Nghiên cứu mới đây cho thấy cải xoăn, rau mùi tây, bông cải xanh và cải bó xôi thậm chí còn có nhiều lợi ích về sức khỏe hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây, bởi hàm lượng vitamin K dồi dào được tìm thấy trong cả bốn loại đều có thể giúp bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng đã kiểm chứng mối liên hệ giữa lượng vitamin K với cấu trúc và hoạt động của tim ở những người trẻ tuổi.
Vitamin K đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và sức khỏe của xương. Thiếu hụt loại vitamin này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, loãng xương và gãy xương.
Ở dạng dinh dưỡng, vitamin K còn được gọi là phylloquinone, hay vitamin K-1. Dưỡng chất này được tìm thấy rất nhiều trong các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau mùi tây, bông cải xanh, cải bó xôi, xà lách Iceberg và bắp cải.
Các loại rau lá xanh, chẳng hạn như bông cải xanh và cải xoăn, đều là nguồn cung cấp vitamin K-1 tuyệt vời và chúng có thể giúp bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghiên Cứu Về Vitamin K Đối Với Sức Khỏe Tim Mạch
Theo nghiên cứu, lượng vitamin không đủ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, dẫn đến một căn bệnh được gọi là phì đại tâm thất trái (LVH). Tâm thất trái là buồng tim phía dưới và nằm bên trái tim, có nhiệm vụ bơm máu giàu oxy từ tim tới nuôi dưỡng mọi cơ quan trong cơ thể.
LVH là tình trạng thành cơ tâm thất trái của tim dày lên (phì đại). Khi quá tải, các mô cơ trong thành tâm thất trở nên dày hơn bình thường. Lúc này thành cơ tim sẽ mất đi tính đàn hồi và không thể bơm máu cung cấp đủ với nhu cầu của cơ thể, cuối cùng dẫn đến suy tim.
LVH thường ảnh hưởng đến người lớn, nhưng các nhà nghiên cứu quyết định nghiên cứu cấu trúc tim này ở những người trẻ hơn, vì những dị tật tim bẩm sinh từ nhỏ dường như có thể dự đoán được nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành.
Theo hiểu biết của các tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên khám phá về mối liên hệ giữa hàm lượng vitamin K và cấu trúc tim ở những người trẻ tuổi.
Đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu là Mary K. Douthit và Mary Ellen Fain, cả hai đều thuộc Viện Phòng chống Georgia tại Đại học Augusta. Tác giả tương ứng của nghiên cứu là một nhà sinh học về xương thuộc cùng một viện, Tiến sĩ Norman Pollock.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thiếu Vitamin K-1 Có Liên Quan Đến Bệnh Phì Đại Tâm Thất Trái (LVH)
Douthit và các đồng nghiệp đã kiểm tra 766 thanh thiếu niên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 14 đến 18. Một nửa số người tham gia là nam và một nửa là nữ. Ngoài ra, một nửa số người tham gia cũng là người Mỹ da đen.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá chế độ ăn uống và thói quen hoạt động thể chất của những thanh thiếu niên này trong khoảng thời gian 7 ngày, sử dụng các thiết bị đo gia tốc và tự khai báo của những người tham gia. Cấu trúc và chức năng của tâm thất trái được đánh giá bằng siêu âm tim.
Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra rằng những thanh thiếu niên bị thiếu vitamin K-1 có tâm thất trái lớn hơn đáng kể so với những người bổ sung đủ lượng vitamin này.
Các nhà nghiên cứu đã phân loại dữ liệu thành phần tư, hoặc phần ba dựa trên việc sử dụng vitamin K-1. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ LVH đã giảm dần trên tất cả các mức phylloquinone. Nói cách khác, bổ sung càng nhiều vitamin K-1 thì nguy cơ mắc phải LVH càng thấp.
Tiến sĩ Pollock đã chia sẻ với Medical News Today về những phát hiện này. Ông nói rằng: “Thanh thiếu niên bổ sung 42 microgam vitamin K mỗi ngày hoặc ít hơn, có nguy cơ bị phì đại tâm thất trái cao hơn gấp 3 lần so với những người bổ sung 90 microgam mỗi ngày hoặc hơn.”
“Đáng chú ý, mối liên hệ này vẫn còn tồn tại ngay cả khi đã tính đến các yếu tố có thể gây nhiễu như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, giai đoạn dậy thì, huyết áp, cấu trúc cơ thể, hoạt động thể chất và nhiều yếu tố khác trong chế độ ăn uống.”
Khoảng 10% thanh thiếu niên đã mắc phải LVH ở một mức độ nào đó, được xác định bằng các phép đo kích thước và độ dày thành tâm thất.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ý Nghĩa Nghiên Cứu Về Mặt Lâm Sàng
Theo các nhà khoa học, phát hiện này giúp làm rõ tầm quan trọng của việc hấp thụ phylloquinone đối với sự phát triển tim mạch.
Về ý nghĩa lâm sàng của nghiên cứu, Tiến sĩ Pollock chia sẻ với MNT rằng: “Các yếu tố nguy cơ tim mạch đã được tìm thấy, thường vẫn tồn tại từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành và có thể bị ảnh hưởng bởi thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày; vì vậy nó có liên quan về mặt lâm sàng để khảo sát các yếu tố quyết định của chế độ ăn uống đối với sự phát triển tim mạch.”
“Dữ liệu quan sát của chúng tôi cho thấy rằng việc bổ sung nhiều vitamin K hơn có thể ảnh hưởng tích cực đến các chỉ số cận lâm sàng về cấu trúc và chức năng tim ở một nhóm thanh thiếu niên Hoa Kỳ.”
— Tiến sĩ Norman Pollock
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng những phát hiện mới cuối cùng có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho “các liệu pháp phylloquinone ở trẻ sơ sinh nhằm thúc đẩy sự phát triển tim mạch khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành”.
Trên thực tế, Tiến sĩ Pollock hiện là người điều tra chính cho bốn thử nghiệm về vitamin K nhằm “xác định ảnh hưởng của lượng vitamin K đối với bệnh tim mạch và các yếu tố nguy cơ tiểu đường”.
Có thể bạn quan tâm: Rau Quả Có Thể Giúp Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê