vật chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này.
Một chế độ ăn uống ưu tiên protein từ thực vật hơn protein từ động vật có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhóm tác giả rút ra kết luận như sau:
“Thay thế 1% năng lượng từ protein động vật bằng năng lượng từ protein thực vật có liên quan đến việc giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Mối liên kết này vẫn không thay đổi sau khi điều chỉnh BMI. Tóm lại, ưu tiên protein thực vật và trứng dường như có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng protein tổng thể, protein từ sữa và protein cá không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Việc tiêu thụ nhiều protein trứng hơn cũng được phát hiện là làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, chứng thực nghiên cứu trước đây của nhóm.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê