Nếu bạn thường thèm ngọt sau bữa ăn, không thể cưỡng lại món tráng miệng hoặc cần uống một ly cà phê có đường để lấy lại năng lượng vào buổi chiều, thì bạn không hề đơn độc.
Một nghiên cứu cho thấy 86% số người thèm ăn thường nghĩ đến những loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, đặc biệt là những món có chứa socola.
Tin tốt là tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng như giàu protein và chất xơ sẽ giúp bạn hạn chế được cảm giác thèm ăn những món có hại cho sức khỏe.
Dưới đây là một số thực phẩm có thể giúp hạn chế cảm giác thèm ngọt của bạn:
- Quả mọng
- Quả bơ
- Các loại hạt, chẳng hạn như hạt dẻ cười
- Các loại hạt như vừng (mè) và hạt chia
- Các loại đậu như đậu phộng, đậu lăng và đậu gà
Sau đây, chúng ta hãy cùng khám phá về những nghiên cứu chỉ ra lý do tại sao bạn lại thèm ngọt, cũng như một số nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường.
Bánh donut và nhiều loại đồ ngọt khác là nguồn thực phẩm phổ biến có chứa đường bổ sung.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tiêu Thụ Quá Nhiều Đường Gây Ảnh Hưởng Gì Đến Sức Khỏe?
Theo báo cáo của Sanford Health, mặc dù đường có thể làm thỏa mãn sở thích ăn ngọt và tinh thần của bạn, nhưng lượng đường trong máu tăng và giảm liên tục kèm theo thói quen ăn ngọt quá nhiều có thể gây ra vô số tác động tiêu cực như mệt mỏi, cáu kỉnh và căng thẳng lo âu, v.v.
Ngoài ra, lượng đường trong máu liên tục bị biến động cũng có thể góp phần làm tăng nhu cầu ăn ngọt. Dana Elia, bác sĩ dinh dưỡng lâm sàng và chủ sở hữu của Fusion Integrative Health and Wellness ở Lancaster, Pennsylvania, giải thích rằng:
“Khi tiêu thụ đường, bạn sẽ rơi vào tình trạng rối loạn điều hòa lượng đường trong máu, từ đó có thể kéo dài căng thẳng về thể chất và khiến bạn thèm ngọt nhiều hơn.”
Đường bổ sung, thứ mà người Mỹ có xu hướng ăn quá nhiều, có thể đặc biệt gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2016, tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, tiểu đường tuýp 2, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, suy giảm nhận thức và một số loại ung thư.
Hướng dẫn Chế độ ăn uống dành cho người Mỹ giai đoạn 2020 – 2025 của Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi người nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức tối đa 10% lượng calo hàng ngày.
Con số này tương đương với 200 calo hoặc 12 thìa cà phê (tsp) nếu bạn ăn 2.000 calo mỗi ngày. Ví dụ, một lon Coke chứa gần 10 thìa cà phê đường.
Có thể bạn quan tâm: 5 Lý Do Tại Sao Đường Có Hại Cho Sức Khỏe Của Bạn
Hãy tìm đến những món ăn tốt cho sức khỏe hơn để làm dịu cơn thèm ngọt của bạn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Yếu Tố Nào Khiến Bạn Thèm Ngọt?
Cảm giác thèm ngọt có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên với nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn:
Mất Nước
Tiến sĩ Elia lưu ý rằng trong nhiều trường hợp, cơn khát có thể bị nhầm lẫn với cảm giác đói hoặc thèm ăn. Thật vậy, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người hiểu sai tín hiệu đói và khát của cơ thể tới 62% thời gian. Ví dụ, họ ăn ngay cả khi chỉ thấy khát dù không đói lắm.
Chất Lượng Chế Độ Ăn Uống Kém
Thèm ngọt cũng có thể là do chế độ ăn uống kém. Ví dụ, tiêu thụ nhiều carbohydrate hơn so với protein và chất béo có lợi, hoặc nhiều carbohydrate tinh chế như những loại có trong thực phẩm chế biến sẵn, có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và thèm đồ ngọt, theo Elia.
Cô ấy nói: “Nếu bạn thèm thứ gì khác trong vòng 90 phút hoặc hai giờ sau bữa ăn, bạn muốn xem lại: Bạn vừa ăn gì và thiếu gì?”
