Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành là hai loại sữa thực vật phổ biến nhất trên thị trường. Vậy sự khác biệt giữa chúng là gì và loại nào tốt hơn?
Không dung nạp đường sữa, dị ứng sữa và sự phổ biến ngày càng tăng của chế độ ăn chay, thuần chay và ít cholesterol đã thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm phát triển nên nhiều loại sữa có nguồn gốc từ thực vật để thay thế hiệu quả cho sữa bò.
Hạnh nhân và sữa đậu nành đều là thực phẩm thuần chay, chúng không chứa lactose tự nhiên và ít cholesterol, tuy nhiên vẫn có nhiều điểm khác biệt về lợi ích sức khỏe, hàm lượng dinh dưỡng và tác động đến hệ sinh thái.
Ở nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau so sánh những ưu và nhược điểm của sữa hạnh nhân và sữa đậu nành.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Sức Khỏe
Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành đều tốt cho sức khỏe theo những cách riêng. Chúng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng khác nhau và có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.
Sữa Hạnh Nhân
Là một nguồn giàu protein, vitamin thiết yếu, chất xơ và chất chống oxy hóa, hạnh nhân ở trạng thái tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những lợi ích sức khỏe của hạnh nhân tươi đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của sữa hạnh nhân.
Sữa hạnh nhân có hàm lượng axit béo không bão hòa đơn dồi dào. Loại chất béo lành mạnh này có thể hỗ trợ giảm cân và kiểm soát cân nặng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng axit béo không bão hòa đơn có thể giúp giảm lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), hay còn gọi là “cholesterol xấu” trong cơ thể. Những chất béo này đã được các nhà khoa học liên kết với bệnh tim mạch, béo phì và ung thư.
Sữa Đậu Nành
Tương tự như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành có hàm lượng chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa cao hơn so với chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa có trong sữa bò góp phần làm tăng cholesterol và các bệnh về tim mạch.
Sữa đậu nành là loại sữa thay thế duy nhất có chứa cùng một lượng protein như sữa bò cũng như chất béo lành mạnh. Sữa đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với sữa bò.
Ngoài đặc tính thuần chay và không chứa cholesterol tự nhiên, sữa đậu nành còn chứa isoflavone. Nghiên cứu cho thấy rằng isoflavone là chất chống oxy hóa, có thể giảm viêm trong cơ thể và cũng có thể sở hữu đặc tính chống ung thư.
Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia cho biết rằng bổ sung protein đậu nành mỗi ngày có thể làm giảm cholesterol LDL.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giá Trị Dinh Dưỡng
Bảng sau đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ so sánh hàm lượng dinh dưỡng của 100 gam (g) sữa hạnh nhân và sữa đậu nành tính bằng gam (g), miligam (mg) và đơn vị quốc tế (IU):
100 G SỮA ĐẬU NÀNH | 100 G SỮA HẠNH NHÂN | |
Calo | 38 | 15 |
Dinh Dưỡng Đa Lượng | ||
Chất đạm | 3.55 g | 1.11 g |
Tổng số chất béo | 1.88 g | 1.22 g |
Cacbohydrat | 1.29 g | 0.34 g |
Chất xơ | < 0.45 g | < 0.45 g |
Đường | 0.56 g | 0 g |
Khoáng Chất | ||
Canxi | 101 mg | 173 mg |
Sắt | 0.54 mg | 0.29 mg |
Magie | 21.5 mg | 6.8 mg |
Phốt pho | 69 mg | 30 mg |
Kali | 158 mg | 31 mg |
Natri | 34 mg | 60 mg |
Vitamin | ||
Riboflavin | 0084 mg | 0.033 mg |
Vitamin A | 58 microgam | 41 microgam |
Vitamin D | 27.2 IU | 37.1 IU |
Hàm lượng dinh dưỡng của các nhãn hiệu sữa hạnh nhân và sữa đậu nành là khác nhau. Một số đã được thêm đường, muối và chất bảo quản. Những chất phụ gia này có thể thay đổi thành phần carbohydrate và calo của chúng.
Hầu hết các loại sữa thay thế từ thực vật đều có thêm canxi và vitamin D để mô phỏng thành phần của sữa bò.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Công Dụng của Sữa Hạnh Nhân và Sữa Đậu Nành
Mọi người có thể sử dụng đậu nành và sữa hạnh nhân theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người sử dụng chúng trực tiếp thay cho sữa trong ngũ cốc, bột yến mạch, cà phê, trà và sinh tố. Chúng cũng thường được dùng để thay thế cho một ly sữa bò.
Có người cho rằng hương vị của sữa hạnh nhân dễ uống hơn sữa đậu nành. Trong một số trường hợp, hương vị của sữa đậu nành có thể nổi bật hơn sữa hạnh nhân trong một số loại ngũ cốc, đồ uống và công thức nấu ăn.
Nhiều người có thể thay sữa thông thường bằng sữa hạnh nhân, hoặc sữa đậu nành khi làm bánh. Hàm lượng chất béo của các loại sữa này thấp hơn sữa bò có thể làm sáng công thức làm bánh mà không ảnh hưởng đến hương vị.
Ngoài ra, sữa thực vật cũng có thể thay đổi độ đặc của bánh nướng và mọi người có thể cần phải thêm một lượng lớn sữa vào trong công thức chế biến.
Có thể bạn quan tâm: Bơ hạnh nhân và bơ đậu phộng: Đâu là loại bơ hạt tốt nhất?
Nhược Điểm
Bên cạnh những lợi ích của sữa đậu nành và sữa hạnh nhân, mọi người cũng có thể muốn tìm hiểu thêm về những nhược điểm của chúng.
Sữa Hạnh Nhân
Sữa hạnh nhân ít calo và protein hơn sữa bò và sữa đậu nành. Khi thay thế sữa bò bằng sữa hạnh nhân, mọi người nên bổ sung thêm lượng calo, protein và vitamin bị thiếu hụt bằng nhiều nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác.
Carrageenan được sử dụng để làm đặc một số loại sữa hạnh nhân và nhiều sản phẩm thay thế không chứa sữa khác. Carrageenan có một số tác dụng phụ, phổ biến nhất là khó tiêu, loét và viêm. Bạn có thể tự làm sữa hạnh nhân tại nhà để giảm thiểu việc hấp thu những chất có hại này.
Sữa hạnh nhân có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, tương tự như phản ứng dị ứng do protein trong sữa bò gây ra, vì vậy những người này cần tránh sử dụng loại sữa này.
Sữa Đậu Nành
Mặc dù thực tế là sữa đậu nành có chứa protein, nhưng nhiều nhãn hiệu lại thiếu methionine, một loại axit amin cần thiết, do quá trình sản xuất. Có thể mọi người cần bổ sung loại axit amin này từ những nguồn thực phẩm khác trong chế độ ăn uống.
Sữa đậu nành có thể không phải là lựa chọn thay thế phù hợp cho sữa bò nếu một người không bổ sung đủ methionine, canxi và vitamin D. Cũng như sữa hạnh nhân, một số người có thể bị dị ứng với đậu nành và cần tránh sữa đậu nành.
Sữa đậu nành có chứa các hợp chất mà một số người gọi là chất phản dinh dưỡng. Những chất kháng dinh dưỡng tự nhiên này có thể ức chế khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể và cản trở quá trình tiêu hóa protein và carbohydrate.
Sau đây là những chất kháng dinh dưỡng có trong đậu nành:
- Chất ức chế trypsin
- Lectins
- Axit phytic
- Oligosacarit không tiêu
Đậu nành có thể có ít chất kháng dinh dưỡng hơn và có giá trị dinh dưỡng cao hơn nếu chúng được thông qua nhiều quy trình sản xuất khác nhau. Những quy trình này đòi hỏi nhiều lao động, chi phí và nỗ lực.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tác Động Môi Trường
Ngành công nghiệp sản xuất sữa hạnh nhân có thể gây tổn hại cho môi trường.
Hạnh nhân là loại cây trồng có nhu cầu nước cao. Văn phòng Bền vững tại Đại học California San Francisco cho biết 16 quả hạnh nhân phải cần đến 15 gallon nước để sản xuất.
California là nơi sản xuất khoảng 80% sản lượng hạnh nhân trên thế giới. Ở khu vực bị hạn hán này, nhu cầu tưới tiêu ngày càng tăng của các trang trại này có thể gây ra những tác động môi trường lâu dài.
Để trồng được hạnh nhân và đậu nành, họ buộc phải dùng đến thuốc trừ sâu. Khảo sát Sử dụng Hóa chất Nông nghiệp năm 2017 nhấn mạnh đến thuốc trừ sâu được sử dụng trên đậu tương. Những chất diệt cỏ này có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và làm tăng độc tính của nước uống.
Những Loại Sữa Thuần Chay Khác Có Thể Thay Thế Cho Sữa Bò
Ngày nay, người tiêu dùng có thể chọn từ nhiều sản phẩm thay thế sữa không đường. Ngoài sữa hạnh nhân và sữa đậu nành, sau đây là một số loại thực phẩm thuần chay khác mà mọi người có thể chế biến thành đồ uống không chứa đường tự nhiên:
- Gạo
- Hạt điều
- Dừa
- Hạt gai dầu
- Yến mạch
- Hạt lanh
- Hạt phỉ
- Hạt mắc ca
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Hạnh nhân và sữa đậu nành là hai loại sữa thuần chay phổ biến có thể thay thế cho sữa bò. Chúng có thành phần dinh dưỡng và lợi ích khác nhau đối với sức khỏe con người.
Sữa đậu nành được bổ sung vitamin và khoáng chất. Đây là loại sữa gần giống với sữa bò nhất, mặc dù hương vị của nó không phải ai cũng thích. Tự làm các loại sữa có nguồn gốc từ thực vật có thể là một giải pháp thay thế bền bỉ nếu bạn sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn từ hữu cơ.
Những người muốn thay thế sữa bò bằng các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ thực vật nên tìm hiểu về lượng calo, chất dinh dưỡng đa lượng, khoáng chất và vitamin có thể bị thiếu hụt và hãy cố gắng bù đắp chúng bằng nhiều nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác vào chế độ ăn uống của mình.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê