Mới đây, các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa các chế độ ăn kiêng và sự hiện diện của các chỉ số dấu ấn sinh học có lợi trong cơ thể. Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của chế độ ăn thuần chay.
Chế độ ăn chay và thuần chay đã dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Dù mọi người có thể chuyển sang chế độ ăn chú trọng thực vật vì nhiều lý do, nhưng lợi ích về mặt sức khỏe mới là động lực chính cho nhiều người.
Ví dụ, có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn ít thịt động vật có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già và tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, ăn chay dường như cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và kiểm soát bệnh tốt hơn ở những người đã mắc căn bệnh này. Cũng có bằng chứng cho thấy chế độ ăn chay còn có thể hỗ trợ giảm cân.
Chế độ ăn chay có để lại bất kỳ dấu hiệu nào trong các mô của cơ thể hay không?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Chính Xác Thì Những Lợi Thế Này Là Gì?
Các nhà khoa học đang dần khám phá ra cách thức mà chế độ ăn kiêng chú trọng thực vật có thể cải thiện sức khỏe. Rõ ràng là có nhiều yếu tố liên quan.
Một điểm khác biệt phổ biến nhất là những người ăn chay và thuần chay không ăn thịt đỏ hoặc các sản phẩm thịt đã qua chế biến, cả hai đều được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Ngoài việc kiêng thịt, những người theo chế độ ăn chú trọng thực vật đều có xu hướng tiêu thụ nhiều rau củ, trái cây và các loại hạt hơn. Khi số lượng thực phẩm thực vật này tăng lên, thì hàm lượng dinh dưỡng, chất xơ và các hợp chất có lợi khác cũng tăng theo.
Những người ăn chay và thuần chay thường có hàm lượng hợp chất có hoạt tính chống viêm và chống oxy hóa cao hơn trong cơ thể của họ, chẳng hạn như carotenoid và flavonoid. Theo nhóm nghiên cứu, những hợp chất này có thể bảo vệ chống lại tổn thương tế bào và các bệnh mãn tính.
Ngoài ra, những người ăn chay có nhiều khả năng sở hữu lượng lignans và isoflavone lớn hơn trong huyết thanh của họ, cả hai đều được các chuyên gia cho rằng có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim mạch và ung thư.
Có thể bạn quan tâm: Chế Độ Ăn Thuần Chay Có Lợi Gì Cho Sức Khỏe?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Đại học Loma Linda ở California đã nghiên cứu chi tiết những thay đổi về quá trình trao đổi chất mà chế độ ăn chay có thể mang lại. Phát hiện của họ hiện đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng.
Các nhà khoa học muốn xác định xem liệu chế độ ăn uống có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số của các dấu hiệu chống lại bệnh tật trong máu, nước tiểu và mô mỡ hay không. Để tìm hiểu, họ đã tuyển chọn ra 840 người tham gia từ 5 loại chế độ ăn uống như sau:
- Chế độ ăn thuần chay: Nói không với bất kỳ sản phẩm nào có chứa thành phần từ động vật
- Chế độ ăn chay Lacto-ovo: Ăn trứng và sữa nhiều hơn một lần mỗi tháng, nhưng kiêng thịt hoặc cá
- Chế độ ăn chay Pescatarian: Ăn cá một lần hoặc nhiều lần mỗi tháng, nhưng kiêng thịt
- Chế độ ăn chay bán phần: Ăn thịt nhiều hơn một lần mỗi tháng, nhưng ít hơn một lần mỗi tuần
- Chế độ không ăn chay: Những người ăn thịt ít nhất một lần mỗi tuần
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghiên Cứu Phân Tích Về Dấu Ấn Sinh Học
Các nhà khoa học đã phân tích huyết tương, nước tiểu và mô mỡ (chất béo) của từng người. Họ đã kiểm tra nhiều loại dấu ấn sinh học, bao gồm carotenoid, isoflavonoid, chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa, cũng như vitamin.
Đúng như dự đoán, nhóm ăn thuần chay có chỉ số dấu ấn sinh học ngăn ngừa bệnh tật cao nhất.
Ví dụ, những người ăn thuần chay có lượng carotenoid, isoflavone và enterolactone cao nhất, theo sau là những người ăn chay. Những người ăn thuần chay cũng có hàm lượng omega-3 cao nhất và axit béo thấp nhất.
“Việc nhận thức được rằng chế độ ăn chú trọng thực vật có liên quan đến chỉ số dấu ấn sinh học tốt hơn sẽ khuyến khích mọi người ngày càng quan tâm đến sức khỏe của họ, bằng cách áp dụng những phương pháp ăn kiêng nhằm tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh tật.”
— Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Triết học Fayth Miles
Ngoài ra, Miles còn nói rằng: “Kết quả của những người ăn chay bán phần trông rất giống với kết quả của những người không ăn chay, điều này khá là thú vị.”
Nghiên cứu này có sự góp mặt của rất nhiều người tham gia, điều này tạo nên độ tin cậy cho các kết luận của nó. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là các nhà khoa học chỉ thu thập mẫu mô của mỗi người một lần.
Ngoài ra, họ vẫn chưa biết các chỉ số này có thể thay đổi như thế nào để phản ứng với các yếu tố khác ngoài dinh dưỡng, chẳng hạn như tỷ lệ trao đổi chất và hệ vi sinh của từng người.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Phát hiện này là một tin tốt cho những người theo chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật, nhưng nghiên cứu này cũng sẽ mang lại giá trị cho các nhà khoa học. Hiện tại, họ phải phụ thuộc vào các báo cáo của mọi người về những gì họ ăn thông qua nhật ký thực phẩm. Điều này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Như các tác giả nghiên cứu đã giải thích: “Các phán đoán của những người tham gia về nhu cầu xã hội, khả năng ghi nhớ kém, thiết kế bảng câu hỏi và nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến vấn đề báo cáo thiếu hoặc quá mức.”
Tuy nhiên, nếu các nhà khoa học có thể tạo ra một phương pháp đáng tin cậy để đo lường chế độ ăn uống bằng cách sử dụng dấu ấn sinh học, nó có thể giúp họ xác nhận các phát hiện và tránh được một số vấn đề liên quan đến việc tự báo cáo.
Hiểu được dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào là một chủ đề nghiên cứu đầy thách thức, vì không có hai người nào lại áp dụng cùng một chế độ ăn. Hy vọng rằng, bằng cách hiểu rõ hơn về chỉ số dấu ấn sinh học liên quan đến các chế độ ăn kiêng khác nhau, có thể xác định chính xác hơn mối liên hệ giữa những thay đổi về chỉ số dấu ấn sinh học và sự gia tăng nguy cơ bệnh tật.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê