Chế độ thải độc bằng giấm táo là gì?

5
(1)

Trong những năm gần đây, chế độ ăn uống thải độc ngày càng phổ biến. Giấm táo là một ví dụ về chế độ ăn kiêng này. Nó là một loại giấm có màu hổ phách được làm từ nước táo hoặc rượu táo.

Những người tin vào chế độ thải độc này đã khẳng định rằng nó có thể hỗ trợ giảm cân, loại bỏ độc tố và kiểm soát lượng đường trong máu. Mặc dù có khá nhiều câu chuyện truyền miệng có thật, tuy nhiên vẫn rất ít bằng chứng khoa học xác minh cho những khẳng định này.

Ở nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về chế độ thải độc bằng giấm táo, cách áp dụng chế độ ăn kiêng, cũng như một số tác dụng phụ tiềm ẩn mà một người có thể gặp phải.

Sơ Lược về Chế Độ Thải Độc Bằng Giấm Táo:

  • Có rất ít bằng chứng công nhận rằng bất kỳ loại “detox” nào cũng có thể thải độc cho cơ thể.
  • Một phương pháp thải độc giấm táo cơ bản đòi hỏi phải uống giấm đến ba lần mỗi ngày.
  • Trải nghiệm chế độ thải độc này trong thời gian ngắn có thể an toàn cho hầu hết mọi người.

detox diet concept tiny characters cooking drinking smoothies fresh organic fruits vegetables health | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Lợi Ích Của Chế Độ Thải Độc Bằng Giấm Táo

Những người ủng hộ chế độ này nói rằng, sử dụng giấm táo hàng ngày hoặc kết hợp nó như một phần của quá trình thải độc bằng giấm táo chuyên dụng, có những ưu điểm sau:

  • Hỗ trợ giảm cân
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Cân bằng độ Ph của cơ thể
  • Điều chỉnh lượng đường huyết
  • Giảm cholesterol tăng cao
  • Cải thiện đường ruột
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch
  • Cung cấp men vi sinh (lợi khuẩn) cho đường ruột
  • Hỗ trợ đào thải độc tố
  • Chữa bệnh ngoài da
  • Bổ sung enzym cho cơ thể

Một số người có thể thực hiện quá trình thải độc bằng giấm táo để bắt đầu một lối sống lành mạnh hơn với một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên hơn.

Có một số lợi ích có thể được đưa ra về giấm táo, một trong số đó là nó có thể hỗ trợ giảm cân.

Có một số lợi ích có thể được đưa ra về giấm táo, một trong số đó là nó có thể hỗ trợ giảm cân.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Có Bất Kỳ Bằng Chứng Khoa Học Nào Hay Không?

Cơ thể có hệ thống thải độc riêng, gồm có thận và gan, cho phép đào thải chất độc một cách hiệu quả. Ngoài ra, một số loại thực phẩm và đồ uống mà chúng ta tiêu thụ cũng có thể hỗ trợ hoặc cản trở quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể.

Dưới đây là tóm tắt những nghiên cứu hiện có về giấm táo.

Hỗ Trợ Quá Trình Giảm Cân

Một nghiên cứu từ năm 2009 của Nhật Bản cho thấy rằng sử dụng giấm táo có thể hỗ trợ giảm cân trên động vật. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu nó có tác dụng tương tự ở người hay không.

Một nghiên cứu từ năm 2007 có thể hỗ trợ giải thích bất kỳ tác dụng giảm cân nào liên quan đến việc sử dụng giấm táo. Trong nghiên cứu, 10 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 đã được dùng bánh pudding với một cốc nước hoặc nước có chứa 2 muỗng canh (tbsp) giấm táo.

Nhóm được dùng giấm táo có tốc độ làm rỗng dạ dày chậm hơn (tốc độ thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non). Điều này có thể giúp mọi người cảm thấy no lâu hơn và làm giảm tổng lượng thức ăn nạp vào, từ đó giúp hỗ trợ quá trình giảm cân.

Tác Động Đến Cholesterol

Nghiên cứu năm 2009 được đề cập ở trên cũng theo dõi lượng cholesterol và chất béo trung tính. Triglyceride là một loại axit béo được tìm thấy trong máu. Kể từ tuần thử nghiệm thứ tư, chất béo trung tính trên động vật đã giảm; tuy nhiên, đây có thể là kết quả tự nhiên của quá trình giảm cân.

Nghiên cứu về cholesterol và giấm táo ở người vẫn còn rất hạn chế. Một nghiên cứu của Iran cho thấy giấm táo có thể làm giảm cholesterol LDL (có hại), cholesterol toàn phần và chất béo trung tính ở những người có lượng cholesterol cao. Tuy nhiên, số lượng người được nghiên cứu còn khá ít nên cần có nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để xác nhận những phát hiện này.

Kiểm Soát Lượng Đường Trong Máu

Uống giấm táo với thức ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết. Thông thường, một bữa ăn nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường huyết tăng đột biến. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu cho những bệnh nhân tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc không mắc bệnh tiểu đường uống ít hơn 1 ounce (oz) giấm táo với một bữa ăn nhiều carbs, kết quả cho thấy cả ba nhóm đều có lượng đường huyết ổn định hơn so với những người dùng giả dược.

Một nghiên cứu khác được thực hiện trên những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã kiểm tra tác động của giấm táo đối với lượng đường huyết khi họ ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Những người dùng 2 thìa giấm táo với phô mai đã giảm đáng kể lượng đường trong máu khi thức dậy. Nhóm nghiên cứu tin rằng axit axetic trong giấm đã giúp trì hoãn tốc độ cơ thể chuyển hóa carbs thành đường.

Có thể bạn quan tâm: Liệu Giấm táo Có Khả Năng Hỗ Trợ Điều Trị Ung Thư?

1 Depositphotos 304059236 ds 1024x682 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Cách Thải Độc Bằng Giấm Táo

Cách tốt nhất để thải độc bằng giấm táo là sử dụng giấm táo thô, chưa lọc vẫn còn “cái”. “Cái” có chứa một số enzym, khoáng chất và men vi sinh có thể có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể tự làm thức uống detox bằng giấm táo như sau:

  • 1 đến 2 muỗng canh giấm táo
  • 8 oz nước
  • Tùy chọn: thêm 1 đến 2 muỗng canh chất tạo ngọt tùy thích (thường là mật ong, siro phong hoặc Stevia)

Một số nguyên liệu khác có thể được thêm vào thức uống này gồm có:

  • Nước chanh
  • Nước táo
  • Ớt cayenne
  • Quế
  • Gừng

Có nhiều cách khác để kết hợp giấm táo vào chế độ ăn uống, chẳng hạn như:

  • Kết hợp với nước xốt salad
  • Xịt lên bỏng ngô
  • Kết hợp với sinh tố rau củ
  • Nêm vào món súp, hầm, …

Một số người có thể sử dụng giấm táo trong vài ngày, trong khi những người khác lại có thể dùng nó trong một tháng, sau đó lặp lại quá trình thải độc này vài lần trong một năm.

Nước chanh, nước táo và chất tạo ngọt có thể được sử dụng để làm thức uống thải độc từ giấm táo.

Nước chanh, nước táo và chất tạo ngọt có thể được sử dụng để làm thức uống thải độc từ giấm táo.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tác Dụng Phụ Tiềm Ẩn

Những người muốn sử dụng giấm táo nên nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn có liên quan.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của mọi người về giấm táo đó chính là tình trạng ăn mòn men răng. Để ngăn ngừa, hãy hạn chế số lượng giấm bạn dùng và luôn kết hợp nó với nước hoặc thức ăn. Có thể thận trọng hơn bằng cách dùng ống hút khi uống và súc miệng với nước sau khi dùng.

Giấm táo có thể tương tác với một số loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và insulin. Những người dùng thuốc theo toa nên hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Cuối cùng, giấm táo có tính axit rất cao và có thể gây kích ứng cổ họng và dạ dày. Để phòng tránh, không sử dụng khi bụng đói. Nếu nó gây kích ứng cổ họng, hãy uống ngay một cốc nước.

Điều quan trọng cần nhớ là cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc sử dụng giấm táo thường xuyên là an toàn tuyệt đối.

Dùng ống hút có thể giúp ngăn ngừa tình trạng ăn mòn men răng.

Dùng ống hút có thể giúp ngăn ngừa tình trạng ăn mòn men răng.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Giấm táo là một loại thức uống phổ biến tốt cho sức khỏe và được nhiều người tin dùng nhờ hiệu quả của nó. Mặc dù phần lớn nghiên cứu đều cho thấy nó có tiềm năng kiểm soát đường huyết, sức khỏe tim mạch, phòng ngừa ung thư và tiêu diệt một số vi khuẩn gây hại; tuy nhiên, nhiều nghiên cứu vẫn còn rất nhỏ, chỉ được thực hiện trên động vật hoặc chưa được nhân rộng.

Dù vậy, với liều lượng dưới 2 muỗng canh mỗi ngày, giấm táo được xem như tương đối an toàn để thử. Tuy nhiên, hầu hết những chế độ thải độc bằng giấm táo thường đòi hỏi nhiều hơn thế. Bất cứ ai đang dùng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nên hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nhìn chung, cách tốt nhất để đạt được sức khỏe tối ưu là hướng đến một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ rau củ và nhiều loại thực vật khác, cũng như nói không với thực phẩm chế biến sẵn và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên hơn.


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 1

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.