Những người mắc chứng rối loạn lo âu căng thẳng có thể xem các biện pháp chữa trị bằng thảo dược như một giải pháp thay thế cho các loại thuốc kê đơn. Điều này có thể là do một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta và benzodiazepine, có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Trước khi tự ý giảm hoặc ngưng thuốc theo toa hay bắt đầu bổ sung bất kỳ loại thảo dược nào, mọi người cần tìm đến các bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn và hỗ trợ. Vì một số loại thảo mộc có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương kỵ với các loại thuốc khác.
Nội dung sau đây sẽ đề cập đến chín loại thảo mộc và thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ bạn giảm bớt lo âu và căng thẳng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Thảo Mộc Giúp Giảm Lo Âu Và Căng Thẳng
Ashwagandha (Nhân Sâm Ấn Độ)
Ashwagandha là một loại cây bụi thường mọc chủ yếu ở vùng Ấn Độ, Trung Đông và một phần của Châu Phi. Chúng nằm trong nhóm các loại thảo mộc được gọi là adaptogen. Nhóm chất này có ảnh hưởng đến hệ thống và hormone kiểm soát phản ứng căng thẳng của cơ thể.
Đây là một loại thảo mộc quan trọng trong nền y học Ayurvedic – một trong những hệ thống y tế lâu đời nhất trên thế giới nói chung và của Ấn Độ nói riêng. Một nghiên cứu lâm sàng nhỏ được thực hiện vào năm 2019 đã khám phá hiệu quả của ashwagandha đối với căng thẳng và lo lắng.
Nghiên cứu kéo dài 8 tuần liên quan đến 58 người tham gia với triệu chứng căng thẳng. Mỗi người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên một trong ba phương pháp điều trị gồm chiết xuất Ashwagandha ở dạng lỏng với 250 mg mỗi ngày, 600 mg mỗi ngày hoặc giả dược.
Nhóm người sử dụng Ashwagandha đã có nồng độ hormone cortisol thấp hơn so với nhóm dùng giả dược. Họ cũng nhận thấy chất lượng giấc ngủ được nâng cao.
Khi được cung cấp 600 mg Ashwagandha mỗi ngày, nhóm tham gia báo cáo rằng họ đã giảm căng thẳng đáng kể. Tuy nhiên, triệu chứng này lại không có dấu hiệu thuyên giảm ở những người sử dụng Ashwagandha ở liều lượng nhỏ.
60 người có triệu chứng lo âu nhẹ đã được cho uống 250 mg ashwagandha hoặc giả dược trong 60 ngày tại một thử nghiệm khác vào năm 2019. Những người dùng loại thảo mộc này cho thấy một số dấu hiệu lo lắng đã giảm đáng kể, nhưng ở những người khác thì không.
Ashwagandha có thể được dùng dưới dạng viên nang hoặc cồn thuốc dạng lỏng.
Ashwagandha có thể giúp giảm mức độ căng thẳng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hoa Cúc La Mã
Chamomile là một loại thảo mộc có hoa với hình dáng giống với hoa cúc. Có hai loại hoa cúc mà mọi người có thể sử dụng trong y học, đó chính là hoa cúc La Mã và hoa cúc Đức. Một số người sử dụng hoa cúc theo những cách sau để giảm bớt lo âu và căng thẳng:
- Trà
- Chiết xuất
- Viên nang
- Kem dưỡng da
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng năm 2016 đã nghiên cứu tính hiệu quả và an toàn của hoa cúc như một phương pháp điều trị lâu dài cho chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD).
Mỗi cá nhân trong số 93 người tham gia được sử dụng 1.500 mg hoa cúc mỗi ngày trong 12 tuần. Một số sau đó tiếp tục dùng hoa cúc trong 26 tuần tiếp theo, trong khi những người còn lại sẽ chuyển sang dùng giả dược.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tiếp tục dùng hoa cúc có nguy cơ tái phát các triệu chứng GAD không kém những người chuyển sang dùng giả dược. Tuy nhiên, khi tái phát, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đã giảm bớt.
Một số người có thể gặp phải các phản ứng dị ứng với hoa cúc, đặc biệt nếu họ nhạy cảm với các loại cây sau:
- Cỏ phấn hương
- Hoa cúc chi
- Cúc vạn thọ
- Cúc họa mi
Hoa cúc có thể tương kỵ với một số loại thuốc nhất định, đặc biệt là thuốc chống đông máu warfarin và thuốc chống thải ghép cyclosporine. Dù cho ai dùng bất kỳ loại thuốc nào thì họ vẫn nên hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà hoa cúc hoặc thực phẩm chức năng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cây Nữ Lang
Tên khoa học của cây nữ lang là Valeriana officinalis, chúng là một loài thực vật có nguồn gốc từ Châu Âu và Châu Á. Trong nhiều thế kỷ, con người đã sử dụng rễ cây này để hỗ trợ điều trị các rối loạn về giấc ngủ, lo âu và trầm cảm. Rễ cây nữ lang luôn có sẵn ở các dạng chế phẩm sau:
- Trà
- Viên nang
- Cồn thuốc
Cho đến nay, chỉ có một số ít nghiên cứu đạt chất lượng về tác dụng của cây nữ lang. Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH) chia sẻ rằng không có đủ bằng chứng để xác định liệu cây nữ lang có thể làm giảm bớt lo lắng hoặc trầm cảm hay không.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng loài cây này nói chung là an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia (NCCIH) lưu ý rằng không có thông tin về khả năng sử dụng lâu dài hoặc độ an toàn của chúng trong các nhóm sau đây:
- Phụ nữ mang thai
- Những mẹ cho con bú
- Trẻ em dưới 3 tuổi
Mọi người cũng nên biết rằng cây nữ lang có tác dụng an thần. Dùng chung loại thảo mộc này với rượu hoặc thuốc an thần sẽ làm tăng khả năng này và dẫn đến nguy hiểm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hoa Oải Hương
Hoa oải hương là một loài thực vật có hoa thuộc họ bạc hà. Nhiều người sử dụng hoa oải hương để giúp làm dịu thần kinh và giảm bớt lo lắng. Mọi người có thể sử dụng hoa oải hương theo những cách sau:
- Pha trà từ lá
- Sử dụng tinh dầu trong liệu pháp hương thơm
- Trộn tinh dầu vào dầu nền để xoa bóp
- Thêm tinh dầu hoặc hoa vào nước tắm
Terpenes là hợp chất được tìm thấy trong tinh dầu oải hương (LEO). Một bài đánh giá năm 2017 chỉ ra rằng hai trong số các tecpen này được gọi là linalool và linalyl axetat có thể có tác dụng làm dịu các thụ thể hóa học trong não.
Đánh giá cho thấy LEO có thể là một liệu pháp ngắn hạn thành công cho chứng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào về hậu quả lâu dài của LEO.
Có thể bạn quan tâm: Cây Xô Thơm Và Những Lợi Ích Về Mặt Sức Khỏe
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Galphimia Glauca (Cây Kim Đồng Vàng)
Galphimia glauca là một loài thực vật có nguồn gốc từ Mexico. Con người thời xa xưa đã sử dụng chúng như một loại thuốc an thần để giảm bớt chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD).
Một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện vào năm 2012 đã nghiên cứu hiệu quả của glauca như một liệu pháp điều trị GAD.
Trong 12 tuần, những người tham gia được dùng G. glauca hoặc lorazepam thuốc chống lo âu theo toa. Nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi họ trong 3 tuần nữa để kiểm tra các hội chứng cai nghiện.
Kết quả cho thấy những người được uống 0.17 mg liều G. glauca hàng ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm các triệu chứng GAD tốt hơn so với những người dùng lorazepam. Mỗi liệu pháp đều không xảy ra bất kỳ rủi ro nào.
Theo một đánh giá năm 2018, bằng chứng cho thấy G. glauca là một liệu pháp điều trị chứng lo âu đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn nguyên liệu thực vật phù hợp nên các cơ sở kinh doanh dược liệu chưa phát huy được tiềm năng của nó.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hoa Lạc Tiên
Hoa lạc tiên hay Passiflora là một họ thực vật với khoảng 550 loài khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy rằng một loài cụ thể, đó là P. Incnata có thể mang lại hiệu quả trong việc điều trị chứng hồi hộp, căng thẳng và lo âu.
Theo một đánh giá từ năm 2010 về các phương pháp điều trị bổ sung, một số bằng chứng cho thấy khả năng chống lo âu của P. Incnata có thể tương đương với tác dụng của thuốc benzodiazepine. Benzodiazepine là một nhóm thuốc mà bác sĩ có thể kê đơn để điều trị chứng lo âu. Mọi người có thể dùng P. incnata ở dạng viên nang hoặc cồn thuốc dạng lỏng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rễ Kava
Kava xuất phát từ rễ của cây Bụi (Piper methysticum) phát triển ở Nam Thái Bình Dương. Người dân nơi đây sử dụng kava trong một loại đồ uống nghi lễ nhằm giảm bớt căng thẳng và thay đổi tâm trạng.
Một nghiên cứu đối chứng với giả dược được thực hiện vào năm 2013 đã kiểm tra hiệu quả của kava như một liệu pháp điều trị GAD. Nghiên cứu kéo dài 6 tuần với 75 người tham gia. Mỗi người nhận được một trong ba phương pháp điều trị gồm chiết xuất kava với liều 120 mg hoặc 240 mg mỗi ngày, hoặc giả dược.
Nhóm được uống kava đã giảm đáng kể lo lắng so với nhóm dùng giả dược, điều này cho thấy rằng kava có thể là một liệu pháp ngắn hạn hiệu quả cho GAD. Nghiên cứu cũng kết luận rằng kava có thể an toàn để sử dụng.
Năm 2002, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cảnh báo rằng thực phẩm chức năng có chứa kava có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã lên tiếng rằng mối liên hệ giữa kava và tổn thương gan là không chắc chắn và các chuyên gia cần phải đánh giá lại nghiên cứu.
Mọi người có thể tìm mua kava ở dạng thực phẩm chức năng trên cửa hàng trực tuyến hoặc trong các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cannabidiol (CBD)
Cannabidiol là một trong những thành phần hoạt tính của cây cần sa. Nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy CBD có thể có tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương.
Mặc dù FDA hiện không chấp thuận việc sử dụng CBD, nhưng loại hợp chất tự nhiên này đang được phổ biến rộng rãi dưới các hình thức sau:
- Viên nang
- Dịch chiết xuất
- Tinh dầu vape
- Kem bôi
Nghiên cứu nói trên đã đánh giá xem liệu CBD có thể giúp điều trị chứng lo âu và rối loạn giấc ngủ hay không. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 103 người trưởng thành dùng CBD như một pháp điều trị bổ sung cho các chứng rối loạn về giấc ngủ và lo âu.
Trong số 72 người trưởng thành mà họ đưa vào mẫu cuối cùng, đã có 57 người giảm được chỉ số lo lắng trong tháng đầu tiên dùng CBD. Những chỉ số này vẫn thấp trong suốt 3 tháng nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng CBD có thể được điều trị cho những người bị rối loạn liên quan đến lo âu. Tuy nhiên, cần có thêm các cuộc điều tra lâm sàng để chứng thực những phát hiện này.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Thực Phẩm Chức Năng Có Thể Hỗ Trợ
Một số dạng thực phẩm chức năng khác có thể hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng lo âu gồm có:
- Kết hợp L-lysine và L-arginine: Các axit amin này có thể ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh não có liên quan đến căng thẳng và lo âu.
- Magiê: Dùng magiê kết hợp với các loại thảo mộc như kava và cây ban âu có thể giúp giảm bớt lo âu.
- Axit béo thiết yếu: Những chất này có thể làm giảm căng thẳng ở phụ nữ tiền mãn kinh, mang thai hoặc mãn kinh.
- Vitamin C giải phóng chậm ở liều cao: Phụ nữ dùng thực phẩm chức năng này có thể giảm thiểu lo lắng và huyết áp ít tăng vọt hơn khi gặp căng thẳng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cân Nhắc Về Mức Độ An Toàn
Nhiều loại thảo mộc có thể tương tác với thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn. Một số có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của một số loại thuốc, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trước khi bắt đầu bổ sung thảo dược, bất kỳ ai dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ. Họ cũng nên lưu ý rằng các liệu pháp thảo dược có thể mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng hơn so với thuốc kê đơn.
Nếu một người cần thêm thông tin về một sản phẩm thảo dược, họ nên đến gặp chuyên gia thảo dược có thẩm quyền về nhãn hiệu, hiệu lực và liều lượng.
Các phương pháp điều trị bằng thảo dược đều nằm ngoài tầm kiểm soát của FDA, vì vậy có nhiều lo ngại về độ rủi ro tiềm ẩn đối với các loại thảo dược bị gắn nhãn sai hoặc bị nhiễm kim loại nặng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Con người đã sử dụng nhiều loại thảo mộc trong hàng ngàn năm để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Theo nghiên cứu khoa học, một số loại thảo mộc có thể giúp giảm bớt lo âu và căng thẳng.
Cũng như thuốc kê đơn, chúng có thể gây ra tác dụng phụ. Ngoài ra, phương pháp điều trị bằng thảo dược có thể có tác dụng chậm hơn so với các loại thuốc thông thường. Khi cân nhắc giữa lợi ích và hạn chế của một phương pháp điều trị, bệnh nhân nên tính đến những khía cạnh này.
Một số loại cây và thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác nguy hiểm. Bất kỳ ai hiện đang dùng thuốc nên tìm đến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê