Hầu hết mọi người đều biết rằng thức ăn và thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa đều mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nhiều người có thể chưa biết chính xác chất chống oxy hóa là gì hoặc cách chúng hoạt động ra sao trong cơ thể.
Một bài báo được công bố trên tạp chí Biomolecules từng nêu rằng thuật ngữ “chất chống oxy hóa” là một trong những khái niệm khoa học mơ hồ nhất mà các tài liệu liên quan vẫn chưa có xác định rõ ràng.
Nội dung sau đây sẽ mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về chất chống oxy hóa, cũng như cách chúng ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chất Chống Oxy Hóa Là Gì?
Chất chống oxy hóa là hóa chất ức chế hoặc ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng cách trung hòa các phân tử được gọi là các gốc tự do.
Gốc tự do là những phân tử có một hoặc nhiều electron chưa ghép đôi ở quỹ đạo ngoài của chúng, khiến chúng không ổn định và có tính phản ứng cao. Cơ thể con người tạo ra chúng thông qua các quá trình trao đổi chất nội sinh bình thường, bao gồm cả quá trình hình thành năng lượng.
Cơ thể cũng tạo ra chúng để phản ứng với những biến đổi từ môi trường và lối sống, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc, uống rượu,…
Chất chống oxy hóa ức chế một quá trình được gọi là quá trình oxy hóa, tạo ra các gốc tự do dẫn đến tổn thương tế bào. Chất chống oxy hóa tương tác với các gốc tự do một cách an toàn, vô hiệu hóa chúng trước khi chúng có thể gây hại cho protein, lipid và DNA.
Quá nhiều gốc tự do tích tụ trong cơ thể gây ra stress oxy hóa. Sự dư thừa của các gốc tự do hoặc sự thiếu hụt các chất chống oxy hóa có thể gây ra sự mất cân bằng này.
Sức khỏe của một người được hỗ trợ bởi các gốc tự do vì chúng cần thiết để cơ thể hoạt động sinh lý ổn định. Tuy nhiên, khi cơ thể tạo ra số lượng gốc tự do quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật.
Ví dụ, nhiều căn bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tim và ung thư đều có liên quan đến nguy cơ gia tăng tác hại của các gốc tự do.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hệ Thống Phòng Thủ Chống Oxy Hóa
Tế bào có hệ thống phòng thủ chống oxy hóa giúp kiểm soát quá trình sản xuất gốc tự do.
Ví dụ, các tế bào có chứa các enzym chống oxy hóa giúp giảm mức độ gốc tự do. Các enzym chống oxy hóa chính trong tế bào gồm có superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT), glutathione peroxidase (GPx) và glutathione reductase (GRx).
Các enzym chống oxy hóa này được gọi là chất chống oxy hóa bảo vệ tuyến đầu. Chúng giúp điều chỉnh mức độ gốc tự do bằng cách trung hòa cả gốc tự do và các phân tử khác có nguy cơ trở thành gốc tự do.
Thông qua quá trình trao đổi chất, cơ thể cũng tạo ra các chất chống oxy hóa trao đổi chất. Chúng bao gồm axit lipoic, glutathione, coenzyme Q10, melatonin, axit uric, L-arginine, protein chelat kim loại, bilirubin và transferrin.
Tuy nhiên, có một số chất chống oxy hóa mà cơ thể không thể sản xuất, do đó chúng phải được hấp thụ thông qua thức ăn hoặc thực phẩm chức năng. Những chất chống oxy hóa dinh dưỡng này gồm có carotenoid, vitamin chống oxy hóa, bao gồm vitamin C và E, selen, mangan, kẽm, flavonoid và chất béo omega-3 và omega-6.
Những chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng thường nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong cộng đồng dinh dưỡng, vì một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chất Chống Oxy Hóa Trong Thức Ăn và Thực Phẩm Chức Năng
Hiểu được sự phức tạp của chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống có thể là một thách thức. Nhiều chất chống oxy hóa luôn có sẵn tự nhiên trong thức ăn và vô số các hợp chất khác có tác dụng tăng cường khả năng chống oxy hóa của cơ thể đều có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng.
Những loại thực phẩm như trái cây, rau củ, gia vị và các loại hạt đều có chứa hàng ngàn hợp chất khác nhau, chúng hoạt động tương tự như chất chống oxy hóa.
Chất chống oxy hóa polyphenol có thể được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau củ, đặc biệt là nho, táo, lê, anh đào và nhiều loại quả mọng. Hiện có hơn 8.000 chất chống oxy hóa polyphenol khác nhau được tìm thấy trong tự nhiên.
Trái cây và rau quả có màu sắc rực rỡ cũng chứa hàm lượng carotenoid vượt trội, một loại chất chống oxy hóa khác.
Tuy nhiên, những chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ thực phẩm tự nhiên này rất khác so với những chất chống oxy hóa có trong thực phẩm chức năng.
Ví dụ, vitamin E có nhiều dạng khác nhau, cả tổng hợp và tự nhiên, bao gồm các este alpha-tocopherol. Tất cả những dạng vitamin E này đều có những tác động khác nhau đối với cơ thể.
Điều này có thể giải thích tại sao nghiên cứu kiểm chứng những lợi ích sức khỏe của thực phẩm chức năng vitamin E lại đưa ra nhiều phát hiện trái ngược nhau.
Ngoài ra, liều đậm đặc của những chất chống oxy hóa được cô lập trong thực phẩm chức năng sẽ có công dụng sức khỏe khác biệt so với hàm lượng được tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên giàu chất chống oxy hóa.
Dù đúng là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cực kỳ bổ dưỡng và quan trọng đối với sức khỏe, nhưng việc bổ sung chất chống oxy hóa ở liều cao có thể không thích hợp với tất cả chúng ta, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho một số người.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Liệu Chất Chống Oxy Hóa Có Thể Gây Nguy Hiểm Cho Sức Khỏe?
Rõ ràng, một chế độ ăn uống tập trung vào nhiều loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là trái cây và rau củ, đều có lợi cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa việc bổ sung chất chống oxy hóa và ngăn ngừa bệnh tật vẫn chưa được thiết lập rõ ràng.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng sử dụng các loại thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa có thể cải thiện nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe.
Ví dụ, các nhà khoa học đã liên kết các chất bổ sung chống oxy hóa – gồm có chất béo omega-3, chất curcumin, selen, resveratrol, và vitamin C – với nhiều kết quả có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù một số chất chống oxy hóa nhất định có thể mang lại lợi ích sức khỏe khi một người dùng chúng vì một lý do cụ thể nào đó, tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc bổ sung chất chống oxy hóa luôn an toàn hoặc bắt buộc phải sử dụng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng một số thực phẩm chức năng nhằm bổ sung chất chống oxy hóa có thể gây cản trở đường truyền tín hiệu tự nhiên của cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Hơn nữa, các nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung chất chống oxy hóa liều cao có thể gây bất lợi cho một số nhóm người nhất định.
Ví dụ, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa việc bổ sung vitamin E với nguy cơ tăng ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới khỏe mạnh. Tương tự, nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung beta carotene có liên quan đến nguy cơ tăng ung thư phổi ở những người hút thuốc.
Nghiên cứu cũng không tìm thấy lợi ích rõ ràng của việc bổ sung chất chống oxy hóa đối với nguy cơ bệnh tật.
Một số bằng chứng còn cho thấy bổ sung vitamin E, vitamin A và beta-carotene ở liều cao có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Điều này chỉ ra rằng việc bổ sung một số chất chống oxy hóa không thích hợp có thể phá vỡ mạng lưới bảo vệ chất chống oxy hóa tự nhiên của cơ thể và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngược lại, nghiên cứu đã liên kết chặt chẽ rằng chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa tự nhiên với khả năng giảm nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là chế độ ăn chú trọng rau củ, trái cây, gia vị và nhiều nguồn thực phẩm chống oxy hóa tự nhiên khác. Nghiên cứu cũng không cho thấy có bất kì mối liên hệ nào với kết quả sức khỏe tiêu cực.
Vì lý do này, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng mọi người nên tập trung vào việc bổ sung chất chống oxy hóa thông qua thực phẩm ăn uống hằng ngày. Họ không ủng hộ việc mọi người bổ sung chất chống oxy hóa ở liều cao trừ khi được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe khuyến nghị rõ ràng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa đều rất có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật tiến triển.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn không ủng hộ bổ sung chất chống oxy hóa với mục đích tăng cường sức khỏe, do có một số bằng chứng cho thấy bổ sung chất chống oxy hóa ở liều cao có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tổng quan của người dùng.
Tốt nhất là nên hạn chế bổ sung chất chống oxy hóa ở liều cao trừ khi được chỉ định hoặc khuyến nghị bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có uy tín. Cách tốt nhất để hấp thụ chất chống oxy hóa là thông qua thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như rau củ, trái cây, các loại hạt, cá, gia vị và trà.
Có thể bạn quan tâm: Những Lợi Ích Của Chất Chống Oxy Hóa Đối Với Sức Khỏe
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê