Một số người có thể gặp tác dụng phụ do ăn quá nhiều hạt Chia. Chúng có thể bao gồm nhiều rối loạn về tiêu hóa, dị ứng hoặc tăng cân. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, hạt Chia lại là một phương án bổ sung phù hợp và bổ dưỡng trong một chế độ ăn uống lành mạnh.
Hạt Chia là loại hạt ăn được có nguồn gốc từ một loại cây thuộc họ Bạc hà, được gọi là Salvia Hispanica. Những hạt nhỏ màu đen này là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu axit béo omega-3 và các hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng khác.
Ăn hạt Chia có thể mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là giảm huyết áp, tiêu viêm và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, một số người có thể gặp tác dụng phụ nếu họ ăn quá nhiều hạt Chia, kể cả những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và dị ứng. Ngoài ra, nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và nếu có người ăn quá nhiều, họ có thể bị tăng cân.
Nội dung tiếp theo sẽ đề cập đến những tác dụng phụ và nguy cơ của việc ăn quá nhiều hạt Chia, cũng như những lợi ích sức khỏe và các lựa chọn thay thế cho loại thực phẩm này.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rủi Ro Khi Ăn Quá Nhiều Hạt Chia
Những người bị dị ứng, tiểu đường, cao huyết áp hoặc khó tiêu hóa có thể bị tác dụng phụ khi ăn, hoặc ăn quá nhiều hạt Chia.
Dị Ứng
Trong các tài liệu khoa học, tương đối ít trường hợp bị dị ứng với hạt Chia được ghi nhận. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 đã xác định được trường hợp dị ứng hạt Chia đầu tiên. Tuy nhiên, trường hợp được đề cập lại có tiền sử dị ứng với phấn hoa và lông mèo.
Người này bắt đầu ăn hạt Chia mỗi ngày trong nỗ lực làm giảm lượng cholesterol trong máu. Sau ba ngày, họ đã bị sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, từ đó họ đã bình phục.
Đã có một số trường hợp được ghi nhận về phản ứng quá mẫn cảm với các loài cây có cùng một họ thực vật. Những phản ứng này bao gồm sốc phản vệ, viêm da tiếp xúc và dị ứng toàn thân.
Những ai bị dị ứng mè (vừng) có thể gặp phản ứng chéo với hạt Chia. Điều này có nghĩa là những người bị dị ứng với mè có thể bị phản ứng dị ứng sau khi ăn hạt Chia.
Bệnh Tiểu Đường
Hạt Chia có thể làm giảm lượng đường trong máu vì chúng có chứa hàm lượng chất xơ cao. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường trong ruột, giúp ngăn ngừa đường huyết gia tăng nhanh chóng và đột ngột.
Để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng và giảm xuống thấp, bác sĩ sẽ xác định liều lượng insulin chính xác cho bệnh nhân tiểu đường. Việc sử dụng hạt Chia thường xuyên có thể làm giảm lượng đường trong máu của một người đến mức họ cần phải thay đổi liều lượng insulin của mình.
Cao Huyết Áp
Hạt Chia cũng có thể làm giảm huyết áp. Điều này có thể là do những hạt nhỏ bé này là một nguồn giàu axit béo omega-3, hoạt động như một chất chống đông máu và giảm huyết áp. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác minh những giả thuyết này.
Có thể bạn quan tâm: 15 Loại Thực Phẩm Có Lợi Cho Người Cao Huyết Áp
Rối Loạn Tiêu Hóa
Hạt Chia rất giàu dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020, lớp vỏ thô ráp của chúng có thể khiến cơ thể khó phân hủy, giải phóng và tiêu hóa chúng hơn. Tuy nhiên, điều này luôn đúng với hầu hết các loại hạt.
Để dễ tiêu hóa, mọi người nên thường xuyên ngâm hạt Chia trong nước trước khi ăn, hoặc uống kèm với nước trong khi dùng. Bột hạt Chia xay nhuyễn cũng là một giải pháp thay thế tốt cho hạt nguyên hạt, vì cơ thể có khả năng hấp thụ tốt hơn tất cả những lợi ích dinh dưỡng từ hạt.
Trên thị trường cũng có sẵn loại hạt Chia đã nảy mầm. Ăn hạt ở dạng nảy mầm còn giúp tăng cường hàm lượng protein và canxi sẵn có của chúng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Sức Khỏe Của Hạt Chia
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hạt Chia có chứa các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và đa lượng. Carbohydrate, protein, chất xơ và chất béo là những chất dinh dưỡng đa lượng phổ biến nhất. Hạt Chia có thành phần giàu chất dinh dưỡng bao gồm:
- 15 – 25% protein
- 15 – 35% chất béo
- 18 – 35% chất xơ
- 18 – 31% carbohydrate
Chúng cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và nhiều khoáng chất thiết yếu khác. Hạt Chia rất giàu axit béo omega-3 và omega-6. Do cơ thể không thể tự tổng hợp được những dưỡng chất này, mọi người cần phải bổ sung những thành phần thiết yếu này vào chế độ ăn uống.
Một số lợi ích sức khỏe của hạt Chia gồm có cải thiện lượng đường trong máu và hạ huyết áp.
Trong một thử nghiệm năm 2018, các nhà khoa học đã cho chuột ăn một chế độ có 10% hạt Chia trong 13 tháng. Khi kết thúc thử nghiệm, họ phát hiện ra rằng những con chuột này có hàm lượng khoáng chất trong xương cao hơn và cải thiện được cấu trúc của tế bào gan và mô ruột.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng thử nghiệm trên động vật không phải lúc nào cũng áp dụng cho con người. Cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn những tác động có thể có của hạt Chia.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Nguyên Liệu Có Thể Thay Thế Hạt Chia
Rau củ, các loại đậu, hạt, trái cây và ngũ cốc đều là những lựa chọn thay thế hạt Chia rất giàu chất xơ. Cá là một nguồn thay thế axit béo omega-3 tuyệt vời cho những người muốn tăng cường axit béo trong chế độ ăn uống của họ. Dưới đây là một số loại hạt dinh dưỡng bổ sung:
- Hạt lanh
- Hạt hướng dương
- Hạt gai dầu
- Hạt mè (vừng)
- Hạt bí ngô
Đặc biệt, hạt lanh có rất nhiều công dụng giống với hạt Chia, nhưng nó cũng rất khó tiêu nếu không được xay nhuyễn. Ngoài ra, hạt lanh còn chứa lignans, một hợp chất hóa học tự nhiên. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, lignans có khả năng bảo vệ ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt và ức chế sự tiến triển của khối u ung thư vú.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Hạt Chia có thể gây ra tác dụng phụ ở những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tăng cân.
Tuy nhiên, ăn hạt Chia vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện lượng đường trong máu, nồng độ trong máu cao hơn, giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tiêu hóa. Hạt Chia cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần.
Những giải pháp thay thế hạt Chia gồm có các loại thực phẩm giàu chất xơ khác như rau, các loại đậu, hạt, trái cây và ngũ cốc. Hạt lanh cũng là một nguyên liệu thay thế tốt cho hạt Chia vì nó có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tương tự.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê