Hiện nay có nhiều loại sữa hơn bao giờ hết, giúp bạn linh hoạt hơn trong việc lựa chọn loại sữa yêu thích cho món ngũ cốc hoặc dùng làm bữa ăn nhẹ lúc nửa đêm. Tuy nhiên, những loại sữa mới hơn có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe tim mạch của những người có lượng cholesterol cao?
Ví dụ, sữa bò truyền thống chứa nhiều canxi cùng vitamin A và D, tất cả đều có lợi cho tim mạch và sức khỏe tổng thể của bạn. Mặc dù uống sữa có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng chất béo bão hòa và cholesterol có trong sữa nguyên chất (và thậm chí 2% sữa) có thể bị mất đi.
Khi cố gắng đạt được mức cholesterol khỏe mạnh, bạn nên hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa.
Nếu bạn đang theo dõi lượng cholesterol của mình, không dung nạp đường sữa, ăn thuần chay hoặc dị ứng với một số loại protein trong sữa bò; hoặc nếu bạn chỉ đơn giản là thích một thứ gì khác ngoài sữa bò, thì các loại sữa thay thế có thể mang lại những lợi ích dinh dưỡng tương tự.
Deborah Krivitsky, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng kí có trụ sở tại Boston, cho biết: “Bên cạnh niềm tin về sức khỏe, mọi người thường chọn sữa dựa trên khả năng dung nạp và hương vị. Mỗi loại sữa đều có ưu và nhược điểm riêng.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sữa Bò Hữu Cơ: Giàu Protein, Nhưng Có Hại Cho Cholesterol
1 cốc hoặc 8 ounce (oz), sữa bò nguyên chất chứa khoảng 160 calo, 5 gam (g) chất béo bão hòa và 35 miligam (mg) cholesterol. Krivitsky giải thích rằng:
“Đây là một nguồn protein và chất dinh dưỡng tuyệt vời, chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đồng thời cung cấp 1/3 lượng canxi khuyến nghị hàng ngày. Sữa bò cũng chứa kali, có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp (cao huyết áp).”
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố trên Food Science & Nutrition, bò sữa ăn cỏ sản xuất sữa có hàm lượng omega-3 tối đa so với những con bò khác, điều này rất quan trọng vì omega-3 giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên theo John Day, bác sĩ dinh dưỡng và tim mạch tại Đại học Utah ở Thành phố Salt Lake: “Tiêu thụ quá nhiều sữa giàu chất béo sẽ làm tăng lượng cholesterol của bạn.”
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng cholesterol LDL (“xấu”), từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Nếu bạn uống sữa bò, hầu hết các bác sĩ đều khuyên dùng loại ít béo hoặc không béo. Một cốc sữa tách béo có khoảng 83 calo, 0 g chất béo bão hòa và chỉ có 5 mg cholesterol.
Sữa Bò Tươi: Một Sản Phẩm Thay Thế Tốt Cho Sữa Bò Hữu Cơ, Nhưng Có Rủi Ro Cao
Cân nhắc chuyển sang dùng sữa bò tươi, còn được gọi là sữa chưa tiệt trùng. Nó có cùng lượng calo, chất béo bão hòa và cholesterol như sữa bò thông thường.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và trẻ em cần tránh uống sữa tươi và tiêu thụ các sản phẩm từ sữa như phô mai làm từ sữa tươi, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ.
Vì sữa tươi không trải qua quá trình thanh trùng để tiêu diệt những vi khuẩn có khả năng gây nguy hiểm, chẳng hạn như salmonella, listeria và E. coli, nên những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm cao hơn.
Có thể bạn quan tâm: Những Loại Sữa Thực Vật Giàu Dinh Dưỡng Có Thể Thay Thế Cho Sữa Bò
Uống sữa bò tươi có nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sữa Đậu Nành: Không Chứa Cholesterol, Nhưng Có Thể Thiếu Canxi
Sữa đậu nành nguyên chất, nguyên vị chỉ có 80 calo và 2 gam chất béo trong mỗi khẩu phần 1 cốc, là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho những người đang theo dõi lượng cholesterol hoặc những người không dung nạp được đường sữa có trong sữa.
Do nguồn gốc của sữa đậu nành là thực vật, nên không có cholesterol và chỉ chứa một lượng chất béo bão hòa không đáng kể. Sữa đậu nành cũng chứa 7 g protein mỗi khẩu phần, rất tốt cho chế độ ăn uống chú trọng sức khỏe tim mạch.
Theo Viện Y tế Quốc gia, 25 g protein đậu nành mỗi ngày, chẳng hạn như protein có trong sữa đậu nành và đậu phụ, cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Điều này có thể không chỉ do protein mà còn do hàm lượng cao chất béo không bão hòa đa, khoáng chất, vitamin và chất xơ của đậu nành, cũng như hàm lượng chất béo bão hòa thấp.
Tuy nhiên theo Krivitsky: “Điều quan trọng là phải xem kỹ nhãn mác để biết bạn đang mua gì, hãy chắc chắn rằng sản phẩm bạn mua không có thêm đường và nó được bổ sung canxi.”
Sữa Hạnh Nhân: Không Có Cholesterol, Nhưng Ít Protein
Theo bác sĩ tim mạch Tiến sĩ Day: “Hạnh nhân rất tốt cho tim và tôi thường khuyên bệnh nhân tim mạch của mình nên uống sữa hạnh nhân. Sữa hạnh nhân không đường chứa từ 30 đến 40 calo mỗi cốc và không có chất béo bão hòa.”
Vì là sữa có nguồn gốc từ thực vật nên nó cũng không chứa cholesterol. Một số nhãn hiệu chứa nhiều canxi hơn tới 50% và chứa cùng một lượng vitamin D như sữa bò tách béo.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, sữa hạnh nhân cũng chứa axit béo không bão hòa đa, có thể giúp giảm cholesterol LDL và duy trì các tế bào trong cơ thể bạn.
Thật không may, sữa hạnh nhân cũng có hàm lượng protein thấp hơn sữa bò và nhiều loại sữa thay thế khác, khiến nó trở thành một lựa chọn ít được ưa chuộng hơn.
Day khuyên bạn nên uống sữa hạnh nhân nguyên chất để duy trì một trái tim khỏe mạnh. Theo ông: “Vấn đề lớn nhất với các loại sữa thay thế là phần lớn chúng được làm ngọt. Bất kỳ hình thức thêm đường nào cũng có hại cho tim.”
Sữa hạnh nhân không đường là sự lựa chọn tốt cho tim mạch, vì nó không chứa cholesterol.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sữa Yến Mạch: Không Chứa Gluten, Nhưng Nhiều Carbohydrate
Sữa yến mạch là một trong những lựa chọn mới nổi trên thị trường. Được làm bằng cách kết hợp yến mạch với nước và xay thành một hỗn hợp mịn và đặc, 1 cốc sữa yến mạch chứa khoảng 80 calo và giống như nhiều loại sữa thực vật khác, nó không chứa chất béo bão hòa hay cholesterol.
Ngoài ra, sữa yến mạch có hàm lượng vitamin B cao hơn, giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Mặc dù điều này giúp cải thiện cholesterol và sức khỏe tim mạch, nhưng sữa yến mạch có lượng đường carbohydrate cao hơn so với nhiều loại sữa thay thế khác, có thể làm tăng lượng đường trong máu và có thể khiến người tiêu dùng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Sữa Gai Dầu: Không Chứa Cholesterol và Giàu Magiê
Sữa gai dầu có nguồn gốc từ hạt của cây gai dầu (cần sa), nhưng nó không chứa THC, thành phần kích thích thần kinh có trong marijuana, một loại cần sa khác.
Với hương vị và độ sánh tương tự như sữa hạnh nhân, sữa gai dầu là một lựa chọn tốt nếu bạn đang theo dõi lượng cholesterol của mình, không dung nạp đường sữa hoặc bị dị ứng sữa, đậu nành. Một cốc sữa gai dầu chứa 80 calo, 0.5 gam chất béo bão hòa và không có cholesterol.
Axit alpha-linolenic là một axit béo omega-3 tốt cho tim có nhiều trong sữa gai dầu. Nó cũng là một nguồn canxi và magiê tuyệt vời, cả hai đều cần thiết cho sức khỏe tim mạch.
Thiếu magiê có thể gây rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) như rung tâm nhĩ. Magiê giúp tim duy trì nhịp tim ổn định.
Sữa gai dầu không chứa cholesterol và giàu axit béo omega-3, một lựa chọn tốt cho tim mạch.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sữa Dừa: Tốt Cho Sức Khỏe, Nhưng Chưa Được Kiểm Chứng
Loại sữa này giúp bổ sung vị ngọt tự nhiên cho cà phê, bột yến mạch hoặc ngũ cốc của bạn. Nó chỉ chứa 45 calo trong một ly 8 oz và không có cholesterol.
Một cốc nước giải khát sữa dừa nguyên chất chứa 4 gam chất béo bão hòa, nhưng phần lớn chất béo này được tạo thành từ axit béo chuỗi trung bình, có thể có một số lợi ích đối với sức khỏe.
Day nói: “Có một số người ăn nhiều dừa, nhưng họ lại không bị mắc bệnh tim.” Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để kết luận rằng dừa và nước cốt dừa là lựa chọn tốt cho tim mạch khi bạn có lượng cholesterol cao.
Theo Lavinia Butuza, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng kí tại Sacramento, California: “Kết luận cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Hiện tại, những bệnh nhân tim mạch cần phải cẩn thận với bất cứ món gì có dừa và hãy xem tất cả những dạng chất béo bão hòa đều như nhau.”
Sữa Gạo: Không Có Cholesterol, Rất Ít Protein
Sữa gạo là một loại sữa có nguồn gốc thực vật giàu canxi như sữa bò. Một cốc sữa gạo có 113 calo (chỉ nhiều hơn 30 calo so với một cốc sữa bò tách béo).
Giống như sữa yến mạch, sữa gạo không chứa chất béo bão hòa hoặc cholesterol, nhưng nó vốn có hàm lượng carbohydrate cao hơn. Sữa gạo cũng rất ít protein, vì vậy nếu bạn uống sữa gạo, hãy đảm bảo rằng bạn đang nhận đủ protein từ nhiều nguồn thực phẩm khác trong chế độ ăn uống.
Butuza nói: “Protein có liên quan đến chế độ ăn uống chú trọng sức khỏe tim mạch. Nếu bạn không bổ sung đủ protein, bạn có thể nạp vào cơ thể quá nhiều carbohydrate, điều này có thể góp phần làm tăng lượng cholesterol có hại.”
Sữa gạo không chứa cholesterol và có nhiều carbohydrate, nhưng lại ít protein.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Sữa Dê: Ít Tiềm Năng Hơn Sữa Bò
Nếu bạn muốn một loại đồ uống có thành phần dinh dưỡng tương tự như sữa bò nguyên chất nhưng không tiêu hóa được đường sữa, sữa dê có thể là một lựa chọn thay thế phù hợp. Mặt khác, một cốc sữa dê có lượng calo cao (168), chất béo bão hòa (6.5 g) và cholesterol (27 mg).
Theo Mayo Clinic, hạn chế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nồng độ cholesterol trong máu quá cao có thể góp phần gây xơ vữa động mạch, một tình trạng làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Butuza lưu ý rằng rất khó để tìm được loại sữa dê ít béo và nó chứa ít vitamin và khoáng chất thiết yếu hơn sữa bò. Butuza nói: “Có rất ít folate và vitamin B12 trong sữa dê. Tiêu thụ thực phẩm chưa qua chế biến có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, trừ khi chú dê của bạn được chăn thả tự nhiên.”
Sữa Lạc Đà: Khó Tìm Nhưng Giàu Vitamin
Sữa lạc đà là xu hướng mới nhất có ảnh hưởng đến thị trường sữa. Một ly 8 oz chứa 107 calo, 3 g chất béo bão hòa và 17 g cholesterol. Loại sữa thay thế này rất giàu vitamin và khoáng chất.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Sinh học Ả Rập Xê Út vào tháng 5 năm 2021, sữa lạc đà chứa lượng vitamin C cao gấp 3 đến 5 lần so với sữa bò và có đặc tính chống bệnh tiểu đường do chứa nhiều vitamin C, insulin và protein giống như insulin trong sữa.
Ngoài ra, nó là một loại men vi sinh tự nhiên có thể tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
Loại sữa này vẫn còn khan hiến và đắt tiền ở Hoa Kỳ. Krivitsky nói: “Đây là điều cần chú ý và nó phải được thanh trùng. Sữa lạc đà có thể là một trong những nguồn thực phẩm từ động vật có chứa virus corona MERS ở Trung Đông, nên thận trọng.”
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê