Ăn trái cây và rau củ làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi

0
(0)

Nghiên cứu được công bố trong tuần này trên tạp chí Thorax đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ăn nhiều trái cây và rau củ với sức khỏe của phổi. Họ nhận thấy nó làm giảm nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở những người đã và đang hút thuốc.

Những lợi ích sức khỏe khi ăn nhiều loại trái cây và rau quả đã được ghi nhận rõ ràng; hàng loạt nghiên cứu đã làm rõ điều này.

Ví dụ, tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm này có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ổn định huyết áp và ngăn ngừa ung thư. Gần đây, đã có một số nghiên cứu chứng minh rằng ăn trái cây và rau cũng có thể bảo vệ sức khỏe của phổi.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính do luồng khí bị tắc nghẽn ở phổi, được chia làm 2 loại chính là khí phế thủng và viêm phế quản mãn tính. COPD hiện ảnh hưởng đến hơn 64 triệu người trên toàn thế giới.

Yếu tố rủi ro chính đối với COPD là hút thuốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán rằng đến năm 2030, nó sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên toàn cầu.

Ăn nhiều trái cây và rau có thể ngăn ngừa bệnh phổi.

Ăn nhiều trái cây và rau có thể ngăn ngừa bệnh phổi.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

COPD và Những Yếu Tố Trong Chế Độ Ăn Uống

Một số nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra rằng những yếu tố trong chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò trong COPD. Để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe hô hấp của hơn 44.000 nam giới Thụy Điển. Những người tham gia có độ tuổi từ 45 đến 79 khi bắt đầu nghiên cứu, được theo dõi trung bình 13.2 năm cho đến cuối năm 2012.

Vào năm 1997, năm đầu tiên của cuộc thử nghiệm, những người tham gia đã điền vào bảng câu hỏi về tần suất bữa ăn để thống kê tần suất họ ăn 96 loại thực phẩm khác nhau. Nhiều yếu tố khác cũng được thu thập, bao gồm chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn, hoạt động thể chất và mức tiêu thụ rượu.

Những người tham gia được hỏi trung bình họ hút bao nhiêu điếu thuốc trong độ tuổi từ 15 đến 21, 21 đến 30, 31 đến 40, 41 đến 50 và 51 đến 60. Nhìn chung, 63% đã từng hút thuốc ở một giai đoạn nào đó trong đời, 24% hiện đang hút thuốc và 38.5% chưa bao giờ hút thuốc.

Trong suốt khoảng thời gian đó, tổng cộng 1.918 ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã được ghi nhận. Tỷ lệ mắc COPD ở những người ăn ít hơn 2 phần rau củ quả mỗi ngày là 1.166 trên 100.000 người ở những người đang hút thuốc và 506 trên 100.000 ở những người đã từng hút.

Tuy nhiên, đối với những người ăn 5 phần mỗi ngày, con số tương đương lần lượt là 546 và 255. Điều này có nghĩa là những người ăn 5 khẩu phần trái cây và rau quả hàng ngày đã giảm 35% nguy cơ mắc bệnh COPD so với những người chỉ ăn 2 khẩu phần hoặc ít hơn. Khi giảm rủi ro được phân chia giữa những người từng và đang hút thuốc, tỷ lệ phần trăm lần lượt là 40% và 34%.

Mỗi khẩu phần trái cây và rau quả bổ sung có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thấp hơn 4% ở những người đã từng hút thuốc và giảm 8% nguy cơ mắc bệnh ở những người hiện đang hút thuốc.

Những người đã từng và hiện đang hút thuốc ăn ít hơn 2 khẩu phần hàng ngày có nguy cơ mắc COPD cao hơn lần lượt là 13.5 và 6 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc và ăn từ 5 khẩu phần trái cây và rau quả trở lên.

Các tác giả kết luận:

“Những phát hiện này của họ đã chứng minh được ảnh hưởng nghiêm trọng của việc hút thuốc lá đối với sự phát triển của COPD và cũng chỉ ra rằng chế độ ăn giàu trái cây và rau quả có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa COPD.

Tuy nhiên, không hút thuốc và ngừng hút thuốc vẫn là thông điệp chính về sức khỏe cộng đồng để ngăn chặn sự phát triển của COPD.”

copd la benh gi | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Những Loại Trái Cây và Rau Củ Nào Giúp Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính?

Là một phần trong phân tích của họ, các nhà nghiên cứu đã xác định loại thực phẩm nào hiệu quả nhất trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh COPD. Họ phát hiện ra rằng các loại rau lá xanh, ớt, táo và lê có tác động lớn nhất đến việc giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, tác dụng của quả mọng, trái cây có múi, chuối, rau củ họ cải, cà chua, tỏi, hành và đậu là không đáng kể.

Vì hút thuốc làm tăng căng thẳng oxy hóa và viêm, cả hai đều có thể góp phần gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nên các chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau quả có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng.

Mặc dù thực tế là nghiên cứu được thực hiện trên quy mô lớn, nhưng cũng cần phải được nhân rộng. Trong một bài xã luận đăng trên cùng một tạp chí, Drs. Raphaelle Varraso và Seif Shaheen lập luận rằng vì nghiên cứu này mang tính quan sát nên không thể đưa ra kết luận chắc chắn nào về nguyên nhân và kết quả; tuy nhiên, họ viết:

“Không có gì để mất bằng cách hành động ngay bây giờ. Chúng tôi cho rằng các bác sĩ lâm sàng nên xem xét những lợi ích tiềm năng của chế độ ăn uống lành mạnh trong việc tăng cường sức khỏe hô hấp và ủng hộ việc tối ưu hóa lượng trái cây và rau quả ăn vào, đặc biệt là ở những người không thể bỏ thuốc lá.”

Vì vậy, mặc dù sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn, nhưng việc bỏ thuốc lá và ăn nhiều rau củ quả vẫn là cách hành động tốt nhất cho sức khỏe tổng thể.

Có thể bạn quan tâm: Rau Quả Có Thể Giúp Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.