Một bài báo đưa tin rằng cảm giác thèm đường có thể là do rối loạn sinh lý đường ruột, tức là sự mất cân bằng của vi khuẩn bên trong đường ruột hoặc sự phát triển quá mức của nấm men.
Một nghiên cứu trước đó cho thấy men vi sinh, prebiotic và cải thiện thói quen ăn uống có thể giúp điều chỉnh sự cân bằng của lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột và làm giảm cảm giác thèm ăn, mặc dù điều này vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn.
Elia nói: “Nếu bạn đang có một chế độ ăn chứa nhiều carbohydrate tinh chế, protein kém chất lượng theo tiêu chuẩn của Mỹ và nhiều chất béo bão hòa đã qua chế biến, kém chất lượng thì điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự đa dạng và sức khỏe của lượng vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn, điều này thực sự có thể dẫn đến cảm giác thèm ngọt.”
Thay Đổi Nội Tiết Tố
Estrogen, progesterone và estradiol (hoặc oestradiol) là những yếu tố nội tiết có liên quan đến cảm giác thèm ngọt ở phụ nữ.
Theo Endocrine Society, niêm mạc tử cung dày lên và trứng trưởng thành trong suốt chu kỳ kinh nguyệt do nồng độ estradiol tăng lên. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cảm giác thèm ăn tăng lên có liên quan đến nồng độ estradiol cao hơn.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí FASEB, những phụ nữ có nồng độ estradiol cao hơn trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt (sau khi rụng trứng) sẽ có xu hướng tiêu thụ những món chứa nhiều carbohydrate và tăng cảm giác thèm ngọt.
Elia giải thích: “Đó là lý do tại sao phụ nữ thường nói rằng họ cực kỳ thèm ăn socola trong kỳ kinh nguyệt.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Căng Thẳng
Cuối cùng, căng thẳng là một nguyên nhân khác gây ra cảm giác thèm ngọt. Theo nghiên cứu, căng thẳng mãn tính làm tăng đáng kể cảm giác thèm ăn, điều này có tác động mạnh mẽ đến chỉ số khối cơ thể (BMI) khi bạn tiêu thụ đồ ngọt.
Tiêu thụ đường có thể giúp tăng cường dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh thường được gọi là “hormone hạnh phúc” – khi mức độ cortisol, được gọi là hormone căng thẳng, tăng lên.
Tuy nhiên, như Elia đã giải thích trước đây, tiêu thụ quá nhiều đường có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt, làm tăng căng thẳng và tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Thiếu Hụt Chất Dinh Dưỡng
Elia cho biết, sự thiếu hụt một số khoáng chất như kẽm, crom, sắt, canxi và magiê cũng có thể dẫn đến cảm giác thèm ngọt.
Điều quan trọng là phải đặc biệt chú ý đến tình trạng thiếu hụt magiê. Nghiên cứu trước đây đã liên kết tình trạng thiếu magiê với tỷ lệ mắc chứng mất ngủ ngày càng tăng ở người cao tuổi; và một nghiên cứu khác cũng cho thấy có đến 50% dân số có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, một bài báo được đăng trên tạp chí Nutrients lưu ý rằng thiếu hụt magiê có liên quan đến mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm gia tăng, vốn đều là những tình trạng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần khiến bạn khó có được một giấc ngủ ngon.
Erin Palinski-Wade, chuyên gia dinh dưỡng và bệnh tiểu đường tại Franklin, New Jersey, giải thích rằng: “Khi không ngủ đủ giấc, chúng ta có xu hướng ăn quá nhiều và tìm đến những món ngọt đơn giản để có thể cung cấp năng lượng một cách nhanh chóng.”
Ngoài ra, Palinski-Wade cho biết có một lý do khác khiến tình trạng thiếu hụt magiê có thể gây ra cảm giác thèm ngọt, đó chính là khoáng chất này có vai trò chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Cô nói: “Vì vậy, khi cảm thấy uể oải và kiệt sức, bạn sẽ thèm những món có đường vì chúng có khả năng cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể.”
Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com
Dịch giả Trinh Lê