10 loại siêu thực phẩm giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi

0
(0)

Bổ sung một số loại thực phẩm có đặc tính ngừa ung thư phổi vào chế độ ăn uống hàng ngày đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Mặc dù cai thuốc lá mới chính là bước quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện, nhưng nó cũng có thể không phải là điều đầu tiên mà bạn nghĩ đến.

Mặt khác, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể góp phần hỗ trợ, vì vậy bạn nên làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu rủi ro.

Đầu tiên, hãy kết hợp những thực phẩm sau đây vào bữa ăn hàng ngày của bạn.

Bổ sung một số loại thực phẩm có đặc tính ngừa ung thư phổi vào chế độ ăn uống hàng ngày đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Top 10 Siêu Thực Phẩm Giúp Giảm Nguy Cơ Ung Thư Phổi

1. Táo

Flavonoid là một trong nhiều hợp chất có lợi được tìm thấy trong táo. Những dưỡng chất thực vật này (hóa chất thực vật) được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây và rau củ. Chúng là chất chống oxy hóa hiệu quả giúp giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Theo nghiên cứu, bạn càng tiêu thụ nhiều flavonoid thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi càng thấp.

Nguy cơ mắc ung thư phổi có thể giảm 10% nếu bạn tăng mức tiêu thụ flavonoid hàng ngày lên 20 miligam (mg) – gần bằng lượng được tìm thấy trong một hoặc hai quả táo, tùy thuộc vào kích cỡ.

Một số loại flavonoid có liên quan cụ thể đến việc giảm nguy cơ ung thư phổi, bao gồm quercetin và kaempferol. Tác dụng bảo vệ của những hóa chất này dường như là lớn nhất ở những người không bao giờ hút thuốc.

Vỏ táo (đặc biệt nếu là loại có màu sẫm) có hàm lượng flavonoid cao nhất, vì vậy hãy nhớ rửa sạch và ăn cả quả để có được lợi ích sức khỏe tối đa.

2. Tỏi

Kể từ thời Hippocrates (người đặt ra thuật ngữ “ung thư” vào thế kỷ IV TCN), tỏi đã được xem là một loại thảo mộc có đặc tính chữa bệnh vượt trội.

Từ lâu, người ta tin rằng nó có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư, nhưng mãi đến gần đây các chuyên gia mới tìm ra được lý do.

Tỏi có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và đại thực bào (loại tế bào bạch cầu quan trọng đối với khả năng miễn dịch).

Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người tiêu thụ tỏi sống hai lần trở lên mỗi tuần sẽ giảm 44% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Ăn tỏi sống dường như là cách tốt nhất để tận dụng khả năng bảo vệ của nó, vì các hợp chất có lợi của nó sẽ bị giảm đáng kể khi tỏi được chế biến hoặc ngâm chua.

Mẹo: Khi dùng tỏi trong món ăn, bạn hãy băm nhỏ và để yên trong 10 phút trước khi cho vào chảo. Điều này thúc đẩy các quá trình hóa học giúp tăng cường đặc tính chống ung thư của tỏi.

3. Hành Tây

Giống như tỏi, hành tây từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian và hiện đang được các nhà khoa học nghiên cứu rộng rãi về đặc tính chống oxy hóa và khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Tiêu thụ nhiều hành tây đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Hành tây là một loại thực phẩm khác có chứa chất quercetin flavonoid chống ung thư.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khai thác sức mạnh này bằng cách tạo ra chiết xuất hành tây, có thể dễ dàng mang lại lợi ích lớn cho hành tây. Trong khi đó, bạn có thể tận dụng đặc tính chống ung thư này bằng cách thêm hành tây vào bữa ăn hàng ngày.

photo 1585849834908 3481231155e8 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

4. Bông Cải Xanh

Các loại rau họ cải, bao gồm cả bông cải xanh, có chứa các hợp chất hóa học gọi là glucosinate có tác dụng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi bằng cách trung hòa độc tính của các chất gây ung thư trong môi trường.

Rau họ cải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi từ 32% đến 55% ở những người hút thuốc (nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất), tùy thuộc vào lượng tiêu thụ hằng ngày.

Có rất nhiều loại rau họ cải khác để thử nếu bông cải xanh không phải là món bạn thích:

  • Súp lơ
  • Củ cải đỏ
  • Cải rocket
  • Cải thìa
  • Cải rổ
  • Cải xoăn
  • Cải xoong
  • Củ cải ngựa
  • Bắp cải Brussels
  • Bắp cải
  • Củ cải Thụy Điển
  • Mù tạt
  • Củ cải trắng

Có thể bạn quan tâm: Một chất hóa học được tìm thấy trong rau họ cải có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi

5. Ớt Đỏ

Capsaicin, một chất phytochemical có trong ớt chuông đỏ và ớt đỏ, góp phần tạo nên vị cay cho những loại gia vị này.

Nghiên cứu cho thấy capsaicin có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của bệnh ung thư phổi trên loài chuột Thụy Sĩ sau khi chúng tiếp xúc với chất gây ung thư.

Capsaicin có thể làm được điều này bằng cách tạo ra apoptosis, một quá trình giúp loại bỏ các tế bào bất thường trước khi chúng có thể sinh sôi nảy nở và tiến triển thành khối u.

Mặc dù các kết quả nghiên cứu trên động vật không thể áp dụng trực tiếp cho con người, nhưng ớt chuông đỏ và ớt đỏ là một cách hay để bạn có thể tự bảo vệ sức khỏe cũng như mang lại hương vị tuyệt vời, một chút gia vị và một chút màu sắc cho bữa ăn hằng ngày.

6. Trà Xanh

Epigallocatechin gallate (EGCG), một chất chống oxy hóa mạnh có trong trà xanh, đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ đáng kể chống lại bệnh ung thư. Tuy nhiên, lợi ích tiềm năng này có thể không chỉ giới hạn ở bệnh nhân ung thư phổi.

Trong một nghiên cứu trên gần 100.000 người, trà xanh không chỉ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi mà còn cả bệnh ung thư nói chung.

Lưu ý: Những hợp chất có lợi của trà xanh có thể được hấp thụ tốt hơn khi có thêm một chút chanh, nhưng chúng có thể bị mất tác dụng nếu bạn thêm sữa (hoặc các sản phẩm từ sữa khác).

sencha 7807228 1920 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

7. Cải Bó Xôi

Cải bó xôi và nhiều loại rau xanh khác rất giàu vitamin C, carotenoids, lutein, axit folic, vitamin A và vitamin K. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ những loại siêu thực phẩm này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Điều này đặc biệt đáng chú ý ở những người hút thuốc, vốn là nhóm đối tượng có nguy cơ đột biến tế bào cao hơn dẫn đến ung thư phổi; tuy nhiên, dường như họ lại được bảo vệ khỏi vấn đề này sau khi tiêu thụ nhiều cải bó xôi và các loại rau tương tự.

Cải bó xôi cũng rất giàu chất dinh dưỡng lutein. Lutein thường liên quan đến khả năng bảo vệ sức khỏe thị lực, nhưng nó cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp bảo vệ tế bào khỏi những chất gây ung thư do môi trường tạo ra.

Lưu ý: Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư phổi thực sự có thể tăng lên thay vì giảm xuống ở những người cố gắng bổ sung lutein bằng thực phẩm chức năng.

8. Mầm Lúa Mì

Theo nghiên cứu lâm sàng bao gồm hơn 72.000 phụ nữ Trung Quốc không hút thuốc, những người có chế độ ăn giàu vitamin E (alpha-tocopherol) có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn 47%, dù họ thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà và nơi làm việc.

Nghiên cứu này cũng cho thấy bổ sung vitamin E bằng thực phẩm chức năng không mang lại tác dụng bảo vệ tương tự. Trên thực tế, cách này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Mầm lúa mì là một trong những nguồn cung cấp vitamin E (alpha-tocopherol) cao nhất mà bạn có thể lựa chọn. Ngoài ra, vẫn còn những loại khác bao gồm hạt hướng dương và hạnh nhân.

rawImage | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

9. Bí Đỏ

Chất chống oxy hóa beta-cryptoxanthin có trong bí đỏ đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi. Bí đỏ là một trong những thực phẩm được cho là có thể làm giảm từ 15% đến 40% nguy cơ mắc bệnh.

Một chế độ ăn chú trọng thực phẩm giàu beta-cryptoxanthin dường như rất hiệu quả đối với những người hút thuốc; tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu về lợi ích này vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp của vitamin E, những người cố gắng bổ sung chất này thông qua thực phẩm chức năng thực sự có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Beta-cryptoxanthin cũng có thể được tìm thấy trong quýt, quả hồng và nhiều loại gia vị khác như ớt cayenne, ớt paprika và bột ớt.

10. Gia Vị

Ngoài thực phẩm nguyên chất, gia vị cũng rất quan trọng đối với chế độ ăn phòng ngừa ung thư. Nghệ, một loại gia vị phổ biến ở Trung Đông, đã nhiều lần được đánh giá cao nhờ có khả năng ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.

Người ta phát hiện ra rằng các loại gia vị như hương thảo có một số lợi ích cho sức khỏe và có liên quan nghịch với nguy cơ phát triển ung thư phổi. Chất chiết xuất từ ​​các loại gia vị này đã được nghiên cứu về khả năng cải thiện chức năng phổi.

Carnisol, một chất hóa học được tìm thấy trong lá hương thảo và một số loại gia vị Địa Trung Hải khác như lá xô thơm và lá oregano, có tác dụng tấn công vào những tế bào bất thường có khả năng tiến triển thành tế bào ung thư.

Bằng cách đưa chúng vào chế độ ăn uống của bạn một cách thường xuyên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

pexels pixabay 256318 768x1024 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Không bao giờ là quá muộn để áp dụng những thông tin này vào thực tế, ngay cả khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Vì nguy cơ tái phát ung thư phổi là khá cao nên điều quan trọng mà bạn cần cân nhắc đó là liệu thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ tái phát, hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh hay không.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về chế độ ăn uống cụ thể giúp phòng tránh ung thư phổi.

Mặc dù các nghiên cứu ủng hộ nhiều đề xuất này vẫn đang được tiến hành, nhưng thông tin được cung cấp ở đây sẽ là nền tảng vững chắc để bạn kiểm soát sức khỏe của mình cũng như ngăn ngừa căn bệnh này.


Bài viết được dịch từ www.verywellhealth.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.